Bóng đá Ý đang rơi vào tình trạng hỗn loạn như thế nào?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Tư 17/08/2022 17:08(GMT+7)

Zalo

Serie A từng là giải đấu giàu có và thống trị nhất trong bóng đá thế giới. Nhưng giờ, nó đang bị bỏ lại bởi Premier League.

299195833_5543386645720940_4327847602205012227_n
 

Khi Angel Di Maria chuyển sang Juventus hồi tháng 6, Gigi Buffon cho rằng sự xuất hiện của cầu thủ người Argentina không những là động lực lớn cho Bianconeri mà còn cho cả nền bóng đá. “Đối với Serie A, rước Di Maria về chẳng khác gì kí với Diego Maradona,” thủ thành huyền thoại nói với Gazzetta dello Sport.

Đó là lời khen ngợi dành cho sự xuất sắc, bền bỉ của một cầu thủ mà Buffon đã ngưỡng mộ từ lâu. Nhưng trên thực tế, đó là minh chứng cho thấy Serie A đã sa sút ra sao kể từ thời kỳ hoàng kim của Maradona, Marco van Basten và Lothar Matthäus. 

Chưa có đội bóng Ý nào vô địch Champions League kể từ năm 2010. Trong khi đó, Azzurri đã không thể giành quyền tham dự World Cup lần thứ hai liên tiếp, khiến chiến tích vô địch EURO 2020 giống như một thứ vinh quang bất thường.

Thất bại trên TTCN 

Như chủ tịch AC Milan, Paolo Scaroni nói với Il Foglio: “Trong 20 năm qua, gần như tất cả các nền bóng đá đều vượt qua chúng tôi. Serie A đang trở thành Serie B của châu Âu.”

Không dễ để chối bỏ điều này, ngay cả khi bạn là một trong những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của giải đấu. Sau thời kỳ khủng hoảng tài chính do các chủ sở hữu Trung Quốc trước đây gây ra, Milan đã giành Scudetto đầu tiên sau 11 năm mùa trước, kết quả của cách tiếp cận thận trọng được áp đặt cho đội bóng bởi Elliott Management. Tuy nhiên, các nhà ĐKVĐ nước Ý đang gặp khó khăn trong việc chiêu mộ các mục tiêu hàng đầu của họ trong mùa hè này.

Sven Botman có vẻ sẽ gia nhập đội chủ sân San Siro từ Lille, nhưng thay vào đó lại chuyển đến Newcastle. Trong khi đó, Renato Sanches chọn PSG. Điều này càng đào thêm hố sâu khoảng cách giữa Serie A với Premier League và các CLB siêu giàu được nhà nước hậu thuẫn.

Ngay cả khi Milan cố gắng tăng cường đội hình của họ bằng việc mua Charles De Ketelaere từ Club Brugge, cựu tuyển thủ Hà Lan Jan Mulder đã đưa ra đánh giá có phần bi quan.

“Tôi không hiểu vì sao thương vụ này lại xảy ra”, nhà vô địch châu Âu nói với HLN. “Cậu ấy lẽ ra phải đến Premier League, giải đấu hay nhất thế giới. Milan và Serie A giờ là nơi những cầu thủ đã ở bên kia sườn dốc đến chơi bóng mà thôi.” 

Không thể phủ nhận Serie A đang gặp vấn đề lớn về mặt thương hiệu. Đó là lý do vì sao Premier League kiếm được số tiền gấp 10 lần Serie A từ việc bán bản quyền truyền hình. Cuộc đua vô địch mùa trước đã diễn ra vô cùng hấp dẫn - một trong những cuộc cạnh tranh thú vị nhất châu Âu. Tuy nhiên, người ta vẫn cho rằng bóng đá Ý là một sản phẩm kém cỏi so với những gì đang diễn ra ở Anh. Serie A chỉ có thể tự trách chính mình. Đó không chỉ là một thất bại trong việc tiếp thị sản phẩm của mình ra thế giới. Serie A từ lâu đã suy thoái một cách đáng buồn.

Năm ngoái, chủ tịch La Liga Javier Tebas đã hỏi: “Làm thế nào mà bóng đá Ý lại kiếm được ít tiền hơn Tây Ban Nha, dù Ý có dân số đông hơn với thu nhập bình quân đầu người cao hơn?” Câu trả lời là do khả năng quản lý yếu kém ở mọi cấp độ của giải đấu trong một thời gian dài. Một số tên tuổi lớn của bóng đá Ý, bao gồm cả chủ tịch Juventus Andrea Agnelli đã đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, đại dịch không tạo ra khuôn mẫu kinh tế của bóng đá; nó chỉ khiến nền bóng đá suy yếu đi.

“Ngay cả trước thời kì Covid-19, Serie A cũng đang ở trong tình trạng yếu kém,” Marco Iaria của Gazzetta dello Sport nói với GOAL.

"Trong thời đại bản quyền truyền hình là tất cả, mọi nguồn tiền đổ vào các CLB Ý lại được dùng cho chi phí thể thao, tiền lương và chuyển nhượng, thay vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tiếp thị hay những yếu tố khác để các đội bóng Ý tiếp tục thu hút giới tinh hoa. Ví dụ, trong mùa giải 18/19, mùa giải cuối cùng trước cuộc khủng hoảng Covid-19, Serie A lỗ gần 300 triệu euro và nợ ròng tích lũy 2,5 tỷ euro, mặc dù lãi vốn 700 triệu euro."

Do đó, sự sa sút của giải đấu là điều không thể tránh khỏi. Milan may mắn vì có một kế hoạch tài chính tiết kiệm hơn trước khi các giải đấu bóng đá bị hoãn vì Covid-19, khiến các trận đấu buộc phải diễn ra sau những cánh cửa đóng kín.

Tuy nhiên, Juventus đã phải yêu cầu một đợt rót vốn lịch sử từ công ty mẹ EXOR để tiếp tục ký hợp đồng với những cầu thủ như Dusan Vlahovic. Trong khi đó, Inter phải bán những trụ cột, giảm bớt quỹ lương của họ chỉ để duy trì hoạt động.

Quả thực, mùa hè năm 2021 thật tàn khốc không chỉ với Nerazzurri mà còn cả Serie A nói chung. Trong một kì chuyển nhượng, giải đấu đã mất đi cầu thủ xuất sắc giải (Romelu Lukaku), thủ môn xuất sắc nhất (Gigi Donnarumma), trung vệ xuất sắc nhất (Cristian Romero), hậu vệ phải xuất sắc (Achraf Hakimi) và cầu thủ nổi tiếng nhất (Cristiano Ronaldo).

Tuy nhiên, mùa hè này cũng không khá hơn là bao. Lukaku có thể đã trở lại cùng với Paul Pogba, nhưng Kalidou Koulibaly và Matthijs de Ligt đều đã lần lượt cập bến Chelsea và Bayern Munich. Koulibaly là một huyền thoại ở Napoli, trong khi De Ligt được coi là thủ lĩnh tiếp theo của hàng thủ Juventus.

Bóng đá Ý đang rơi vào tình trạng hỗn loạn như thế nào 1
Koulibaly và Jorginho

Điều khiến mùa hè này trở nên đặc biệt đau đớn với giải đấu hàng đầu của Ý, đó là việc họ thậm chí còn chẳng giữ chân nổi những tài năng tầm trung chứ chưa nói tới những ngôi sao đã thành danh.

Ví dụ, Gianluca Scamacca từ lâu đã được liên hệ với những cái tên như Inter và Juventus. Việc chuyển đến một trong hai CLB này sẽ là bước tiến rõ ràng và không thể tránh khỏi đối với một tuyển thủ Ý trẻ tuổi.

Thay vào đó, Scamacca đã ký hợp đồng với West Ham United, đội bóng đứng thứ 7 Premier League mùa trước. Anh sẽ hít thở bầu không khí xứ sương mù cùng với Destiny Udogie, tuyển thủ U21 Italia của Udinese, người chuẩn bị chuyển đến Tottenham.

Ngoài ra, những nhà vô địch EURO 2020 Lorenzo Insigne và Federico Bernardeschi cũng chuyển sang chơi bóng ở MLS. Inter không thể thuyết phục Ivan Perisic bỏ qua viễn cảnh khoác áo Tottenham. Lucas Torreira từ chối Fiorentina để sang Galatasaray, còn Arthur Teate và Aaron Hickey gia nhập Rennes và Brentford sau những mùa giải đột phá tại Bologna.

Những sân vận động xấu xí, cũ mèm

Một lần nữa, vấn đề vẫn chỉ là tiền bạc. Ngoài ra, đó còn là cách Serie A đã phung phí vị trí thống trị trong quá khứ.

"Điều gì đã thay đổi so với 20 năm trước, khi Ý có 3 đội lọt vào top 5 Football Money League của Deloitte?", cựu phó chủ tịch AC Milan và hiện tại là GĐĐH Monza Adriano Galliani đã hỏi trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Calcio e Finanza. “Chúng tôi không xây sân vận động.

"Chúng tôi có những sân vận động xấu xí nhất châu Âu. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu và bản quyền truyền hình, vì một sân vận động xấu xí và trống vắng không được phép xuất hiện trên TV.

"Chúng tôi không xây dựng các sân vận động vì sự quan liêu đã kìm hãm tất cả. Là do chính quyền trong một thời gian dài đã yêu cầu xây dựng đường đua điền kinh trên sân và bởi vì luôn có hàng nghìn chướng ngại khác. San Siro là một ví dụ.”

Bóng đá Ý đang rơi vào tình trạng hỗn loạn như thế nào 2
 

Một điều luật mới được đưa ra vào năm 2013, nhằm tái phát triển hoặc giúp việc xây dựng các sân bóng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, gần một thập kỷ trôi qua, Serie A vẫn sa lầy trong bộ máy hành chính quan liêu, dẫn đến các kế hoạch về sân vận động mới liên tục bị đình trệ.

“Và trong khi chúng ta đứng lại, thế giới đang đi lên,” Scaroni nói với Calcio e Finanza. “Kể từ năm 2013, đã có ba sân vận động mới được xây dựng chỉ riêng ở London.”

Kết quả là những người chủ đầy tham vọng cảm thấy vỡ mộng. Họ cảm thấy như đang đập đầu vào tường, tự hỏi liệu có ích gì khi ký hợp đồng với những cầu thủ đẳng cấp thế giới nhưng lại không thể cung cấp cho họ một sân khấu hoành tráng để trình diễn.

Scaroni nói: “Chúng tôi có thể mang những ca sĩ opera xuất sắc nhất thế giới đến đây. Nhưng nếu sau đó chúng tôi bắt họ hát trong nhà kho thay vì ở La Scala… thì đó là một sự khác biệt lớn.”

Super League có phải sự cứu rỗi?

Bóng đá Ý đang phải đối mặt với những vết thương do chính mình gây ra. Câu hỏi bây giờ là làm thế nào để hồi phục cả nền bóng đá?

Galliani nằm trong số những người tin rằng European Super League (ESL) là câu trả lời, mặc dù không có sự xuất hiện của các CLB Anh, những người đang gặt hái thành quả khi tạo ra ESL của riêng họ vào năm 1992. "Cũng nên có một Brexit trong bóng đá", Galliani tuyên bố. Bất chấp sự sụp đổ nhanh chóng của ESL sau phản ứng dữ dội của người hâm mộ ở Anh, Agnelli vẫn chưa từ bỏ việc hiện thực hóa giấc mơ mà ông chia sẻ với chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid. Họ vẫn đang chiến đấu trong các tòa án để có thể ly khai thành công.

Đối với một số người hâm mộ bóng đá, ý tưởng này giờ đây trở nên dễ chịu hơn vì ban tổ chức sẵn sàng từ bỏ khái niệm ban đầu về một giải đấu ‘đóng cửa'. Một số người ủng hộ cũng đã bắt đầu đề cập đến sức mạnh tài chính của Premier League và mỉa mai rằng: 'Nhưng Super League mới là vấn đề…’

Tuy nhiên, nó chắc chắn không phải là giải pháp, ít nhất không phải cho cả giải đấu. Sự giàu có không thể phủ nhận của Premier League là một nguyên nhân chính đáng lo ngại do tác động của nó lên cả TTCN, cũng như tới sự cạnh tranh cân bằng trong giải đấu cấp châu lục.

Tuy nhiên, như Gianluigi Longari của Sportitalia TV nói với GOAL, ESL không phải là ‘cây đũa thần’ có khả năng giải quyết tất cả các vấn đề của Ý. Longari thừa nhận: “Có vẻ như chúng ta sẽ lâm vào tình thế tồi tệ hơn nếu không có Super League, nơi có ít nhất 12 CLB có cùng quan điểm tài chính.

"Trên thực tế, đội vô địch Serie A kiếm được ít tiền bản quyền truyền hình hơn một đội vừa thăng hạng lên Premier League. Tình hình ở bóng đá Ý đang trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn nhiều so với các nước khác, bởi tiền từ bản quyền truyền hình là không đủ.

"Nhưng chẳng có cây đũa thần nào có thể làm biến mất tất cả những vấn đề kinh tế này. Điều duy nhất các CLB cần làm là tránh thực hiện những việc mà họ không đủ khả năng."

Họ không được phép giống như Manchester United và Barcelona, những đội đang lãng phí hàng triệu USD trên TTCN. Hãy làm như Atalanta và gần đây là Milan bằng cách cố sống trong khả năng của họ.

ESL sẽ chẳng khác gì bản vá tạm thời cho những đội bóng lớn của Ý; nó sẽ tàn phá phần còn lại của Serie A, biến nó thành một Serie B thực sự, khiến các CLB nhỏ hơn trở thành những tù nhân của kiểu kinh tế 'nhỏ giọt' mà Donald Trump miêu tả 

Trước tiên, cần phải chấp nhận nỗi đau ngắn hạn để đạt được lợi ích lâu dài. Toàn bộ cấu trúc của giải đấu cần được phá bỏ và xây dựng lại.

"Nguồn tiền trong bóng đá ngày càng tập trung nhiều hơn ở đỉnh kim tự tháp", HLV Luca Gotti nói với GOAL.

"Trước đây, có sự dịch chuyển về dòng tiền giữa Serie A, Serie B và Serie C. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi thấy khoảng cách lớn giữa Serie B và Serie A. Các hợp đồng truyền hình đang rơi vào tay các CLB lớn nhiều hơn. Tầng lớp thượng lưu ở Serie A đang dần tách biệt với phần còn lại. Đó sẽ là một xu hướng lâu dài trong bóng đá. Super League chỉ là bước đi đầu tiên.

"Tôi nghĩ rằng cần có sự đồng ý của ban lãnh đạo giải đấu và tất cả các chủ tịch CLB về một kế hoạch dài hạn. Một tầm nhìn cho tương lai từ 5 đến 8 năm tới là điều cần thiết, cho phép chúng tôi thu hẹp khoảng cách với các đội bóng giàu có nhất.

Tuy nhiên, vấn đề vẫn là sự thống nhất giữa các bên liên quan của giải đấu. Vẫn còn quá nhiều lợi ích trái ngược nhau.

Các trận đấu của Ý vẫn bị cản trở bởi chủ nghĩa kỳ thị và những tranh cãi nhỏ nhặt. Điều này lí giải vì sao Serie A không tận dụng được tối đa quãng thời gian ba năm của Cristiano Ronaldo tại Juve, dẫn đến giá trị bản quyền truyền hình chỉ có giảm chứ không tăng.

“Tôi không muốn bi quan," Longari nói, "Nhưng tôi không thấy bất kỳ giải pháp nào ở phía trước.”

Thật vậy, Di Maria không phải là Maradona. Và ngay cả khi anh là cậu bé Vàng, vẫn cần nhiều hơn một thế hệ tài năng để cứu bóng đá Ý khỏi chính nó.

Lược dịch từ bài viết 'Serie A has become the Serie B of Europe' - How Italian football descended into disarray của Mark Doyle (Goal)

Xem thêm tin tức bóng đá 24h mới nhất trong ngày

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow