Câu chuyện khủng hoảng bản sắc của Everton

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Ba 31/01/2023 13:48(GMT+7)

“Những quả phạt góc được thực hiện gián tiếp, sau đó là các pha phản công…” Frank Lampard mệt mỏi nói sau trận của Everton trước West Ham với kịch bản như trên, như thể những thất bại đã trở nên quá quen thuộc với ông.

 

Ở những đội bóng khác và vào những thời điểm khác, những lời chỉ trích sẽ tập trung vào cách Everton thua West Ham. Các đội bóng của Lampard luôn nhận bàn thua từ các tình huống cố định và phản công. Nhưng cuộc khủng hoảng ở Everton đã bao trùm tất cả, đến nỗi những trục trặc trong khâu tổ chức phòng ngự trở thành tiểu tiết. 

Việc sa thải Lampard hôm thứ Hai được thực hiện trong bầu không khí buồn bã, bởi đó chỉ là những gì các đội bóng cần làm trong trường hợp này. Lampard là một sai lầm, nhưng không phải bản chất của vấn đề. Không mấy ai kỳ vọng tình thế tại Everton sẽ trở nên tốt đẹp hơn sau những biến cố như vậy.

Nếu Ronald Koeman, Sam Allardyce, Marco Silva, Carlo Ancelotti, Rafa Benitez và Lampard không làm được thì ai làm được? Ban lãnh đạo Everton đã sử dụng một loạt các chiến lược gia, nhưng chẳng ai trong số đó thành công. Và đó lại là một phần của vấn đề: Những HLV với cách tiếp cận khác nhau đều có ảnh hưởng nhất định tới các bản hợp đồng. Điều đó đã biến đội hình Everton trở thành một mớ hỗn độn.

Việc Sean Dyche (người Anh, lối chơi thực dụng, trực diện) người mới được Everton bổ nhiệm chỉ làm nổi bật hơn tính thiếu triết lý trên ghế chỉ đạo, cũng như sự phụ thuộc vào những cái tên đã có tên tuổi. Không ai đếm xỉa đến việc tìm kiếm một chiến lược gia trẻ sáng giá, dù họ đã thành công rực rỡ trong lần gần nhất làm điều đó: Bổ nhiệm David Moyes năm 2002, người chưa từng dẫn dắt một CLB Premier League.

Tân HLV trưởng Everton - Sean Dyche

Và đây là đội bóng trong năm mùa giải qua đã ký hợp đồng với Idrissa Gana Gueye, James Tarkowski, Neal Maupay, Demarai Gray, Dele Alli, Andros Townsend, Asmir Begovic, Andy Lonergan, Salomon Rondon, Donny van der Beek, Allan, Abdoulaye Doucoure, James Rodríguez, Theo Walcott, Josh King, Alex Iwobi, Andre Gomes, Jean-Philippe Gbamin, Fabian Delph, Djibril Sidibe, Jonas Lossl, Richarlison, Yerry Mina, Lucas Digne và Bernard.

Thống kê ở trên không mang tính chỉ trích bất cứ cầu thủ nào. Thay vào đó, có một sự thật hiển hiện trước mắt: Ngay cả khi những cầu thủ đó đều tỏa sáng, việc ký hợp đồng với 25 cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ hoặc dần tiến tới sườn dốc sự nghiệp trong khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ tạo ra các vấn đề tài chính.

Nhờ sự can thiệp có phần muộn màng của của GĐTT Kevin Thelwell, Everton mới có một kì chuyển nhượng hợp lý. Về mặt lý thuyết, Amadou Onana, Dwight McNeil và James Garner có thể giúp họ sinh lời trong tương lai. Nhưng vấn đề là họ cần thời gian để chứng minh.

Rõ ràng Everton cần cải thiện công tác tuyển trạch và chiêu mộ cầu thủ, thực hiện một triết lý bóng đá và áp dụng nó trong mọi quyết định tại đội bóng, cũng như tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo trẻ. Tuy nhiên, có một trở ngại lớn. Đó là nhận thức của đội bóng. 

 

Everton có một lịch sử lừng lẫy một cách lạ thường: Họ là đội bóng giàu thành tích thứ tư trong lịch sử nước Anh. Ngoài ra, không giống như Sunderland, Newcastle và Sheffield Wednesday, những đội bóng khác trong top 10, họ đã giành được các danh hiệu này trong nửa thế kỷ vừa rồi. 

Điều đó tạo ra những kỳ vọng nhất định. Ý tưởng trở thành một CLB hạng trung có vẻ không phù hợp với lịch sử vĩ đại của họ. Tại sao một Everton với 9 lần VĐQG lại đóng vai trò làm bàn đạp cho những ngôi sao gia nhập Manchester City, Chelsea hoặc Tottenham, những đội có ít danh hiệu hơn? 

Tuy nhiên, sức mạnh của những dòng tiền ồ ạt đổ vào khiến lịch sử không còn là dấu hiệu của quyền lực. 9 lần vô địch của Everton không có nghĩa là họ kiếm được nhiều tiền hơn từ bản quyền truyền hình Premier League so với Brentford, cũng như 7 chức vô địch châu Âu của AC Milan không mang lại cho họ nhiều sức mạnh tài chính hơn Bournemouth.

Nhìn chung, những thế lực cũ của bóng đá có thể xếp vào hai loại. Có những đội đã thích nghi với tình hình hiện tại, cố gắng tạo ra một định nghĩa mới về thành công giúp họ cảm thấy hài lòng. Đó là Benfica và Ajax Amsterdam, những đội đánh đổi sự nổi bật ở đấu trường châu lục để đổi lấy quyền lực tối cao trong nước, cũng như sống khỏe nhờ vào nguồn tài năng trẻ ổn định. Đó là Borussia Dortmund, đội bóng chấp nhận vị trí như bệ phóng cho các ngôi sao trẻ tỏa sáng, đổi lại là nguồn tài chính đủ để duy trì hoạt động.

Thế rồi, có những đội dường như bị gánh nặng lịch sử của chính họ đè nặng: Valencia, Marseille, Schalke 04, Hamburg, West Ham, Aston Villa và tất nhiên là cả Everton. Những đội bóng này đều không thể hoặc không muốn áp dụng các phương pháp để tìm ra vị trí mới khả dĩ hơn trong thế giới bóng đá hiện đại.

Dễ hiểu khi đây là những CLB bất ổn nhất, kém thoải mái nhất ở châu Âu. Những đội bóng này bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng bản sắc không hồi kết, giữa những gì họ đã có và những gì họ đang có.

 

Đó chính là bản chất vấn đề Everton đang mắc phải. Giống như Lampard, ngay cả Moshiri cũng có thể được coi là nguyên nhân lớn cho sự sa sút của đội bóng. Đội bóng này khao khát được trở lại như xưa đến nỗi bán mình cho một người trong sáu năm qua chẳng biết làm gì, ngoài việc thuê những HLV nổi tiếng và ký hợp đồng với những cầu thủ đắt giá với hy vọng họ sẽ có ích. Điều đó sẽ tiếp tục làm suy yếu Everton cho đến khi vấn đề được giải quyết, khi các đội phía trên họ bắt đầu sa sút, còn các đội đứng dưới họ bắt đầu vươn lên nhờ sự thông minh trong chiến lược và buộc họ phải làm theo.

Tuy nhiên, Everton chưa bao giờ từ bỏ ý tưởng rằng họ không chỉ là bệ phóng của các ngôi sao, ngay cả khi làm như vậy mới là bước đầu tiên để trở lại với thực tế. Làm như vậy nghĩa là suy nghĩ nhỏ nhặt. Thật khó để nghĩ nhỏ khi lịch sử cho rằng bạn cần nghĩ lớn.

Bài viết có sử dụng tư liệu từ các bài viết sau:

“Memo to Dyche: Everton have become a stepping-stone-on-the-way-down club” của Jonathan Wilson (The Guardian)

“Everton’s Identity Crisis” của Rory Smith (The New York Times)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.