Brighton đứng đầu BXH: Chú chim mòng biển sải cánh giữa đại dương

Tác giả Frank - Thứ Bảy 26/08/2023 11:03(GMT+7)

Sau 2 vòng đầu tiên, Brighton & Hove một lần nữa khiến tất cả phải nhắc về mình khi dẫn đầu bảng Premier League. Với nhiều người, vị trí ở những vòng đấu đầu tiên không có quá nhiều ý nghĩa. Nhưng với Brighton, đó là một cột mốc lịch sử, một thành quả ngọt ngào cho chặng đường 30 năm đầy rẫy những thăng trầm.

 

Lần đầu tiên trong lịch sử 121 năm của mình, Brighton mới biết đến hương vị của đội bóng đứng đầu Anh quốc. Bức tranh ấy tương phản hoàn toàn với những gì họ phải trải qua trong những năm thập niên 90. Liên tục rớt hạng và phải bán cả sân nhà Goldstone Ground vào năm 1995 do những khó khăn về tài chính, Brighton khi đó gần như đã bị xóa sổ trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp tại Anh.

Nhưng cũng chính trong thời điểm bĩ cực đó, chính các CĐV trung thành đã dốc hết sức để vực Brighton dậy từ đống tro tàn. Dick Knight, một CĐV kỳ cựu của Brighton đã trở thành chủ tịch của đội bóng vào năm 1997 và là nhân tố chủ chốt đưa Chim Mòng Biển ra khỏi tâm bão.

Bất chấp việc phải thuê sân trung lập, Brighton vẫn thi đấu cực kỳ ngoạn mục trong suốt giai đoạn 1997-2002 để thăng 2 hạng liên tiếp và lên chơi ở giải Hạng Nhất. Cũng chính chi phí thuê sân cùng với khoản tiền vé thu về ít ỏi khiến cho Brighton gặp khó khăn với khoản nợ 9,5 triệu bảng. Một lần nữa, hội CĐV của đội bóng lại chung tay thực hiện những hoạt động gây quỹ để giúp Ban lãnh đạo đội bóng giải quyết vấn đề tài chính.

Những cố gắng không ngừng nghỉ của Brighton thậm chí còn lay động cả những nhân vật nổi tiếng tại Premier League. Chính HLV Arsene Wenger và Sir Alex Ferguson là những người đã trực tiếp viết thư cho Phó Thủ tướng Anh để hỗ trợ Brighton có được sân bóng mới. Và cuối cùng, sân Falmer Stadium, hay vẫn được biết đến với cái tên Amex Stadium đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011.

Sau 14 năm, Brighton cuối cùng cũng hồi sinh và có cho mình một mái nhà mới. Nhưng họ thậm chí chỉ mất 12 năm để đi từ một đội bóng hạng Nhất cho đến khi leo lên ngôi đầu tại Premier League. Đó có lẽ là kịch bản mà ngay cả những CĐV lạc quan nhất của Chim Mòng Biển cũng không thể nghĩ tới. Và hơn thế, câu chuyện làm bóng đá của Brighton còn là hình mẫu để bất cứ đội bóng tầm trung nào tại Premier League noi theo.

Sau khi chia tay HLV Graham Potter, người đã nâng tầm Brighton lên vị thế ngựa ô của giải đấu, họ còn thành công hơn nữa với tân thuyền trưởng Roberto De Zerbi. Sau khi bán rất nhiều trụ cột như Leandro Trossard, Yves Bissouma, Mac Allister hay Moises Caicedo, họ vẫn duy trì được thứ bóng đá tốc độ và tấn công phóng khoáng của mình.

 

Sự nổi lên của Brighton không giống như những hiện tượng một mùa tại Premier League mà là thành công của cả một hệ thống. Họ săn lùng tài năng trẻ ở những giải đấu ít tiếng tăm, ký hợp đồng với một số lượng đủ lớn nhằm giảm thiểu rủi ro của những món “hàng xịt” và ngay lập tức cho mượn những tân binh này theo mô hình buy-to-loan đang rất phổ biến trong bóng đá hiện đại. Và quan trọng nhất, họ xây dựng được một văn hóa kế thừa để có sẵn phương án khi chia tay một ngôi sao trong đội hình.

Sau những năm tháng đầy biến cố, Brighton vẫn đứng vững và thậm chí còn vươn mình để trở thành một trong những đội bóng thú vị nhất Premier League ở thời điểm hiện tại. Một đội bóng vừa mang giá trị truyền thống của những CĐV nhiệt thành, những người đã từng chung lưng đấu cật với CLB trong thời điểm khó khăn nhất; vừa mang hơi hướng hiện đại của một mô hình làm bóng đá vô cùng hiệu quả.

Và nếu như để tìm ra một biểu tượng phù hợp với Brighton & Hove Albion, đó có lẽ sẽ là hình ảnh của chú hải âu Jonathan Livingston trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Richard Bach. Chim hải âu (hay mòng biển) vốn chỉ coi việc bay như một cách để tìm kiếm thức ăn, nhưng với Jonathan Livingston, bay còn là niềm đam mê cháy bỏng. Mặc cho những lời chế giễu, Livingston vẫn miệt mài tập luyện kỹ năng bay, vì chú biết những con mòng biển khác sẽ không thể biết được vẻ đẹp và cảm giác vĩ đại khi bay.

Brighton là một chú chim dũng cảm như thế. Và sau những giông bão, giờ là lúc để chú chim mòng biển sải cánh bay cao giữa đại dương mênh mông.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Có một Arsenal khốn khổ trong nỗi nhớ Martin Odegaard

Thua, hòa và lại tiếp tục thua. Đó là kết quả thi đấu của Arsenal tại Premier League trong 3 vòng đấu gần nhất. Từ việc tràn trề hi vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester City và Liverpool, Pháo thủ thành London giờ đây đang trượt dài trong mớ hỗn độn không lời giải vì phong độ chạm đáy.

Lửa khủng hoảng đang lan nhanh ở Etihad?

Manchester City đã phải nhận thất bại muối mặt 1-4 trên sân Jose Alvalade trước Sporting Lisbon trong loạt trận thứ 4 Champions League rạng sáng hôm nay. Đây đã là trận thua thứ 3 liên tiếp của đoàn quân Pep Guardiola trong vòng một tuần, khi trước đó họ để thua Tottenham ở Carabao Cup và Bournemouth ở giải ngoại hạng. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang ngầm lan nhanh ở Etihad?

Liverpool đứng đầu Premier League: Niềm tin cho Arne Slot

Lội ngược dòng trước Brighton với chỉ 3 phút bằng 2 bàn thắng chớp nhoáng của Cody Gakpo và Mohamed Salah, Liverpool của Arne Slot đã giành lại ngôi đầu giải ngoại hạng Anh sau khi vòng đấu thứ 10 khép lại. Khoảng cách giờ là 2 điểm với những nhà đương kim vô địch Manchester City và là 7 điểm đối với kẻ được xem là ứng cử viên số 2 mùa này Arsenal.

Chuyện gì đang xảy ra với Arsenal?

Hành quân đến Newcastle với tâm thế không thật sự thoải mái sau những lần hụt chân liên tiếp gần đây khiến cho kết quả mà Arsenal phải nhận trước những người chủ nhà thực ra không quá bất ngờ với những ai am tường về Arsenal lẫn ngoại hạng Anh. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang dần lan rộng ở Emirates?

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Đứng đầu Bundesliga và bất bại, Bayern Munich dường như đã tiến bộ hơn so với thời Thomas Tuchel. Tuy nhiên, tại Champions League lại là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược và đáng xấu hổ sau khi đoàn quân của Vincent Kompany phải nhận một thất bại tồi tệ trước Aston Villa (0-1) và một trận thua thảm hại trước Barcelona của Hansi Flick (1-4).

Per Mertesacker bóc tách chính sách đào tạo trẻ của Arsenal: "U8 là lứa tuyển trạch quan trọng nhất!"

Bukayo Saka, Ethan Nwaneri, và Myles Lewis-Skelly chia sẻ nhiều nét tương đồng. Dễ nhận ra nhất, cả ba đều là sản phẩm của học viện Arsenal và hiện đang là thành viên đội hình chính dưới sự dẫn dắt của Mikel Arteta. Họ cũng đều thuận chân trái, đa năng, quyết tâm và đầy tài năng.