Dù là ở thời đại nào đi chăng nữa, bóng đá cấp độ đội tuyển (ĐTQG) vẫn luôn trường tồn. Tuy nhiên, công việc lựa chọn cầu thủ cho cấp độ này đã khác đi rất nhiều so với trước kia. Vậy, điểm khác biệt đó là gì?
BÌNH MỚI RƯỢU CŨ
Tưởng tượng bạn là một HLV của một ĐTQG, bạn đang chuẩn bị lựa ra nhân sự cho Euro.
Lôi giấy bút ra chăng ? Có lẽ điều này không mấy cần thiết nữa rồi.
"Đã qua rồi cái thời HLV ngồi xuống ghi ghi chép chép đội hình," HLV Roberto Martinez chia sẻ với The Athletic. "Thời bây giờ, chúng tôi có dashboard (bảng tổng quan trên thiết bị công nghệ thể hiện các chỉ số cần thiết). Hãy tưởng tượng cảnh ngồi ở nhà, chỉ cần bật lên là có thể đọc hết các thông tin về cầu thủ, từ phong độ, số thời gian thi đấu ở cấp độ quốc nội cũng như số trận họ chơi, thông số ở mùa trước hoặc 1 năm trước đó. Số lượng dữ liệu chúng tôi nhận được rất nhiều. Thông thường, các ĐTQG thường có các tuyển trạch viên cung cấp thông tin, còn các bảng dashboard cho phép bạn xem xét các thông tin đó.
"Tuy nhiên, không gì tuyệt hơn các mối quan hệ mà bạn xây dựng được với đội bóng." Như Martinez đã chỉ ra, quá trình lựa chọn các cầu thủ đã được hiện đại hóa trong thời gian gần đây, tuy nhiên, sự cẩn trọng vẫn luôn được đề cao, thậm chí vẫn mang tính chất cổ điển.
Age Hareide, người dẫn dắt ĐTQG Đan Mạch ở World Cup 2018, đã nhắc nhở đội trưởng Simon Kjaer để ý kỹ đến môi trường xung quanh đội bóng, đồng thời tìm ra một cầu thủ có thể tạo ra được sự hài hòa. Cụ thể, theo Hareide: "Tôi đã từng chia sẻ với đội trưởng về điều này. "Ai là cầu thủ có thể khiến không khí được chan hòa ?" Những vấn đề liên quan tới giao tiếp xã hội thực sự quan trọng đấy. Chúng tôi luôn giữ vững tập thể với nhau, ít ra là trong vòng 4 năm. Có thể nói, chúng tôi dần trở thành một CLB. Tuyệt vời nhất là chúng tôi không phải lặp đi lặp lại một điều gì đó vì các cầu thủ đã bắt đầu hiểu rõ vai trò của mình.
HLV Age Hareide (bên phải) ở đội tuyển Đan Mạch. Ảnh: Getty Images
Chris Coleman, HLV của đội hình Xứ Wales lọt đến bán kết Euro 2016 từng nói về những thử thách của việc xây dựng một đội hình giàu tính cạnh tranh nhưng vẫn hòa hợp.
"Bạn phải luôn cố gắng tạo ra một môi trường như CLB, điều này thực sự rất khó khăn, bởi lẽ đội hình luôn phải thay đổi, nhất là với Xứ Wales," ông chia sẻ. "Đội hình luôn khác nhau. Khi chúng tôi lựa chọn đội hình cho giải đấu, chúng tôi biết rõ rằng họ phải ở bên cạnh nhau 6 tuần. Bạn không thể lúc nào cũng là ông độc tài được. Họ có thể chống đối đấy. Vẻ ngoài thì lúc nào cũng như kiểu: "Vâng thưa thầy", nhưng trong lòng họ lúc nào cũng muốn dứt khỏi bạn."
Ông chia sẻ thêm: "Tuy nhiên, tôi không hề muốn trở thành ông độc tài trong vòng 6 tuần hay tạo ra môi trường căng thẳng như thế. Tôi muốn đối xử với họ như những người đàn ông thực thụ. Tôi trao cho họ các thông tin mà tôi muốn trao đổi, cho họ chút thời gian nghỉ ngơi vì họ cần điều đó.
Ý đồ của tôi với đội hình Xứ Wales lần này đó là cho mọi người thấy đàn ông Xứ Wales là thế nào ? Cá tính chúng tôi ra sao, chúng tôi có những cá nhân nào. Tôi nghĩ đội bóng của chúng tôi ở VCK năm đó sẽ không bao giờ thực hiện được ý đồ này nếu không có những điều kể trên. Có thể nói, chúng tôi đã cho mọi người biết chúng tôi là đội bóng như thế nào."
GẮN KẾT VỚI MỘT NHÓM CẦU THỦ
Ở ĐT Anh, giới thạo tin cho biết HLV Gareth Southgate luôn giữ liên lạc với một nhóm các cầu thủ được cho là chắc suất, dù hầu hết trong số họ chỉ nhận được cuộc gọi từ bộ phận y tế để xem xét tình hình sức khỏe, đồng thời chắc chắn rằng họ có thể ra sân ở khoảng thời gian đó. HLV của Đan Mạch cũng có lối tiếp cận tương tự, dù vậy, ông vẫn gọi cho các cầu thủ lần đầu được lên đội một.
Với trường hợp của ĐT Đan Mạch, Hareide sẽ lập ra một danh sách 40 cầu thủ trên màn hình. Sau đó ông sẽ lựa ra 11 đến 15 cầu thủ chắc suất, sau đó là "8 cầu thủ theo dõi sát sao". Trong khoảng thời gian chuẩn bị cho giải đấu, ông sẽ cố gắng theo dõi các cầu thủ đó trực tiếp ở các trận đấu cấp CLB.
"Bạn đến các trận đấu đó, bạn thăm hỏi các cầu thủ đó, bạn theo dõi họ trực tiếp, điều này tốt hơn theo dõi qua màn hình nhiều," ông chia sẻ. "Chúng tôi có rất nhiều dữ liệu liên quan tới các cầu thủ. Hầu hết các CLB luôn cởi mở với các vấn đề liên quan tới tình hình sức khỏe cũng như chấn thương của các cầu thủ. Vì vậy, rất ít khi chúng tôi gặp vấn đề, trừ trường hợp các cầu thủ thi đấu ở các giải đấu như ở Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn."
Henderson nằm trong số các cầu thủ gặp dấu hỏi về thể lực. Ảnh: Getty Images
SỐ LƯỢNG CẦU THỦ THAY ĐỔI RA SAO?
Việc đội hình thay đổi về mặt số lượng hay nhân sự trong khoảng thời gian từ vòng loại tới vòng chung kết bị ảnh hưởng rất nhiều bởi số lượng tài năng mà ĐTQG đó có. Về mặt này, đội tuyển Anh rõ ràng hưởng lợi nhiều nhất. Cụ thể, đội hình ra sân ở trận đầu tiên của vòng loại gặp CH Czech của đội tuyển Anh hồi tháng 3 năm 2019 có 3 cầu thủ không được lên đội hình 33 người dự kiến được đưa ra hồi tuần trước. Trong đó có Michael Keane, Eric Dier và Dele Alli.
Trong khoảng thời gian từ tối thứ 2 đến sáng thứ 3 tuần này, HLV Southgate sẽ tìm ra được 26 cái tên xứng đáng nhất cho đội hình Euro của ông.
Hồi thứ 3 tuần trước, Southgate rút cục cũng lựa chọn được thêm 7 cầu thủ cho đội hình của mình, một phần để dự trù cho những cầu thủ ông vẫn đang phải theo dõi sức khỏe như Jordan Henderson hay Kalvin Phillips của Leeds United, một phần nữa là vì 12 cầu thủ của đội hình 33 người được ông chọn lựa sẽ phải ra sân ở trận chung kết Europa League và Champions League dưới màu áo của Man United, Man City và Chelsea.
Mỗi HLV lại có cách tiếp cận khác nhau, ví dụ với trường hợp của Roberto Martinez, HLV người Tây Ban Nha quyết định đưa ra một đội hình 26 cầu thủ nhưng vẫn để 11 cầu thủ chờ đợi phòng trường hợp họ gặp phải chấn thương ở các trận đấu giao hữu trước thềm Euro 2021, giải đấu sẽ diễn ra vào thứ 6 tuần sau.
Theo Roberto Martinez, điều này thực sự khiến ông nhẹ lòng.
Cụ thể, HLV người Tây Ban Nha giải thích: "Nó tạo ra được một điều gì đó cho công việc. Đã gần 3 năm chúng tôi nói về Euro. Giải đấu này đã bị ngừng trệ 1 năm vì đại dịch, một điều rất hiếm khi xảy ra. Vì vậy, việc theo dõi sát sao các cầu thủ trong vòng 1 năm qua thực sự rất khó.
Theo một cách nào đó, mọi thứ không phải lúc nào cũng xoay quanh giải đấu lớn này, mà là xoay quanh lịch thi đấu quốc tế 12 tháng, một phần vì chúng tôi có 3 trận đấu vòng loại World Cup cực kỳ quan trọng sẽ diễn ra vào tháng 9, sau đó là trận bán kết Nations League vào tháng 10, và cuối cùng là World Cup diễn ra một năm sau đó. Thực sự nhẹ nhõm khi viết được tên một cầu thủ lên giấy, tuy nhiên, điều này không làm thay đổi lối tiếp cận."
Ảnh: PA
AI ĐI, AI Ở?
"Đây có lẽ là câu hỏi khó khăn nhất với các HLV cấp ĐTQG," HLV Hareide chia sẻ. "Lần chúng tôi thi đấu trận giao hữu trước Thụy Điển, tôi nói với 3 cầu thủ không được lên tuyển trong phòng khách sạn lúc chuẩn bị về Đan Mạch. Cụ thể, tôi nói với từng người rằng họ không được gọi lên. Điều này rất khó khăn cho các cầu thủ. Bản thân tôi, một HLV, cũng rất ghét điều này. Nếu đặt mình vào tình huống của các cầu thủ, chắc chắn anh sẽ thấy rằng họ không thể chấp nhận điều này."
Với trường hợp của HLV Southgate, mỗi lần ông cắt ai khỏi đội hình là sẽ có tranh cãi xảy ra. Hồi năm 2018, Gareth Southgate khi đó hiểu rõ tính chất nhạy cảm của điều này, vì vậy, ông quyết định gọi cho các cầu thủ mong chờ được lên tuyển nhưng lại không được để ý. Vì vậy, chúng ta luôn phải nhớ rằng những gì các HLV thấy phía sau hậu trường rất khác so với những gì chúng ta, giới công chúng và nhà báo, được thấy ở bên ngoài.
Ví dụ, trước khi VCK World Cup diễn ra, HLV Martinez đã loại tiền vệ 30 tuổi Radja Nainggolan và gọi Youri Tielemans, cầu thủ 21 tuổi khi đó đang gặp khó khăn ở Monaco. Tielemans sau đó ra sân ở trận tứ kết gặp Brazil và trận tranh hạng 3, trận đấu mà ĐT Bỉ đã đánh bại ĐT Anh."
Martinez chia sẻ về quyết định đó như sau: "Lần đầu tiên tôi xem Youri thi đấu trực tiếp đó là khi tôi làm HLV ĐTQG. Khi đó, HLV đội U18 và HLV đội U21 cũng ở trên sân. Chúng tôi cần một cầu thủ phụ vì chúng tôi có một cầu thủ gặp chấn thương. Khi đó, HLV đội U21 đã gọi Youri vào vì cậu ấy là cầu thủ thi đấu tốt nhất ở buổi tập.
Ở thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ, ‘Chà, cậu ấy tuyệt đấy !’ Kể từ đó, cậu ấy đã trở thành một cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu quốc tế, điều giúp cậu ấy trở thành cầu thủ của thì hiện tại. Đó là lý do vì sao tôi rất thích môi trường bóng đá cấp ĐTQG. Mọi chuyện vượt xa chuyện lựa chọn các cầu thủ có phong đội tốt. Chúng tôi còn phải xây dựng mối quan hệ với các cá nhân hoặc một tài năng mà chúng tôi tin rằng có thể trở thành một khoản đầu tư lâu dài."
HLV Roberto Martinez và Youri Tielemans. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, theo HLV Roberto Martinez, việc lựa chọn cầu thủ cho World Cup không hề dễ dàng. Cụ thể, ông chia sẻ: "Quyết định hồi năm 2018 thực sự rất khó khăn. Chúng tôi phải để các cầu thủ có kinh nghiệm ra khỏi đội hình, tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy Youri chính là đội trưởng tương lai của ĐTQG và là cây cầu kết nỗi lứa cầu thủ thế hệ vàng với các cầu thủ thuộc thế hệ trẻ, nói cách khác, một thước đo cho thế hệ kế cận.
Theo dõi cậu ta thi đấu trước Brazil, trận đấu mà cậu ta là cầu thủ trẻ nhất, là điều thực sự quan trọng. Giờ đây, cậu ấy đang trở thành cầu thủ có sức ảnh hưởng không chỉ ở cấp quốc nội mà còn ở cấp ĐTQG. Thực sự, khoảnh khắc cậu ấy ghi bàn cho Leicester City trong trận chung kết FA Cup trên sân Wembley đã tạo ra rất nhiều sự hài lòng, đồng thời cũng cho thấy cậu ấy tận tâm thế nào với công việc."
Với một số HLV, việc lựa chọn đội hình lại khá thực dụng. Cụ thể, theo Hareide: "Chúng tôi cố gắng tìm ra một cầu thủ đa năng trong đội hình, tức một cầu thủ có thể thi đấu ở hàng tiền vệ và hàng phòng ngự. Chắc chắn anh sẽ cần một cầu thủ như thế trong đội."
Có thể thấy, ở thời đại công nghệ phổ biến, các HLV đã có thể dễ dàng tìm ra những cái tên ưng ý bằng một cú click chuột hay một cú chấm trên màn hình máy tính bảng. Tuy nhiên, những yếu tố khác như con người, mối dây liên kết giữa các cầu thủ cũng như xây dựng một tập thể vững chắc từ những cá nhân khác nhau của những CLB khác nhau, thậm chí có thâm thù với nhau, thực sự rất khó. Về mặt này, không phải máy móc, mà chính con người, cụ thể là các HLV và ban huấn luyện, mới là những người có quyết định sau cùng.
Vì người hâm mộ, vì màu cờ sắc áo và vì niềm tự hào dân tộc, ĐT Việt Nam vẫn chiến đấu hết mình để giành chức vô địch ASEAN Cup 2024 dù phải trải qua những sự hy sinh.
Mặc dù có thể là hơi miễn cưỡng nhưng Man United có thể cân nhắc việc bán những cầu thủ trường thành từ lò đào tạo của CLB như Kobbie Mainoo, Alejandro Ganarcho hoặc thậm chí là cả Marcus Rashford nhằm tạo ra một phương án để đáp ứng các yêu cầu tài chính trong bóng đá.
ĐT Việt Nam lên ngôi quán quân ASEAN Cup 2024 với hành trình đầy rẫy những nghịch lý; nhưng sau tất cả, những quyết định của HLV Kim Sang Sik vẫn mang về thành quả làm hài lòng người hâm mộ nước nhà.
Arsenal bước vào năm 2025 với hàng công cần được tăng cường. Nhưng để bổ sung được sức mạnh hỏa lực, Pháo thủ còn khá nhiều việc phải làm chứ không chỉ đơn giản là “đặt lệnh” và “chốt đơn”.