Cú dứt điểm “xe đạp chổng ngược” của Olivier Giroud mang về bàn thắng duy nhất trong chiến thắng ở trận lượt đi của Chelsea trước Atletico Madrid vào tháng trước là một pha lập công ngoạn mục, một bàn thắng cực kỳ quan trọng trên sân khách – và, thật đáng buồn cho tiền đạo người Pháp, xác nhận rằng anh sẽ không được sử dụng trong trận lượt về.
Đối với trận đấu ở Stamford Bridge, Chelsea đã triển khai một kế hoạch hoàn toàn khác. Atletico, bị dẫn trước 1-0 sau trận lượt đi và cần ghi bàn gỡ hòa, buộc phải chủ động tấn công, qua đó để lộ ra nhiều khoảng trống tại hàng thủ hơn những gì bạn mong đợi ở một đội bóng của Diego Simeone. Hệ thống 6-3-1 chắc chắn ở trận lượt đi đã bị loại bỏ để chuyển sang sử dụng một đội hình 4-2-3-1 co cụm. Cuối cùng, Chelsea đã có thể chơi phòng ngự phản công.
Cho đến nay, Chelsea không thường xuyên có được cơ hội lựa chọn đấu pháp đó dưới thời Thomas Tuchel. Bốn trận đấu đầu tiên của họ là trước Wolves, Burnley, Tottenham và Sheffield United, không một cái tên nào trong số những đội bóng này nổi tiếng về chủ trương phải giành lấy thế áp đảo về quyền kiểm soát bóng và kiểm soát trận đấu trước các đối thủ.
Chelsea của Tuchel đã kiểm soát thế trận của các trận đấu đó, nhưng hiếm khi có thể sử dụng tốc độ thượng thừa của những nhân tố tấn công chủ chốt trong đội bằng các tình huống đưa bóng ra phía sau hàng thủ đối phương. Kể từ đó, lối chơi của các đối thủ mà họ chạm trán đã trở nên đa dạng hơn – Liverpool đã sử dụng một hàng thủ dâng cao, thứ đã bị The Blues liên tục khai thác, Leeds đã để lộ ra những khoảng trống ở khu trung tuyến mà Chelsea đáng lẽ ra đã phải tận dụng được nhiều hơn. Nhưng trận đấu này thì khác, đối thủ của họ đã nhập cuộc với nhiệm vụ nhất định phải thắng, và do đó đội bóng của Tuchel có thể chơi thiên về phòng ngự phản công hơn.
Chỉ trong vòng 2 phút, lý do Werner được đá chính đã trở nên rất rõ ràng. Pha phá bóng từ rìa khu vực 6 yard trước khung thành Chelsea của Reece James trông như thể chỉ đơn thuần là một hành động phòng ngự mang mục đích đưa quả bóng ra khỏi khu vực nguy hiểm – nhưng tốc độ tuyệt vời của Werner đã giúp anh biến nó thành một đường chọc khe đầy hữu ích, và mặc dù anh đã không thể tiếp tục thẳng tiến vào bên trong với pha dẫn bóng ở cánh phải của mình, đây vẫn là một lời cảnh báo sớm.
Kế hoạch của Chelsea là chơi phản công mà không làm mất đi cấu trúc phòng ngự của mình. Họ không “ném” bốn, năm hoặc sáu cầu thủ lên phía trên cùng một lúc – về cơ bản, The Blues chỉ tấn công với 3 cầu thủ, và thường là theo cùng một “công thức”.
Lấy ví dụ là cú dứt điểm của Marcos Alonso vào đầu trận đấu này. Havertz nhận bóng ở vòng tròn giữa sân và chuyền nó cho Alonso, wing-back-trái, người đã lao vào vòng cấm và sau đó – khá lãng phí – tung ra một cú sút về phía cột gần khi mà đáng lẽ ra phải cố gắng thực hiện một đường chuyền ngang qua cho Werner cũng đã hiện diện trong vòng cấm.
Nhưng “công thức” tấn công đó cuối cùng cũng phát huy tác dụng, mang về bàn thắng mở tỷ số của trận đấu. Có 2 điều đáng chú ý ở đây. Đầu tiên là sự quyết tâm của Werner trong việc thực hiện một pha chạy nước rút có cự ly 30m và truy cản cú đá phạt ngắn do Koke thực hiện để đưa bóng đến Kierran Trippier (ảnh dưới). Pha lao người chặn bóng của tiền đạo người Đức đã buộc Trippier phải thực hiện một cú phất bóng dài và Kante đã đánh đầu phá bóng, phát động một đợt phản công cho Chelsea.
Đây thực sự là một đợt phản công tuyệt vời. Một lần nữa, nó bao gồm Havertz đưa quả bóng lên phía trên từ dưới sâu, với hai “máy chạy” ở hai bên. Werner di chuyển ở cánh trái với tốc độ cao, nhận bóng và thực hiện một đường chuyền ngang trong vòng cấm để Hakim Ziyech dứt điểm. Đó là kiểu ghi bàn mà các fan Chelsea đã hình dung đến khi bộ ba này gia nhập The Blues vào mùa hè năm ngoái. Đó là kiểu ghi bàn mà Tuchel sẽ vạch ra cho chiến thuật triển khai bóng. Đó là kiểu ghi bàn đã khiến Giroud phải ngồi dự bị – một lý do chính đáng.
Đó là một “công thức” ghi bàn mới của Chelsea. Hoặc, có lẽ, đây là “công thức” của một “Chelsea cũ” – gợi nhớ đến mùa giải đầu tiên của họ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Jose Mourinho, khi Eidur Gudjohnsen lùi sâu để đưa quả bóng lên trên cho những Arjen Robben và Damien Duff đang di chuyển với tốc độ cao. Pha kiến tạo và cú dứt điểm đó chắc hẳn cũng đã khiến nhiều người nhớ đến khoảnh khắc Ramires tạo cơ hội cho Didier Drogba ghi bàn mở tỷ số trong trận đấu của Chelsea với Barcelona ở vòng bán kết Champions League vào năm 2012. Đó là “kiểu Chelsea” mà các fan đã ngày càng yêu thích; sau một thập kỷ khi các cổ động viên của hầu hết những CLB lớn khác đều yêu cầu đội bóng của họ phải kiểm soát bóng áp đảo đối phương, thì các fan của Chelsea đã quen và yêu thích lối chơi phòng ngự phản công hơn. Ví dụ, thứ bóng đá của Maurizio Sarri đã không được nhiều người yêu thích.
Đã có thêm những tình huống như vậy diễn ra. Chelsea đã tiếp tục triển khai những pha phản công tương tự. Ví dụ dưới đây có một sự thay đổi nhỏ, với Ziyech là người khởi đầu mọi thứ từ cánh phải, và Werner lao lên với tốc độ cao ở hành lang phải. Havertz đã không thể theo kịp tốc độ của đợt phản công này ở bên trái, nhưng rõ ràng ban đầu Werner đã định thực hiện một đường chuyền ngang, trước khi buộc phải tự mình dứt điểm.
Chelsea cuối cùng đã kết thúc trận đấu một cách tuyệt vời trong thời gian bù giờ, một lần nữa với một pha phản công 3 người, một lần nữa được khởi đầu với một cú đánh đầu của Kante. Đây là một đợt tấn công rất thông minh, khi cầu thủ vào sân thay người Christian Pulisic dẫn bóng vào bên trong trung lộ từ vị trí xuất phát ở cánh phải, và Kante thực hiện một pha chạy chồng cánh rất có tính toán để cung cấp cho cầu thủ người Mỹ những sự lựa chọn ở cả hai bên của mình. Pulisic cuối cùng đã chuyền bóng cho Emerson Palmieri, người đã tung ra một cú dứt điểm đầy tự tin.
Đã có một số lời phàn nàn về chuyện Tuchel quá coi trọng việc kiểm soát bóng mà không có nhiều tình huống can đảm xuyên phá trong những tuần đầu tiên, nhưng giờ thì Chelsea của ông đang xuất sắc ở hầu hết mọi khía cạnh. Họ không còn chỉ nổi bật trong việc kiểm soát bóng. Ở trận lượt đi, khả năng counter-pressing (pressing chống phản công) của họ đã được thể hiện một cách ấn tượng, dập tắt mọi đợt phản công của Atletico Madrid ngay từ đầu nguồn. Còn trong trận đấu vừa qua, họ đã phản công một cách tuyệt vời.
Nếu có một lời chỉ trích chính đáng đối với Chelsea dưới thời Tuchel hiện tại, thì đó là về khả năng ghi bàn của họ. The Blues đã có 3 trận không ghi được bàn thắng nào trước Wolves, Manchester United và Leeds. Trước Tottenham và Liverpool, họ chỉ giành được những chiến thắng 1-0 trong khi đáng lẽ ra phải phá lưới đối phương nhiều hơn.
Nhưng sau cùng, Chelsea đã chẳng phải trả giá cho khuyết điểm đó vì thành tích phòng ngự của họ quá ấn tượng. Trong 13 trận, Chelsea chỉ để thủng lưới 2 bàn, một trong số đó là một pha phản lưới nhà trong một tình huống đầy kỳ quặc, khi đường chuyền về của Antonio Rudiger cho thủ môn lại thành ra đưa bóng vào lưới, trong trận đấu với Sheffield United.
Giờ đây, sau trận thắng trước Atletico Madrid, Chelsea đã có trận giữ sạch lưới thứ 11 trong 13 trận. Các số liệu thống kê cho thấy rằng, mặc dù Chelsea, chắc chắn, đã được tâng bốc bởi thành tích đó, nhưng sự thật vẫn là họ đã không để cho các đối thủ tạo ra được nhiều cơ hội trước mình. Chỉ có 1 lần duy nhất trong 13 trận đấu mà Chelsea đã trải qua dưới thời Tuchel được ghi nhận hơn 0,81 bàn thua kỳ vọng – đặc biệt, đội bóng làm được điều này lại là đối thủ yếu nhất mà họ chạm trán, Barnsley ở FA Cup. Tất nhiên, Chelsea đã sử dụng một đội hình hơi xoay vòng trong trận đấu đó – với Emerson được bố trí đá trung vệ trái.
Trong những trận đấu còn lại, The Blues đã chơi cực kỳ chắc chắn. Họ đã giữ sạch lưới trước Manchester United, Liverpool, Tottenham, Leeds, và trước Atletico Madrid trong cả 2 lượt trận. Bảng dưới đây là thành tích phòng ngự của Chelsea sau 13 trận đấu dưới thời Tuchel cho đến nay – bao gồm số bàn thua (GA), số cú sút trúng đích phải nhận (SOTA) và dữ liệu bàn thua kỳ vọng (xGA).
Chỉ cần giữ sạch lưới là bạn có thể tiến xa ở đấu trường châu Âu, và giờ đây, Chelsea thực sự là một ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch. Bayern Munich và Manchester City là những đội bóng tấn công lợi hại nhất, trong khi PSG và Liverpool hoàn toàn có thể “khoe khoang” về sự kết hợp tuyệt vời của các tiền đạo mà họ sở hữu. Nhưng cũng có điều gì đó không đáng tin cậy về khả năng phòng ngự của những đội bóng này. Hàng thủ dâng cao của Bayern vẫn mang đến cảm giác bấp bênh. Những sự thay đổi với hệ thống của Pep Guardiola đã gây ra nhiều vấn đề cho Man City trong những năm trước.
PSG là một đội bóng đã nổi tiếng về việc thiếu bản lĩnh, sức mạnh tinh thần trong những dịp trọng đại. Liverpool vừa “khám phá” ra một cặp trung vệ đáng tin cậy, nhưng vẫn chưa có được sự phục vụ của những hậu vệ tốt nhất trong đội.
Chelsea chắc chắn sẽ phải đánh bại một trong những đối thủ “sừng sỏ” đó – có thể là hai, cũng có thể là ba – nếu họ thực sự nuôi tham vọng giành được chiếc cúp châu Âu thứ hai. Những đội bóng được đề cập gần như chắc chắn sẽ nhập cuộc với kế hoạch giành thế kiểm soát trận đấu, và có lẽ chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều hơn nữa khả năng phản công của Chelsea. Với sự tuyệt vời về khía cạnh này, đó có thể chính là kiểu thế trận mà Chelsea của Tuchel trở nên lợi hại nhất.
“Tôi khá chắc rằng không một đội bóng nào muốn chạm trán với chúng tôi,” Tuchel tự tin khẳng định sau chiến thắng trước Atletico Madrid. Tóm lại – Chelsea không phải là đội bóng ngoạn mục nhất trong số những đội bóng còn sót lại ở giải đấu, nhưng họ có thể chứng minh mình chính là đối thủ nguy hiểm nhất, linh hoạt nhất và tinh quái nhất.
Nguồn: Lược dịch từ bài phân tích “Cox: Chelsea are wily, awkward and flexible under Tuchel – they’re serious contenders” của tác gải Michael Cox, đăng tải trên The Atheltic.