Brighton & Hove Albion: Hình mẫu ngay cả ông lớn cũng nên học hỏi

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 22/01/2023 08:24(GMT+7)

Đã có một thuở, ước mơ của Brighton & Hove Albion – một đội bóng còn đang chơi ở giải hạng 4 của bóng đá Anh vào năm 2001 – là có thể sánh ngang với Leicester City hoặc Southampton.  

 

Họ từng là hình mẫu của Brighton – những CLB được ngưỡng mộ ở Premier League vì khả năng vượt khó, thu hẹp khoảng cách tài chính với các ông lớn và có cấu trúc chặt chẽ, quản lý thông minh cũng như sự sắc sảo trong việc tuyển dụng cầu thủ. 

Giờ đây, có vẻ như Brighton đã vượt qua Leicester, Southampton và nhiều đội bóng khác để trở thành một CLB kiểu mẫu vào thời điểm này.

Phần lớn những cái tên nằm ngoài “Big Six”, và thậm chí là một vài CLB trong nhóm ông lớn đó, đang phải học hỏi cách hoạt động của Brighton.  

Một cấu trúc được xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của chủ sở hữu/chủ tịch Tony Bloom đang mang đến cho CLB nằm ở bờ biển phía Nam này không chỉ cơ hội rất lớn để củng cố vị thế một cái tên nằm trong top 10 đội bóng tốt nhất Premier League và giành lấy tấm vé tham dự đấu trường châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử, mà còn là khả năng duy trì mức độ thành công đó trong một thời gian dài. 

“Điều tuyệt vời nhất ở CLB này là cách chúng tôi xây dựng cơ sở hạ tầng chậm rãi nhưng chắc chắn: Con người, các chính sách, các thủ tục, chất lượng của đội bóng và ban huấn luyện, chất lượng của học viện, ‘dây chuyền sản xuất cầu thủ’,” giám đốc điều hành Paul Barber của Brighton cho biết. “Cùng với đó là một người chủ sở hữu luôn yêu thương và đầy tâm huyết trong việc nuôi dưỡng nó.”

Chủ tịch CLB Brighton - Tony Bloom

Bloom đã giúp Brighton vươn mình bằng cách áp dụng chính tầm nhìn đã biến ông thành một tên tuổi đình đám và giàu có trong ngành cá cược. 

Vào thập niên 90, ông đã nhận thấy rằng “kèo châu Á” (hay còn gọi là kèo chấp) – một hệ thống mang đến lợi thế bàn thắng cho các đội “cửa dưới” để tăng sức hút của họ đối với các tay cá cược – sẽ trở nên phổ biến trên toàn cầu. Ông đã áp dụng chính triết lý đó vào công việc điều hành CLB bóng đá của mình. 

Phong cách làm việc đầy chủ động giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác của Bloom đã được nhân rộng tại Brighton. Dự đoán cẩn thận những gì chờ đợi ở phía trước là một yếu tố được coi trọng đối với mọi cấp độ trong chiến lược tuyển dụng của họ, bất kể là khi chiêu mộ HLV cho đội một hoặc học viện, mua và bán cầu thủ, hay thậm chí là trong việc chiêu mộ các lãnh đạo, nhân viên hành chính và bóng đá.  

Mô hình lấy dữ liệu về các giải đấu và các cầu thủ làm nền tảng được sử dụng bởi công ty cá cược thể thao của Bloom, Starlizard, đã được áp dụng trong công tác tuyển dụng cầu thủ của Brighton. Phương pháp xác định mục tiêu đầy tinh vi của CLB này đã mang đến cho họ lợi thế lớn hơn các CLB khác khi “mua sắm” ở cùng thị trường, và giúp quá trình phát triển của họ không phải hứng chịu bất kỳ tác động tiêu cực nào sau khi mất đi những nhân sự chủ chốt.  

Ngay từ thời điểm này, Bloom đã lên ý tưởng về người sẽ thay thế Roberto De Zerbi nếu nhà cầm quân người Italy rời khỏi Brighton. CLB này sẽ theo dõi một danh sách ngắn các HLV, mặc dù nhiệm kỳ của De Zerbi – người kế nhiệm cho Graham Potter đã chuyển đến Chelsea vào tháng 9 – chỉ mới bắt đầu. 

Trong 4 tháng qua, Brighton đã bị Chelsea lôi kéo mất Potter, 4 trợ lý của ông, cộng với người đứng đầu bộ phận tuyển dụng của CLB là Paul Winstanley và chuyên gia phân tích tuyển dụng Kyle MacAulay, và còn có cả Marc Cucurella, cầu thủ xuất sắc nhất của CLB này vào mùa giải trước. 

Những tổn thất nhân sự của họ không dừng lại ở đó. 

Tiền vệ chủ chốt Yves Bissouma đã gia nhập Tottenham trong cùng kỳ chuyển nhượng, và mới đây tiền đạo Leandro Trossard đã chuyển đến Arsenal, một đội bóng thành London khác. 

Giám đốc kỹ thuật Dan Ashworth và hậu vệ Dan Burn đã chuyển đến Newcastle vào nửa cuối mùa giải trước. Neal Maupay, tay săn bàn hàng đầu của Brighton trong 3 mùa giải trước, đã gia nhập Everton vào đầu mùa giải này. Nhìn về quá khứ xa hơn, vào mùa hè năm 2021, Ben White đã được họ bán cho Arsenal với giá 50 triệu bảng.

Tất nhiên, các tổn thất trên của Brighton đã được đền bù một cách hậu hĩnh với sự cứng rắn trên bàn đàm phán của Bloom. Họ đã kiếm về được 20 triệu bảng từ sự ra đi của Potter – một con số chưa từng có trong một vụ “chuyển nhượng” HLV trưởng – và tổng cộng khoảng 165 triệu bảng từ các vụ chuyển nhượng của Cucurella, Bissouma, Burn, Maupay và White.

Tuy nhiên, “chảy máu tài năng” là một tình trạng đáng lo ngại và có thể khiến nhiều CLB tụt dốc nghiêm trọng. 

Nhưng điều đó đã không xảy ra với Brighton. 

***

Brighton đã tiếp tục đà tiến bộ dưới sự dẫn dắt của một De Zerbi đầy quyến rũ. 

Chiến thắng đầy ấn tượng với tỷ số 3-0 trước Liverpool gần đây ở Amex – trận thắng đầu tiên của Brighton trên sân nhà trước đối thủ đến từ Anfield ở giải đấu hạng cao nhất bóng đá Anh và đạt được bởi một đội bóng được tập hợp với tổng chi phí chỉ khoảng 33 triệu bảng – đã đưa họ đứng trên The Reds ở vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng Premier League. Brighton cũng đang xếp trên Chelsea của Potter – đội bóng mà họ đã “hủy diệt” với tỷ số 4-1 tại Amex vào tháng 10 – và chỉ kém hơn đội đứng thứ 5 là Tottenham 3 điểm. 

CLB này có một cái nhìn rất tích cực về sự ra đi của các trụ cột như Cucurella hoặc White. “Chuyện đó (các ngôi sao rời đi và chuyển đến những CLB ưu tú) là một dấu hiệu tích cực,” Bloom lập luận. “Chúng tôi đang có một vị thế mà nếu những cầu thủ giỏi nhất của chúng tôi được bán, thì điểm đến của họ sẽ là những cái tên trong nhóm Big 6. Miễn là chúng tôi chuẩn bị tốt cho điều đó, đầu tư hợp lý vào học viện của mình và những cầu thủ trẻ khác, thì khi các ngôi sao trong đội ra đi, chúng tôi sẽ chẳng hề hấn chút nào cả.”

“Đương nhiên chúng tôi chẳng muốn mất đi những cầu thủ giỏi nhất đội, nhưng theo nguyên tắc chung, đây chính là dấu hiệu cho thấy chúng tôi đã có rất nhiều nước đi đúng đắn – chính vì thế mà những CLB lớn nhất thế giới mới quan tâm đến các cầu thủ của chúng tôi.”

Đó chính là tầm nhìn của Brighton, và giờ đây họ hoàn toàn có thể ăn mừng vì làn sóng tài năng tiếp theo của họ đang tạo ra được những dấu ấn đáng nể. 

Chelsea, Liverpool và Manchester United chắc hẳn đều thèm muốn một Moises Caicedo đầy năng động ở tuyến giữa của họ.

Tuyển thủ Ecuador đã được Brighton mua về từ Independiente del Valle nơi quê nhà của anh vào 2 năm trước với mức phí chỉ 4 triệu bảng. Theo một ước tính cần thận, Caicedo hiện có giá trị gấp 20 lần con số đó.

Sự ra đi của Bissouma, người đã phát triển tầm ảnh hưởng của mình tại Brighton dưới thời Potter trong khi hoạt động trước mặt hàng thủ 4 người của đội, giờ đây đã trôi vào quên lãng bởi sự kết hợp tuyệt vời của Caicedo và nhà vô địch World Cup Alexis Mac Allister.

Ngôi sao 24 tuổi người Argentina được Brighton mua về vào tháng 1 năm 2019 với mức giá chỉ 8 triệu bảng từ CLB Argentinos Juniors ở Buenos Aires đã ký với họ một bản hợp đồng mới có thời hạn đến cuối mùa giải 2024-25 (với tuỳ chọn kích hoạt gia hạn thêm 1 năm) ngay trước khi cùng ĐTQG của mình hành quân đến Qatar. Bản hợp đồng mới của Mac Allister chính là một ví dụ khác về khả năng nhìn xa trông rộng và cách làm việc đầy chủ động của Brighton trong việc đảm bảo cho các lợi ích của mình trong tương lai.

 

Hiện tại, cả White và Burn đều đang toả sáng rực rỡ, cũng như được tận hưởng sự thăng hoa của Arsenal và Newcastle ở mùa giải này, nhưng Brighton không hề bị tổn hại chút nào ở hàng phòng ngự vì sự ra đi của họ, hay của Cucurella. Hậu vệ trái 24 tuổi người Ecuador Pervis Estupinan, một bản hợp đồng được ký kết vào mùa hè năm ngoái với mức phí 15 triệu bảng từ Villarreal và trung vệ 19 tuổi Levi Colwill, được mượn dài hạn từ Chelsea, đều đang gây ấn tượng mạnh mẽ.

Vào các mùa giải trước, khả năng sáng tạo đáng nể của đội bóng này không phải lúc nào cũng được tận dụng tốt trước khung thành đối thủ, nhưng giờ đây, dưới thời De Zerbi, việc ghi bàn đã trở thành một thói quen của đội bóng này. Sau 15 trận đã chơi dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Italy, Brighton đã ghi 32 bàn trên mọi đấu trường. Trong 3 trận gần nhất chơi trên sân nhà Amex, họ đã ghi đến 12 bàn.

Maupay, người đã ghi 26 bàn sau 102 lần ra sân ở Premier League cho CLB này, đã chẳng còn được các fan của Brighton nhắc đến mấy nữa. Thậm chí anh sẽ còn mờ nhạt hơn nữa trong tâm trí họ với sự nổi lên của tiền đạo trung tâm người Ireland Evan Ferguson, cầu thủ đã kiến tạo cho bàn thắng của Solly March trước Liverpool sau khi tự mình ghi bàn trong 2 lần ra sân trước đó.

Ireland, giống như Nam Mỹ, là một nguồn cung cấp đầy phong phú cho công tác tuyển dụng cầu thủ trẻ của Brighton. 

Điều này một phần là do mối quan hệ chặt chẽ với đất nước Ireland của cựu giám đốc học viện John Morling, người đã bị sa thải 12 tháng trước vì vi phạm các luật lệ phòng tránh COVID-19, liên quan đến một cầu thủ trẻ. Ian Buckman, sau gần 10 năm làm việc cho Brighton với nhiều vai trò khác nhau  ở học viện, đã chính thức được bổ nhiệm vào vị trí này vào tháng 9 sau một khoảng thời gian tạm quyền, và do đó chẳng hề có thiệt hại nào xảy ra đối với “nguồn cung Ireland” cả. 

Andrew Moran, một tiền vệ 19 tuổi, đã có trận ra mắt ở Premier League từ băng ghế dự bị trong trận thắng Everton. Jamie Mullins, trẻ hơn 1 tuổi và là một tiền vệ đầy triển vọng được nuôi dưỡng tại CLB cũ của Ferguson là Bohemians ở Dublin, đã được ký hợp đồng vào đầu tháng này.

Sự thăng tiến của Buckman đã diễn ra rất thuận lợi và là một lời nhắc nhở rằng, việc tìm kiếm nguồn cung ứng từ bên ngoài không phải lúc nào cũng cần thiết khi các CLB tìm cách thay thế những nhân viên đã ra đi. 

David Weir, cựu hậu vệ của Glasgow Rangers, Everton và ĐTQG Scotland, đã được thăng chức từ vị trí “loans manager” (chịu trách nhiệm giám sát các cầu thủ đang được CLB cho mượn) thành trợ lý của Ashworth trước khi đảm nhận luôn cương vị giám đốc kỹ thuật sau khi Ashworth chuyển đến Newcastle.

Tương tự, Sam Jewell, con trai của cựu HLV trưởng Derby County và Ipswich Town là Paul Jewell, đã trở thành người thay thế Winstanley đảm nhận cương vị trưởng ban tuyển dụng.

Jewell từng là trưởng ban trinh sát tài năng trẻ của Brighton trong 4 năm, nói được tiếng Tây Ban Nha và đã đóng một vai trò lớn đối với sự thành công của CLB này trong một số bản hợp đồng quan trọng, bao gồm Caicedo và cầu thủ 18 tuổi người Paraguay Julio Enciso. Còn trong đội ngũ trợ lý của De Zerbi, nhà cầm quân người Italy đã thăng chức cho Andrew Crofts, một cựu tiền vệ của Brighton và về sau đảm nhận vai trò HLV trưởng đội U-21 của họ, được lên làm việc với đội một. 

Tuy nhiên, giữa hàng loạt sự ra đi của các nhân tài, Paul Barber là một nhân tố đã đi cùng Brighton trên xuyên suốt cuộc hành trình mà họ đã trải qua trước khi được như hiện tại. “Cánh tay phải” của Bloom đã thay mặt vị chủ tịch này đảm nhận trách nhiệm điều hành CLB ngày qua ngày trong 10 năm rưỡi qua. 

Barber là một trong những nhà quản trị được kính trọng nhất trong môn thể thao vua. Gần đây, ông đã được trao Huân chương Đế Quốc Anh vì những cống hiến của mình cho bóng đá. 

Tony Bloom và Paul Barber ăn mừng tại sân The Amex

***

Brighton có lẽ sẽ chẳng bao giờ có thể đạt đến được tầm vóc và sự giàu có như các CLB trong nhóm Big 6, và chính vì vậy phía trước họ sẽ là những kỳ chuyển nhượng đầy thử thách khác đang chờ đợi, với hàng loạt ông lớn nhăm nhe các ngôi sao của họ - như đã nói, mới đây nhất chính là sự ra đi của Trossard (chuyển đến Arsenal).

Caicedo - vốn đã thu hút rất nhiều sự chú ý - Mac Allister, Kaoru Mitoma, và thủ môn Robert Sanchez là những cái tên đang đứng đầu danh sách các cầu thủ có khả năng bị các ông lớn lôi kéo đi, nhưng Brighton cũng đã chuẩn bị sẵn những kế hoạch dự phòng. Giờ đây, CLB này là một cỗ máy được bôi trơn tốt, có khả năng xác định các phương án thay thế phù hợp cho những trụ cột đã ra đi để đảm bảo cho các bánh xe tiếp tục lăn về phía trước.

Tài năng trẻ người Argentina Facundo Buonanotte, một cầu thủ mới bước sang tuổi 18 trước Giáng Sinh, đã quay trở lại Brighton từ CLB quê nhà Rosario Central trong tháng này. Brighton tin rằng chàng trai này sẽ trở thành Mac Allister mới của họ.

Leicester City, một trong những hình mẫu của Brighton trước đây và sẽ là đối thủ của họ trong trận đấu vào hôm nay, đã giành được chức vô địch Premier League vào năm 2016, một kỳ tích khó có thể sớm được lặp lại bởi một CLB có tầm cỡ như họ. Kể từ đó, Leicester cũng đã có 2 lần kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5, một lần vô địch FA Cup và 3 mùa giải được góp mặt ở đấu trường châu Âu.

Đây là mức độ thành công mà Brighton cảm thấy họ hoàn toàn có thể “sao chép”. “Nếu lọt vào top 10 là một ước mơ thực tế, thì tấm vé tham dự đấu trường châu Âu cũng vậy,” Bloom khẳng định.

Tuy nhiên, trong khi tiến độ của Leicester đang bị đình trệ trong 18 tháng qua, thì Bloom, Barber và Brighton tin rằng tầm nhìn và cấu trúc của họ có thể duy trì vị thế mà CLB này đang đạt được ở bóng đá Anh, và thậm chí là tiến xa hơn nữa.

Theo Andy Naylor, The Athletic

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.