Tình hình các siêu CLB ngoài Premier league đang ra sao?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 01/10/2022 16:48(GMT+7)

Cứ mỗi 3 ngày của kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, một cầu thủ tên tuổi lớn hoặc một tài năng trẻ triển vọng lớn sẽ ký hợp đồng với một CLB bất ngờ ở Anh, và những cuộc chuyển nhượng đó sẽ lại làm dấy lên cùng chung một ý tưởng: Chúng ta không cần Super League, bởi vì Premier League vốn đã là Super League. 

 

Nói vậy không hề sai. Cho đến nay, Premier League chính là giải đấu giàu có nhất trên thế giới. Các CLB Anh đã đạt mức chi kỷ lục 2,2 tỷ Euro cho thị trường chuyển nhượng mùa hè – nhiều hơn con số của cả Serie A, La Liga, Ligue 1 và Bundesliga cộng lại. Nhưng trong khi lợi thế kinh tế ngoài sân cỏ đúng là sau cùng sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh trên sân đấu, nó vẫn chưa thực sự làm tổn hại đến các siêu CLB của châu lục – ít nhất là chưa. 

Có lẽ phải vài năm nữa chúng ta mới được thấy cái kết của quãng thời gian kéo dài một thập kỷ luôn thường trực cái cảm giác dường như chỉ Barcelona, Bayern Munich, Real Madrid hoặc Juventus mới có khả năng vô địch Champions League vào đầu mỗi mùa giải. Và theo dữ liệu tài chính năm 2021 từ Off the Pitch, Barcelona là CLB có hóa đơn lương cao thứ hai châu Âu: Real Madrid đứng thứ ba, Bayern Munich đứng thứ sáu và Juventus đứng thứ chín. Còn đứng đầu? Không phải bất kỳ CLB Anh nào, mà là Paris Saint-Germain.

Với việc bóng đá cấp CLB đang tạm dừng để nhường chỗ cho các ĐTQG, hãy cùng xem qua tình trạng của các siêu CLB ở mùa giải này. 

JUVENTUS: KHÔNG THỂ TỆ HƠN

Nếu bạn nghĩ rằng Manchester United là một đệ nhất cao thủ trong việc… phung phí lợi thế tài chính khổng lồ của họ, vậy thì bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ đó sau khi nghe câu chuyện về Juventus. Dưới đây là dữ liệu về hóa đơn trả lương của Serie A trong năm 2021 do Off the Pitch cung cấp:

 

Và đây là vị trí hiện tại của Juventus trên bảng xếp hạng Serie A: Thứ tám.

Nhiêu đó vẫn chưa nói lên đủ tình trạng ảm đạm của họ. Chúng ta mới chỉ trôi qua 7 trận đấu của mùa giải 2022-23, và rất nhiều điều kỳ lạ có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế, nhưng phải nói rằng Juventus đã thật may mắn khi có được một vị trí… cao đến vậy trên BXH. Họ được ghi nhận hiệu số bàn thắng / bại là +4, nhưng hiệu số bàn thắng / bại kỳ vọng là -1,45, đứng thứ 12 ở Serie A. Nhưng chưa hết, tình hình của họ thậm chí còn tệ hơn thế nữa. 

Hãy nghĩ về cách thể thao đang thịnh hành và những gì mà tất cả các đội bóng hàng đầu đều làm, với những mức độ đa dạng. Họ pressing, họ đưa quả bóng xâm nhập vào khu vực 1/3 cuối sân đối thủ và, khi cần thiết, họ chơi với tốc độ cao. Còn chiến thuật của Massimiliano Allegri thì lại giả định rằng “Nếu chúng tôi không làm những điều đó thì sao?”

Qua 7 trận đấu, những đường chuyền mà Juventus thực hiện tại khu vực 1/3 cuối sân đối thủ (hay còn được gọi là “field tilt”) trong các trận đấu của họ có tỷ lệ thành công là 41,2% - con số thấp thứ hai giải đấu. Và khả năng pressing của họ (được đo lường bằng số đường chuyền mà đối thủ có thể thực hiện trước mỗi hành động phòng ngự thành công của Juventus, gọi tắt là PPDA) là 13,57, con số kém thứ năm tại Italy. (Roma của Jose Mourinho đứng cuối với thống kê 16,81)

Dĩ nhiên, bạn không cần phải chơi như tất cả những đội bóng lớn khác, và đừng quên trên đời này còn có câu châm ngôn nổi tiếng “người thành công luôn có lối đi riêng”, nhưng Juventus không hề thuộc trường hợp đó. 

Thực tại ở Juventus: Một Allegri-ball buồn chán
Những ngày đầu mùa giải 2022/23 này, không phải các fan Man Utd, mà chính các fan Juventus mới đang rơi vào trạng thái trầm cảm và cần được yêu thương nhiều hơn khi họ phải hàng tuần chứng kiến Allegri-ball. 

Có 2 lợi ích chiến lược chính trong việc không pressing và không làm mọi cách để giữ quả bóng ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ. Thứ nhất: Bạn sẽ có nhiều nhân lực hơn để bảo vệ vòng cấm của mình, và bạn sẽ khiến đối thủ khó chuyển hóa các đợt kiểm soát bóng của họ thành những cơ hội chất lượng cao. 

Juventus có làm được những điều đó không? Không hề. 

Đoàn quân của Allegri đã để “lọt” tổng cộng 121 lần chạm bóng trong vòng cấm của họ ở mùa giải này – con số tệ thứ 5 giải đấu – và các đối thủ thậm chí còn không gặp khó khăn trong việc biến những lần chạm bóng đó thành các cơ hội. Những cú dứt điểm mà Juventus phải đối mặt được ghi nhận chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) trung bình là 0,11 xG – cao thứ 5 giải đấu. 

OK, nhưng ít nhất thì họ cũng đang làm điều thứ hai, đó là tạo ra các cơ hội ghi bàn bằng những đợt phản công nhanh, phải chứ? Đúng là các đối thủ đang có được rất nhiều pha chạm bóng bên trong vòng cấm của họ và tạo ra được những cơ hội dứt điểm tuyệt vời, nhưng ít nhất thì điều đó có nghĩa là Juventus đang khai thác mọi khoảng trống xuất hiện ở đầu sân bên kia… phải không nhỉ?

Hoàn toàn không. Họ đang lên bóng với tốc độ trung bình 1,35 mét / giây, chậm thứ sáu tại Serie A 2022-23. Vậy là: Juventus không thể phòng ngự, không thể kiểm soát bóng, không thể kiểm soát sân đấu và không thể tấn công. Một tình trạng không thể tệ hơn được nữa, phải chứ? 

Có thể thông cảm phần nào cho Juventus bởi tình trạng trên đang diễn ra trong khi họ thiếu đi sự phục vụ của 2 cầu thủ xuất sắc là Federico Chiesa và Paul Pogba, nhưng bạn đã được thấy thống kê hóa đơn trả lương của họ rồi đấy. Hóa đơn lương của Juventus cao hơn ít nhất gấp đôi so với mọi đội bóng Serie A bên ngoài thành phố Milan. 

Dưới thời Andrea Pirlo 2 năm trước, Juventus có một lối chơi cấp tiến, chủ động hơn rất nhiều, nhưng họ đã sa thải anh vì không thể mang về những kết quả như mong muốn trên sân đấu. Allegri được mời về lại – và sau đó Juventus trở nên tệ hơn nữa cả về các màn trình diễn lẫn những kết quả. Ông đã chế nhạo bất kỳ ai dám đặt câu hỏi về các phương pháp của mình, nhưng thực tế là với lợi thế về tài chính của Juventus so với phần còn lại của giải đấu, bạn có thể nhờ máy tính T-89 hoặc một người hâm mộ ngẫu nhiên lựa chọn một đội bóng và Bianconeri của hiện tại sẽ là CLB tệ hại nhất.

BAYERN MUNICH: ĐỪNG LO, HỌ VẪN ỔN

Kể từ năm 2010, Bayern Munich chỉ mới có 2 lần kiếm được ít hơn 13 điểm sau 7 trận đầu tiên của họ ở Bundesliga. Đó là mùa giải 2010-11, khi họ giành được 8 điểm sau 7 trận đầu mùa và đứng ở vị trí thứ ba. Và lần thứ 2 là vào mùa giải này, khi họ kiếm về 12 điểm từ 7 trận, kém hơn đội đầu bảng Union Berlin 5 điểm và hiện đang nằm ngoài nhóm dự Champions League (số liệu từ trước khi vòng 8 khởi tranh)

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều đó, họ rõ ràng vẫn là đội bóng xuất sắc nhất nước Đức. Cũng trong cùng một mẫu 7 trận đầu mùa kể từ năm 2010, chỉ có 5 lần Bayern Munich được ghi nhận thống kê bàn thắng / bại kỳ vọng tốt hơn con số hiện tại (+11,7): 2 trong 3 mùa giải của Pep Guardiola tại Munich, trong mùa giải mà họ giành chức vô địch Champions League 2011-12 và trong mùa giải trước, dưới thời vị HLV trưởng hiện tại là Julian Nagelsmann.

Việc kém 5 điểm so với đội đầu bảng trong khi mùa giải còn đến 27 trận không phải là một vấn đề lớn, và siêu máy tính của FiveThirtyEight vẫn nhận định gã khổng lồ của bóng đá Đức có cơ hội vô địch lên đến 75%, trong khi hãng cá cược Sporting Index vẫn dự đoán họ sẽ kết thúc mùa giải ở ngôi đầu bảng với khoảng cách 10 điểm so với đội đứng thứ hai. 

Bayern Munich chính là đội tạo ra nhiều “bàn thắng kỳ vọng” nhất và nhận ít “bàn thua kỳ vọng” nhất giải đấu. Không thể nào tốt hơn được nữa. 

 

Giờ đây, Bundesliga đang nằm dưới sự thống trị tuyệt đối của Bayern Munich; 10 chức vô địch quốc gia liên tiếp đã khiến cho việc đánh giá một mùa giải của họ thành công hay thất bại trở nên phụ thuộc vào những gì diễn ra ở đấu trường châu Âu. Và cho đến nay, vẫn chưa có gì rõ ràng được định hình tại đấu trường này cả. 

Trong trận đấu đầu tiên, họ hành quân đến Italy và hoàn toàn áp đảo một Inter Milan thiếu ổn định, nhưng khéo léo và đầy tài năng – 21 cú dứt điểm so với 9, 2 bàn so với 0. Sau đó, trong trận đấu thứ hai, họ hạ gục Barcelona ở Bavaria, nhưng tỷ số 2-0 chẳng nói lên toàn bộ câu chuyện về trận đấu này. Tuy xG không thể cho chúng ta thấy số lượng những đợt tấn công tốc độ được Bayern thực hiện vào vòng cấm của Barca mà chẳng thể chuyển hóa thành những cú dứt điểm, nhưng nó lại nói lên được việc Barcelona đã đánh bại hàng thủ Bayern Munich dễ dàng đến mức nào mỗi khi họ vượt qua được tuyến giữa của đội chủ nhà. 

 

Tại Bundesliga, chuyện Bayern Munich làm gì khi không kiểm soát bóng chẳng thực sự quan trọng vì họ luôn có bóng. Tuy nhiên, nếu muốn vô địch Champions League, họ cần phải tìm ra một câu trả lời khác cho câu hỏi đó so với những gì họ đã thể hiện trước Barcelona. 

BARCELONA: HỌ ĐANG HỒI SINH

Đọc lại đoạn cuối của phần Bayern Munich, thay đổi giải quốc nội, thay đổi 2 cái tên, và bạn đã có tình trạng hiện tại của Barcelona. Tất nhiên, chúng ta phải nhấn mạnh hai chữ “hiện tại”. Trong khi họ đã bán sạch tương lai của mình để đầu tư cho vài mùa giải tới, thì hiện tại của họ có vẻ khá ổn. 

Có một nhà phân tích, lấy bút danh là MarkR, đã ghi lại một số thống kê mà anh tin rằng có thể nói lên lối chơi của một đội bóng và đội bóng đó đang chơi tốt hay tệ. Trong đó có “field tilt” (đã được nhắc đến trong phần về Juventus), tiếp theo là “độ cao” của hệ thống phòng ngự, nghĩa là khoảng cách trung bình tính từ khung thành của đội cho đến vị trí diễn ra một hành động phòng ngự. Ngoài ra còn có tỷ lệ chuyền bóng thành công của đối thủ trong quá trình triển khai bóng, nghĩa là tỷ lệ chuyền bóng thành công mà bạn để cho đối thủ thực hiện được trong các đường chuyền diễn ra bên ngoài khu vực 1/3 cuối phần sân đội mình.

Còn có “GK progression”, nghĩa là khoảng cách tiến bóng trung bình mà một đội đạt được với các đợt kiểm soát bóng bắt đầu từ một pha phát bóng của thủ môn. Và tiếp theo là expected threat (xT – tạm dịch là Nguy hiểm/Đe dọa kỳ vọng tạo ra lên đối phương), về cơ bản là thống kê ghi nhận khả năng đưa bóng tới những khu vực nguy hiểm – và đo lường cả tần suất ghi bàn của một đội khi họ kiểm soát bóng ở vị trí cụ thể này. 

  

 

Sau 7 trận đấu đã chơi, Barcelona đang là đội đứng đầu La Liga trong tất cả các chỉ số đó. 

Họ đang kiểm soát sân đấu tốt hơn bất cứ ai ở Tây Ban Nha, họ là đội khiến đối thủ của mình khó chuyền chọt nhất, họ đoạt được bóng ở các phần sân đấu trên cao tốt hơn phần còn lại của đất nước, họ triển khai bóng một cách dễ dàng trước các đối thủ sau những pha phát bóng từ thủ môn, họ tạo ra nhiều xT nhất và họ đối mặt với ít xT nhất. Hãy ném Robert Lewandowski vào hệ thống đó để đảm nhận nhiệm vụ tung đòn kết liễu, và bạn đã có một đội bóng cực kỳ đáng gờm. 

Còn tại đấu trường Champions League thì sao? Trên khắp top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, trung bình một trận đấu diễn ra tổng cộng 45 lần chạm bóng trong vòng cấm đối thủ – tương đương 22,5 lần cho mỗi đội. Trong trận đấu giữa Barcelona và Bayern Munich, đã diễn ra tổng cộng... 71 lần chạm bóng trong vòng cấm đối thủ: 33 lần của Barcelona và 38 lần của Bayern Munich. Nói cách khác, khái niệm tuyến giữa đã trở nên rất mờ nhạt tại Allianz Arena.

Khuynh hướng lựa chọn tuyến giữa của Barcelona ở mùa giải này là một Sergio Busquets ngày càng có nhiều yếu điểm được giao phó vị trí phía sau Pedri và Gavi, những cầu thủ đều cao từ 1m72 trở xuống và hiếm khi thu hồi bóng. Khi không phải tranh chấp quyền kiểm soát bóng, đó thực sự là một bộ ba tuyệt diệu: Bạn có sự thông thạo trong việc chọn vị trí của Busquets, khả năng xử lý bóng ấn tượng của Pedri, và những pha di chuyển không bóng không ngừng của Gavi. Nhưng khi đối thủ kiểm soát bóng thì sao? Những việc như thế này có thể xảy ra: Một đường chuyền thẳng, một pha xoay người dễ dàng, một tình huống đi bóng thẳng tiến, và đột nhiên Barcelona hoàn toàn bị xuyên phá – như pha lập công của Leroy Sane cho Bayern Munich trong trận đấu mới đây của 2 đội. 

Hóa ra, Inter Milan lại là một trong những đội bóng sở hữu tuyến giữa nhiều chất thép nhất; các tiền vệ của họ vừa có thể thu hồi bóng, vừa có thể phát triển bóng, vừa có thể sáng tạo. Trong khi Barca vẫn là ứng cử viên vượt qua vòng bảng lớn nhất, hai trận đấu tiếp theo – tại Italy, và sau đó tái đấu ở Camp Nou – sẽ là một bài test hạng nặng cho điểm yếu lớn nhất của họ.

PARIS SAINT-GERMAIN: ĐÂY CÓ THỂ LÀ NĂM MÀ HỌ HIỆN THỰC HÓA ĐƯỢC THAM VỌNG CỦA MÌNH 

Đây là cách chúng ta nghĩ rằng bộ ba lừng danh của PSG sẽ phối hợp với nhau và cùng nhau tỏa sáng: Kylian Mbappé gây áp lực lên hàng thủ theo chiều dọc, tạo điều kiện cho Lionel Messi và Neymar lùi xuống các không gian phía dưới, điều này mở ra khoảng trống cho Mbappé, điều này mở ra khoảng trống cho Neymar và Messi – và đối thủ sẽ bị khiến cho thất điên bát đảo.  

Sau 7 trận đấu, Messi đã thực hiện 41 đường chuyền vào vòng cấm – không một cầu thủ nào khác tại châu Âu thậm chí đạt đến con số 30. 

 

Đồng hạng với Messi, Neymar đang dẫn đầu trong số tất cả các cầu thủ về số pha kiến tạo (7). Ngôi sao người Brazil cũng đứng đầu về thống kê kiến tạo kỳ vọng (expected assists – xA) và tổng số cơ hội đã tạo ra:

 

Neymar cũng đứng thứ hai trong số tất cả các cầu thủ ở châu Âu về số pha lập công (8 bàn), hơn Mbappé 1 bàn. Tuy nhiên, cầu thủ người Pháp đã có 88 lần chạm bóng trong vòng cấm – nhiều hơn ít nhất 20 lần so với phần còn lại của châu Âu. 

 

Tất cả đều khá dễ hiểu. Messi đưa quả bóng vào những khu vực nguy hiểm, Neymar thực hiện đường chuyền cuối cùng, và Mbappé tung đòn kết liễu. Nhưng phần đáng sợ nhất là tất cả bọn họ cũng có thể đảm nhận vai trò của những người khác trong bộ ba. Mbappé có thể lùi sâu và đưa quả bóng lên phía trên sân đấu, anh cũng có thể dạt cánh và thực hiện một pha căng ngang cho một trong hai người kia. Messi được cho là tay săn bàn kiệt xuất nhất lịch sử bóng đá và hiện đang dẫn đầu châu Âu về số lần dứt điểm. Neymar có thể dễ dàng thực hiện một số đường chuyền tạo đột biến thường được thấy ở Messi, hoặc anh có thể thực hiện những tình huống thoát ra phía sau hàng thủ đối thủ.

Không thể không nhắc đến những con người phía sau họ - một dàn nhân sự đắt giá, toàn sao, mang chất lượng thượng hạng, chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ duy trì tính tổ chức đội hình, đưa quả bóng đến cho “MNM” khi họ đoạt được nó, và sau đó khỏa lấp mọi khoảng trống bị mở ra bởi đặc điểm ít tham gia phòng ngự của 3 người kia. Chúng ta đang nói về những cái tên như Achraf Hakimi, Marco Verratti và Sergio Ramos. Họ không cần phải phá lối chơi đối thủ, nhưng họ có khả năng làm được điều đó.

Khác với một số người tiền nhiệm của mình, tân HLV trưởng Christophe Galtier nhận thức được rằng ông đang sở hữu trong tay một đội bóng tài năng bậc nhất thế giới. Thay vì cố gắng tạo ra một cỗ máy pressing tầm cao, hay một con quái vật kiểm soát bóng, ông đã đưa vào sân đấu thêm một trung vệ thứ ba và bảo Messi, Neymar và Mbappe hãy tập trung vào việc tạo nên những điều kỳ diệu. Chiến lược của Galtier đã thành công rực rỡ cho đến nay, nhưng như mọi khi, sẽ chẳng ai quan tâm đến điều đó nếu PSG không thể tiến sâu ở Champions League. 

REAL MADRID: CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ TUYỆT VỜI

Mùa giải trước, Real Madrid đã giành chức vô địch La Liga và sau đó chinh phục Champions League, nhưng bạn chỉ cần xem qua các trận đấu để thấy rằng phong độ của đội chủ sân Santiago Bernabeu bất ổn ra sao và thành công mà họ đạt được khó duy trì bền vững đến thế nào: Trận thua Barcelona, 5 phút điên rồ trước PSG, Chelsea và Manchester City, ngoài ra còn có cái thực tế rằng thủ môn của họ đã lập kỷ lục về số pha cứu thua trong một trận chung kết Champions League. Thêm vào đó, Karim Benzema đã bất ngờ tạo nên một trong những màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất trong 15 năm qua ở tuổi 33.

Có rất nhiều biến cố nhỏ có thể xảy ra và dễ dàng khiến phong độ của họ tụt dốc. Nhưng bất ngờ thay, sau khi Benzema dính chấn thương, Real Madrid đã chơi... thậm chí tốt hơn rất nhiều so với mùa giải trước. 

Họ đã nâng cấp vị trí của Casemiro (đã gia nhập Manchester United) qua việc thay thế anh bằng một Aurelien Tchouameni toàn diện hơn, đa năng hơn nhiều. Họ đã mang về Antonio Rudiger, người nằm trong số 2 hoặc 3 trung vệ xuất sắc nhất thế giới vào mùa giải trước. Cả Rodrygo và Federico Valverde đều cho thấy họ đang có được bước nhảy vọt cùng một lúc. Vinicius Junior vẫn là cầu thủ chạy cánh hai chiều xuất sắc nhất thế giới. Cộng tất cả lại, và bạn sẽ có một đội bóng tạo ra rất nhiều cơ hội ghi bàn chất lượng cao và chỉ để cho các đối thủ thực hiện được một số lượng rất ít những cú dứt điểm có khả năng thành công thấp. Real Madrid đã chơi tổng cộng 8 trận ở La Liga và Champions League, và họ đã thắng cả 8 trận.

Cứ tiếp tục nhảy múa nhé, Vini.

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Có một Arsenal khốn khổ trong nỗi nhớ Martin Odegaard

Thua, hòa và lại tiếp tục thua. Đó là kết quả thi đấu của Arsenal tại Premier League trong 3 vòng đấu gần nhất. Từ việc tràn trề hi vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester City và Liverpool, Pháo thủ thành London giờ đây đang trượt dài trong mớ hỗn độn không lời giải vì phong độ chạm đáy.

Lửa khủng hoảng đang lan nhanh ở Etihad?

Manchester City đã phải nhận thất bại muối mặt 1-4 trên sân Jose Alvalade trước Sporting Lisbon trong loạt trận thứ 4 Champions League rạng sáng hôm nay. Đây đã là trận thua thứ 3 liên tiếp của đoàn quân Pep Guardiola trong vòng một tuần, khi trước đó họ để thua Tottenham ở Carabao Cup và Bournemouth ở giải ngoại hạng. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang ngầm lan nhanh ở Etihad?

Liverpool đứng đầu Premier League: Niềm tin cho Arne Slot

Lội ngược dòng trước Brighton với chỉ 3 phút bằng 2 bàn thắng chớp nhoáng của Cody Gakpo và Mohamed Salah, Liverpool của Arne Slot đã giành lại ngôi đầu giải ngoại hạng Anh sau khi vòng đấu thứ 10 khép lại. Khoảng cách giờ là 2 điểm với những nhà đương kim vô địch Manchester City và là 7 điểm đối với kẻ được xem là ứng cử viên số 2 mùa này Arsenal.

Chuyện gì đang xảy ra với Arsenal?

Hành quân đến Newcastle với tâm thế không thật sự thoải mái sau những lần hụt chân liên tiếp gần đây khiến cho kết quả mà Arsenal phải nhận trước những người chủ nhà thực ra không quá bất ngờ với những ai am tường về Arsenal lẫn ngoại hạng Anh. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang dần lan rộng ở Emirates?