Dưới đây là bài viết để nhìn lại hành trình vô địch của Bồ Đào Nha tại EURO 2016 trong loạt bài về những nhà vô địch EURO của The Athletic.
Giới thiệu về đội tuyển Bồ Đào Nha
EURO 2016 của Bồ Đào Nha là một chiến thắng được mong chờ rất lâu từ một quốc gia có được nhiều bước tiến vượt bậc trong vài thập kỷ vừa qua. Họ thậm chí đã từng ở rất gần với danh hiệu nhưng thất bại đau đớn trước Hy Lạp vào năm 2004 đã tước đi của Bồ Đào Nha một danh hiệu ngay trên sân nhà. Cristiano Ronaldo vào thời điểm 2016 đã được coi là một trong hai cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại của bóng đá thế giới. Tuy nhiên giống với đối thủ cạnh tranh của mình là Lionel Messi, chúng ta luôn có một câu hỏi cho Ronaldo rằng anh liệu có thể giành được một danh hiệu cấp quốc gia cùng đội tuyển Bồ Đào Nha hay không?
Huấn luyện viên Fernando Santos
Huấn luyện viên Fernando Santos đã bắt đầu sự nghiệp dẫn dắt của mình tại Estoril, nơi ông dành phần lớn sự nghiệp cầu thủ, trước khi chuyển sang làm huấn luyện viên cho CLB Estrela de Amadora vào năm 1994. Ông cũng có thời gian làm việc tại một vài đội bóng lớn của Bồ Đào Nha: giành chức vô địch quốc gia với Porto và có thời gian khoảng một năm với Sporting Lisbon và Benfica ở quê nhà Lisbon.
Tuy nhiên Fernando Santos cũng đã có một khoảng thời gian làm việc tại Hy Lạp với những đội bóng như AEK Athens, Panathinaikos, PAOK và cuối cùng là dẫn dắt đội tuyển quốc gia Hy Lạp. Ông chính là người thay thế cho HLV Otto Rehhagel - người đã cùng với Hy Lạp tạo nên câu chuyện cổ tích tại EURO 2004. Dẫu biết sẽ là rất khó khăn để thay thế vị trí của một HLV đã từng giúp Hy Lạp đi tới đỉnh trời Âu nhưng HLV Fernando Santos cũng đã hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ của mình trong quá trình làm việc tại ĐTQG Hy Lạp. Ông đã từng giúp Hy Lạp vượt qua vòng loại của EURO 2012 và World Cup 2014 và đó cũng chính là tiền đề mở ra con đường trở lại làm việc tại quê nhà trong vai trò HLV trưởng của đội tuyển quốc gia Bồ Đào Nha.
Là một huấn luyện viên nổi tiếng với triết lý bóng đá thực dụng, Bồ Đào Nha dưới thời Fernando Santos đã không còn thể hiện được những hình ảnh phóng khoáng như trước đây. Dẫu vậy sự thực dụng của Santos cũng giúp đội tuyển Bồ Đào Nha trở nên chắc chắn và quy củ hơn rất nhiều. Ông bắt đầu nhận nhiệm vụ tại ĐTQG Bồ Đào Nha sau khi người tiền nhiệm Paulo Bento bị sa thải vì trận thua bất ngờ trước Albania ở vòng loại EURO 2016. Và khởi đầu của Santos với Bồ Đào Nha sau đó thì không thể tuyệt vời hơn khi họ có được chuỗi 7 trận thắng liên tiếp.
Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết điều này
Tại EURO 2016, Bồ Đào Nha đã không thắng bất kỳ trận nào trong ba trận đấu tại giai đoạn vòng bảng. Họ bắt đầu giải đấu với một trận hoà nhạt nhoà 1-1 trước đội tuyển Iceland. Trận hoà mở màn đã khiến Cristiano Ronaldo tức giận và phát biểu khá vô lý về việc Iceland vui mừng quá mức khi có được điểm số trước đội tuyển Bồ Đào Nha. "Tư duy hẹp hòi, đó là lý do họ (đội tuyển Iceland) sẽ không làm được gì" - Ronaldo bực tức chia sẻ sau trận đấu.
Nhưng điều kì lạ là đội tuyển Iceland đã thắng nhiều trận hơn Bồ Đào Nha trong 90 phút tại giải đấu năm đó. Cristiano Ronaldo sau đó đã đá hỏng một quả penalty trong trận hòa không bàn thắng trước đội tuyển Áo. Và cuối cùng đội trưởng của Bồ Đào Nha khép lại vòng bảng bằng một cú đúp trong một trận hoà 3-3 rất sôi nổi với đội tuyển Hungary. Đáng nhớ ở ngày hôm đó là Ronaldo và các đồng đội đã bị Hungary vượt lên dẫn trước tới 3 lần nhưng sau cùng họ vẫn tìm kiếm được 1 điểm khi trận đấu khép lại.
Iceland năm đó thắng trong 90 phút còn nhiều hơn Bồ Đào Nha |
Với ba trận hoà, Bồ Đào Nha năm đó chỉ có thể kết thúc giai đoạn vòng bảng ở vị trí thứ 3. Nếu như các giải đấu EURO với số lượng đội là 16 thì họ đã bị loại khỏi giải ngay từ giai đoạn vòng bảng. Tuy nhiên trong năm đầu tiên EURO gia tăng số đội từ 16 lên 24, Bồ Đào Nha đã được ở lại với nước Pháp để thi đấu vòng knockout sau khi trở thành 1 trong 2 đội bóng xếp hạng 3 có thành tốt nhất giải đấu. Việc có được tấm vé vào vòng trong ở một hạng 'vớt' như vậy khiến Bồ Đào Nha vô tình được đặt vào thế của một nửa kém hơn của giải đấu. Nó trái ngược hoàn toàn với những đội bóng hùng mạnh như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức hay Anh đều nằm ở nửa trên của bảng đấu khi giai đoạn vòng bảng khép lại.
Bồ Đào Nha, Croatia và Bỉ là những đội bóng chưa từng vô địch EURO nhưng năm đó họ lại xuất hiện ở cùng một nhánh đấu để tiến đến trận chung kết. Những cái tên là ứng cử viên vô địch ở năm đó như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Anh thì đều nằm ở nửa bên kia của nhánh tới trận chung kết.
Chiến thuật
Trong hai thập kỷ trước đó, Bồ Đào Nha nổi tiếng là một quốc gia sản sinh ra rất nhiều cầu thủ chạy cánh xuất sắc nhưng lại không có được những trung phong cắm thuộc top đầu. Trên thực tế, Nuno Gomes, Joao Pinto và Pauleta tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với cái hình mẫu của một trung phong cắm, họ là những cầu thủ mang lại sự hỗ trợ tốt và rõ ràng hơn cho các đồng đội của mình bằng cách di chuyển thông minh và khả năng kết nối trong các tình huống tấn công. Vấn đề không có được một trung phong thực thụ càng trở nên nghiêm trọng với Bồ Đào Nha ở kỳ EURO 2016. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là năm đó Bồ Đào Nha lại sở hữu một cây săn bàn hàng đầu Châu Âu là Cristiano Ronaldo.
Cristiano Ronaldo vẫn thi đấu chủ yếu bên vị trí cánh trái thay vì một vị trí ở gần khu vực dành cho trung phong cắm tại Real Madrid. Nhưng sự thiếu hụt trầm trọng những trung phong thực thụ đã thúc đẩy Fernando Santos suy tính đến việc thay đổi hệ thống thi đấu để hướng tới một sơ đồ 4-4-2 chơi rộng hơn. Ông cho phép Ronaldo được phép thi đấu ở vị trí sở trường là ở cánh trái và có xu hướng di chuyển vào trung tâm để tạo ra đột biến hoặc ghi bàn. Ở bên cánh còn lại, Nani cũng được bố trí với một vai trò gần như tương tự nhưng anh sẽ thi đấu thấp hơn một chút. Ở tuyến giữa, họ sẽ thường thi đấu với 4 tiền vệ nhưng trong một số trường hợp nhất định nó có thể gia tăng lên 5 hoặc giảm xuống 3 người. Đôi lúc chúng ta sẽ thấy Bồ Đào Nha năm ấy thi đấu với một khối sơ đồ hình kim cương nhưng có lúc họ lại chuyển về một sơ đồ 4-4-2 cơ bản.
Thực sự mà nói so với hệ thống 4-3-3 mà Bồ Đào Nha vẫn thường sử dụng thì hệ thống mới chỉ đơn giản loại bớt đi một tiền đạo mà thôi. Họ sẽ chuyển vị trí tiền đạo bị khuyết đó xuống hàng tiền vệ và những người khác trong đội hình sẽ có sự điều chỉnh tương ứng trong cách chơi. Điều này có phần giống với sự khác biệt của Tây Ban Nha tại EURO 2008 và EURO 2012.
Nhìn nó sẽ chỉ thú vị khi chúng ta nhìn vào nó trên giấy chứ bên ngoài sân cỏ thì chưa chắc. Bồ Đào Nha năm ấy đã ghi được tổng cộng 9 bàn thắng từ 7 trận đấu (thực ra có thể coi là 8 trận bởi Bồ Đào Nha đã thi đấu thêm 3 hiệp phụ ở giai đoạn knockout). Nhưng nhìn chung Bồ Đào Nha của 2016 đã kiểm soát trận đấu rất tốt, họ làm tốt ở cả khâu kiểm soát bóng và tổ chức phòng thủ. Họ có những phương án khai thác không trống một cách rất linh hoạt với một Raphael Guerreiro sẵn sàng phối hợp và tạo ra các pha chồng biên rất tốt bên cánh trái và ở chiều ngược lại là của Nani hoặc một tiền vệ chơi đa nhiệm hơn ở bên phía cánh phải (tiền vệ này thường là cầu thủ có vai trò duy trì độ mở bên phía cánh phải trong mỗi lần đội bóng tổ chức tấn công).
Cầu thủ chủ chốt
Nhân vật chính của EURO năm đó chắc chắn là Ronaldo - người cũng đã giành danh hiệu quả bóng vàng năm đó. Anh là cầu thủ đã ghi 3 bàn trong giải đấu năm đó đồng thời là một thủ lĩnh để dẫn dắt hàng công Bồ Đào Nha với vai trò như một trung phong cắm. Ronaldo năm đó còn là một thủ lĩnh tinh thần bên ngoài sân cỏ cho đồng đội khi ở trận chung kết anh đã bất chấp chấn thương để tiến sát đường pitch và đưa ra lời khuyên cho đồng đội.
Nhưng cầu thủ thực sự xuất sắc qua cả 7 trận năm đó của Bồ Đào Nha phải là trung vệ gốc Brazil - Pepe. Anh ban đầu được sử dụng như một tiền vệ phòng ngự trong đội hình của Bồ Đào Nha trước EURO 2008. Pepe trong suốt sự nghiệp của mình nổi tiếng là một trung vệ có tính khí nóng nảy và đôi khi thể hiện dư thừa sự mạnh mẽ. Nhưng đến giai đoạn của EURO 2016, Pepe đã thực sự trưởng thành và trở thành một cầu thủ thi đấu bình tĩnh hơn, đáng tin cậy hơn trong khâu phòng ngự.
Anh gần như là bất khả chiến bại trong các pha tranh chấp trên không ở giải đấu năm đó. Mặc dù đã phải vắng mặt trong trận bán kết năm đó với Wales vì chấn thương đùi và phải tập luyện riêng trước thềm trận chung kết nhưng Pepe vẫn để lại một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ trong trận đấu cuối cùng của giải đấu. Màn thể hiện xuất sắc của Pepe đã khiến hàng công của tuyển Pháp năm đó gần như không thể tạo ra bất kỳ cơ hội nguy hiểm nào về phía khung thành của Rui Patricio.
Và bây giờ khi đã bước sang tuổi 41 thì Pepe vẫn nằm trong danh sách của Bồ Đào Nha để chuẩn bị tham dự EURO lần thứ 5 trong sự nghiệp. Chỉ thế thôi cũng đã là một thành tựu rất đáng chú ý của Pepe rồi, nhưng nó sẽ trở nên đặc biệt hơn và đôi khi là hơi bất thường khi Pepe còn chưa được tận hưởng chiếc áo đấu của đội tuyển quốc gia Bồ Đào Nha cho đến năm anh 24 tuổi.
Trận chung kết
Bồ Đào Nha đã cho Pháp nếm mùi cú sốc ngay trên sân nhà Paris giống như cách mà họ đã từng để thua tại Lisbon vào năm 2004. Quyết định thắp đèn cho Stade de France trong suốt buổi tối trước hôm chung kết diễn ra đã không mang lại kết quả tốt cho lắm khi vẫn có hàng ngàn con bướm oanh tạc vào bên trong sân vận động. Số lượng bướm bay vào sân đã không chịu rời đi kể cả khi DJ David Guetta trình diễn ở buổi lễ bế mạc của giải đấu.
Những đàn bướm vây hãm khung thành sân Stade de France trước trận chung kết |
Đó là những vấn đề trước khi trận đấu diễn ra nhưng khi vào những phút thi đấu chính thức của trận chung kết thì nọ một lần nữa bị gián đoạn khá lâu ở phút thứ 10 - thời điểm mà Ronaldo gặp phải chấn thương. Ban đầu anh vẫn gắng gượng thi đấu tiếp những do quá đau nên Ronaldo đã buộc phải rời sân ở phút 25. Ronaldo hôm đó rời sân và nhường lại vị trí của mình cho người đồng đội cũ tại Sporting Lisbon là Ricardo Quaresma - cầu thủ đã ghi bàn thắng quan trọng trong trận đấu với Croatia ở vòng knockout. Dẫu vậy Quaresma cũng chỉ là phương án tình thế bởi anh không phải là cầu thủ thường xuyên ghi bàn. Bồ Đào Nha lúc đó chuyển từ 4-4-2 sang một hệ thống 4-5-1 với Nani thi đấu ở vị trí cao nhất trên hàng tấn công. Vì tình thế ngày hôm đó và việc phải đơn phương độc mã trên hàng công khiến Nani cũng chẳng thể tạo ra được hiệu quả mà anh mong muốn, thậm chí anh chàng sinh năm 1986 còn chẳng có nổi một cú sút trúng đích cho tới phút thứ 80 của trận chung kết.
Pháp thì cũng không khá hơn Bồ Đào Nha là mấy. Cầu thủ tấn công năng nổ nhất của họ ngày hôm đó là Moussa Sissoko - người thường được mọi người biết đến với danh nghĩa của một tiền vệ box-to-box hơn là một tiền vệ tấn công. Dẫu vậy, hàng công của đội tuyển Pháp ngày hôm đó cũng không phải là quá tệ khi Antoine Griezmann - vua phá lưới của giải đấu cũng đã có 2 cơ hội để ghi bàn với những cú đánh đầu của mình.
Cả hai đội đều đã từng đưa bóng đi trúng cột dọc vào ngày hôm đó. Bên phía tuyển Pháp là Andre-Pierre Gignac, còn về phía Bồ Đào Nha là hai tình huống của Pepe và Guerreiro. Trong trận đấu với bầu không khí như vậy thì chúng ta luôn có cảm giác bàn thắng có thể đến vào bất cứ lúc nào.
Thời khắc quyết định
Khó để nghĩ đến nhiều cầu thủ bóng đá trên thế giới mà sự nghiệp của họ phụ thuộc hoàn toàn vào một khoảnh khắc như Eder. Eder sinh ra ở Guinea-Bissua và chuyển đến Bồ Đào Nha khi còn nhỏ. Anh ghi được 38 bàn thắng ở giải đấu cấp cao nhất của Bồ Đào Nha trong 6 năm rưỡi và chuyển đến Swansea City với giá 5 triệu bảng vào năm 2015. Tuy nhiên anh cũng chỉ gắn bó với nước Anh được 6 tháng với thành tích 0 bàn thắng và được gửi cho Lille mượn ở thời gian sau đó
Eder đã ghi bàn trong các trận giao hữu trước giải đấu với Na Uy và Estonia nhưng khi bước vào trận chung kết, anh mới chỉ có 13 phút thi đấu tại EURO 2016 và không ra sân trong bất kì trận đấu nào thuộc vòng loại trực tiếp. Và tất nhiên, khi Ronaldo bị thương - người thay thế cho siêu sao của Real Madrid khi ấy phải là một cầu thủ có xu hướng chạy cánh tương tự là Ricardo Quaresma. Tuy nhiên, HLV Santos đã muốn tạo ra sự đột pha ở 10 phút cuối của thời gian chính thức khi ông tung Eder vào sân để thay thế cho tiền về Renato Sanches.
Và khi đồng hồ bù giờ bước sang phút 108, Eder đã nhận bóng mà không có sự hỗ trợ nào từ đồng đội. Ở khoảng cách vào tầm 23m so với khung thành và phải đối đầu với Laurent Koscielny, anh đã tung ra một cú sút sệt khiến Hugo Lloris bị bất ngờ và ghi bàn thắng quyết định trận đấu. Eder là nhân tố toả sáng mà không một ai ngờ tới vào ngày hôm đó. Nhưng chính bàn thắng lịch sử đó của Eder lại càng tăng thêm sự thừa nhận về tầm quan trọng của các cầu thủ gốc Phi trong đội hình Bồ Đào Nha. Chúng ta có thể kể tới những cầu thủ như William Carvalho, Rui Jordao, Mario Coluna và tất nhiên là cả cái tên Eusebio nữa.
Họ có thực sự là đội bóng xuất sắc nhất?
Chắc chắn là không. Với thành tích không có thắng lợi nào ở vòng bảng, 1 bàn thắng ở phút 117 của hiệp phụ trước Croatia ở vòng 1/8, thắng Ba Lan bằng loạt sút luân lưu và một trận bán kết quá chênh lệch với đối thủ được đánh giá thấp hơn là xứ Wales thì không thể cho rằng Bồ Đào Nha là đội bóng hay nhất được. Thêm vào đó thắng lợi ở trận chung kết của họ cũng đến từ một bàn thắng ở phút 109 của hiệp phụ.
Ở giải đấu năm đó, Bồ Đào Nha chỉ dẫn trước trong khoảng 11% thời gian mà họ đã thi đấu (tương đương với 73/720 phút thi đấu). Đội thi đấu hay nhất năm đó nếu đưa ra đánh giá thì phải là Đức và Pháp, những đội thi đấu ở nhánh đấu còn lại đến tiến đến trận chung kết. Hoặc chúng ta có thể nói tới tuyển Italia năm đó khi họ đánh bại Tây Ban Nha rất thuyết phục ở vòng 1/8 và chỉ chịu thua trước 'cỗ xe tăng' Đức ở loạt sút luân lưu trong trận tứ kết.
Trên thực tế, mọi người cũng có thể đưa ra một luận điểm để khen ngợi thành tích của Bồ Đào Nha tại EURO 2016 khi họ đã chơi tốt hơn rất nhiều so với những kỳ EURO trước đó. Trước đó, Bồ Đào Nha đã có sự tiến bộ đáng kể trong bóng đá, nhưng họ chưa từng đạt được thành công lớn tại các giải đấu lớn như Euro hoặc World Cup. Do đó, việc giành chiến thắng trong EURO 2016 được xem là một phần thưởng xứng đáng cho họ. Đó là kết quả của quá trình phát triển và cải thiện liên tục của Bồ Đào Nha trong bóng đá.
Trong thế kỷ 20, Bồ Đào Nha mới chỉ có 3 lần tham dự các kỳ World Cup hoặc EURO vào các năm 1966, 1986 và 1996. Tuy nhiên kể từ năm 2016, họ đã trở thành đội bóng quen mặt ở vòng knockout của những giải đấu này. Và sau những nỗ lực không biết mệt mỏi sau nhiều năm thì thành công trong một giải đấu lớn như EURO là điều không thể tránh khỏi với Bồ Đào Nha.
Theo Michael Cox - The Athletic