Kỳ chuyển nhượng hè 2021 của Chelsea: Thành công, dù bán nhiều hơn mua

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Hai 06/09/2021 19:00(GMT+7)

Zalo

Chelsea đã kết thúc kỳ chuyển nhượng mùa hè năm nay dù chỉ có 3 tân binh gia nhập trong khi nhiều cầu thủ đã chia tay. Song, nhìn một cách tổng thể, đó vẫn là kỳ chuyển nhượng thành công của đội bóng chủ sân Stamford Bridge.

Chelsea
 
Có một thực tế đáng ngạc nhiên: Chelsea, một đội bóng nổi tiếng với những lần chi đậm trên thị trường chuyển nhượng (TTCN), lại có một kỳ chuyển nhượng đạt lợi nhuận lớn nhất ở Premier League khi thu về 44,2 triệu euro. Bất ngờ hơn nữa, họ đã phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của mình hè này khi chiêu mộ Romelu Lukaku với giá 115 triệu euro.
 
Hãy cùng nhìn lại kỳ chuyển nhượng vừa qua của Chelsea, để thấy cách Marina Granovskaia, Giám đốc Điều hành (GĐĐH) của đội bóng, xoay xở tài tình thế nào khi giúp đội bóng phía Tây London vừa có những sự bổ sung chất lượng mà vẫn thu về lợi nhuận khủng.
 

ĐỔ BỂ THƯƠNG VỤ JULES KOUNDÉ

 
Chelsea theo đuổi Koundé khi còn cách hạn chót hơn một tháng. Nhưng dù đã có những tiến triển, Chelsea lại để hụt tài năng trẻ này vào phút chót. Hãy điểm qua các mốc thời gian của thương vụ này:
 
27/7: Chelsea chính thức nói chuyện với Sevilla về trường hợp của Koundé, các bên đã đạt thỏa thuận cá nhân. Chelsea trả 30 triệu euro cộng thêm Kurt Zouma là một phương án được tính tới.
 
7/8: Sevilla bắt đầu tính đến các phương án thay thế (Özan Kabak). Chelsea khi đó đang tập trung mua cho xong Lukaku nên thương vụ bị đình trệ.
 
11/8: Giám đốc Thể thao (GĐTT) Monchi của Sevilla nói: "Chưa đội nào đưa ra lời đề nghị chính thức cho Koundé".
 
22/8: Chelsea chuẩn bị ra giá lần thứ hai cho Koundé.
 
24/8: Phương án Zouma cộng tiền bị loại bỏ. Chelsea lúc này muốn bán Zouma cho West Ham trước rồi mới ra giá tiếp cho Koundé.
 
25/8: Chelsea bán xong Zouma, lúc này họ ra giá lần cuối cho Koundé. Sevilla bắt đầu liên lạc với Lille về Sven Botman.
 
27/8: Chủ tịch Sevilla, ông José Castro Carmona, bắt đầu mất kiên nhẫn: "Chưa có gì xong tầm này cả".
 
28/8: Chelsea đưa ra lời đề nghị 50 triệu euro.

Jules Kounde
Chelsea theo đuổi Jules Koundé trong mùa hè vừa qua để tăng cường chiều sâu hàng phòng ngự. Ảnh: Getty Images
 
31/8: Monchi tổ chức họp báo, đề cập đến hạn cuối để ra giá cho Koundé là ngày 20/8, trong khi Chelsea đưa ra lời đề nghị vào ngày 25/8. Phá vỡ hợp đồng là cách duy nhất để Chelsea có được Koundé khi đó, và con số rơi vào khoảng 75 – 80 triệu euro. Thương vụ Koundé chính thức đổ bể.
 
Đây là thương vụ khó trách cả hai bên. Phía Chelsea muốn chắc cú, tức là phải bán xong Zouma để có chỗ cũng như tiền để mua Koundé, trong khi phía Sevilla muốn xong sớm để mua người thế chỗ Koundé. Vị trí trung vệ của Sevilla khá mỏng sau khi để Sergi Gómez sang Espanyol. Những người họ ngắm mua đều không có được (Özan Kabak đến Norwich, Botman ở lại Lille) nên GĐTT Monchi quyết định làm căng vào phút chót.
 

CHIÊU MỘ SAÚL ÑÍGUEZ VÀO PHÚT CHÓT

 
Chelsea theo dõi trường hợp của Saúl Ñíguez còn sớm hơn cả Jules Koundé, nhưng phải đến ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, họ mới chính thức chiêu mộ thành công cầu thủ này.
 
4/6: Chelsea bắt đầu để ý đến Saúl, khi biết tin cầu thủ người Tây Ban Nha có thể rời Atlético Madrid.
 
19/7: Phương án đổi Antoine Griezmann – Saúl giữa Barcelona và Atlético đổ bể do phía Barca muốn có thêm tiền và Griezmann không muốn giảm lương. Chelsea vẫn theo dõi kĩ lưỡng trường hợp của Saúl.
 
24/8: Chelsea xác định sẽ mua thêm tiền vệ và lời đề nghị chính thức được đưa ra: mượn kèm theo lựa chọn mua đứt vào cuối mùa.
 
10 tiếng trước hạn cuối: Rất nhiều nguồn tin cho biết thương vụ Saúl đã bị hủy do phía Atlético muốn Chelsea mượn không trả phí thì phải mua đứt, còn nếu trả 5 triệu euro thì sẽ chuyển thành tùy chọn mua đứt. Phía Chelsea thì vừa muốn mượn không mất phí vừa không muốn buộc phải mua đứt. 
 
6 tiếng trước hạn cuối: Hai bên thương lượng lại với nhau do phía Chelsea hỏng vụ Koundé, còn Atlético Madrid muốn chiêu mộ lại Griezmann.
 
3 tiếng trước hạn cuối: Chelsea đồng ý trả 5 triệu euro để mượn kèm điều khoản lựa chọn mua đứt 40 triệu euro vào cuối mùa giải. Atlético cũng mượn thành công Griezmann với điều khoản bắt buộc mua đứt trị giá 40 triệu euro vào cuối mùa.

Saul Niguez
Saúl gia nhập Chelsea trong những giờ cuối cùng của thị trường chuyển nhượng mùa hè vừa qua. Ảnh: Chelsea FC
 
Về cơ bản, Chelsea tỏ ra lưỡng lự thương vụ này là bởi dù Saúl là một cầu thủ đẳng cấp nhưng đã mất phong độ trong khoảng 18 tháng trở lại. Khả năng bắt buộc mua đứt gần như bị loại bỏ để tránh rủi ro.
 
Lương của Saúl rất cao, rơi vào khoảng hơn 200.000 bảng/tuần (chỉ kém mỗi Oblak ở Atlético) nên Chelsea cũng khá rụt rè với việc trả phí mượn ban đầu. Đội bóng nước Anh chỉ thực sự đẩy nhanh thương vụ này khi cảm thấy có trục trặc ở thương vụ Koundé và khi N'Golo Kanté (lại) chấn thương.
 

CÁC BẢN HỢP ĐỒNG CHO MƯỢN VÀ BÁN

 
Nhìn chung những cầu thủ có tiềm năng lớn đều được cho đi “du học“ sớm để có bến đỗ hợp lý cũng như sớm ổn định, tăng khả năng đá chính ở đội bóng mới. Billy Gilmour (sang Norwich City), Conor Gallagher (Crystal Palace) và Armando Broja (Southampton) là những ví dụ cụ thể.
 
Những cầu thủ thuộc dạng “hàng thải” từ nhiệm kỳ thứ hai của José Mourinho và Antonio Conte cũng được sắp xếp cho đi khá nhanh chóng: Tiemoue Bakayoko (AC Milan), Danny Drinkwater, Baba Rahman (Reading), Emerson (Lyon), Michy Batshuayi (Besiktas) hay Matt Miazga (Alaves).

Billy Gilmour
Những tài năng trẻ như Billy Gilmour đã sớm được cho đi "du học" để tăng thêm kinh nghiệm thi đấu. Ảnh: Getty Images
 
Một số trường hợp bị cho mượn khá trễ và điểm đến không thực sự tốt (Ethan Ampadu đến Venezia, một đội bóng yếu ở Italy; Serie A cũng là giải đấu xa lạ với những cầu thủ đến từ Vương quốc Anh). Một số cầu thủ chưa tìm được đầu ra: Ross Barkley, Malang Sarr, Loftus-Cheek, Lewis Baker và Charly Musonda (TTCN ở một số nước khác vẫn mở, ví dụ như giải vô địch quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hay Bồ Đào Nha).
 
Ở chiều bán, Chelsea bán được một số cầu thủ không còn hữu ích: Davide Zappacosta (Atalanta), Victor Moses (Lokomotiv Moscow), Olivier Giroud (AC Milan). Ngoài ra họ cũng thu về số tiền lớn nhờ việc bán đi một số cầu thủ trẻ tiềm năng, như Tammy Abraham (40 triệu euro, đến AS Roma), Fikayo Tomori (29,1 triệu euro, AC Milan), Marc Guehi (21 triệu euro, Crystal Palace), Tino Livramento (5,83 triệu euro, Southampton) hay Lewis Bate (1,75 triệu euro, Leeds).
 

KẾT LUẬN: KỲ CHUYỂN NHƯỢNG THÀNH CÔNG CỦA CHELSEA

 
Chelsea chỉ bổ sung đúng ba vị trí và nó đều “gãi đúng chỗ ngứa”: một tiền đạo đẳng cấp (Romelu Lukaku), một tiền vệ sao số để xoay vòng (Saúl Ñíguez) và một thủ môn số ba là “homegrown” để thay thế Willy Caballero (Marcus Bettinelli).
 
Ở chiều bán, Chelsea đã tỏ ra khôn ngoan hơn, khi cài điều khoản mua lại vào những cầu thủ trẻ họ bán nhưng tin rằng sẽ phát triển hơn trong tương lai như Abraham (80 triệu euro vào năm 2023), Livramento (29,1 triệu euro) hay Tino Anjorin (nếu Lokomotiv mua đứt sẽ có điều khoản mua lại trị giá 19,8 triệu euro).
 
GĐĐH Marina Granovskaia vẫn rất biết cách kiếm tiền từ những người bị xem là hàng thừa, ví dụ như gia hạn với Bakayoko thêm hai năm nữa rồi cho Milan mượn hai năm với lựa chọn mua đứt, hay gia hạn với Batshuayi thêm 2 năm rồi cho Besiktas mượn một năm. Để so sánh, Tottenham Hotspur chỉ kiếm vỏn vẹn 8,1 triệu euro cho những Toby Alderweireld, Danny Rose, Serge Aurier và Moussa Sissoko; trong đó Aurier là Tottenham hủy hợp đồng dù còn thời hạn một năm, bởi lương của Aurier quá cao và họ đang thừa hậu vệ cánh sau khi đưa Emerson Royal về.
 
Chelsea đã thu về tới 164,2 triệu euro từ việc bán và cho mượn, giúp họ thoải mái trong việc chi 120 triệu euro để mua cầu thủ. Và cho dù bán nhiều hơn mua, chiều sâu đội hình của Chelsea thời điểm hiện tại là cực kì đáng sợ với mỗi vị trí luôn có hai cầu thủ và sẵn sàng chiến đấu ở mọi đấu trường mùa này. Marina Granovskaia tiếp tục chứng tỏ mình là một trong những GĐĐH tài năng nhất ở làng túc cầu thời điểm hiện tại.
 
Tú Nguyễn
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow