Chelsea đã thay đổi chóng mặt thế nào sau khi đổi chủ?

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 18/08/2024 09:38(GMT+7)

Từ đội hình thi đấu, băng ghế huấn luyện cho đến những nhân viên làm việc tại sân Stamford Bridge, rất nhiều điều đã thay đổi trong hai năm dưới thời chủ sở hữu mới tại Chelsea.

 

Sự ra đi tới đây của Conor Gallagher và Trevoh Chalobah là những ví dụ mới nhất từ thế hệ cầu thủ trưởng thành từ học viện dưới thời Roman Abramovich. Hơn 40 cầu thủ đã rời đội một kể từ sau cuộc chuyển giao quyền lực vào tháng 5/2022 (chưa tính những cầu thủ được cho mượn).

Chưa dừng lại ở đó, tham vọng của những ông chủ mới với mong muốn gặt hái những thành công trên sân cỏ như những gì Chelsea đạt được trong hai thập kỷ trước là nguyên nhân khiến đội bóng này trải qua cuộc thay máu triệt để.

Từ các HLV, trợ lý cho đến bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu, nhân viên phục vụ ở Cobham và cả những người làm việc ở Stamford Bridge thuộc các bộ phận thương mại, tài chính và truyền thông - tất cả đều đồng ý rằng Chelsea giờ rất khác biệt. Thậm chí, người ta có thể dễ liệt kê những người ở lại hơn là những ai đã rời đi.

Từ các nhân viên chăm sóc sân bãi đến chuyên viên massage, từ giám đốc marketing đến quản lý học viện, thậm chí cả các chuyên viên quản trị nhân sự - những người từng làm việc dưới triều đại Abramovich đều đã bị thay thế. Về mặt đội hình, Chelsea đã có 4 HLV (cộng thêm một HLV tạm quyền) và rất nhiều cầu thủ, gồm cả những tài năng trưởng thành từ học viện như Gallagher, Chalobah và Armando Broja - tất cả đều đang trên bờ vực ra đi sau nhiều năm gắn bó với CLB.

Mỗi câu chuyện ra đi đều khác nhau và không phải tất cả các chi tiết đều đã được tiết lộ đầy đủ. Neil Bath, trụ cột của học viện Chelsea trong nhiều năm, người đã gắn bó với đội bóng từ trước khi Abramovich đến đã rời khỏi vai trò của mình tại Cobham tháng trước. Sự ra đi của ông có liên quan đến người bạn thân Jimmy Fraser, người cũng rời khỏi vai trò là người kế nhiệm Bath với tư cách là giám đốc học viện.

Ở phía thượng tầng, có những người mới được đưa về từ khi Chelsea đổi chủ vào tháng 5/2022 nhưng cũng nhanh chóng ra đi, chẳng hạn như GĐKT Christopher Vivell và chủ tịch kinh doanh Tom Glick.

Todd Boehly

“Chelsea đang chạy đua để bắt kịp”

Vậy điều gì đang xảy ra? Mấu chốt của câu chuyện nằm ở tập đoàn sở hữu mới, đặc biệt là Behdad Eghbali - tỷ phú đầu tư cổ phần tư nhân từ California, người kiểm soát quỹ Clearlake Capital và nắm giữ 62% cổ phần của Chelsea. Eghbali và đối tác tại Clearlake, Jose E Feliciano sẽ chia sẻ một nửa quyền quyết định với Todd Boehly, một nhà đầu tư Mỹ khác. Mọi quyết định đều cần đến chữ ký của họ. Nhưng những người trong nội bộ đội bóng đều đồng ý rằng, chính Eghbali mới là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Chelsea.

Theo quan điểm của Eghbali, Chelsea đang “chạy đua để bắt kịp” và không thể tránh khỏi những sự hy sinh. Abramovich thường xuyên sa thải HLV, nhưng ông ít khi thay đổi thành phần nội các của Chelsea. Trong số những người thân cận nhất với Abramovich, Marina Granovskaia, cựu trợ lý cá nhân của ông trở thành nhân vật quyền lực hàng đầu. Luật sư lâu năm của Abramovich tại New York, Bruce Buck giữ chức chủ tịch. Ngoài ra, còn có những nhân viên Chelsea đã gắn bó với đội bóng suốt nhiều thập kỷ.

Quan điểm của Eghbali về đội bóng cũ được cho là không mấy tích cực. Ông cho rằng Chelsea được điều hành giống như một doanh nghiệp gia đình, đến mức có những bộ phận mà nhiều thế hệ trong cùng một gia đình đều được tuyển dụng. Hiện tại, điều đó không còn nữa, khi làn gió thay đổi đang thổi qua CLB.

Với những người từng làm việc tại Chelsea, tốc độ thay đổi hiện tại đơn giản là quá choáng mặt. Một số người cho rằng các ông chủ sở hữu mới dễ bị cuốn vào những “món đồ mới mẻ, hào nhoáng”, dù đó là cầu thủ hay các GĐĐH từ các đối thủ. Họ cũng chỉ ra rằng, với nguồn tiền được rót xuống dồi dào từ quỹ đầu tư tư nhân nhằm biến Chelsea thành một doanh nghiệp theo đúng lý tưởng của họ - cần nhớ rằng trước kia Chelsea từng giành được rất nhiều danh hiệu.

Chắc chắn Eghbali sẽ không thay đổi cách làm hiện tại. Những người không phù hợp sẽ nhanh chóng bị đào thải. Ông thường nói với những người xung quanh rằng, thà thừa nhận mình đã mắc sai lầm và thay đổi còn hơn là cố gắng níu kéo những gì không còn phù hợp.

Đối với Vivell, người hiện đang làm việc tại Manchester United, 7 tháng gắn bó với Chelsea sau khi rời RB Leipzig rõ ràng là chưa đủ. Glick, người từng gia nhập từ Manchester City vào tháng 6/2022 đã rời đi vào tháng 11 năm sau. Mùa hè đầu tiên dưới triều đại mới, khi Boehly tạm thời đảm nhiệm vai trò GĐTT đã không mang lại kết quả như mong đợi. Trung vệ Kalidou Koulibaly chỉ trụ lại một năm trước khi được chuyển tới Saudi Arabia. Giờ đây, Chelsea cũng đang lắng nghe các lời đề nghị dành cho Raheem Sterling và Noni Madueke.

Kalidou Koulibaly

Tiếp đến là băng ghế huấn luyện, với Thomas Tuchel, Graham Potter, quãng thời gian tạm quyền kém may mắn của Frank Lampard và mùa giải duy nhất của Mauricio Pochettino. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi, đó là hai đồng GĐTT Paul Winstanley và Laurence Stewart, những người đã được mở rộng vai trò kể từ khi được bổ nhiệm vào cuối năm 2022. Cả hai đều nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ Eghbali, dù bên ngoài nội bộ Chelsea vẫn xuất hiện những ý kiến trái chiều về họ.

Không dành bất cứ tình cảm nào cho triều đại trước

Giữa triều đại Eghbali - Boehly và triều đại trước đó không còn bất kỳ sự gắn kết nào. Điều này bắt đầu từ việc Chelsea chủ động báo cáo các vấn đề tài chính dưới thời Abramovich - hiện đang bị Premier League điều tra và từng là chủ đề của một thỏa thuận với UEFA.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Các ông chủ sở hữu mới nhìn thấy sai sót ở khắp nơi trong CLB mà họ tiếp quản. Từ những thiếu sót về doanh thu kỹ thuật số và bản quyền, cho đến việc tại sao các cầu thủ từ học viện Chelsea cần trải qua vô số lần cho mượn để sẵn sàng cho đội một, trong khi các tài năng trẻ của Manchester City lại có thể ngay lập tức ra mắt Premier League.

Dù thế nào, Chelsea cũng đã trải qua 4 nhà cầm quân, một mùa giải Premier League thảm hại với vị trí thứ 12 và vị trí thứ 6 ở mùa trước. Các nhân vật chủ chốt tại Chelsea cho biết bộ đôi Eghbali - Boehly đã học hỏi từ những sai lầm. Nhưng trong khi một đội bóng cũng gặp nhiều khó khăn là Manchester United vẫn giữ vững niềm tin vào HLV của mình dù đã đổi chủ, Eghbali-Boehly tiếp tục thay đổi một lần nữa với sự hiện diện của Enzo Maresca.

 

Về mặt tài chính, Chelsea có vẻ đã đạt được lợi nhuận và tiêu chí bền vững thông qua việc bán khách sạn và đội nữ của mình - điều gây không ít thất vọng cho các đối thủ. Đội bóng này cũng đã bán đi các cầu thủ trưởng thành từ học viện để cân bằng với sức mua khổng lồ. Quỹ lương cũng đã được cắt giảm.

Tất nhiên, thách thức mà Premier League mang đến không chỉ đến từ việc tuyển dụng các GĐĐH. Nhưng nếu có danh hiệu dành cho việc này, Chelsea hoàn toàn có thể nằm trong nhóm cạnh tranh. Joe Shields (Manchester City) và Sam Jewell (Brighton) hiện đang đảm nhận các vai trò liên quan đến việc chiêu mộ cầu thủ và học viện. GĐĐH mới Chris Jurasek cũng như GĐĐH Jason Gannon, người từng làm việc tại sân vận động SoFi ở Los Angeles đều đến từ Mỹ.

Sự xung đột văn hóa tại CLB

Có thể nói rằng bộ phận y tế của Chelsea đã thay đổi hoàn toàn, bắt đầu từ sự ra đi của giám đốc Paco Biosca và gần như toàn bộ các chuyên gia vật lý trị liệu. Sự không hài lòng về tình trạng mặt sân Stamford Bridge đã dẫn đến sự ra đi của Jason Griffin, người từng có 34 năm phụ trách việc chăm sóc sân. Ông được thay thế bởi Paul Burgess, hiện là giám đốc dịch vụ thể thao toàn cầu và cảnh quan của CLB, người trước đó từng làm việc tại Real Madrid và sau đó là Monaco cùng với Stewart.

Giám đốc cơ sở vật chất của Chelsea, Paul Kingsmore, một nhân vật quan trọng trong việc đảm bảo Chelsea tuân thủ các quy định trong đại dịch Covid cũng đã rời đi. Giám đốc nhân sự của CLB, Joanne Stone cũng vậy. Richard Milham, người đứng đầu bộ phận hàng hóa toàn cầu của Chelsea trong 27 năm dự kiến sẽ rời đi. Simon Hunter, người đã điều hành các hoạt động thương mại tại Stamford Bridge trong các ngày thi đấu suốt 21 năm cũng có khả năng ra đi.

Tại bộ phận truyền thông, Steve Atkins và Adrian Phillips, những người đã làm việc hơn 10 năm với nhiều đời HLV dưới thời Abramovich đều đã rời CLB. Toby Craig, người được Glick tuyển dụng từ Manchester City sau khi Chelsea chuyển giao quyền sở hữu cũng đã ra đi. Ông hiện đang giữ vai trò tương tự tại Manchester United.

Những người còn trụ lại? David Barnard, thư ký CLB, người giữ vai trò hành chính quan trọng và đã làm việc từ năm 2002, tức là trước khi Abramovich tiếp quản. Giám đốc tài chính Paul Ramos vẫn giữ nguyên vị trí của mình, mặc dù CLB đã có giám đốc tài chính mới. Luật sư chính của Chelsea, James Bonington dự kiến sẽ được trao thêm trách nhiệm.

Stamford Bridge

Hy vọng rằng với dàn lãnh đạo mới này, ai đó sẽ có câu trả lời cho câu hỏi khó khăn nhất mà Chelsea phải đối mặt: Tương lai của sân Stamford Bridge. Nhưng cho đến giờ, vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào được đưa ra.

Về các cầu thủ trưởng thành từ học viện trong đội một, ban lãnh đạo mới đã gia hạn hợp đồng với Reece James và Levi Colwill. Nhưng đến cuối kỳ chuyển nhượng, có lẽ họ sẽ là hai người cuối cùng còn ở lại. Hiện tại, đội hình Chelsea rất cồng kềnh với 53 cầu thủ, bao gồm 4 người đang được cho mượn.

Có thể nói rằng đây là một cuộc xung đột văn hóa - giữa triết lý kinh doanh công nghệ hối hả và xáo trộn của nước Mỹ những năm 2020 và một CLB bóng đá từng thành công nhờ một tỷ phú bí ẩn cùng nhóm cộng sự thân cận. Eghbali và Boehly từng tuyên bố rằng Chelsea hiện tại khác hoàn toàn với triều đại Abramovich. Mặc dù vậy, khi nhìn vào tính cách của những ông chủ siêu giàu, hai triều đại này có lẽ giống nhau nhiều hơn họ tưởng.

Theo The Telegraph

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.