BXH FIFA kể từ ngày thống nhất thực sự thể hiện rõ nhất bộ mặt của nền bóng đá Yemen hiện tại: 179 vào năm 2015 và cho tới hiện tại, ở năm 2019, họ xếp ở vị trí 135, tức là cách ĐT Việt Nam tới...35 hạng (VN xếp ở vị trí 100)
"Tình trạng thể thao nói chung, người anh em thân mến của tôi, đã hoàn toàn suy sụp kể từ những năm 90 vì những tác động chính trị," Mukhtar Mohamed, một nhà báo thể thao của tờ Al Ayam của Yemen khẳng định.
"Mọi việc từ lựa chọn nhân sự, quản trị đều bị dính líu tới chính trị." Lời khẳng định của Mukhtar như để gói gọn những mặt trái của việc để chính trị can thiệp vào các vấn đề thể thao ở Yemen. Những rào cản và can thiệp của chính trị này có thể được thấy rõ qua những mục tiêu xây dựng một khối đoàn kết bên trong một quốc gia từng bị chia cắt. Dù cho các quan chức FIFA, HLV, cầu thủ và thậm chí là giới chủ luôn khăng khăng một luận điệu chung: "Bóng đá và chính trị không liên quan đến nhau."
Yemen từng là một quốc gia được ca ngợi như là một trong những nền văn minh giàu có và tân tiến nhất của vùng Trung Đông kể từ thời Sabaen tới thời Rasulid dưới sự lãnh đạo của một vị nữ hoàng được trọng vọng, đó là Nữ Hoàng Arưa Al Sulayhi. Giờ đây đang phải chịu đựng những hậu quả tàn khốc của một thời kỳ thuộc địa dài đằng đãng cùng những năm tháng bị chia cắt, đang dần cố gắng để dứt khỏi những vấn đề hiện tại.
BẤT ỔN CHÍNH TRỊ: KHI BÓNG ĐÁ TRỞ THÀNH CÔNG CỤ TẠO NÊN SỰ ĐOÀN KẾT
Vì những hậu quả mà sự chia cắt và thuộc địa để lại, cả hai miền Bắc và Nam Yemen đều phải chịu đựng những bất ổn chính trị xuyên suốt những năm tháng tồn tại. Tuy vậy, Miền Nam có được những thành tựu đáng kể dưới một chính quyền Marx-Lenin thân Liên Xô. Và những thành tựu đó đã giúp cho Miền Nam có được sự ổn định cần thiết để tạo lập nên một nền thể thao lành mạnh cho đất nước.
"Những lời khẳng định về một sự ổn định ở cả Bắc và Nam Yemen đều sai lầm, nhưng Miền Nam có lẽ có được một môi trường chính trị ổn định hơn Miền Bắc," BTV của tờ Al Malaab, ông Sami Al Kaff khẳng định trong một bài viết cho tờ Yemeress vào năm 2013. "Môi trường chính trị này giúp cho Miền Nam có được một nền thể thao hiệu quả và sống động và cũng giúp ích được ở quy mô cộng đồng, dựa trên một ủy ban tuân theo những luật lệ nghiêm ngặt. Ở thời đó, tầm quan trọng của thể dục và thể thao thực sự được để mắt tới, dù là ở nhà trường hay là các CLB Dù các cơ sở vật chất khi đó vẫn còn rất hạn hẹp."
Lợi thế của Yemen trên sân bóng có lẽ phải kể đến việc thành lập đội bóng đầu tiên của Yemen, Al Tilal vào năm 1905. Al Tilal những năm đầu tập trung vào sự quan tâm đến bóng đá của người dân Nam Yemen. Cùng với đó là những thành công mà bóng đá Miền Nam đạt được, nổi bật nhất là việc giành vé vào VCK Asian Cup 1976, lần đầu tiên và cũng là cuối cùng họ được tham dự giải đấu này. Trái ngược với Nam Yemen, bóng đá Bắc Yemen ít được để tâm cho đến giữa những năm 70. Tuy vậy, mọi thứ dần thay đổi, nhất là với Nam Yemen, khi mà những ý tưởng về một Yemen thống nhất dần hiện hình và sau đó thành sự thật vào năm 1990.
"Tôi nghĩ rằng thể thao ở Miền Nam Yemen trước năm 1990 tốt hơn ở Bắc Yemen," Akram Obaid, BTV của tờ Yemen Goal và quản lý truyền thông của tờ Al Wehda khẳng định. "Điều này xuất phát từ thời thuộc địa Anh. Ở thời kỳ này, các cấp độ đội tuyển đều có được những tài năng sáng giá."
Vào những thập niên 70 và 80, theo những ghi chép của Thomas Stevenson và Abdul Karim Alaug trong một bài viết liên quan tới bóng đá Yemen cũng như những ích lợi về mặt chính trị mang tên "Bóng đá Yemen và Nhân Dạng Chính Trị" (Yemeni Football and Identity Politics), cả Bắc và Nam Yemen vẫn thường có những trận đấu với nhau để thúc đẩy một ý tưởng về một Yemen chung, một Yemen thống nhất và liền một khối, một vũ khí chính trị thực sự được cả hai chế độ sử dụng.
Theo Alaug và Stevenson, khi hai đất nước thống nhất vào năm 1990, chính quyền mới sử dụng bóng đá như một công cụ chính trị để gia tăng sự đoàn kết thông qua mùa bóng thống nhất đầu tiên. Các đội bóng được tuyển lựa rất kỹ để tạo ra sự cân bằng giữa Bắc và Nam Yemen. 32 đội bóng được tham gia và mỗi đội thi đấu 7 trận sân nhà và khách, cùng với đó là các khán đài với các CĐV mang các biểu ngữ ủng hộ độc lập.
Không chỉ dùng bóng đá cấp CLB để thúc đẩy sự đoàn kết trong lòng Yemen, chính quyền mới còn sử dụng cấp độ ĐTQG. Mỗi miền được lựa ra 16 cầu thủ, và mỗi miền có một trợ lý HLV và mỗi miền luôn luân chuyển cầu thủ. Kể cả băng đội trưởng cũng thường được thay đổi giữa hai Miền Nam-Bắc, tất cả chỉ để phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh của một Yemen thống nhất.
"Ở thời điểm thống nhất, chính quyền đã sử dụng thể thao như một cách quảng bá về sự thống nhất," Stevenson trả lời These Football Times. "Những hành động này rất ngắn ngủi, giống như mọi chính sách khác ở Yemen. Chính vì vậy, mọi tiến bộ về mặt chính trị của Yemen đều rất giới hạn."
Đất nước Yemen thống nhất và non trẻ này không tồn tại được lâu. Nội chiến bùng nổ vào năm 1994 dẫn đến việc đất nước này phải hủy mùa bóng 1993-1994 đang diễn ra. Cuộc chiến diễn ra vài tuần, và kết thúc với thất bại của Miền Nam sau khi mất đi thủ đô Aden về tay miền Bắc, những người đã chính thức kiểm soát hoàn toàn đất nước và dời thủ đô về Sana.
Để gia giảm những sự bất bình của người dân Nam Yemen từ việc thất trận trong cuộc Nội Chiến, Ali Saleh, tổng thống Yemen thời kỳ đó, quyết định tập trung vào phát triển hai CLB nổi tiếng nhất thời kỳ đó của Yemen, đó là Al Wehda và Al Tilal thông qua việc đầu tư tài chính cũng như đặt các chính trị gia vào hàng ngũ quản lý CLB. Từ đó, mọi quan tâm về bóng đá của người Nam Yemen dần giảm thiểu đi khi mà chính quyền mới của tổng thống Ali Saleh lúc này chỉ tập trung vào các mục tiêu cá nhân. Điều này gây hại không nhỏ cho bóng đá mà còn cho cả đất nước với những vụ tham nhũng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cũng như những bất ổn về mặt an ninh.
"Theo tôi, việc sử dụng chính trị trong việc quản lý thể thao không xảy ra cho tới khi thống nhất đất nước, ít ra là ở Miền Bắc." Mansour Garadi, BTV thể thao cho hãng tin Al Saba cho biết. "Những vấn đề thể thao khi đó vẫn còn rất xa lạ với các chính trị gia, những người khi đó chỉ tập trung vào các mối bất hòa chính trị và đấu tranh ở những năm 50 và cho tới tận ngày nay."
"Vào những năm cuối thập niên 90, việc sử dụng chính trị vào thể thao cấp CLB hay cấp liên đoàn dần thành hình, có thể thấy qua việc thành lập một quỹ cho việc đào tạo thể thao cũng như thanh niên, hàng tỷ Riyals đã được đổ vào đây để hỗ trợ cho các mục tiêu thể thao. Việc Yemen tham gia Cup Vùng Vịnh chỉ gia tăng thêm sự can thiệp của chính trị như việc bổ nhiệm một người bà con của Ali Saleh là Abdul Elah Al Qadhi vào vị trí Chủ tịch LĐBĐ Yemen."
Việc sử dụng các chính trị gia cũng như các tướng tá quân đội trong môi trường thể thao nghiêm trọng tới mức, LĐBĐ FIFA phải vào cuộc và một lệnh cấm LĐBĐ nước này được đưa ra vào năm 2005, trong đó có nêu ra những "can thiệp nghiêm trọng bởi chính quyền trong công việc nội bộ của liên đoàn."
"Saleh nhúng tay vào mọi việc liên quan tới bóng đá, và có nhiều hành động của ông ta thể hiện điều đó," Al Ezi Al Esami, nhà báo và chuyên gia phân tích thể thao Yemen của tời Al Ezi Al Esami nói. "Nhưng những người trong chế độ của ông ta luôn cố gắng thâm nhập và lợi dụng thể thao cho những lợi ích chính trị của mình. Các CLB, nhất là các CLB đóng ở thủ đô được hỗ trợ kinh tế rất nhiều vì chủ tịch của các CLB này ủng hộ chế độ, còn những CLB không ủng hộ chế độ thì không."
"Một ví dụ khác là ở Aden, nơi Saleh đưa con rể của mình, Ahmed, cai quản Al Tilal, một trong những đội bóng danh tiếng nhất của Yemen, để bù đắp nhu cầu của họ cũng như để thể hiện rẳng mình quan tâm tới các CLB ở Miền Nam Yemen. Và ngay sau khi Ahmed rời đi, Al Tilal dần rơi vào quên lãng."
ĐĂNG CAI CUP VÙNG VỊNH ĐỂ CHE ĐẬY NHỮNG BẤT ỔN
Từ năm 2003, Yemen đã nhiều lần tham dự Cup Vùng Vịnh (Gulf Cup) được tổ chức 2 năm một lần, dù không để lại được nhiều ấn tượng. Và đến năm 2010, năm mà họ giành được quyền đăng cai, những bất ổn và rắc rối bắt đầu hiển hiện kể cả trước khi giải đấu bắt đầu khi hai quả bom phát nổ ở một CLB của Yemen, Al Wahda, khiến ba người chết và 17 người bị thương. Một nhóm ly khai Miền Nam tên Al Harak đã đe dọa sẽ không để VCK này được tổ chức vì những cáo buộc của chính quyền nhằm vào họ liên quan tới vụ tấn công ở CLB Al Wahda.
Saudi - Arabia vs Yemen
Chính quyền Saleh làm đủ mọi cách để che đậy những môi lo ngại đó bằng việc tiêu hàng triệu Đô-la trong việc cải tạo cơ sở vật chất cũng như xây dựng các SVĐ, khách sạn, trung tâm tập luyện và đường phố để phục vụ cho giải đấu. Trong số đó có việc cải tạo lại một khách sạn 120 phòng thành tiêu chuẩn 5 sao, một dự án tiêu tốn hết 600 đến 1 tỷ Đô-la. Cùng với đó là dự án Khu phức hợp du lịch Al Qasr trị giá 200 triệu Đô-la cũng như việc điều động 30,000 lính để đảm bảo an ninh cho các cầu thủ cũng như CĐV khi đến Yemen.
"Có một vài dự án ở Aden, Abyan và Lahej được đề ra cho giải đấu cũng như cho các mục đích chính trị," Abdulrahman Aqeel, BTV cho tờ Al Ahali cho biết. "Lượng tiền đổ vào những dự án cải tạo này đủ để cải tạo cả đất nước. Nếu một SVĐ như Al Wahda mà tốn tới 500 triệu đến 16 tỷ Riyal Yemen thì thử hỏi các SVĐ tốn hết bao nhiêu ?"
Như để xát muối vào nỗi đau, tờ Yemen Post còn điều tra ra những vụ di dời cưỡng bách người vô gia cư khỏi những thành phố đăng cai VCK cũng như thủ đô Sana để giữ "trong sạch hình ảnh đất nước." "Phong tục của chúng ta đã nói rằng, phải dọn nhà rồi mới tiếp khách. Đây là điều chúng tôi đang làm," tờ Yemen Post dẫn lời một quan chức ở Aden. "Người vô gia cư và hành khất là những vấn đề lớn ở các thành phố của Yemen."
"Xuyên suốt VCK Cup Vùng Vịnh, những nhu cầu về điện, nước, chuyên chở của người dân, nhất là dân Aden, vốn bị giới hạn một cách trầm trọng cho tới bây giờ, bỗng dưng lại được cung cấp đầy đủ cho chúng tôi," Ali Al Fatmi, HLV của CLB Al Ahram cho biết.
Những vấn đề này được thanh toán với cái giá không hề nhỏ: 600 đến 1 tỷ Đô-la. Dù hơn 600,000 CĐV Yemen đến cổ vũ cho đội nhà, và Yemen có được một VCK thành công, người dân vẫn phải chịu đựng những vấn đề dai dẳng, dẫn đến Mùa Xuân Ả Rập (Arab Spring) một năm sau đó, cuộc cách mạng chính thức đưa nền độc tài của Ali Saleh đến hồi kết sau hơn 30 năm. Thắp lên niềm hy vọng to lớn cho người dân Yemen. (còn nữa...)
Lược dịch và bổ sung từ bài viết:"How Yemen lost its way through football and politics mixing" của tác giả Omar Almasri đăng trên These Football Time
KDNX (TTVN)