Bên trong AC Milan: Đánh thức gã khổng lồ ngủ say (P2)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 30/09/2020 21:31(GMT+7)

Đã 11 năm trôi qua kể từ khi Paolo Maldini từ giã sự nghiệp cầu thủ lừng lẫy của ông. Thay vì tiếp bước người bố lừng danh, cũng như các đồng đội cũ – Andrea Pirlo, Gattuso, Andriy Shevchenko và Sandro Nesta – tham gia vào công tác huấn luyện, Maldini luôn thể hiện mong muốn được nắm giữ một vai trò có quyền hạn, sự chủ động và tầm ảnh hưởng lớn – trong tư cách là một giám đốc – tại câu lạc bộ mà ông yêu.

PHẦN 2: CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG (tiếp)

Phần 1: 
Bên trong AC Milan: Đánh thức gã khổng lồ ngủ say (P1)
 
Các quy trình đã được thiết lập cẩn thận để giảm thiểu những rủi ro và tạo cho câu lạc bộ một sự an tâm lớn hơn trong công tác tuyển dụng. “Tôi muốn có những sự hỗ trợ và hợp tác chuẩn chỉ dành cho các giám đốc của chúng tôi và điều đó nghĩa là hoạt động trinh sát của câu lạc bộ phải đạt đẳng cấp thế giới, đặc biệt tập trung vào những cầu thủ trẻ bởi vì họ sẽ là trọng tâm trong chiến lược của chúng tôi. Ngoài ra, chuyện này nghĩa là công tác phân tích của câu lạc bộ cũng phải đạt đẳng cấp thế giới, một khía cạnh đã trở nên ngày càng quan trọng hơn.” 
 
Milan đã đưa Moncada về để xây dựng và dẫn dắt một mạng lưới trinh sát toàn cầu. Từ khi còn nhỏ, anh vốn đã là fan “cứng” của AS Monaco. “Một Monaco sở hữu trong đội hình những David Trezeguet, Christian Panucci, Marco Simone vào thời điểm đó đã khiến tôi phát cuồng,” Anh hào hứng kể lại. “Có vài người Ý rất tài năng chơi cho họ lúc bấy giờ.”

 
Với tư cách là một tín đồ của môn thể thao vua, Moncada thực sự chẳng khác biệt gì so với chúng ta thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Anh cũng từng sưu tầm những miếng dán Panini, xem World Cup cùng ông bà, và giấc mơ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp đã không thể trở thành sự thật vì những khó khăn nhất định. Niềm đam mê đã đưa Moncada đến với Sophia Antipolis, phiên bản Pháp của Thung Lũng Silicon, và bắt đầu làm việc cho một công tư tương tự như WyScout. 
 
Vài năm sau, anh cố gắng gia nhập Monaco và được tiếp nhận bởi  Tor-Kristian Karlsen. Vào thời điểm đó, đội chủ sân Stade Louis II đang chơi ở Ligue 2 và người ngồi trên chiếc ghế huấn luyện viên trưởng là Claudio Ranieri. “Tor-Kristian đã gọi điện cho tôi để nói rằng Ranieri cần một chuyên viên phân tích video,” Anh hồi tưởng. “Ranieri đã hoàn toàn phát cuồng với mấy cái video. Khi đề cập đến chuyện này, mọi người thường nhắc về Marcelo Bielsa, nhưng độ cuồng của Claudio với chúng cũng chẳng kém cạnh. Ông ấy muốn phân tích các đối thủ, phân tích các cầu thủ của đối phương, và phân tích các cầu thủ của chính mình.” 
 
Monaco đã nhanh chóng tái xuất Ligue 1 và khi Riccardo Pecini thay thế Karlsen, công việc của Moncada lại càng trở nên vất vả hơn. “Riccardo nói rằng anh ấy cần một người đảm nhận cả hai nhiệm vụ điều hợp viên cho công tác trinh sát kiêm phân tích video. Thế là cuộc sống riêng của tôi tiêu tùng luôn,” Moncada cười. “Tôi đã phải làm việc cả tuần. Mệt muốn chết ấy. Tôi có một cô bạn gái, nhưng chẳng có thời gian rảnh để nói chuyện với cô ấy. Buổi sáng thì tôi phân tích các đối thủ, còn buổi chiều tôi phải làm nhiệm vụ trinh sát.” 
 
Thu thập thông tin “tình báo” cũng là một phần của công việc, giống như phân tích hiệu suất thi đấu và đánh giá tiềm năng. “Tôi đã thấy báo chí mô tả những người như chúng tôi là 007, và thành thật mà nói thì cách mô tả đó khá đúng đấy,” Moncada chia sẻ. “Bạn phải hành động trước tiên hoặc ít nhất là cố gắng để được như vậy. Tất cả mọi câu lạc bộ lớn, ví dụ như Bayern Munich và Manchester City, đều làm cực kỳ tốt công việc trinh sát, tuyển trạch tài năng trẻ.”
 
Khi Monaco thay đổi chính sách và không còn hứng thú với việc đổ các khoản phí đầu tư lớn vào những Radamel Falcao hay James Rodriguez, thay vào đó, họ đã chuyển trọng tâm sang công tác săn tìm và chiêu mộ thật sớm các tài năng trẻ như Bernardo Silva và Tiemoue Bakayoko. Chẳng những không bị thụt lùi, đội chủ sân Stade Louis II còn tạo ra được sự đột phá để giành lấy ngôi vô địch bóng đá Pháp và lọt vào vòng bán kết Champions League vào năm 2017. 
 
Khả năng đánh giá “trần tiềm năng” của một cầu thủ là phẩm chất mà Moncada tìm kiếm ở các trinh sát viên làm việc dưới quyền anh. “Nếu một cầu thủ 20 tuổi vừa mới trải qua một trận đấu tệ hại, chỉ đáng chấm 4/10 điểm, nhưng cậu ta sở hữu tiềm năng lớn, đó mới là điều quan trọng hơn đối với tôi. Tôi thích những trinh sát viên cũng làm việc theo cách này và nói với tôi rằng: ‘Nghe này sếp, thằng cu đó tuy hôm nay chơi không được hay lắm, nhưng nó thực sự có tài đấy.’ Chúng tôi sẽ tiếp tục để mắt đến cậu ta và thực hiện việc trinh sát thêm một thời gian nữa.” 
 
Và đó chưa phải là tất cả. 
 
“Tôi không cần một trinh sát viên chỉ đi đến các trận đấu,” Moncada giải thích. “Tôi cần một người chủ động theo dõi các buổi tập, nói chuyện với bố mẹ, với các giám đốc của những học viện. Theo dõi một trận đấu, viết báo cáo và xem như bản thân đã hoàn thành nhiệm vụ, đó là chuyện quá dễ. Chỉ cần ngồi trong văn phòng cũng làm được những việc đó. Cần phải nắm rõ được mọi thông tin hữu dụng – tình hình hợp đồng, gia đình của cầu thủ đó thích gì, … những chi tiết nhỏ có thể tạo nên sự khác biệt. Những mối quan hệ có thể tạo nên sự khác biệt.”   
 
Moncada và đội ngũ của anh chủ yếu theo dõi các cầu thủ từ lứa U-17 trở lên. “Trong khoảng thời gian 2 năm tiếp theo, họ sẽ nằm trong đội dự bị hoặc đội một của câu lạc bộ mà mình đang thuộc biên chế. Đến thời điểm đó, chúng tôi vốn đã theo dõi họ sát sao được vài năm rồi. Tôi muốn biết câu chuyện phía sau họ, xuất thân của họ.”
 
Các trinh sát viên thuộc trường phái cũ thường có xu hướng hoài nghi, và thậm chí là giữ thái độ “thù địch” đối với những số liệu thống kê, họ thường cố ý phớt lờ khi các thước đo như PPDA (Passes per defensive actions – trung bình số đường chuyền mà đối phương có thể thực hiện cho đến khi bị hành động phòng ngự can thiệp vào) và “xG Throw-in” (giá trị bàn thắng kỳ vọng của những pha ném biên) xuất hiện trong những cuộc bàn luận. Nhưng ban phân tích của Milan – một đội ngũ bao gồm 20 nhà phân tích trình độ cao và sử dụng các dữ liệu cung cấp bởi Statsbomb – đã hợp tác chặt chẽ cùng đội của Moncada để mang đến sự hiệu quả cao nhất cho công việc của hai bên, mặc dù quá trình làm việc diễn ra hoàn toàn độc lập với nhau để tránh đi những bất đồng.  
 
“Cuối cùng, chúng tôi sẽ có được một bản báo cáo toàn diện với đầy đủ mọi thông tin và số liệu thống kê,” Moncada chia sẻ. 
 
Sau đó, anh sẽ báo cáo các kết quả trinh sát lên cho Maldini và chia sẻ ý kiến chuyên môn của mình với ủy ban kỹ thuật về những mục tiêu nằm trong tầm ngắm chuyển nhượng của họ.
 
“Tất cả những điều đó; một tầm nhìn rõ ràng, một chiến lược rõ ràng, một triết lý rõ ràng, được hỗ trợ bởi các quy trình chất lượng, đã mang đến cho chúng tôi niềm tin vào những quyết định mà mình đưa ra,” Gazidis giải thích. 
 
Đã 11 năm trôi qua kể từ khi Paolo Maldini từ giã sự nghiệp cầu thủ lừng lẫy của ông. Thay vì tiếp bước người bố lừng danh, cũng như các đồng đội cũ – Andrea Pirlo, Gattuso, Andriy Shevchenko và Sandro Nesta – tham gia vào công tác huấn luyện, Maldini luôn thể hiện mong muốn được nắm giữ một vai trò có quyền hạn, sự chủ động và tầm ảnh hưởng lớn – trong tư cách là một giám đốc – tại câu lạc bộ mà ông yêu. 

 
Lắng nghe mỗi người trong số các cựu cầu thủ mô tả cảm nhận về sự chuyển đổi nghề nghiệp của bản thân – trở thành những huấn luyện viên – luôn là một việc rất thú vị. Tất cả bọn họ đều ngủ ít hơn trước đây, và chia sẻ rằng, về cơ bản, sự khác biệt là họ phải suy nghĩ về cả một đội hình gồm 23 cầu thủ, thay vì chỉ tập trung vào bản thân mình như trước.
 
“Còn trong vai trò của tôi, bạn sẽ phải suy nghĩ về 200 người,” Maldini cười. “Là một cầu thủ bóng đá, bạn chỉ cần tập trung vào chính mình, nhưng khi được giao trọng trách đội trưởng, bạn sẽ phải gánh thêm những trách nhiệm thuộc nhiều khía cạnh khác nằm ngoài phạm vi chuyên môn của bản thân. Tuy nhiên, sự thật vẫn là, khi làm cầu thủ, bạn tập luyện, thi đấu và về nhà. Đó đúng là một công việc khó khăn, nhưng cũng chỉ diễn ra trong một khung thời gian nhất định. Công tác huấn luyện nói riêng đã thay đổi rất nhiều trong 15 năm qua. Đã từng có thời vị huấn luyện viên trưởng chỉ cần có mặt trước khi buổi tập diễn ra một tiếng, và ra về cùng các cầu thủ. Còn bây giờ, nếu vào 5 giờ chiều có một buổi tập, ông ấy sẽ phải có mặt vào lúc 9 giờ sáng, chuẩn bị mọi thứ và về nhà vào lúc 9 giờ tối.”
 
“Trong tư cách là một giám đốc kỹ thuật, có hai khía cạnh bạn cần phải đảm đương,” Maldini chia sẻ. “Đầu tiên là các công việc ở văn phòng. Thị trường chuyển nhượng hoạt động quanh năm. Bạn phải liên tục gặp gỡ những người đại diện và rất nhiều nhân vật khác làm việc trong môn thể thao này. Tiếp theo là khía cạnh chuyên môn. Bạn đến theo dõi các buổi tập. Tạo dựng một sự gắn kết chặt chẽ với đội bóng. Sau đó đến xem các trận đấu.”
 
Dù cho là một công việc tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực, nhưng niềm đam mê của ông dành cho Milan đã xóa tan mọi sự mệt mỏi. Đối với Maldini, đây không chỉ là một nghề, một nhiệm vụ, mà còn là “chuyện cá nhân”. Đó là điều rất dễ hiểu khi bạn nhìn vào mối liên kết giữa gia đình Maldini và Rossoneri. “Tôi đã có 8 ngày nghỉ trong năm nay,” Ông kể mà không biểu lộ một chút sự mệt mỏi, hay than phiền gì. Đó chính là bản chất của cuộc chơi. “Nhưng ngay cả khi nằm trên bãi biển, thì điện thoại lúc nào cũng luôn sẵn sàng. Tôi đã cố gắng tự nhủ với bản thân hãy tạm gác lại mọi công việc vài ngày: ‘Nghỉ ngơi chút rồi trở lại với nhiệm vụ thôi mà. Mình sẽ quay lại thôi.’ Nhưng cảm giác lo lắng vẫn không biến mất,” Maldini chẳng thể nào bỏ mặc câu lạc bộ để vui vẻ xả hơi. Milan là đội bóng mà ông yêu, là cuộc đời của ông.
 
Với tư cách là một “One-club man” (những cầu thủ gắn bó trọn sự nghiệp với một câu lạc bộ), thị trường chuyền nhượng đã từng chẳng có một chút dính dáng nào đến Maldini, như thể hai đường thẳng song song vậy. Nó chẳng hề khiến ông suy nghĩ và phân tâm khỏi những gì mình cảm thấy thực sự quan trọng. “Tôi lúc nào cũng căm ghét nó,” Ông mìm cười. “Sự quan tâm của tôi chỉ dành cho khía cạnh chuyên môn mà thôi.”

Maldini có một người đại diện, Beppe Bonetto, nhưng ông luôn tin tưởng tuyệt đối vào những gì mà giám đốc điều hành Adriano Galliani và giám đốc thể thao Ariedo Braida nói. Tiền đề của mọi cuộc đàm phán gia hạn hợp đồng đều giống nhau. “Tôi không muốn ra đi, và tôi biết các ông cũng chẳng muốn loại bỏ tôi. Tôi thậm chí đã tự mình xử lý ba hoặc bốn cuộc đàm phán cuối cùng trong sự nghiệp,” Maldini hồi tưởng. “Tôi làm thế là vì muốn cảnh báo người đại diện của mình. Lúc đó vẫn là Beppe.Tôi đã bảo ông ấy rằng mình sẽ tự nói chuyện với câu lạc bộ. Sau chức vô địch Champions League 2006/07, tôi đã xuất hiện trong buổi đàm phán hợp đồng mới với tình trạng phải chống nạng để di chuyển. Nhưng mọi mong muốn, yêu cầu của tôi đều được đội bóng chấp thuận hết. Và một bản hợp đồng mới được ký kết.”
 
Mặc dù cảm giác hồi hộp, ly kỳ của một cuộc đàm phán vẫn không sánh được với sự phấn khích khi chơi một trận đấu lớn – “thật không may, bạn sẽ chẳng thể nào được tận hưởng lại thứ adrenaline dâng trào trong cơ thể khi đứng trên sân,” Maldini tâm sự – nhưng quan điểm của ông về thị trường chuyển nhượng đã thay đổi sau hai năm đảm nhận cương vị giám đốc kỹ thuật của Milan. “Đó là một phần của cuộc chơi, một thành phần không thể nào thiếu, và anh biết không, tôi đã bắt đầu thích nó rồi đấy. Những gì mà anh phải làm khi ngồi trên chiếc ghế này là xây dựng một đội bóng đủ chất lượng để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Công việc này cực kỳ thú vị luôn.”

 
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra vào buổi sáng của cái ngày mà Sandro Tonali chính thức trở thành một cầu thủ của Milan. Tiền vệ 20 tuổi là một trong những tài năng sáng giá nhất bóng đá Ý, và Rossoneri chính là đội bóng mà anh đã hâm mộ từ khi còn bé. Vào buổi chiều, Tonalli đã gặp Maldini trong phòng họp ban lãnh đạo và đặt bút ký vào một bản hợp đồng có thời hạn 5 năm.  Theo phân tích về khía cạnh tài chính được thực hiện bởi ủy ban chuyển nhượng, hình thức của thương vụ này (một bản hợp đồng mượn với mức phí 10 triệu Euro, kèm theo tùy chọn kích hoạt điều khoản mua đứt với giá 15 triệu Euro, cùng 10 triệu phụ phí dựa trên thành tích) đã cho phép Milan có được sự phục vụ của tài năng trẻ người Ý với một mức giá phù hợp với điều kiện của họ trước sự cạnh tranh quyết liệt của gã hàng xóm Inter trong bối cảnh một thị trường chuyển nhượng đầy thách thức mà COVID-19 tạo nên. Theo một hướng nhìn nhận, có thể xem đây là một thương vụ mang tính biểu tượng của “New Milan”. Vào mùa hè năm ngoái, động thái chi ra 20 triệu Euro để mua Theo Hernandez từ Real Madrid cũng là một dấu hiệu về phương hướng hoạt động hiện tại của họ. 
 
Đích thân Maldini đã bay sang Tây Ban Nha để hoàn tất thương vụ này. Đó là một ngày mà chàng trai trẻ 22 tuổi Hernandez – một cầu thủ hoàn toàn có đủ tiềm năng để vươn đến danh xưng hậu vệ trái xuất sắc nhất thế giới trong tương lai – sẽ không bao giờ quên được. Sự tự hào của anh là điều rất dễ hiểu: Cuộc chuyển nhượng đưa Hernandez đến Milan được chính vị huyền thoại mà cả thế giới công nhận là người kiệt xuất nhất lịch sử tại vị trí thi đấu của anh xúc tiến và chốt sổ. 
 
“Vào một ngày nọ, Paolo gọi điện thoại đến và bảo rằng ông ấy có việc muốn bàn bạc với tôi. Chúng tôi đã gặp nhau ở Ibiza để nói chuyện, và khi ông ấy bảo mình muốn ký hợp đồng với tôi, cảm giác cứ như thể đang mơ vậy. Ông ấy đã thể hiện một niềm tin rất lớn vào tôi và thuyết phục rằng Milan có thể trở thành gia đình của tôi. Tôi biết ông ấy là một huyền thoại, một cầu thủ thực sự vĩ đại. Ông ấy đã trao cho tôi rất nhiều lời khuyên trong cuộc gặp gỡ đó và đến bây giờ, ông ấy vẫn thường tư vấn cho tôi những điều mà mình cần cải thiện và làm thế nào để tôi trở nên xuất sắc hơn trong tư cách một hậu vệ trái. Được xem trọng bởi một vĩ nhân như Maldini thực sự mang lại một cảm giác thật tuyệt vời.” 

 
Đối với Gazidis, đây là một ví dụ tuyệt vời về đường lối hoạt động “cộng tác và phối hợp” mà ông mong muốn tạo ra khi ngồi vào chiếc ghế CEO của Milan. “Phía sau cuộc trò chuyện của Maldini với Hernandez là sự hỗ trợ từ công tác trinh sát được vận hành cực kỳ bài bản và một người mà anh ấy rất tin tưởng – Geoffrey Moncada, sự trợ giúp của một hệ thống phân tích chất lượng và một người hiểu rõ trách nhiệm của một giám đốc thể thao tại một thị trường Ý đầy phức tạp như Ricky Massara, sự giúp đỡ của một giám đốc điều hành cũng rất am hiểu về bóng đá và đã có 26 năm kinh nghiệm không chỉ trong nhiệm vụ định hướng cho khía cạnh tài chính, kinh doanh, mà còn là định hướng cho chiến lược chúng tôi phải thực hiện. Một khi tất cả chúng tôi làm tốt phần nhiệm vụ của mình, một khi tất cả những yếu tố trên được kết nối, và chúng tôi nhận được ‘đèn xanh’ ở mọi khía cạnh, bước cuối cùng, sẽ không một ai tài giỏi hơn Maldini trong việc thuyết phục một cầu thủ gia nhập Milan và phát triển sự nghiệp bóng đá của cậu ta tại câu lạc bộ vĩ đại này. Không những vậy, ‘chống lưng’ cho bạn còn là cái tên AC Milan – một thứ vẫn rất có sức nặng trong thế giới bóng đá.” 
 
Hernandez chưa bao giờ nghi ngờ về điều đó. Anh đã không cần phải suy nghĩ quá lâu để chấp nhận lời đề nghị của Milan. Dù cho đang phải trải qua những năm tháng đầy khó khăn, nhưng uy tín, giá trị của Rossoneri vẫn không hề bị tổn hại chút nào. “Quyết định cuối cùng đã được tôi đưa ra một cách rất dễ dàng,” Anh chia sẻ. “Đây là câu lạc bộ có số lần đăng quang nhiều thứ hai tại Champions League. Đây là Milan! Tôi đã không cần suy nghĩ quá lâu. Tôi đã bàn bạc với gia đình và những người đại diện của mình, nhưng ngay khi vừa nghe tin về sự quan tâm của Milan, bản năng đã mách bảo tôi rằng đó sẽ là ‘đất lành’ để mình phát triển sự nghiệp. Ngay cả ông tôi cũng cảm thấy vậy, khi tôi kể với ông về chuyện mình sẽ chuyển đến Milan, ông đã rất vui và vô cùng tự hào.” 

 
Công tác tuyển dụng của Milan không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Khi Elliott nắm quyền điều hành câu lạc bộ vào năm 2018, đó là thời điểm mà thị trường chuyển nhượng đã sắp đóng cửa vào ngày 17 tháng 8, khiến cho việc tập hợp ban lãnh đạo mới và chuẩn bị cho mùa giải sắp đến có rất ít thời gian để thực hiện một cách bài bản nhất. Gazidis đến vào tháng 12, Leonardo sau đó đã rời bỏ chiếc ghế giám đốc thể thao để quay trở lại Paris-Saint Germain vào mùa hè năm sau. Massara gia nhập Rossoneri từ Roma để thay thế Leonardo, bên cạnh đó là sự xuất hiện của một vị tân giám đốc bóng đá, Zvonimir Boban. Nhưng mối duyên này không hề diễn ra tốt đẹp và Milan đã chấm dứt hợp đồng với huyền thoại người Crotia vào tháng Ba.
 
“Công cuộc thay đổi cách tư duy và phương pháp luận này không hề dễ dàng,” Gazidis nhận định. “Nó yêu cầu tinh thần sẵn sàng học hỏi. Sẽ không thể tránh khỏi những sai lầm và xung đột, mặc dù vậy, sau cùng, khi nhìn vào các kết quả, mọi người sẽ bắt đầu nhận thấy nhiều điều trong số những gì tôi từng tuyên bố vào tháng 12 năm 2018 đã trở thành hiện thực, đó là một Milan hiện đang nằm trong số các đội bóng trẻ nhất Serie A, với sự hiện diện của nhiều tài năng thực sự rất thú vị và chắc chắn vẫn còn phát triển được thêm nữa. Tôi nghĩ các fan Milan đủ thông minh để nhìn ra được việc có một dự án bóng đá đang được xây dựng tại câu lạc bộ với định hướng rất rõ ràng.”
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Inside AC Milan: Waking a sleeping giant” của tác giả James Horncastle, đăng tải trên The Athletic.
 
(Còn tiếp)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.