Chào mừng đến với giai đoạn mới của kỷ nguyên các Siêu câu lạc bộ! (P2)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 31/08/2020 16:09(GMT+7)

Đây là mùa giải Champions League đầu tiên mà danh sách 4 câu lạc bộ lọt vào vòng bán kết không có cả Barcelona lẫn Real Madrid kể từ chiến dịch 2006/2007.

Có thể nhận thấy rằng, tầng lớp các siêu câu lạc bộ đã được phân chia thành hai nhóm khác nhau: Những người khôn khéo và những kẻ lười nhác; nhóm câu lạc bộ vẫn đang cố gắng thử thách bản thân để vươn mình lên những tầm cao mới, với một phong cách đủ sức thuyết phục, và nhóm câu lạc bộ đã từ bỏ việc đó. 
Nếu không phải như vậy thì liệu có còn cách giải thích nào khác hay không cho sự suy tàn của một số tên tuổi lớn nhất châu Âu trong vài năm qua? Trong tháng này, chắc chắn câu chuyện gây chú ý nhất chính là trận thảm bại với tỷ số 8-2 của Barcelona trước Bayern Munich ở trận tứ kết Champions League. Khi Philippe Coutinho, một cầu thủ mà Barca đã phải trả cho Liverpool đến 142 triệu bảng để chiêu mộ trong chưa đầy 2 năm trước, ghi hai bàn thắng cuối cùng cho Bayern – câu lạc bộ mà anh đang thi đấu theo dạng cho mượn, bi kịch này lại càng trở nên đau đớn hơn nữa đối với Blaugrana.  
Nhưng như Dermot Corrigan của The Athletic đã giải thích, nỗi nhục mà Barcelona phải nhận là kết quả của sự yếu kém trong công tác quản lý đã diễn ra trong nhiều năm. 
Kể từ mùa hè năm 2014 – kỳ chuyển nhượng xuất sắc cuối cùng của câu lạc bộ này – họ đã chi ra tổng cộng 800 triệu Euro cho hơn 30 tân binh, nhưng đội một thì lại càng lúc càng xuống dốc. Họ đã có những sự thay đổi trên chiếc ghế huấn luyện viên trưởng và cả các giám đốc gần như mỗi năm, nhưng chẳng bao giờ có được một kế hoạch ra hồn. Bản sắc trên sân cỏ càng lúc càng bị mai một qua mỗi mùa giải, dần đi vào con đường suy tàn, và tệ nhất là việc họ đã lãng phí đi những năm tháng đỉnh cao cuối cùng của cầu thủ kiệt xuất nhất mọi thời đại. 
Nói tóm lại, Barcelona đã quên đi ý nghĩa của một đội bóng. Và cách mà họ phản ứng với tình trạng này – khi toàn thể câu lạc bộ đang kêu gào thảm thiết một cuộc cách mạng toàn diện – là bổ nhiệm một vị tân huấn luyện viên trưởng dựa trên sự gắn kết trong quá khứ giữa ông ta và họ, Ronald Koeman. Đó là một lối suy nghĩ đầy lười biếng của một câu lạc bộ đã phát triển lớn mạnh và nổi tiếng đến mức quên mất cách để tranh đấu trên sân cỏ. 
Tình trạng của Real Madrid là tốt hơn so với Barca, nhưng chỉ một chút thôi. Được thúc đẩy bởi sự tái xuất của Zinedine Zidane trên chiếc ghế huấn luyện viên trưởng vào năm ngoái, họ đã trở thành những nhà vô địch của La Liga 2019/2020. Nhưng, cũng giống như Barcelona, họ đang quá phụ thuộc vào một nhóm cầu thủ đã qua thời đỉnh cao. Những bản hợp đồng bom tấn của họ, như Luka Jovic và Eden Hazard, vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng. Và Los Blancos đã trở nên càng lúc càng mất cân bằng và mong manh hơn, chẳng còn mang dáng vẻ gì của cỗ máy chiến thắng vào giữa những năm 2010. Khi Manchester City đánh bại họ ở lượt trận thứ hai của vòng 16 đội cách đây hai tuần, sự xuống dốc đã trở nên quá rõ ràng. 
Đây là mùa giải Champions League đầu tiên mà danh sách 4 câu lạc bộ lọt vào vòng bán kết không có cả Barcelona lẫn Real Madrid kể từ chiến dịch 2006/2007. 
Để có thêm một ví dụ, hãy nhìn vào Juventus. Họ đã lọt vào các trận chung kết Champions League 2015 và 2017 (mặc dù đều thất bại), và hình ảnh khi đó là một tập thể đạt đến sự cân bằng hoàn hảo, kỷ luật và đầy cần mẫn, nhiệt huyết, nhưng là nhờ vào sự hiện diện của rất nhiều ngôi sao lớn trong đội. Tuy nhiên, trong những năm qua, họ cũng xuống dốc tương tự Real Madrid và Barcelona, phụ thuộc nhiều hơn vào các cá nhân ngôi sao, đánh mất những bản sắc của mình, tự khiến cho bản thân càng lúc càng tệ đi. Kể từ khi chiêu mộ về một Cristiano Ronaldo 33 tuổi với mức phí chuyển nhượng 100 triệu Euro vào hai năm trước, họ đã bị Ajax loại khỏi Champions League ở vòng tứ kết, còn năm nay là bởi Lyon ở vòng 16 đội. Cũng giống như Barcelona, họ cần tiến hành một cuộc tái thiết lại toàn bộ trong mùa hè này, nhưng rốt cuộc lại chọn đặt niềm tin vào một cựu cầu thủ nổi tiếng, hoàn toàn không có kinh nghiệm cầm quân, trở thành huấn luyện viên trưởng.
Nhưng không phải ông lớn nào cũng sa chân vào con đường suy tàn đó. 
Chỉ cần nhìn vào Bayern Munich, những người đã thi đấu trong mùa hè này như thể câu lạc bộ lớn duy nhất ở châu Âu biết cách quản lý đội hình của họ. Trong khi Barcelona và Real Madrid đã phụ thuộc quá nhiều vào các cựu binh, thì Bayern đã bổ sung và dần thay thế những lão tướng bằng một thế hệ cầu thủ trẻ tuổi hơn. Josh Kimmich, Leon Goretzka và Serge Gnabry đều 25 tuổi. Alphonso Davies mới chỉ 19 tuổi. Việc Thiago Alcantara có thể ra đi vào ngay kỳ chuyển nhượng này đã cho thấy Bayern hoàn toàn không có chút nể nang gì với những cầu thủ giàu kinh nghiệm của họ.
Mặc dù Liverpool vừa phải trải qua một mùa giải đáng thất vọng tại đấu trường châu Âu, bị loại bởi Atletico từ nhiều tháng trước, nhưng họ vẫn sẽ là nhà đương kim vô địch cho đến rạng sáng mai và cũng đã tiến được đến trận chung kết trong mùa giải 2018/2019. Và nếu sự thành công của họ dạy cho chúng ta điều gì, thì đó chính là giá trị của việc đặt đội bóng lên trên các cá nhân, hỗ trợ toàn diện cho vị huấn luyện viên trưởng và chỉ tuyển dụng các nhân tố mà mình cần – những bài học mà các câu lạc bộ giàu nhất châu Âu dường như đã lãng quên. 

Manchester City vẫn đang loay hoay tìm cách để bám trụ lâu hơn ở Champions League trước khi mơ mộng về một cái đích hoảnh tráng, và đã không lần nào lọt vào được vòng bán kết trong 4 năm dưới triều đại Pep Guardiola. Nhưng cái cách mà họ tuyển dụng theo triết lý của vị huấn luyện viên trưởng, thay vì chỉ đi tìm những tên tuổi đình đám, rất tương đồng với đường lối của Liverpool, và thành tích của đội chủ sân Etihad tại giải quốc nội trong những năm gần đây là minh chứng cho điều đó. Có thể thấy, tiền bạc và sự khôn ngoan không hề loại trừ lẫn nhau.
Trường hợp gây khó hiểu nhất ở đây chính là PSG. 13 ngày trước, chắc hẳn đã có rất nhiều người lập luận rằng họ giống với Real Madrid và Barcelona hơn bất kỳ đội bóng nào khác. Đặt các cá nhân ngôi sao lên trên bản sắc, giá trị của tập thể, một đội hình không cân bằng, những cuộc cải tổ trong vô vọng diễn ra liên tục được thực hiện bởi các nhà cầm quân khác nhau. Và họ sẽ có mặt tại Lisbon vào đêm nay cùng với cơ hội lần đầu tiên đăng quang ở đấu trường danh giá nhất châu Âu. 
Liệu điều đó có đưa họ đứng vào hàng ngũ của những tên tuổi đang hoạt động thông minh nhất, với một vị chiến lược gia trẻ tuổi đầy năng động cuối cùng cũng đã áp đặt được một cấu trúc chiến thuật ra hồn cho các cầu thủ ngôi sao của mình? Hay kẻ thống trị bóng đá Pháp chỉ là một trong những gã nhà giàu đã may mắn được tham gia vào cuộc chơi ở “easy mode” ? Cuộc hành trình đến với trận chung kết của họ không diễn ra quá khó khăn, mặc dù đúng là họ đã lội ngược dòng trước Borussia Dortmund ở vòng 16 đội, và chỉ còn cách một thất bại trước Atalanta ở vòng 8 đội vỏn vẹn vài phút.

Rốt cuộc, việc được sở hữu những cầu thủ giỏi nhất vẫn có thể giúp bạn tiến rất xa. Nhưng trong giai đoạn mới này của kỳ nguyên siêu câu lạc bộ, một thời đại được hình thành bởi sự hiện diện của hai nhóm bao gồm những đội bóng đang tiếp tục cải thiện và những kẻ đã trở nên chậm chạp, đi sai hướng hay thậm chí là bế tắc trong việc đó, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định PSG đang đứng ở hàng ngũ nào. 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Welcome to the second era of the superclub: Clever ones vs lazy ones” của ký giả Jack Pitt-Brooke, đăng tải trên The Athletic.   

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.