Chào mừng đến với giai đoạn mới của kỷ nguyên các Siêu câu lạc bộ! (P1)

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 23/08/2020 13:17(GMT+7)

Có thể nhận thấy rằng, tầng lớp các siêu câu lạc bộ đã được phân chia thành hai nhóm khác nhau: Những người khôn khéo và những kẻ lười nhác; nhóm câu lạc bộ vẫn đang cố gắng thử thách bản thân để vươn mình lên những tầm cao mới, với một phong cách đủ sức thuyết phục, và nhóm câu lạc bộ đã từ bỏ việc đó.

La Liga đã có 30 đại diện trong số 84 đội lọt vào vòng bán kết Champions League ở thế kỷ này, còn Premier League là 22, nhưng các câu lạc bộ Anh và Tây Ban Nha đều sẽ không hiện diện ở Lisbon vào rạng sáng mai, tất cả đều đã rơi rụng trước khi vòng 4 đội của giải đấu danh giá nhất châu Âu diễn ra.

Vào những thời điểm như thế này, thường thì mọi người sẽ nghĩ đến chuyện bắt đầu … viết một bản cáo phó. 
Bất kỳ ai cũng biết rằng các fan hâm mộ môn thể thao vua rất dễ bị cuốn vào những cuộc tranh cãi về đẳng cấp của một giải đấu so với một giải đấu khác sau một vài kết quả suýt soát, và việc này thú vị đến thế nào. Nhưng đừng quên rằng, yếu tố đã giúp Champions League trở nên cuốn hút – và thậm chí còn cuốn hút hơn nữa với thể thức đấu một lượt trận của mùa giải này thay vì hai lượt trận như truyền thống – không phải là sự “chắc kèo” và ổn định, mà là tính bất ngờ, khó đoán của nó. 
Đã có rất nhiều trận đấu diễn ra trong vài tuần qua được định đoạt bởi những khoảnh khắc theo kiểu đó. 
Liverpool đã hoàn toàn áp đảo Atletico Madrid trong lượt trận thứ hai của vòng 16 đội tại Anfield, nhưng rồi thủ môn Adrian lại “tặng” cho đội khách một “món quà” khiến hy vọng lật ngược tình thế của các nhà đương kim vô địch bị hủy hoại. Atalanta đã dẫn trước Paris Saint-Germain đến tận phút 89 của trận tứ kết trước khi những nỗ lực chống đỡ của họ bị đập tan. Nếu cú sút mà Tyler Adams tung ra không bị làm chệch hướng bởi chân của Stefan Savic, chưa chắc RB Leipzig có thể đánh bại được Atletico Madrid. Và nếu Raheem Sterling tận dụng thành công cơ hội đầy ngon ăn xuất hiện trước mặt anh để chọc thủng lưới Lyon vào hôm thứ Bảy tuần trước, ai biết được điều gì sẽ xảy ra trong hiệp phụ. 
Những gì được nêu ở trên đã chỉ ra một sự thật rằng, chỉ cần một vài khoảnh khắc diễn ra khác đi một chút thôi có thể sẽ tạo nên một vòng bán kết với những cái tên hoàn toàn khác so với các trận đấu chúng ta đã được theo dõi.      
Cũng tương tự như vậy, cuộc hành trình đầy ngoạn mục mà Tottenham đã trải qua để lọt vào trận chung kết của mùa giải trước phần lớn là nhờ vào yếu tố sức mạnh tinh thần, nhưng cũng không thể phủ nhận đi sự may mắn mà họ đã có được – trong cuộc chạm trán với Manchester City: Sergio Aguero đã sút hỏng một quả penalty, pha lập công của Fernando Llorente được trọng tài công nhận sau khi kiểm tra qua VAR, còn bàn thắng của Raheem Sterling thì bị từ chối. Trong cuộc đối đầu với Ajax, cú dứt điểm của Hakim Ziyech đã đưa bóng đập vào cột dọc khi tỷ số đang là 2-2, còn Lisandro Magallan thì có một pha trượt chân đầy tai hại tạo điều kiện cho Dele Alli đoạt lấy đường chuyền của Llorente. 
Spurs là một trong các đội bóng gặp được nhiều may mắn nhất trên cuộc hành trình tiến vào trận chung kết trong những năm gần đây. Không một ai có thể tranh cãi về chuyện sự kết hợp được đề cập ở trên đã biến họ trở thành một trong hai câu lạc bộ xuất sắc nhất châu Âu vào mùa giải trước. 
Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để tuyên bố về cái chết của Premier League, sự nổi lên của thế lực Ligue 1, hay vị thế thống trị của trục Pháp-Đức tại đấu trường danh giá nhất châu Âu trong thập kỷ tới. 
Tuy nhiên, khi theo dõi Champions League trong vài tuần qua, sẽ không một ai tránh được cái cảm giác rằng có vẻ như chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử hiện đại của giải đấu này. 
Bạn có thể gọi đó là “giai đoạn thứ hai” của “kỷ nguyên các siêu câu lạc bộ”, khi tầng lớp “thượng lưu” bắt đầu có sự phân tách giữa những kẻ đã trở nên chậm chạp, “lười nhác” sau khi đạt được quá nhiều thành công, và những đội bóng vẫn đang không ngừng cố gắng cải thiện sức mạnh. 
Kể từ giữa thập kỷ trước, một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở bóng đá châu Âu chính là vị thế bá chủ của một nhóm nhỏ các câu lạc bộ tại những giải vô địch quốc gia. Họ đã thâu tóm tất cả tiền bạc, quyền lực, những cầu thủ xuất sắc nhất, những nhà cầm quân giỏi nhất, sự chú ý của công chúng và cả các vinh quang. Champions League chính là nội tại của điều này, vừa là dấu hiệu cho vị thế thống trị của họ, vừa là nguyên nhân dẫn đến sự tiếp diễn của nó. 
Đó chính là bối cảnh của bóng đá châu Âu trong 15 năm qua. Chuyện này là lý do vì sao các vòng đấu sau cùng của Champions League lại luôn có thể dự đoán được từ rất lâu trước khi chúng diễn ra (mặc dù đúng là những trận đấu chưa bao giờ thiếu đi sự thú vị, nhưng cũng không thể phủ nhận việc có nhiều cuộc đối đầu đã diễn ra hàng trăm lần). Và nó đã giúp giải thích vì sao những cái tên góp mặt ở giai đoạn knock-out của đấu trường này trong vài năm gần đây thường mang đến cảm giác như thể bạn đang bị mắc kẹt vào một vòng lặp thời gian vô hạn. 

Bayern Munich – đội bóng vừa đánh bại Lyon một cách dễ dàng – đã có 7 lần góp mặt ở vòng bán kết Champions League trong 9 năm qua. Real Madrid, dù cho phải dừng chân ở vòng tứ kết trong 2 năm qua, nhưng cũng đã tham dự đến 8 trận bán kết liên tiếp từ năm 2011 đến 2018, giành 4 chức vô địch, và ba trong số đó là liền kề nhau, một điều mà chưa đội bóng nào làm được kể từ giữa những năm 1970. Barcelona đã có 6 trận bán kết liên tiếp từ năm 2008 đến 2013, con số của Manchester United là 4 trong 5 năm (2007-2011), còn của Chelsea là 5 trong 6 năm (2004-2009). Chính bởi bối cảnh này, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà một giải đấu trước đây từng đặc sệt chất phiêu lưu và exoticism đã bắt đầu trở nên giống hệt một vở opera dài tập với một dàn nhân vật cốt cán hết sức quen thuộc. 
Vậy, đâu là điều đã thay đổi trong năm nay?
Rõ ràng, chúng ta vẫn đang ở trong thời đại của các siêu câu lạc bộ. Đúng là Lyon và RB Leipzig đã thi đấu rất tuyệt vời để tiến đến vòng bán kết, tận dụng tối đa những cơ hội của mình, nhưng cũng giống như mọi đội bóng có thể đi sâu ở giai đoạn knock-out khác, không thể phủ nhận việc họ đã gặp được không ít may mắn. Và với việc Lyon đã kết thúc Ligue 1 2019/2020 ở vị trí thứ bảy, kém PSG đến 28 điểm, còn Leipzig thì đứng thứ ba tại Bundesliga, kém Bayern Munich đến 16 điểm, sẽ là một bất ngờ rất lớn nếu họ tiếp tục lọt vào được vòng 4 đội ở mùa giải tới. 
Champions League vẫn là một đấu trường đầy cao quý, không một ai có thể phủ nhận được thứ giá trị đó ở trận chung kết sắp tới, ngay cả khi Bayern Munich là một cái tên đã xuất hiện rất nhiều lần – đây sẽ là trận chung kết thứ sáu mà họ góp mặt kể từ mùa giải 1998/1999 – còn với PSG thì là lần đầu tiên.
Dĩ nhiên, mô hình của hai gã khổng lồ này hoàn toàn không giống nhau. Bayern là đẳng cấp tối thượng của một siêu câu lạc bộ kiểu “truyền thống”, với sức nặng của một lịch sử hào hùng phía sau họ, qua đó có được sự cuốn hút cực kỳ lớn đối với các nhà tài trợ và nguồn đầu tư, một đội bóng vừa có thể là tấm gương điển hình của mô hình Đức, vừa thi triển một thứ bóng đá khác với những cái tên còn lại ở Bundesliga. 
Trong khi đó, nguồn gốc của sự thịnh vượng mà PSG đạt được rõ ràng là hoàn toàn khác biệt. Thành lập vào năm 1970 và được mua lại bởi người Qatar vào năm 2011, trong 9 năm qua, câu lạc bộ này thậm chí còn bạo chi hơn cả Manchester City của các chủ sở hữu Abu Dhabi trên thị trường chuyển nhượng. Ba năm trước, họ đã chiêu mộ Neymar với mức phí chuyển nhượng 198 triệu bảng và Kylian Mbappe với giá 165 triệu bảng, những khoản đầu tư đang đáp ứng rất tốt sự kỳ vọng. 
Điểm tương đồng của hai câu lạc bộ này chính là sự thống trị tại đấu trường quốc nội. PSG đã giành được 7 chức vô địch quốc gia Pháp trong 8 năm qua, còn của Bayern là 8 lần liên tiếp trong 8 mùa giải qua ở giải đấu hạng cao nhất nước Đức. Nói tóm lại, không phải lúc nào những đội bóng góp mặt trong trận chung kết của đấu trường châu lục cũng đại diện cho chất lượng và đẳng cấp của giải vô địch quốc nội mà họ là thành viên. 
Nhưng tại Champions League trong vài mùa giải qua, có cảm giác một số siêu câu lạc bộ cũ đã bắt đầu phân tách thành một nhóm mới, như thể đối với họ chỉ mỗi cái tư cách thành viên của hàng ngũ thượng đẳng này là không còn đủ thỏa mãn nữa.   
(còn nữa)
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Welcome to the second era of the superclub: Clever ones vs lazy ones” của ký giả Jack Pitt-Brooke, đăng tải trên The Athletic.   

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.