Borussia Dortmund: Nơi ước mơ được thực hiện hay trạm trung chuyển xuất sắc?

Tác giả CG - Thứ Hai 05/10/2020 18:00(GMT+7)

Chính sách chiêu mộ cầu thủ của Borussia Dortmund được xem như một hình mẫu. Song, họ chỉ giành một danh hiệu từ năm 2012.

 
Những cuộc săn đuổi bắt đầu từ rất sớm, thường trước nhiều năm và khi mục tiêu vẫn còn trẻ. Jude Bellingham và Gio Reyna được tuyển trạch khi mới 14 tuổi. Erling Braut Haaland lần đầu hiện diện trong tầm ngắm của Dortmund vào năm 2016, tức hơn 3 năm trước khi anh gia nhập. Các tuyển trạch viên thường bí mật tham dự các trận đấu trẻ. Đối tượng được xác định và sau đó đội bóng sẽ “tấn công” họ.
 
Cầu thủ được mời tới Đức để xem một trận đấu trước sự cuồng nhiệt của Bức tường Vàng trên sân Signal Iduna Park. Không có những sự nịnh nọt màu mè, không có siêu du thuyền, không có các vali đầy tiền. Như Giám đốc Thể thao Michael Zorc nói rằng Borussia Dortmund không cần phải hứa hẹn cao siêu với những tài năng trẻ mục tiêu của mình. Đơn giản, họ chỉ cần chỉ vào danh sách đội.
 
Chính vì vậy, vòng đấu đầu tiên của Bundesliga mùa này, Bellingham - cầu thủ 17 tuổi mới chỉ có 1 mùa giải cho Birmingham - đã có trận đấu ra mắt chính thức và kiến tạo 1 bàn cho Reyna trong hiệp 1. Bước sang hiệp 2, Haaland ghi 2 bàn ấn định chiến thắng 3-0, trong đó bàn thứ 2 do Jadon Sancho kiến tạo. Bộ tứ tấn công của Dortmund có độ tuổi trung bình là 18 tuổi 11 tháng. Họ là 4 tài năng trẻ sáng giá của châu Âu quyết định đặt trọn niềm tin những năm tháng bản lề của mình vào nhà máy sản xuất ngôi sao mang tên Borussia Dortmund.
 
Tại những CLB lớn hơn, con đường đến đội 1 sẽ gian nan hơn. Cả Bellingham và Haaland đều được Manchester United săn đón nhiệt tình. Bayern Munich từng theo đuổi Reyna. Sancho đã rời Manchester City vào năm 2017 trước khi chơi một trận bóng ở cấp độ đội một. Tất cả đều lựa chọn Dortmund. Họ bị thu hút bởi lời hứa sẽ đá ở đội một và phát triển sự nghiệp nhanh chóng. So sánh một chút thì Dortmund cũng giống như trường đại học, nơi các cậu thiếu niên có thể thử những điều mới, tìm kiếm bản thân trước khi bước ra thế giới thật.
 
Đây chính là con đường mà Dortmund lựa chọn. Chiến lược của họ được ngưỡng mộ ở châu Âu vì khả năng mua cầu thủ trẻ rồi bán và thu về lợi nhuận to lớn. Ousmane Dembele gia nhập với giá 13,5 triệu bảng và 1 mùa sau được bán cho Barcelona với giá 124 triệu bảng. Christian Pulisic được bán cho Chelsea với giá 58 triệu bảng. Sancho đến từ Manchester City với giá 8 triệu bảng và Manchester United đang bị hét giá hơn 100 triệu bảng để sở hữu.

Tất nhiên đây mới chỉ là những trường hợp thành công. Nhưng ngay cả những trường hợp thất bại cũng thu về số tiền hợp lý. Jacob Bruun Larsen được bán cho Hoffenheim với giá 8 triệu bảng. Hậu vệ Matthias Ginter thu về lợi nhuận 70% cho Dortmund sau khi gia nhập Borussia Monchengladbach. “Messi Thổ Nhĩ Kỳ” Emre Mor đến với giá 9 triệu bảng, sau một mùa giải thất bại, anh vẫn bán được cho Celta Vigo với giá 12 triệu bảng.
 
 
Tầm ảnh hưởng của Dortmund có thể nhìn thấy rõ trong những thương vụ chiêu mộ gần đây của các đội như Lille, Leicester City, Arsenal và thậm chí cả Real Madrid. Các CLB có được một cầu thủ trẻ tài năng. Cầu thủ thì đã được đào tạo. Người hâm mộ thì được thưởng thức thứ bóng đá chất lượng, nhanh và sắc sảo. Tất cả đều chiến thắng.
 
Kể từ năm 2012, “CLB kiểu mẫu” của bóng đá châu Âu thu về 378 triệu bảng từ việc bán cầu thủ đã được chiêu mộ từ 21 tuổi trở xuống. Tuy nhiên ở trên sân, Dortmund chỉ giành được một danh hiệu và một lần lọt vào chung kết Champions League.
 
Vậy mô hình của Dortmund có hiệu quả không? Đây có phải chỉ là một CLB tầm trung trong thế giới của những gã khổng lồ đang “lăn đá lên đỉnh núi mỗi năm như Sisyphus” theo lời Giám đốc Điều hành Hans-Joachim Watzke? Hay đơn giản họ là một CLB trung chuyển xuất sắc, một dây chuyển sản xuất mà mọi người đều sẽ trải qua?
 
Nguồn gốc chiến lược của Dortmund bắt nguồn từ giữa thập niên 200 bởi cuộc khủng hoảng tài chính suýt nữa khiến họ phá sản. Khi Zorc và Watzke nắm quyền, chính sách chiêu mộ những cầu thủ trẻ chưa thử lửa (mà tờ Süddeutsche Zeitung mô tả là “đội bóng trẻ ngớ ngẩn”) được thúc đẩy không chỉ bởi lý tưởng mà còn vì hoàn cảnh khó khăn. Dưới sự dẫn dắt của Jurgen Klopp, Dortmund đã tạo nên một đội hình vô địch Bundesliga với độ tuổi trung bình là 23.
 
Khi thế hệ vàng được hình thành, những thế hệ mới bắt đầu được tìm kiếm. Giờ đây, Dortmund chủ động biến họ trở thành một CLB bàn đạp khi trung bình khoảng một nửa đội hình được thay đổi mỗi mùa. Làm sao để một CLB có thể xây dựng nên điều gì đó trong hoàn cảnh lực lượng thay đổi liên tục như vậy?
 
 
Uli Hoeness - Cựu Chủ tịch Bayern Munich - gần đây lập luận rằng chính sách chiêu mộ cầu thủ trẻ của Dortmund “vì lý do kinh doanh” là nguyên nhân tại sao họ không đủ sự ổn định để cạnh tranh chức vô địch. “Sao mà một cầu thủ có thể có DNA của một CLB nếu anh ta là đối tượng để bán? Chừng nào Dortmund không thay đổi chiến lược này, tôi không nghĩ họ sẽ thi đấu tốt hơn 10% trong những trận đấu quan trọng”, ông bày tỏ.
 
Tất nhiên, Hoeness vẫn giữ phong cách châm chọc như mọi khi và bình luận của ông bị Dortmund bác bỏ một cách giận dữ. Tuy nhiên chính tổng giám đốc Carsten Cramer đã từng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times vào năm 2018 rằng “một phần DNA của chúng tôi không phải là bắt buộc trở thành số một”.
 
Theo một cách nào đó, việc Manchester United theo đuổi Sancho lâu dài có thể là bài kiểm tra không chỉ về quyết tâm của “Quỷ đỏ” trong việc có được cầu thủ xuất sắc nhất thế giới mà còn là quyết tâm giữ chân anh của Dortmund. Với việc ngôi sao người Anh còn 2 năm trong hợp đồng, Dortmund chắc chắn có thể cứng rắn. Liệu họ có giữ vững quan điểm và tuyên bố rằng không cần phải bán nữa hay không?
 
Hay trong một thị trường ở thời kỳ COVID-19, họ sẽ bán, thu tiền và bắt đầu lại? Dortmund chắc chắn còn nhiều tài năng ở cấp độ trẻ như Youssoufa Moukoko (15 tuổi), Bradley Fink (17 tuổi), Immanuel Pherai (19 tuổi). Trong khi đó, gần đây họ đã chiêu mộ tiền đạo 16 tuổi Jamie Bynoe‑Gittens từ Manchester City - người được miêu tả là “Jadon Sancho mới”. Đó là câu chuyện về một vòng tuần hoàn rất khó để phá vỡ.

Lược dịch từ bài viết “Borussia Dortmund: where dreams are made or a glorified feeder club?” của tác giả Jonathan Liew trên The Guardian.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.