Sau những kỳ vọng, bê bối và đổ nát trước đó, phép màu đã đến với bóng đá Việt Nam, nhưng phép màu sẽ chẳng đến nếu không có sự cố gắng, cống hiến và cả tài năng nữa.
Vậy là đội tuyển Việt Nam đã chính thức khép lại cuộc hành trình ở Asian cup của mình sau trận thua 0-1 trước những người Nhật Bản hùng mạnh. Đã có vô số những lời ngợi khen dành cho những gì mà đội tuyển đã làm được trong lần thứ 2 tham gia một vòng chung kết của sân chơi lớn nhất châu lục, và tất cả họ đều xứng đáng với sự ghi nhận đó.
Những gì mà chúng ta đã làm được trước Người Nhật và trong cả giải đấu thực sự đã làm cho người hâm mộ cả nước cảm thấy nức lòng. Một năm đại cát của bóng đá Việt Nam đã được các cầu thủ trẻ của chúng ta hoàn thành một cách quá xuất sắc, sau những gì đã làm ở Thường Châu, Indonesia, Hà Nội và lần này là ở UAE.
Có lẽ có nằm mơ những người Việt Nam cũng không thể nghĩ là họ có thể sống trong một năm trọn vẹn với bóng đá nước nhà như thế. Sau những kỳ vọng, bê bối và đổ nát trước đó, phép màu đã đến với bóng đá Việt Nam, nhưng phép màu sẽ chẳng đến nếu không có sự cố gắng, cống hiến và cả tài năng nữa.
Thật may khi tất cả những điều này đã đến cùng một lúc, để giờ đây, ta có thể nói, bóng đá Việt Nam đã bước lên được một tầm cao mới, và lịch sử đã sang trang, đẹp hơn, sáng hơn, và đã sẵn sàng để ghi thêm những thành tích mới lên đó.
Chúng ta đã giành ngôi á quân U23 Châu Á trong sự bất ngờ không lường trước, sau khi đã thất bại ê chề ở Seagame trước đó, không ai tin các cầu thủ có thể làm nên kỳ tích cả. Thế nên, ngôi vị á quân là một sự khích lệ lớn cho chúng ta trong việc tin tưởng, chúng ta có thể thực sự làm nên được những điều gì đó lớn lao sau này.
Và cũng chính những người đã chiến đấu ở Thường Châu đó, đã là nền tảng cho sự thành công cho bóng đá nước nhà cho đến lúc này. Với cái vốn có được trên đất Trung Quốc, chúng ta lại tiếp tục đến với Indonesia, lần này dẫu có là một tâm thế khác, nhưng vẫn còn đâu đó sự hoài nghi.
Với việc bổ sung thêm ba người đàn anh nữa, đội tuyển Olympic Việt Nam đã tiến đến tận vòng đấu dành cho bốn đội, và chỉ có Hàn Quốc của ngôi sao Son Heung Min mới có thể buộc chúng ta phải dừng lại. Đến lúc này, chắc sẽ rất ít người còn hoài nghi năng lực của những Quang Hải, Văn Đức, Văn Hậu…và các đồng đội.
Khi đã đá hay và có thành tích ở sân chơi Châu Á, dù chỉ là ở những giải trẻ, thì AFF Cup không phải là giấc mơ khó đạt được, dẫu chúng ta đã theo đuổi nó gần chục năm qua. Và cái đêm chiến thắng ở Hà Nội đã làm cho triệu người Việt Nam ngây ngất.
Đó là một giải đấu mà đội tuyển Việt Nam đã lên ngôi với một phong thái tự tin, kẻ cả và thật sự rất bản lĩnh. 10 năm cho một chặng hành trình, và cái cách mà đội tuyển của chúng ta thể hiện đã làm hài lòng tất cả.
Sau chức vô địch AFF Cup, cứ ngỡ đó đã là dấu ấn cuối cùng của bóng đá nước nhà, thực tế chúng ta cũng không kỳ vọng nhiều vào chiến dịch Asian Cup sắp tới, vì đội tuyển đã không có nhiều thời gian để chuẩn bị, cộng với tâm lý thành công trước đó sẽ dễ làm thoả mãn các cầu thủ.
Thế nhưng, thay vì thoả mãn, ngược lại họ lại lấy đó làm bàn đạp để tiến lên một tầm cao mới, để rồi lại lập nên một chiến công nữa làm nức lòng người hâm mộ cả nước.
Những trận thi đấu sòng phẳng, với một phong thái tự tin, gọn gàng và vô cùng chững chạc của các cầu thủ trước những đối thủ hàng đầu châu lục một lần nữa khiến cho cả nước phải ngạc nhiên. Thật sự, không thể tin nổi chúng ta lại có thể chơi với một trình độ như thế trong những trận đấu căng thẳng và khốc liệt. Iraq, Iran, Jordan hay Nhật Bản khác hẳn hoàn toàn so với những Myanmar, Philipines hay Malaysia.
Thấp thoáng người xem có thể cảm nhận về cái gọi là đẳng cấp ở đội tuyển Việt Nam, đẳng cấp là cái mà không thể đạt được trong một sớm một chiều, cái mà không thể nào mua được chỉ bằng vài trận thắng hay những thành tích nhất thời, nó là một bước tiến cực lớn của một nền bóng đá
Để đạt được sự thừa nhận, phải cân bằng được rất nhiêu yếu tố như: trình độ cả một lứa cầu thủ, lối đá, độ lỳ đòn, bản lĩnh và khả năng chịu được áp lực cao. Thật hay khi dường như đội tuyển của chúng ta đang thể hiện được tất cả những yếu tố đó.
Vòng chung kết Asian Cup vẫn chưa kết thúc, nó sẽ còn là sân chơi của bốn đội bóng mạnh nhất châu lục. Nhật Bản và Iran đã có mặt ở đó, hai chiếc vé còn lại có lẽ đang chờ Hàn Quốc và Australia vào đêm nay. Đó cũng chính là bốn đội bóng mạnh nhất Châu Á lúc này.
Việc tiệm cận được trình độ của bốn đội tuyển bên trên không hề là một việc đơn giản, một sớm một chiều có thể đạt được. Nhưng phía sau bốn thế lực kể trên là rất nhiều quốc gia khác ( Saudi-Arabia, Iraq, UAE, Uzbekistan…) họ đã ở vị trí đó rất lâu, và mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là làm sao chen chân được vào nhóm này. Để vươn đến những giấc mơ xa hơn, bằng mọi giá, chúng ta phải lọt vào nhóm kế cận đó.
Khi đã đá được và có thể chơi bóng ở trình độ cao, chắc có lẽ những mục tiêu như Seagames hay AFF Cup ở Đông Nam Á sẽ không đủ làm chúng ta hài lòng trong tương lai. Và để tiếp tục duy trì và phát huy được cái nền móng mà chúng ta đã xây dựng trong suốt một năm qua, chúng ta phải thực hiện những điều gì để tiếp tục tiến lên?
1/ ĐÀO TẠO TRẺ
Không một ai có thể phủ nhận, thành công của bóng đá Việt Nam lúc này in đậm dấu ấn của một lứa cầu thủ trẻ cực kì tài năng và đạo đức. Khi tuổi đời của đội tuyển còn chưa tới 24, chúng ta biết rằng, chúng ta đang có một thế hệ sẽ còn tiến rất xa sau này.
Thế nhưng nếu không tiếp tục sản sinh ra thêm những tài năng trẻ để tiếp tục cạnh tranh và kế thừa, chúng ta sẽ lại là con tin của những gì đạt được trong quá khứ.
Tâm lý thoả mãn, chắc suất sẽ xuất hiện trong lòng các tuyển thủ nếu họ không thấy được sự cạnh tranh, điều đó sẽ dẫn đến sự chểnh mảng trong rèn luyện và thi đấu. Chỉ có sự cạnh tranh mới thúc đẩy cho sự hoàn thiện và phát triển.
|
Đoàn Văn Hậu: Tuổi 19 rực rỡ trong đôi chân |
Sau thành công của các đàn anh, những cầu thủ măng non tiềm năng sẽ lấy đó làm động lực để phấn đấu. Danh tiếng, vinh quang và cả…tiền bạc sẽ thúc đẩy họ không ngừng tập luyện để có thể mơ một ngày nào đó sẽ khoác lên người chiếc áo của đội tuyển quốc gia.
Thật may khi những trung tâm bóng đá trẻ của Việt Nam ngày càng nhiều và đang chuyên nghiệp bài bản hẳn lên. Có thể kể qua như HAGL, Hà Nội, Viettel hay PVF… sau thành công của những mô hình đào tạo kể trên, hi vọng chúng ta sẽ có thêm thật nhiều những trung tâm khác nữa, để không bỏ sót bất cứ một tài năng nào trên cả nước.
Hãy mở rộng thể thao học đường, người Nhật hay Hàn Quốc đã thu được rất nhiều tài năng từ con đường như thế. Hãy để cho những bạn trẻ, cậu bé biết chơi bóng có sân chơi để thoả mãn niềm đam mê của mình, những tài năng sẽ từ đó xuất hiện, và hơn nữa là hoàn thiện một quy trình, bóng đá có mặt ở khắp mọi nơi.
2/ HÃY NÂNG TẦM V-LEAGUE
Bộ mặt của một nền bóng đá là đội tuyển quốc gia, còn cái chân của nó là giải vô địch của quốc gia đó. V-League là giải vô địch quốc gia của Việt Nam. Với V- League, chúng ta đã có gần 20 năm gắn mác chuyên nghiệp, nhưng thực sự, những bất cập của nó còn quá nhiều.
Có một thực tế, bóng đá ở Việt Nam vẫn chưa nuôi được chính mình, khi các câu lạc bộ vẫn còn “ uống sữa” từ ngân sách địa phương và tài trợ của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp bỏ rơi, đội bóng lập tức rơi vào trạng thái hoảng loạn, thậm chí phá sản.
Những tấm gương như Sài Gòn Xuân Thành, Vissai Ninh Bình hay Đồng Nai vẫn còn đó, và gần đây nhất là FLC, đã không còn gắn liền với Thanh Hoá nữa. Trong khi đó, khi V-League 2019 đã gần kề, cả Nam Định và Cần Thơ lại chưa biết mình đi đâu về đâu.
Bạo lực là một vấn đề nan giải nữa của bóng đá Việt Nam. Khi đôi chân của các cầu thủ là cần câu cơm của họ và gia đình, thì vẫn có những cầu thủ và câu lạc bộ xem đó là một cách thể hiện cái gọi là bản sắc.
Chúng ta cần phải mạnh tay hơn nữa để dẹp đi vấn nạn này, khán giả đến sân vì họ chờ mong một lối chơi đẹp chứ không phải đến để xem đấu võ. Hãy nhìn tấm gương của Quế Ngọc Hải để thấy, chỉ cần anh thay đổi, là người hâm mộ sẽ lại đón nhận anh.
Bên cạnh đó, vấn nạn trọng tài cũng là vấn đề thực sự nhức nhối trong suốt những năm qua. Khi một giải đấu mà suốt ngày ca thán về tiếng còi của các ông vua sân cỏ, giải đấu đó thực sự chưa phát triển được.
3/ NGOẠI BINH
Những quốc gia bóng đá hùng mạnh trên thế giới đều đã bắt kịp xu thế này. Khi họ coi đây cũng là một trong những cách để cải thiện thành tích của đội tuyển quốc gia. Từ Tây Ban Nha với Marcos Senna đến Italia với những Balotelli, Jorginho. Hay gần đây nhất, những người Pháp vô địch thế giới với những người gốc Phi trong đội hình.
Những quốc gia ở Châu Á như Nhật Bản hay các nền bóng đá ở khối Ả Rập cũng đã có những cầu thủ nhập tịch trong lịch sử cũng như lúc này. Và sát bên cạnh chúng ta, Malaysia cũng đã có cầu thủ không phải gốc Malay lần đầu tiên trong lịch sử ở kì AFF Cup vừa rồi, trong khi Indonesia hay Philippines thì đã làm điều đó trước đó.
|
Hoàng Vũ Samson và Oseni, hai chân sút hàng đầu của Hà Nội FC |
Việc tạo cơ hội cho các cầu thủ nhập tịch có thể thi đấu cho đội tuyển quốc gia của chúng ta thực sự là điều nên được cân nhắc, nếu như người đó coi Việt Nam là quê hương thứ hai của họ, đồng thời có khát khao cống hiến cho đất nước. Tạo cho họ cơ hội, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn.
4/ XUẤT NGOẠI CẦU THỦ
Để một đội tuyển quốc gia mạnh, thì phải có một đội ngũ cầu thủ giỏi. Để một cầu thủ giỏi, cầu thủ đó phải thường xuyên được thi đấu và cọ sát ở những giải đấu mạnh thật sự, và được chơi bóng hàng ngày bên các cầu thủ đẳng cấp cao hơn sẽ khiến cho cầu thủ đó hoàn thiện mình hơn.
Bóng đá Việt Nam trong quá khứ đã có những trường hợp ra nước ngoài thi đấu, nhưng chưa có trường hợp nào thực sự thành công. Trong tương lai, với lứa cầu thủ tài năng này, hi vọng sẽ có nhiều cầu thủ của chúng ta được thi đấu ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hay Hà Lan sẽ là những điểm đến tiềm năng của những Văn Hậu, Quang Hải, Công Phượng…Trước khi Asian Cup khởi tranh, thì Đặng Văn Lâm đã là người của Muangthong United, một câu lạc bộ có số má ở Thai- League.
5/ VFF
Thực sự, trong thành công của bóng đá Việt Nam trong suốt một năm qua, chúng ta hầu như không thấy dấu ấn của cơ quan quyền lực nhất của nền bóng đá nước nhà. Những tranh cãi nội bộ, những Scandal đấu đá tranh giành của những người lãnh đạo tràn ngập trên các mặt báo.
Người ta đang tự hỏi, thực sự những người đang nắm giữ quyền lực đó đang vì quyền lợi của chính họ hay là vì mục tiêu chung của bóng đá nước nhà.
Đại hội VFF lần thứ VIII sau nhiều lần hoãn tới hoãn lui, đã được tổ chức một cách âm thầm khi đội tuyển Việt Nam đang căng sức trong hai trận bán kết với Philipines.
|
Ông Lê Khánh Hải giữ chức Chủ tịch VFF khóa VIII. Ảnh: Thế Anh/Zing.vn |
Cuối cùng thứ trưởng Lê Khánh Hải là người đã trở thành chủ tịch VFF trong nhiệm kỳ mới, ông cũng là ứng cử viên duy nhất cho chiếc ghế này, sau khi các ứng cử viên khác lần lượt rút lui.
Liên đoàn bóng đá của một nước là nơi hoạch định chiến lược và quản lý sự phát triển của một nền bóng đá. Hi vọng tân chủ tịch và những thành viên của nhiệm kỳ mới sẽ hoàn thành được sứ mạng của mình, để bóng đá Việt Nam tiếp tục tiến lên.
HƯNG TRẦN (TTVN)