Chelsea và chiến lược chuyển nhượng lạ lẫm nhất từ trước đến nay

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Bảy 09/07/2022 15:31(GMT+7)

Những hâm mộ Chelsea đang ngày càng tỏ ra thất vọng, trong bối cảnh đội bóng vẫn chưa có bản hợp đồng mới nào trong kì chuyển nhượng mùa hè này. Tuy nhiên, ít người chú ý đến những thay đổi sâu rộng ở Stamford Bridge trong 6 tuần qua, khiến quá trình bổ sung đội hình của Thomas Tuchel tỏ ra chậm chạp.


 

Todd Boehly và Clearlake Capital chính thức hoàn tất việc mua lại Chelsea vào ngày 30/5, ba tuần sau khi thỏa thuận về việc Erling Haaland chuyển đến Manchester City được hoàn tất. Gần hai tuần sau khi Liverpool đồng ý các điều khoản cá nhân với Darwin Nunez của Benfica hôm 9/6, Chelsea mới xác nhận sự ra đi của Marina Granovskaia, GĐĐH của đội bóng trong suốt nửa sau kỷ nguyên Roman Abramovich.

Công tác chuyển nhượng trong bóng đá là những nỗ lực không ngừng nghỉ. Các đội bóng lớn dành hàng tháng, thậm chí hàng năm để điều chỉnh chiến lược chuyển nhượng, cũng như tìm ra các mục tiêu chính của họ. 

Không phải lúc nào công việc này cũng đem lại kết quả. Bối cảnh của thị trường liên tục thay đổi, với các mục tiêu cũ có thể bị xếp xó một khi những nhân tố mới bất ngờ xuất hiện. Nhưng quá trình này vẫn luôn cần thiết để giúp đội bóng đạt lợi thế nhất định trước các đối thủ, đồng thời hoàn thành thương vụ trong thời gian sớm nhất.

Việc thay đổi chủ sở hữu khiến Chelsea không có cơ hội để chủ động trong các quyết định ở kỳ chuyển nhượng này như Man City và Liverpool đang làm. Họ luôn phải chơi trò đuổi bắt; đó là lý do những người đại diện và các cá nhân thân cận với đội bóng rất mong Granovskaia ở lại để điều hành nốt kì chuyển nhượng này, ngay cả khi cựu GĐĐH người Nga không tham gia vào kế hoạch dài hạn của chủ sở hữu mới.

Thế nhưng, có cảm giác Granovskaia đang bị cho “ra rìa”. Chính Boehly tự mình trực điện thoại và thảo luận trực tiếp với những người đại diện và GĐĐH của các đội bóng khác. Sự thay đổi đó chính thức đi vào hoạt động, với thông cáo của Chelsea hôm 22/6 rằng ông chủ người Mỹ “sẽ làm việc với tư cách là GĐTT tạm thời cho đến khi CLB tìm ra người thay thế”. Họ nói thêm rằng Granovskaia đã đồng ý ở lại đến khi kỳ chuyển nhượng khép lại, nhưng chưa chắc bà sẽ được hỏi ý kiến.

Chủ sở hữu Boehly giờ đảm nhiệm cả công việc đàm phán chuyển nhượng ở Chelsea, điều không một đội bóng mạnh nào ở châu Âu làm. Mặc dù có nhiều kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực đàm phán kinh doanh, ông vẫn là cậu bé học việc ở TTCN bóng đá. Kinh nghiệm ít ỏi của Boehly sẽ trở thành miếng mồi ngon để những người đại diện và GĐĐH khai thác, điều chưa chắc họ dám làm nếu người thương thảo là Granovskaia.

Trong bối cảnh đó, cuộc gặp giữa Boehly và Jorge Mendes ở Bồ Đào Nha để thảo luận về tương lai của Cristiano Ronaldo vừa dấy lên sự phấn khích cũng như những lo ngại. Suy cho cùng, với một cái tên được cả thế giới công nhận nhưng đã 37 tuổi và đang nhận mức lương khổng lồ, người dù có phong độ không tồi nhưng lại không thể giúp hai đội bóng anh khoác áo gần nhất chơi tốt lên, việc ký hợp đồng với Ronaldo sẽ thu hút Boehly hơn là Tuchel.


 

Lý do cho sự can thiệp trực tiếp của Boehly là bởi cho dù đó không phải là giải pháp hoàn hảo hoặc lâu dài, ít nhất nó cũng giúp đội bóng ra quyết định phù hợp hơn, dễ dàng điều chỉnh theo đúng ý chủ mới hơn. Ví dụ, đã có những tin đồn cho rằng Granovskaia và cố vấn kỹ thuật và hiệu suất thi đấu Petr Cech (người cũng ra đi không lâu sau đó) tỏ ra khá dè dặt trong việc đưa Romelu Lukaku trở lại Inter Milan dưới dạng cho mượn.

Mọi thứ không diễn ra theo cách này tại Los Angeles Dodgers, đội bóng được Guggenheim Baseball Management mua lại với giá 1,78 tỷ bảng Anh vào tháng 5/2012. Hai đội bóng này khác nhau ngay từ cách sở hữu: Đồng sở hữu Chelsea, Mark Walter là chủ sở hữu của Dodgers, trong khi đó Boehly là đồng chủ sở hữu và là người đại diện để cùng tập đoàn đến từ Mỹ Clearlake Capital quản lý Chelsea. 

Triết lý của Guggenheim từ ngày đầu với Dodgers là trao quyền cho những tài năng sáng giá nhất ở tất cả các phòng ban, đồng thời hỗ trợ họ bằng cách chi tiêu mạnh mẽ một cách bền vững. Năm 2014, họ đã bổ nhiệm Andrew Friedman, một trong những GĐĐH được đánh giá cao nhất trong môn thể thao này từ Tampa Bay Rays làm Chủ tịch chiến lược kinh doanh. Công lao của Friedman được ghi nhận rộng rãi với chuỗi thành công bền vững của đội - đánh dấu bằng chiến thắng World Series trong năm 2020, cũng như trở thành thương hiệu đặc quyền kiểu mẫu sau 8 năm.

Đến đây, có vẻ như Boehly muốn đi theo con đường tương tự Dodgers. Thuyết phục một GĐTT hàng đầu ngồi vào chiếc ghế nóng ở giữa kỳ chuyển nhượng là viễn cảnh khó xảy ra. Tuy nhiên, một khi đã mời, sẽ phải là một trong những người giỏi nhất.

Trong khi đó, Chelsea vẫn sẽ dựa vào mạng lưới tuyển trạch rộng khắp của họ, được quản lý bởi người đứng đầu bộ phận tuyển trạch quốc tế lâu năm Scott McLachlan. Tuy nhiên, Tuchel đang được tham gia tích cực vào những cuộc trò chuyện giữa Boehly và Clearlake về các mục tiêu chuyển nhượng mùa hè của CLB, ở mức độ mà ít HLV có được trong 19 năm Abramovich sở hữu đội bóng.

Đây là lần đầu tiên Tuchel có cơ hội được nhào nặn lại đội bóng của mình theo ý muốn. Quyết định gắn bó với sơ đồ 3-4-2-1 trong 18 tháng đầu tiên tại Stamford Bridge của chiến lược gia người Đức là một quyết định thực dụng, được đưa ra để phù hợp với tố chất của các cầu thủ, đặc biệt là tối ưu hóa khả năng của Thiago Silva và Jorginho, đồng thời hạn chế tối đa những điểm yếu về mặt thể chất của họ.

Giờ đây, đang có những dấu hiệu cho thấy Tuchel đang tìm kiếm những bản hợp đồng mới để chuyển sang một sơ đồ khác. Cụ thể hơn, ông đang muốn Chelsea chơi với sơ đồ 4 hậu vệ.

Sự thay đổi đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho những tiền đạo chạy cánh thực thụ. Việc Chelsea theo đuổi Raphinha xuất phát trực tiếp từ mong muốn có được một cầu thủ chạy cánh năng nổ của Tuchel. Thậm chí có khả năng sơ đồ 4-4-2 sẽ được sử dụng, một khi Boehly hoàn tất hợp đồng với Raheem Sterling từ Man City.


 

Mặc dù vậy, Tuchel hay bất kỳ HLV nào đều không phải là chuyên gia tuyển trạch. Tuchel đã làm việc dưới quyền các GĐTT trong toàn bộ sự nghiệp huấn luyện của mình, ngay cả khi ông mong muốn có ảnh hưởng lớn hơn đến các phi vụ chuyển nhượng. 

Mối quan hệ đổ vỡ giữa Tuchel với Sven Mislintat tại Borussia Dortmund liên quan đến sự khác biệt về quan điểm, sau khi yêu cầu chiêu mộ tiền vệ của Atletico Madrid, Oliver Torres của Tuchel bị gạt bỏ. Trong khi đó, xung đột giữa ông và Leonardo tại PSG xảy ra, sau khi GĐTT người Brazil “dí” vào tay ông tiền vệ Danilo Pereira để đá… trung vệ, thay vì một trung vệ thực thụ như ông yêu cầu. 

Nhưng bất kỳ người hâm mộ nào lo ngại về việc Boehly sẽ chỉ nhận chỉ dẫn của Tuchel về các mục tiêu chuyển nhượng có thể yên tâm, khi biết rằng những mục tiêu được quan tâm không dựa trên những đánh giá hoàn toàn chủ quan. Tuchel đang sử dụng dữ liệu từ một công ty phân tích mà ông đã dùng từ những ngày còn ở Dortmund để đưa ra những lời khuyên. Raphinha được nhắm tới, sau khi các chỉ số sáng tạo của cầu thủ này tỏ ra nổi bật so với các cầu thủ dưới 25 tuổi trở xuống khác.

Dữ liệu cũng là trọng tâm trong kế hoạch dài hạn của Boehly và Clearlake. Chelsea đã đăng quảng cáo tuyển dụng để tìm một nhà khoa học dữ liệu chính. Những ông chủ sở hữu mới cũng đang có ý định thành lập một đội phân tích dữ liệu từ 6-8 người.

Boehly và Clearlake đang làm những gì họ cảm thấy cần phải làm ngay bây giờ để thực hiện cuộc đại phẫu đội hình, trong bối cảnh thời gian đang chống lại họ. Tuchel đã, đang và sẽ có vai trò lớn hơn trong các kì chuyển nhượng sắp tới. 

Sẽ là khôn ngoan nếu người hâm mộ ghi nhớ điều đó ngay bây giờ, trước khi đánh giá bất kỳ hoạt động chuyển nhượng nào được đội bóng thực hiện trong mùa hè này.

Lược dịch bài viết “Chelsea’s transfer strategy: Tuchel’s influence, hands-on Boehly and data-led” của Liam Twomey (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.