Barcelona 2003: Khi gã khổng lồ thức tỉnh sau giấc ngủ đông

Tác giả Frank - Thứ Hai 22/08/2016 21:08(GMT+7)

“Nếu như được lựa chọn trở thành chủ tịch của Barcelona một lần nữa, tôi xin cam kết đội bóng sẽ tiếp tục chiến thắng. Tôi sẽ khôi phục lại lò La Masia và giúp đội bóng thành công trong vòng một thập kỷ tới. Đó là lý do vì sao tôi kêu gọi các bạn ủng hộ tôi. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Visca Barça y visca Catalunya!”
Barcelona 2003: Khi gã khổng lồ thức tỉnh sau giấc ngủ đông
Joan Laporta kết thúc bài phát biểu cực kỳ tự tin trong cuộc vận động tranh cử đầu năm 2015. Một cuộc thăm dò hồi tháng Ba cho thấy 51% các cule ủng hộ Laporta, trong khi đó chỉ có 27% ủng hộ đương kim chủ tịch Josep Bartomeu, còn 13% bầu cho Benedito. Sự chênh lệch đó một phần bắt nguồn từ những rắc rối tài chính của Bartomeu, và một phần bắt nguồn từ niềm tin mà các cule đặt ở Laporta. Niềm tin vào một cuộc cách mạng thần kỳ khác, giống như cái cách mà ông đánh thức gã khổng lồ Catalunya 12 năm về trước.

NHỮNG CANH BẠC CỦA “CHÚ VOI XANH”
 
Mùa hè 2003 chứng kiến những cảm xúc lẫn lộn tại Camp Nou. Barcelona chỉ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ thứ 6, đó đã là mùa thứ 4 liên tiếp đội bóng xứ Catalunya trắng tay và cũng từng đó thời gian họ đứng sau cái bóng của một “Dải ngân hà” Real Madrid đang rực sáng. Mọi chuyện đã đi đến giới hạn và Barca không cần những giải pháp tình thế nữa, họ cần một cuộc cải tổ thực sự ở thượng tầng. Đó cũng là lúc một nhóm luật sư trẻ với tên gọi khá ngộ nghĩnh “Chú voi xanh” (Blue Elephant) lên nắm quyền ở Camp Nou, và người đứng đầu không ai khác ngoài Joan Laporta, tân chủ tịch của Barcelona.
 
Khi mới bắt tay vào công việc, những gì Laporta đối mặt là một đống lộn xộn thực sự. Ông cùng các cộng sự phải cùng lúc giải quyết hai mục tiêu: trả đủ món nợ 150 triệu euro và đưa thứ bóng đá tấn công quyết rũ thời Johan Cruyff trở lại. Ngay lập tức, Laporta đã có những biện pháp cực kỳ mạnh tay để cắt giảm chi phí. Tiền thưởng của các cầu thủ bị giảm triệt để, những khoản chi không cần thiết bị xóa sổ, và thậm chí Ban lãnh đạo đội bóng còn không được nhận một đồng lương nào! Nhưng đó mới chỉ là phần dễ nhất trong bài toán ở Camp Nou, cái khó là làm thế nào để xây dựng lại một tập thể đã quá rệu rã và mất đi bản sắc. 
Laporta và Rijkaard - canh bạc của ông sau van Gaal
Việc đầu tiên là tìm một “kiến trúc sư” để xây dựng lối chơi mới của Barca sau khi Louis Van Gaal từ chức vào giữa mùa giải năm ngoái. HLV tạm quyền Radomir Antic đã góp công lớn khi giúp đội bóng giành suất tham dự UEFA Cup, nhưng như thế là chưa đủ với tham vọng phục hưng Barca của Laporta. Ronald Koeman và Guus Hiddink được đưa vào tầm ngắm, nhưng mức lương của họ vượt quá ngân sách của Los Blaugrana. Đúng vào lúc túng quẫn nhất, huyền thoại Johan Cruyff tiến cử một người với chỉ vỏn vẹn 5 năm kinh nghiệm cầm quân: Frank Rijkaard.
 
Rijkaard có thể coi là một canh bạc thật sự của Joan Laporta vào thời điểm đó, nhưng nó cũng chẳng là gì so với canh bạc tất tay mang tên Ronaldinho sau đó. Trong quãng thời gian vận động tranh cử, David Beckham chính là quân át chủ bài của Laporta khi ông cam kết sẽ đưa tiền vệ người Anh về sân Camp Nou nếu thắng cử. Tuy nhiên ngay ở thời điểm đó, Real Madrid đã ngấm ngầm thỏa thuận với Manchester United, và khi Kền kền trắng bỏ ra 40 triệu euro để có được Becks, nhiệm vụ của Laporta là phải tìm ra một viên kim cương khác để đặt vào chiếc vương miện của mình. Không nhiều người tin rằng Ronaldinho sẽ tỏa sáng ở vị trí tối quan trọng đó, nhưng có lẽ giờ đây khi nhìn lại, các cule phải cảm thấy may mắn vì đã cướp được chàng vẩu từ tay chính Man United. Khoảnh khắc khi Joan Laporta nhấc bổng Ronnie một cách đầy phấn khích sau lễ ký hợp đồng, đó là lúc Barca đã sẵn sàng cho một cuộc lột xác ngoạn mục.
 
Rồi cậu xem, cậu sẽ rất, rất hạnh phúc khi ở đây.
Chủ tịch Laporta nói với Ronaldinho
 
KIÊN ĐỊNH TRƯỚC GIÔNG TỐ
 
Thế nhưng thành công không đến một cách dễ dàng với Barca như thế. Ronaldinho đã có một màn ra mắt tuyệt vời khi anh có cú solo từ giữa sân và dứt điểm tung nóc lưới Sevilla, nhưng như thế là chưa đủ. Los Blaugrana chỉ giành được 1 điểm trong trận đấu đó, và mọi chuyện còn trở nên tồi tệ hơn khi họ liên tiếp để thua những đối thủ ở tốp đầu như Valencia và Deportivo La Coruna. Mặc dù đã loại bỏ những nhân tố chơi dưới sức ở mùa giải năm ngoái như Patrik Andersson, Fabio Rochembach hay Juan Roman Riquelme, nhưng rõ ràng đội hình của Barca vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Những tân binh như thủ thành Rustu Recber hay Rafael Marquez chơi tròn vai, nhưng một trong những niềm hy vọng lớn nhất là Ricardo Quaresma lại chơi cực kỳ thất vọng.
Quaresma đã từng là niềm hi vọng của Barcelona
Barca tiếp tục trượt dài trong quãng thời gian lượt đi mùa giải 2003/2004. Họ để một đội bóng phải chiến đấu để trụ hạng như Malaga đè bẹp 5-1, và đặc biệt là để cho đại kình địch Real Madrid giành chiến thắng 2-1 trong trận Siêu Kinh Điển trên sân Camp Nou, điều chưa từng xảy ra trong 20 năm. Áp lực cứ thế tăng dần trên vai chủ tịch Laporta, và trận thua trước Racing Santander vào tháng Một giống như giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Các cule đòi sa thải Frank Rijkaard trong tình cảnh đội bóng đã rơi tự do xuống vị trí thứ 12, thậm chí nhà riêng của chủ tịch Laporta cũng thường xuyên nhận được những lá thư dằn mặt.
 
Tuy nhiên, bằng một niềm tin sắt đá vào sự lựa chọn của “Thánh Johan”, Laporta vẫn quyết định giữ chiếc ghế của Rijkaard lại. Vị chiến lược gia người Hà Lan tránh được cái kết buồn giống như người tiền nhiệm Van Gaal, nhưng trước mắt ông vẫn là một bài toán quá nan giải. Làm cách nào để cải tổ đội bóng chỉ trong vòng 1 tháng ngắn ngủi của kỳ chuyển nhượng mùa đông? Rất nhiều nhà phân tích lúc đó cho rằng Barca nên bổ sung hàng công, khi những Patrick Kluivert và Javier Saviola đều không có được phong độ cũng như thể lực tốt nhất. Nhưng trái lại, Rijkaard mang về một người đá ở vị trí tiền vệ trung tâm và đã bước sang tuổi 31: Edgar Davids.
 
CÚ NƯỚC RÚT HOÀN HẢO
 
Người hâm mộ thất vọng, báo chí đặt câu hỏi, còn những người bi quan ngay lập tức kết luận rằng số phận của Rijkaard cũng như Barca mùa giải năm nay coi như đã kết thúc. Nhưng không ai ngờ rằng bản hợp đồng cho mượn từ Juventus ấy lại giúp gã khổng lồ xứ Catalunya trở lại với vị thế của chính mình. Chất thép và sự năng nổ của Davids chính là thứ Barca còn thiếu, và khi đã có được mảnh ghép hoàn hảo, họ nhanh chóng trở lại cuộc đua. Với Davids và Cocu ở tuyến giữa, hàng phòng ngự của đội bóng áo đỏ-xanh được giải tỏa áp lực, còn các cầu thủ trên hàng công cũng được tạo điều kiện nhiều hơn. 
 
Real Zaragoza trở thành nạn nhân đầu tiên với thất bại 0-3 ngay trên sân nhà. Saviola và Ronaldinho khiến các cule vỡ òa trong sung sướng, nhưng điều quan trọng là đoàn quân của Rijkaard đã thể hiện một lối chơi hoàn toàn khác, khoáng đạt trong tấn công và chắc chắn ở hàng phòng ngự. “Pitbull” Davids tiếp tục cho thấy sức bật khủng khiếp của mình khi giúp Barca thắng tiếp 5/6 trận tiếp theo, và đó cũng là lúc chủ tịch Laporta dõng dạc tuyên bố: “Madrid sẽ bại trận và cả Deportivo cũng vậy”.
Saviola và Ronaldinho - bộ đôi một thời của Barca
Ngày 29/2, Super Depor gục ngã 2-3 trước Barca.
Ngày 24/4, dàn Galacticos thất thủ 1-2 ngay tại Bernabeu.
 
Cứ thế Barca cuốn phăng mọi vật cản để trở lại với cuộc đua tới ngôi vô địch. Mặc dù bị khuất phục bởi một Valencia hùng mạnh của Rafa Benitez ở giai đoạn cuối, nhưng cuộc lội ngược dòng ở giai đoạn lượt về của họ khiến tất cả phải thán phục. Trong 20 trận cuối cùng, Barca chỉ để thua đúng 2 trận, giành 48 điểm và cán đích ngoạn mục ở vị trí Á quân. Đó có thể coi là mùa giải không danh hiệu ngọt ngào nhất đối với Barcelona. Đội bóng đã trình diễn một lối chơi tấn công mang đúng thương hiệu Johan Cruyff, và thêm vào đó là sự chắc chắn nơi hàng thủ. Sau những đêm dài mong ngóng một thần tượng, cuối cùng các cule cũng tìm ra cho mình một ngôi sao mới, một chữ R khác để tiếp nối những huyền thoại như Romario, Ronaldo hay Rivaldo. Ngay trong mùa giải ra mắt, Ronaldinho đã lập tức mê hoặc các khán giả ở Camp Nou với những màn đảo bóng như có phép thuật, cùng với 22 bàn thắng và 14 pha kiến tạo.
 
Đó là sự bắt đầu của cả một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thành công và danh hiệu. Ngay mùa giải năm sau, Barca giành chức vô địch La Liga đầu tiên sau 6 năm, và họ cũng chỉ mất thêm 1 năm nữa để chạm tay vào chiếc cúp bạc Champions League danh giá. Đó là một trang bản lề cực kỳ quan trọng của Barca, thời mà những ngôi sao trở thành cảm hứng cho cả một thế hệ kế tiếp. Pep Guardiola thừa kế di sản của Frank Rijkaard, Lionel Messi trở thành truyền nhân của Ronaldinho, để rồi họ làm nên những kỳ tích còn vĩ đại hơn như cú ăn sáu thần thoại ở mùa giải 2008/2009. Và để rồi những Luis Enrique hay Neymar, Suarez lại tiếp bước con đường thành công đó.
Những ngôi sao đã trở thành cảm hứng của thế hệ kế tiếp
NIỀM TIN VÀ HY VỌNG
 
Trên tất cả, mùa 2003/2004 xứng đáng được vinh danh như một mùa giải vĩ đại của Barcelona bởi niềm tin và hy vọng của những con người nơi đây. Laporta tin vào Cruyff, “Thánh Johan” tin và Rijkaard, chiến lược gia người Hà Lan tin vào Ronaldinho, còn chàng vẩu tin rằng mình sẽ thành công ở một đội bóng còn không được tham dự Champions League. Chính niềm tin sắt đá đó đã giúp Barca vượt qua giai đoạn bĩ cực nhất để vươn tới thành công. Sẽ thế nào nếu Laporta không tới và thực hiện một cuộc cách mạng triệt để? Sẽ thế nào nếu Sandro Rossell không thuyết phục được Ronaldinho đổi ý tới Old Trafford? Và sẽ thế nào nếu Rijkaard bị xử trảm ngay trong mùa đông năm đó? Có thể Barca sẽ vẫn thành công, nhưng cũng có thể họ sẽ tiếp tục chìm trong khủng hoảng.
 
Người ta đồn rằng Laporta suýt chút nữa đã bị thủ tiêu do không thỏa hiệp với đám gangster “Mad Dogs”, những kẻ đã ra yêu sách với các đời chủ tịch Barca trong suốt một thập kỷ. Và trong quyết định đó của ngài Chủ tịch, không ai phản đối hoặc tỏ ra sợ hãi. Đó là tinh thần mà các cầu thủ cũng như các cule vẫn luôn tự hào: “Mes que un club” - Còn hơn cả một Câu lạc bộ.
 
Mùa giải 2003/2004 đó không chỉ hồi sinh một Barcelona rệu rã, trên hết nó còn làm sống dậy niềm tin và cả những truyền thống bất diệt của Los Blaugrana. Và mỗi khi nhớ tới thời khắc Joan Laporta cùng với bộ sậu “Chú voi xanh” bước tới Camp Nou, các cule sẽ biết họ đang nhớ tới khoảnh khắc khi người khổng lồ thức tỉnh sau giấc ngủ đông.
 
FRANK (TTVN)

⇒ Bóng đá 24h liên tục cập nhật lịch bóng đá việt nam và trực tiếp bóng đá nhanh nhất.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Có một Arsenal khốn khổ trong nỗi nhớ Martin Odegaard

Thua, hòa và lại tiếp tục thua. Đó là kết quả thi đấu của Arsenal tại Premier League trong 3 vòng đấu gần nhất. Từ việc tràn trề hi vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester City và Liverpool, Pháo thủ thành London giờ đây đang trượt dài trong mớ hỗn độn không lời giải vì phong độ chạm đáy.

Lửa khủng hoảng đang lan nhanh ở Etihad?

Manchester City đã phải nhận thất bại muối mặt 1-4 trên sân Jose Alvalade trước Sporting Lisbon trong loạt trận thứ 4 Champions League rạng sáng hôm nay. Đây đã là trận thua thứ 3 liên tiếp của đoàn quân Pep Guardiola trong vòng một tuần, khi trước đó họ để thua Tottenham ở Carabao Cup và Bournemouth ở giải ngoại hạng. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang ngầm lan nhanh ở Etihad?

Liverpool đứng đầu Premier League: Niềm tin cho Arne Slot

Lội ngược dòng trước Brighton với chỉ 3 phút bằng 2 bàn thắng chớp nhoáng của Cody Gakpo và Mohamed Salah, Liverpool của Arne Slot đã giành lại ngôi đầu giải ngoại hạng Anh sau khi vòng đấu thứ 10 khép lại. Khoảng cách giờ là 2 điểm với những nhà đương kim vô địch Manchester City và là 7 điểm đối với kẻ được xem là ứng cử viên số 2 mùa này Arsenal.

Chuyện gì đang xảy ra với Arsenal?

Hành quân đến Newcastle với tâm thế không thật sự thoải mái sau những lần hụt chân liên tiếp gần đây khiến cho kết quả mà Arsenal phải nhận trước những người chủ nhà thực ra không quá bất ngờ với những ai am tường về Arsenal lẫn ngoại hạng Anh. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang dần lan rộng ở Emirates?