Câu chuyện về thứ "bản sắc" được đánh giá cao quá mức của Manchester United

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Bảy 06/07/2019 17:54(GMT+7)

Zalo

Ý tưởng cho rằng thật sự có tồn tại một bản sắc chiến thắng bẩm sinh, những sợi tơ vàng giữ gìn văn hóa, bản sắc bên trong những con quái vật thương mại không ngừng thay đổi, không khác gì một câu chuyện cổ tích, và không chỉ có Man United là tin vào điều này.

Ý tưởng cho rằng thật sự có tồn tại một bản sắc chiến thắng bẩm sinh, những sợi tơ vàng giữ gìn văn hóa, bản sắc bên trong những con quái vật thương mại không ngừng thay đổi, không khác gì một câu chuyện cổ tích, và không chỉ có Man United là tin vào điều này. 

Câu chuyện về thứ bản sắc được đánh giá cao quá mức của Man Utd hình ảnh
 
Có một chương trình rất thú vị đã được phát sóng trên BBC Radio 4 vừa qua đề cập đến loài Portuguese man o’ war nổi tiếng. Man o’ war chắc chắn là kẻ đứng trên đỉnh trong thế giới của loài sứa, những chiếc xúc tu lớn đung đưa nơi rãnh đại dương sâu thẳm, chưa kể đến việc đây là loài sứa duy nhất mà hầu hết mọi người được nghe nói đến, bên cạnh những con xuất hiện trên bãi biển nước Anh vào mùa xuân, trông buồn thảm, chết chóc, bao quanh là những nắp chai và tàn thuốc lá.
 
Ngoại trừ việc, man o’war thực chất không hoàn toàn là một con sứa. Thay vào đó, nó là một quần thể, một tập hợp của nhiều sinh vật nhỏ thành một thực thể lớn hơn, thành công hơn. Hiệu ứng tổng thể mà nó tạo ra là một xã hội thu nhỏ có chức năng cao của các tế bào, các cơ quan và những chiếc xúc tu chứa nọc độc. Trong chương trình kia, man o’ war được giới thiệu như một ví dụ tiêu biểu cho sự tiến hóa thành công, sự sinh tồn đến từ tập thể đối nghịch với cá nhân, được duy trì bởi một bản sắc và mục tiêu chung. Và nó cũng như một phép ẩn dụ cho đời sống đô thị hiện đại với nhiều bộ phận đa dạng, liên kết với nhau và tự duy trì. 
 
Trong thực tế, cách sống, cách hoạt động của man o’ war cũng như một phép ẩn dụ cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Hoặc ít nhất là đối với những câu lạc bộ thích tự thần thoại hóa bản thân, liên tục nói đi nói lại về cái thứ gọi là “bản sắc”, về những đặc tính tập thể quan trọng cần được tôn kính và nuôi dưỡng để câu lạc bộ có thể phát triển và đạt được những thành công – ví dụ như đường lối Barcelona, đường lối Yeovil Town. Các cá thể có thể chết và trôi đi. Nhưng tập thể, tổ chức và cái tinh thần không thể thiếu được đó sẽ mãi mãi đứng vững. 
 
Cái cách Manchester United nhìn nhận về quá khứ của mình đã luôn đeo bám họ dai dẳng, nó bao trùm lấy không chỉ  các vấn đề trong việc xây dựng đội bóng, bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo, mà còn là nhận thức cơ bản của chính câu lạc bộ này về sự “hạnh phúc” của họ. Lại một tuần nữa trôi qua trong cái mùa hè hô hào mạnh mẽ, hoành tráng về công cuộc “tái thiết” của Man United, cùng với đó là cái cảm giác tù túng, bế tắt đang bao trùm lấy đội bóng này.
Manchester United va 26 nam kho han hau Matt Busby16
 
Đây là một câu lạc bộ luôn cố gắng để có thể được quay trở lại những ngày xưa cũ, khao khát tìm ra cánh cửa có khả năng giúp họ được quay về quá khứ. Luôn có một cách để có thể đưa mọi việc đi theo chiều hướng tích cực, giúp mọi thứ hoạt động tốt hơn, nhưng nó dường như luôn bị Man United gắn chặt vào việc tìm lại những mô hình cũ, đi theo cùng một đường lối cũ, và xây dựng lại cùng một bản sắc, văn hóa như trong quá khứ.
 
Sự hiện diện của Ole Gunnar Solskjaer với tư cách là huấn luyện viên trưởng chính là triệu chứng rõ ràng nhất trong hiện tại về vấn đề này, đây là một cuộc bổ nhiệm mà bạn chỉ có thể nhìn thấy ở một đứa trẻ 7 tuổi đang ngồi tra cứu Google, chứ không phải từ vị giám đốc điều hành của một trong những câu lạc bộ bóng đá lớn nhất thế giới. Kể từ đó, đến cả Darren Fletcher và Rio Ferdinand cũng đã được cân nhắc như những cái tên tiềm năng có thể ngồi vào chiếc ghế Giám đốc thể thao tại Man United. Nếu đã đến nước này thì tại sao không phải là Chris Eagles, Lee Martin, Clive Tyldesley hoặc … Matthew Simmons – gã cổ động viên của Crystal Palace đã ăn trọn cú đá của Eric Cantona? 
 
Trong khi ấy, Solskjaer cũng đang bị mắc kẹt trong cái quan điểm “bản sắc” hạn hẹp đó, thứ đã giúp ông được ngồi vào vị trí hiện tại, đến mức ông trông giống hệt như một cuộc bổ nhiệm đầy mới lạ, một phiên bản Britpop của đời thực, ngồi phía sau chiếc taxi màu đen của ông, với Paul Scholes là người tài xế ngồi ở ghế trước, nhấc nhẹ chiếc mũ bowler của mình để chào hỏi, và cả hai cùng trò chuyện với một sự chắc chắn về việc đưa mọi thứ đi theo đúng “đường lối Manchester United”, về chuyện “Manchester United là một đội bóng khác biệt”, hồi tưởng về cái quá khứ của “Fergie time”, và những vinh quang đã trở nên quá cũ kĩ, vô nghĩa ở hiện tại.
Manchester United: Gio khong phai luc phan xet Solskjaer
 
Đó chính là thứ ảo tưởng đã luôn đeo bám dai dẳng theo những việc cần làm. Gần đây, đã xảy ra một vụ lùm xùm về một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại cảnh Jesse Lingard và Marcus Rashford đang “khoe” căn phòng bừa bộn của họ trong kì nghỉ. Hãy thử tưởng tượng Bryan Robson sẽ phản ứng như thế nào với chiếc khăn trải giường rối rắm đó. Hay liệu vị huấn luyện viên đã từng giành được giải vô địch quốc nội từ năm 1908 đến 1911, Ernest Mangnall, sẽ nói gì về một gã cầu thủ trẻ đang giả vờ quan hệ tình dục với chiếc gối của cậu ta? Có lẽ họ sẽ nhận định kiểu như: “Tập thể đang tan rã. Hiện tại đang phản bội quá khứ.”
 
Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn không giống như vậy. Ý tưởng cho rằng thật sự có tồn tại một bản sắc chiến thắng bẩm sinh, những sợi tơ vàng giữ gìn văn hóa, bản sắc bên trong những con quái vật thương mại không ngừng thay đổi, không khác gì một câu chuyện cổ tích, và không chỉ có Man United là tin vào điều này. Thế giới bóng đá đỉnh cao vẫn đang bị xuyên phá bởi những ý tưởng về bản sắc, văn hóa, “triết lý” và DNA. Việc Frank Lampard quay trở lại Chelsea để ngồi vào chiếc ghế huấn luyện viên đã dẫn đến những sự nghi ngờ về vấn đề liệu triết lý của Lampard có phù hợp với triết lý của Chelsea football club hay không. (chắc chắn các bạn đều biết là chúng sẽ phù hợp với nhau mà thôi).
 
Quan sát kỹ và chúng ta sẽ nhận thấy rằng hầu hết những giai đoạn thành công của bất kì môn thể thao nào đều liên quan đến việc đập bỏ những gì đã có sẵn trước đó. Một quan điểm trái ngược với những gì đã nêu ở trên là thứ gần với sự thật nhất: Phá bỏ, xé nát cái tập thể của những đường lối, bản sắc đã đề cập ở trên.
Manchester United va 26 nam kho han hau Matt Busby6
 
Triều đại của Sir Matt Busby tại Man United được xây dựng dựa trên việc từ bỏ thứ bóng đá “cục súc”, khốc liệt mà ông từng thấy ở họ khi còn là một cầu thủ và xây dựng một thứ hoàn toàn khác. Alex Ferguson đã phải mất 5 năm để giúp toàn bộ đội bóng này thoát khỏi tất cả những gì đang ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trí họ trước khi có thể tiến về phía trước. Arsene Wenger đã không hề có ý định tái tạo “đường lối Arsenal” nào cả, ông tự tay tạo ra tất cả mọi thứ được hình thành tại đội bóng này trong triều đại của mình. 
 
Tuy nhiên, không khó để có thể nhận thấy được tại sao quan niệm về “bản sắc” lại có được một chỗ đứng vững chắc đến thế. Các cổ động viên đều muốn tin vào sự tổn tại của một khuynh hướng, một bản sắc, một văn hóa đúng đắn và tốt đẹp bên trong đội bóng mà mình yêu mến. Điều đó rất có hại. Nó khiến người ta không thể phân biệt được những ký ức đẹp đẽ trong quá khứ và những mong muốn của hiện tại. Tất cả chúng ta đều muốn được kể lại rằng quá khứ đã từng tuyệt vời như thế nào, rằng nó sẽ quay trở lại một lần nữa, rằng những gì sắp diễn ra sẽ mang hương vị của những ngày xưa cũ.  
 
Trong khi đó, đối với các chủ sở hữu của một câu lạc bộ như Manchester United, ý định của họ không gì khác ngoài việc tận dụng triệt để những “tài sản” trong tay để kiếm tiền và lợi nhuận, thành công thể thao không quan trọng bằng việc duy trì cái thương hiệu có phần cốt lõi quan trọng là sự ủng hộ sâu sắc của các fan hâm mộ. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, Man United hoàn toàn có thể tái bổ nhiệm … Ferguson chỉ để giúp họ kích thích các đối tác, nâng cao doanh thu và thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Manchester United: Nhoc nhan tim giam doc ky thuat
 
Sẽ không hề có bất kì một cảm giác ham muốn, khát khao nào về một kế hoạch thể thao đúng đắn khi mà khâu kinh doanh, thương mại vẫn đang “ăn nên làm ra”. Trong khi đó, quá khứ sẽ tiếp tục là một đám sương mù che mờ đi tương lai. Những câu lạc bộ có thể rũ bỏ quá khứ, tiến về phía trước sẽ tiếp tục là các cỗ máy hoạt động ngày càng hiệu quả. Còn Manchester United sẽ tiếp tục chìm đắm trong dòng timeline của riêng họ, đóng sập cánh cửa của chiếc xe DeLorean (chiếc xe có khả năng du hành thời gian trong bộ phim Back to the Future), liên tục xúc than vào lò lửa và la hét sang bên kia thảo nguyên, để một lần nữa được sống trong năm 1985. 
 
Lược dịch từ bài viết “Manchester United’s ‘culture’ is overrated. Busby and Ferguson swam against the tide” của Barney Ronay, được đăng tải trên The Guardian.

NAM KHÁNH (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow