Brazil: Bao giờ trở lại?

Tác giả Bích Hiệp (Vu Trung Hiep) - Thứ Hai 08/07/2024 10:26(GMT+7)

Zalo

Thi đấu hơn người trong 20 phút cùng một đội hình nhiều ngôi sao nhưng cuối cùng Brazil vẫn phải dừng bước tại tứ kết Copa America 2024 trước Uruguay. Thất bại với đội bóng vàng - xanh giờ đây không còn là điều bất ngờ nữa nhưng vẫn luôn tồn tại sau đó là câu hỏi: Bao giờ Brazil đích thực trở lại?

Copa_America_Soccer_Uruguay_Brazil_09175
 

Dừng bước ở tứ kết sau loạt penalty trước một Uruguay với đội hình cũng rất chất lượng, lại đang rực cháy khát khao và đầy tươi mới dưới bàn tay Marcelo Bielsa không phải điều gì đó quá bất ngờ hay hổ thẹn. Nhưng câu hỏi cần được đặt ra nhất lúc này với Brazil là: Tại sao đội tuyển vàng - xanh lại đẩy mình đến bước phải gặp Uruguay sớm như này?

Lý do thì có nhiều nhưng câu trả lời mang tính gốc rễ và bao trùm nhất đó là tư duy và hệ thống quản trị bóng đá của Brazil hiện tại đã lỗi thời.

Bóng đá hiện đại càng ngày càng cho thấy vai trò to lớn của quản trị mang tính chuyên nghiệp của một nền công nghiệp. Giờ đây một đội bóng thành công không còn đơn thuần là tập hợp của thật nhiều những cầu thủ thật khoẻ, thật khéo nữa mà là sự kết hợp của các cầu thủ phù hợp cho từng vị trí trong một hệ thống ra sao, chiến lược cho đường dài và chiến thuận cho từng giải đấu, trận đấu thế nào. Và, một giải đấu hay một trận đấu cũng không chỉ được quyết định thắng thua chỉ bởi những phút cầu thủ thi đấu trên sân mà còn bởi các hoạt động trước, trong và sau đó nữa. Triết lý, chiến thuật, tâm lý, văn hoá, khoa học công nghệ, truyền thông… cả một hệ thống đi theo. Châu Âu đang làm rất tốt những điều này còn Brazil thì cứ như đóng cửa với thế giới vậy. LĐBĐ nước này tỏ ra quá chậm chạp, thiếu nhạy bén với thời cuộc hoặc là họ còn mải mê với điều gì đó mà loài người chưa biết.

Có ý kiến cho rằng Brazil giờ đây không còn sản sinh ra được các tài năng hàng top như Romario, Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho, Kaka nữa vì người dân không còn đói nghèo như xưa, những đứa trẻ không còn chỉ nhờ bóng đá mới đổi đời được như xưa… Đâu đó nhận định này đúng một phần, nhưng xét đến cùng thì đây không chỉ là câu chuyện của riêng xứ sở Samba mà là của thời đại với những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp của kinh tế, văn hoá, xã hội.

Brazil Bao giờ trở lại 1
Các huyền thoại theo dõi tuyển Brazil thi đấu

Khách quan nhìn lại đội hình Brazil một thập kỷ qua, xét về đẳng cấp cũng như số lượng các ngôi sao thì chỉ kém chính họ các thập kỷ trước chút ít thôi chứ so với thế giới thì vẫn luôn là một đội tuyển đầy các tài năng. Những cái tên như Neymar, Julio Cesar, Elisson, Ederson, Dani Alves, Marcelo, Thiago Silva, David Luis, Maicon, Danilo, Marquinhos, Fernadinho, Ramires, Willian, Coutinho, Casemiro, Fabinho, Oscar, Hulk, Firmino và lứa tài năng lúc này là Vinicius Jr, Rodrygo, Raphinha, Paquetá, Guimaraes, Martinelli, Richarlision… không hề kém cạnh khi đặt bên những ngôi sao hàng đầu của Nam Mỹ hay châu Âu. Ở bất kỳ CLB nào họ đều là những nhân tố trụ cột đá chính suốt mùa giải và đóng góp to lớn cho thành công chung. Vậy tại sao về ĐTQG họ lại bỗng trở nên kém sắc xảo, thiếu kết dính và yếu bản lĩnh đến thế?

Brazil Bao giờ trở lại 2
 

Đức vô địch WC 2014, Bồ vô địch Euro 2016, Chile vô địch Copa 2015 2016, Pháp vô địch WC 2018, Ý vô địch Euro 2020, Argentina vô địch Copa 2021, WC 2022. Tất cả các nhà vô địch này đều có đội hình với phần lớn những cái tên cá nhân không vượt trội so với Brazil, một số trong đó là thua kém - cả về giá trị chuyển nhượng lẫn năng lực, hiệu quả thể hiện trên sân trong màu áo các CLB. Vậy, tại sao cứ về tuyển các vũ công Samba lại sa sút và lạc nhịp vậy?

Câu trả lời có thể là do HLV. Điều này không sai vì từ sau chức vô địch WC lần thứ 5 trên đất Nhật & Hàn, các chiến lược gia Brazil cũng dần biến mất khỏi bản đồ bóng đá đỉnh cao. Người cuối cùng còn được nhớ đến ở trời Âu có lẽ là Luiz Felipe Scolari với giai đoạn dẫn dắt tuyển Bồ Đào Nha vào tới chung kết Euro 2004. Nhưng cho đến tận lúc này, LĐBĐ Brazil vẫn chưa chịu đổi mới vị trí người cầm quân. Họ vẫn cố chấp vào cái gọi là “hàng nội địa” hay “bản sắc”. Trong khi thực tế là với những Dunga, Tite hay sự trở lại của Scolari đều cho thấy họ không phải/ không còn là những nhà lãnh đạo hàng đầu của bộ môn này cũng như không kết hợp và tối ưu được những phẩm chất tốt nhất của các cầu thủ.

Không sản sinh ra được những nhà chiến lược tầm cỡ, có thể “xuất khẩu” tới châu Âu như Argentina nhưng cũng không mở cửa đón chào HLV từ các nền bóng đá phát triển khác tới. Brazil hơn một thập kỷ qua vẫn luôn loay hoay với bài toán cho vị trí ghế nóng của mình. Và hệ quả là càng ngày họ càng trở nên mong manh và nhạt nhoà. Hình ảnh một đổi tuyển lúc cần bay bổng, nhảy múa thì dạt dào cảm xúc, lúc cần chắc chắn, hiệu quả thì lý trí lạnh lùng của thập niên 90 và đầu những năm 2000 giờ đây đã quá xa xôi. Xem đội quân vàng - xanh thi đấu tại các kỳ Copa, WC gần đây có cảm giác bàn thua có thể đến bất kỳ lúc nào, trong khi tuyến giữa là những mảnh ghép rời rạc còn hàng công thì rất “tốn bóng” và chỉ để lại sự tiếc nuối bởi vô số cơ hội bị phung phí. Cầu thủ đương nhiên phải chịu trách nhiệm nhưng vai trò của HLV ở đâu khi để các học trò của mình không thể phát huy được năng lực như vậy?

Brazil Bao giờ trở lại 3
 

Thi đấu hơn người trong 20 phút nhưng Á quân Copa 2021 không thể nào tận dụng được lợi thế để vượt qua Uruguay. Và rồi trên chấm penalty, Militão và Luiz đã đá bay tấm vé vào bán kết của Brazil. Đây cũng là một chi tiết nữa cho thấy vị vua của bóng đá thế giới ngày nào đã không còn là một thế lực trên chấm đá định mệnh như trong quá khứ nữa. Nó cũng là một sự phản chiếu khác về tâm thế và vị thế của một nền bóng đá - yếu tố ảnh hưởng đến bản lĩnh và sự tự tin của mỗi cầu thủ.

Uruguay sau chu kỳ thành công với thế hệ những ngôi sao như Forlan, Suarez, Cavani, Caceres, Godin, Muslera… giờ đây đang bước vào một dự án táo bạo mới cùng Marcelo Bielsa - một HLV đến từ Argentina. Vị HLV có biệt danh “gã điên” này đang làm mới La Celeste một cách mạnh mẽ với mỗi tuyến đều có từ 2 đến 3 cầu thủ sinh năm 2003, cá biệt có trường hợp sinh năm 2004 như Anderson Duarte.

Còn Brazil thì sao? Liệu sau thất bại tại trận tứ kết Copa 2024 hôm nay, LĐBĐ nước này có quyết đoán với vị trí người ngồi băng ghế huấn luyện như đối thủ của họ? Và liệu, Neymar cùng những tài năng đầy hứa hẹn đang tung hoành trời Âu như Vinicus Jr, Rodrygo, Raphinha, Paquetá… có cơ hội được hưởng những cải tổ từ gốc rễ của nền bóng đá nước nhà để qua đó cùng nhau tìm lại vinh quang, vị thế vốn có của một trong những đội tuyển được yêu mến nhất thế giới? Câu trả lời sớm nhất sẽ chỉ có được sau 2 năm nữa tại World Cup 2026.

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow