Chelsea chi bạo dưới thời Todd Boehly: Chơi dao lắm có ngày đứt tay?

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Tư 08/02/2023 15:20(GMT+7)

Ở mỗi lần đổi chủ sở hữu trong lịch sử đội bóng, Chelsea luôn đem đến sự “độc lạ” cho những người hâm mộ Premier League. 

 

Quay ngược lại năm 2003, khi Roman Abramovich tiếp quản Chelsea từ Ken Bates, vị tỷ phú người Nga đã hứa sẽ chi ít nhất 30 triệu bảng mỗi mùa để mua sắm tân binh. Thế nhưng con số đầu tư thực tế thậm chí còn khủng khiếp hơn gấp nhiều lần. Thống kê cho thấy, chỉ trong 3 mùa giải đầu tiên ngồi ghế chủ tịch, Roman Abramovich đã ném vào thị trường chuyển nhượng khoảng 330 triệu bảng, tương đương 110 triệu bảng/mùa, vượt xa mọi kỳ vọng từ người hâm mộ.

Và giờ khi Todd Boehly thay thế Roman Abramovich, mọi thứ vẫn không thay đổi. Ở kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa kết thúc ít ngày, Chelsea đã chi ra gần 300 triệu bảng để chiêu mộ 8 tân binh, số tiền nhiều hơn cả 4 giải đấu hàng đầu Châu Âu khác cộng lại (bao gồm La Liga, Serie A, Bundesliga và Ligue 1). Qua đó cũng nâng số tiền chuyển nhượng của Chelsea ở mùa giải 2022/2023 lên 600 triệu bảng. Nhiều người còn nói vui rằng, nếu bạn nhìn thấy một ông chú trung niên với cái vali tiền đang theo dõi bạn trên sân tập, thì xin chúc mừng vì bạn sắp trở thành cầu thủ của Chelsea rồi đấy!

Chelsea dưới triều đại Todd Boehly đã điên cuồng chiêu mộ tân binh. 

Todd Boehly là một tỷ phú với khối tài sản lên đến 4,5 tỷ bảng. Tại Premier League vào thời điểm hiện tại, giới chủ giàu cỡ Todd Boehly hoặc giàu hơn Todd Boehly thì có nhiều, nhưng về mức độ chịu chi thì chưa ai qua được người đàn ông 49 tuổi này. Ở mùa giải đầu tiên tiếp quản ghế chủ tịch tại Stamford Bridge, Todd Boehly chắc chắn muốn tạo ra sự khác biệt. Chẳng cần quan tâm việc dồn tiền để mua sắm điên cuồng trên thị trường chuyển nhượng xuất phát từ tình yêu cuồng nhiệt hay vì ông muốn chứng tỏ bản lĩnh, chỉ cần biết rằng người hâm mộ Chelsea chính là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự đầu tư này.

Đội bóng nửa xanh thành London đang bước vào giai đoạn chuyển giao lực lượng, khi những trụ cột từng làm nên chiến tích vô địch Champions League 2 năm về trước hiện đã luống tuổi, liên tục dính chấn thương hoặc đã ra đi. Từ Cesar Azpilicueta, Antonio Rudiger, Marcos Alonso, cho đến N'Golo Kante và Jorginho. Nếu theo đúng chu trình, Chelsea cần mất từ 2 đến 3 mùa giải để làm mới đội hình, tuy nhiên với tốc độ mua sắm “nhanh như điện” này, thời điểm họ trở lại đỉnh cao có thể được rút ngắn. Chẳng nói đâu xa, Chelsea đã cướp Mykhaylo Mudryk chớp nhoáng từ chính kình địch cùng thành phố là Arsenal với bí quyết nhanh gọn, dễ hiểu: trả nhiều tiền chuyển nhượng hơn cho Shakhtar Donetsk và trả lương cao hơn cho Mudryk.

Mykhaylo Mudryk là thương vụ cho thấy sự chịu chi của Chelsea trên TTCN.

Todd Boehly mang tư duy lọc lõi của một ông chủ người Mỹ chính hiệu, giống như nhà Glazer (Man Utd), Stan Kroenke (Arsenal) và John Henry (Liverpool). Ở một đất nước mà bóng đá không được quan tâm nhiều như bóng rổ hay bóng bầu dục, nhưng lại là nơi sản sinh ra những nhà quản lý tài chính kiệt xuất bậc nhất thế giới. Một câu hỏi khá nóng bỏng và mang tính thời sự vào lúc này, đó chính là việc làm thế nào để Chelsea dưới triều đại Todd Boehly có thể mua sắm rầm rộ như vậy mà thoát khỏi sự điều tra về vi phạm Luật công bằng tài chính (FFP) từ UEFA? Nói một cách chính xác hơn, Chelsea đã lách luật như thế nào?

Todd Boehly đã tận dụng vốn hiểu biết ấn tượng của mình sau những năm tháng dài quản lý LA Lakers (bóng rổ) và LA Dodgers (bóng chày), ông đã áp dụng nó vào Chelsea. Ở Mỹ, rất nhiều cầu thủ bóng rổ hoặc bóng chày ký hợp đồng dài hạn với mục đích quan trọng là giảm tải gánh nặng tài chính cho CLB. 

Trong 8 bản hợp đồng mà Chelsea đưa về ở phiên chợ đông vừa qua, có 3 bản hợp đồng có thời hạn trên 5 năm. Cụ thể, tiền đạo được mệnh danh “Didier Drogba mới” David Fofana ký hợp đồng có thời hạn 6 năm. Benoit Badiashile ký hợp đồng 7,5 năm. Hợp đồng của Mudryk thậm chí còn kéo dài đến tận mùa hè 2031, tương đương 8,5 năm. Trước đó ở mùa hè 2022, trung vệ Wesley Fofana cũng đặt bút ký vào bản hợp đồng 7 năm, sau khi chuyển đến từ Leicester City. 

Trong quá khứ, hiếm trường hợp cầu thủ ký hợp đồng trên 5 năm với CLB chủ quản, nhưng không phải không có ngoại lệ. Năm 2006, Arsenal từng gia hạn hợp đồng 8 năm với Cesc Fabregas. Năm 2017, Saul Niguez cũng đặt bút ký vào bản hợp đồng 9 năm với Atletico Madrid. Harry Kane và Kevin De Bruyne cũng từng cam kết tương lai với CLB chủ quản bằng giao kèo có thời hạn 6 năm. Tuy vậy mục đích CLB chủ quản ký hợp đồng dài hạn với những cái tên kể trên bởi họ là những nhân tố chủ chốt trong đội, chứ không phải vì mục đích tài chính.

Về cơ bản, cầu thủ bóng đá là một loại tài sản. Số tiền mà CLB phải bỏ ra để chiêu mộ cầu thủ đó chính căn cứ để ghi nhận giá trị tài sản. Và khi giá trị tài sản đội bóng tăng lên nhờ mua sắm cầu thủ, đồng nghĩa với chi phí mà CLB bỏ ra cũng tăng lên. Để giảm tải áp lực chi phí tăng bất thường trong khi nguồn doanh thu không biến động dẫn đến việc thua lỗ, việc tăng số năm hợp đồng sẽ giúp giảm tải chi phí trong năm tài chính.

Ví dụ, nếu Mudryk ký hợp đồng thông thường 5 năm với Chelsea với tổng giá trị chuyển nhượng lên đến 90 triệu bảng, theo đó chi phí ghi nhận vào báo cáo tài chính mỗi năm sẽ là 18 triệu bảng. Với việc đẩy số năm hợp đồng lên 8,5 năm, chi phí sẽ giảm xuống khoảng 10,5 triệu bảng mỗi năm.

Không chỉ riêng việc kéo dài hợp đồng cầu thủ, Chelsea còn lách luật vụ Enzo Fernandez. Sau một thời gian dài thương lượng nhưng vấp phải sự quyết liệt từ Benfica, BLĐ Chelsea đã chấp nhận chi ra 120 triệu euro, bằng đúng số tiền phá vỡ hợp đồng của tiền vệ người Argentina. Vấn đề là nếu sử dụng quyền phá vỡ hợp đồng, đại diện nước Anh phải chồng đủ 120 triệu euro lên bàn đàm phán. Chelsea không thiếu tiền, nhưng khoản phí trả thẳng kia có thể khiến họ vi phạm Luật công bằng tài chính. Chelsea đã cố tìm cách thuyết phục Benfica chấp nhận để họ thanh toán theo nhiều đợt. Tuy nhiên, phương án này đã bị từ chối. Để rồi sau cùng Chelsea đã lách luật bằng cách thuê một công ty tài chính bỏ ra 120 triệu euro thanh toán trực tiếp cho Benfica. Và sau khi Enzo Fernandez trở thành cầu thủ tự do, sao mai 22 tuổi sẽ ký hợp đồng theo dạng miễn phí với Chelsea. Số tiền Chelsea phải trả cho công ty tài chính kia sẽ được thanh toán theo nhiều đợt với con số khởi điểm ban đầu là 45 triệu euro. Đây là thương vụ khiến chúng ta gợi nhớ lại vụ chuyển nhượng đình đám của Neymar sang Paris Saint Germain ở mùa hè 2017.

Thương vụ Enzo Fernandez nhiều khả năng sẽ bị UEFA điều tra về tính hợp lý.

Dưới triều đại Todd Boehly, việc Chelsea mua sắm rầm rộ như vậy chắc chắn đã lọt vào tầm ngắm của UEFA thông qua Luật công bằng tài chính. Ở thời điểm hiện tại, UEFA vẫn chưa cấm các CLB ký hợp đồng dài hạn với cầu thủ. Tức là việc kéo dài hợp đồng của Chelsea vẫn là hành động hợp pháp. Tuy nhiên điều này được dự báo sẽ thay đổi trong mùa hè tới. Những luật lệ mới sẽ giúp ban điều hành UEFA siết chặt lại, nhằm giảm tải tối đa việc nhiều đội bóng có thể lũng đoạn nền bóng đá bằng việc chi tiêu vô tội vạ.

Hơn nữa, hành động kiểm soát chặt chẽ Luật công bằng tài chính cũng đồng nghĩa với việc nhiều đội bóng nếu cố tình lách luật, làm giả số liệu trên báo cáo tài chính để trốn thuế, khai báo sai khoản lỗ sẽ bị trừng phạt thích đáng. Chúng ta đã thấy trường hợp của Juventus và mới nhất là những cáo buộc liên quan đến Manchester City.

Juventus đã bị trừ 15 điểm tại Serie A 2022/2023, đồng nghĩa với việc đội bóng thành Turin gần như không thể góp mặt tại Champions League mùa tới. Điều này khiến họ sẽ mất đi nguồn thu lên đến hàng trăm triệu euro. Chưa kể nếu mở rộng điều tra, Juventus hoàn toàn có thể bị cấm tham dự cúp Châu Âu nếu sai phạm diện rộng.

Việc Juventus bị trừ điểm do gian lận tài chính là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều đội bóng.

Điều tương tự có thể xảy ra với Man City. Hiện tại, The Citizens bị cáo buộc vi phạm tài chính với khoảng 100 hành vi xuyên suốt cả thập kỷ (giai đoạn 2009-2018). Điều W.82.1 nêu rõ, Premier League sẽ công khai các hình thức kỷ luật một cách độc lập nếu toàn bộ cáo buộc được chuyển đến ủy ban độc lập. Việc này rất nguy hiểm cho Man City bởi họ sẽ đối diện với ủy ban của giải đấu khi chính ban tổ chức giải muốn kiện họ. Khả năng lật ngược của The Citizens khi đó sẽ cực kỳ thấp.

Và đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho Chelsea dưới triều đại Todd Boehly. Khi một đội bóng mà chúng ta hay dùng cụm từ “dùng tiền mua danh hiệu”, sẽ ảnh hưởng lớn đến cả giải đấu. Quan trọng hơn, tiền bạc đôi khi không phải là cách để giải quyết vấn đề. Cụ thể, Chelsea tăng cường lực lượng rầm rộ với sự xuất hiện của rất nhiều cái tên triển vọng. Tuy nhiên không ít trong số đó là những người có lối chơi tương đồng, thi đấu cùng vị trí ở trên sân. Với một đội bóng khủng hoảng thừa nhân sự như vậy, HLV Graham Potter sẽ phải đau đầu trong việc lựa chọn ai, loại bỏ ai. Nếu không được ra sân thường xuyên, thì dù có gắn mác “bom tấn”, bất cứ cái tên nào cũng có thể bị thui chột tài năng. Đúng là ngay cả con nhà giàu cũng có nỗi khổ riêng!

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.