Bayern Munich và chiến lược chuyển nhượng khôn ngoan

Tác giả CG - Chủ Nhật 23/08/2020 15:24(GMT+7)

Zalo

Sau thất bại trước Chelsea ở chung kết Champions League 2012, người đầu tiên mà Bayern Munich đưa về là Matthias Sammer trong vai trò giám đốc thể thao. Sau đó, họ chiêu mộ Michael Reschke - cựu tuyển trạch viên của Bayer Leverkusen. Cả hai đều không còn ở CLB nhưng việc họ chuyên nghiệp hóa mạng lưới tuyển trạch trong đội đã giúp gã khổng lồ xứ Bavaria đạt tỷ lệ thành công rất cao mà nhiều đội bóng lớn ở châu Âu phải ghen tỵ.

Bayern Munich là CLB giàu có nhất nước Đức trong vòng 50 năm qua. Nhưng đến tận đầu thập kỷ này, Bundesliga vẫn đủ sức cạnh tranh để hạn chế họ giành chức vô địch quốc gia sau mỗi mùa giải.
 
Bayern Munich và chiến lược chuyển nhượng khôn ngoan hình ảnh
 
Một trong những lý do của điều này đến từ những bản hợp đồng chuyển nhượng có phần thất thường của Bayern Munich. Họ dễ dàng mua được những cầu thủ tên tuổi lớn ở Bundesliga như Michael Ballack, Mehmet Scholl, Stefan Effenberg hay Mario Basler nhờ nguồn tiền và sức ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên nỗ lực bổ sung sức mạnh, chiều sâu đội hình thường thất bại vì các chiến lược ngây thơ và thiếu sáng tạo.
 
Cả cổ động viên lẫn anti-fan của Bayern vẫn thường đùa rằng Uli Hoeness, người điều hành CLB từ năm 1979, sẽ chiêu mộ bất cứ ai đã từng ghi bàn vào lưới của họ. Điêù này hài hước bởi vì nó đúng. Đội hình của Bayern trong 3 thập niên 80, 90 và 2000 sở hữu những cầu thủ như Ciriaco Sforza, Alain Sutter, Ali Daei, Andy Herzog và Roy Makaay. Tất cả bọn họ đều đã từng khiến gã khổng lồ Bavaria nhận những thất bại đau đớn.
 
Chiêu mộ những cầu thủ như thế, Bayern không còn bị họ làm khổ đau nữa. Không những vậy, chính sách này còn có tác dụng khiến các đối thủ trong nước suy yếu. Nhưng thường những người trước kia từng khiến họ gặp khó khăn lại không làm được gì quá nhiều sau khi đổi màu áo.
 
Thậm chí Bayern còn kém hơn nhiều trong công tác chuyển nhượng ngoài nước Đức. Ngoại trừ những trường hợp như Bixente Lizarazu, Soren Lerby và Makaay, gần như chẳng có cầu thủ ngoại quốc nào từ bên ngoài Bundesliga được đưa về mà để lại dấu ấn lâu dài cả.
 
Không thể sánh với mức lương mà các đội bóng Italy cũng như Tây Ban Nha trả cho các siêu sao, họ buộc phải đánh cược vào một loạt các cầu thủ Nam Mỹ. Những Roque Santa Cruz, Julio dos Santos, Jose Sosa, Bernardo và Adolfo Valencia đều đã tới và thất bại trong khi Bayern lại không thể đưa về những người như Carlos Tevez.
 
Tuy nhiên tệ hơn cả chính là bộ đôi Brazil mà Bayern Munich đã chiêu mộ vào năm 1991. Tiền vệ Bernardo chỉ đá 5 trận thực sự thảm hại trước khi bị trả về nước sau 3 tháng. Tiền đạo Mazinho chỉ ghi 11 bàn ở Bundesliga trong 4 năm và trình độ thực sự của ông làm dấy lên những tin đồn dai dẳng. Liệu có phải là Bayern đã nhầm ông với một người trùng tên khác - nhà vô địch World Cup, cha của Thiago Alcantara?
 
Trong khi đó, việc chuyển hướng sang chiến lược bổ sung các tài năng trẻ vào dải ngân hà trong thiên niên kỷ mới cũng ít khi diễn ra. Những người như Tobias Rau và Marcell Jansen cũng rời đi nhanh chóng ngay khi họ vừa tới.
 
Sau khi sân vận động Allianz Arena được khánh thành vào năm 2005, doanh thu tăng lên từ đó khiến họ có thể theo đuổi những cầu thủ nổi tiếng hơn như Arjen Robben, Franck Ribery và Luca Toni để đặt nền móng cho sự tái xuất như một thế lực ở châu Âu. Tuy vậy họ chỉ thực sự làm chủ thị trường chuyển nhượng sau khi Louis van Gaal rời ghế HLV trưởng.

Matthias Sammer
Cựu giám đốc thể thao Matthias Sammer đã tạo ra diện mạo mới cho Bayern Munich trong công tác chuyển nhượng.
 
Sau thất bại trước Chelsea ở chung kết Champions League 2012, người đầu tiên mà Bayern Munich đưa về là Matthias Sammer trong vai trò giám đốc thể thao. Sau đó, họ chiêu mộ Michael Reschke - cựu tuyển trạch viên của Bayer Leverkusen. Cả hai đều không còn ở CLB nhưng việc họ chuyên nghiệp hóa mạng lưới tuyển trạch trong đội đã giúp gã khổng lồ xứ Bavaria đạt tỷ lệ thành công rất cao mà nhiều đội bóng lớn ở châu Âu phải ghen tỵ.
 
Tất nhiên Bayern vẫn mắc sai lầm nhưng những sai lầm đó là ngoại lệ kể từ khi Hasan Salihamidzic được bổ nhiệm làm giám đốc thể thao và Marco Neppe trở thành trưởng bộ phận tuyển trạch (đều vào năm 2017). Khả năng tìm ra gương mặt mới giúp CLB có thể thu về những món hời, qua đó số tiền trong ngân sách sẽ dùng để giữ chân những ngôi sao và đưa ra những lựa chọn phù hợp về chiến lược (ví dụ như tìm lớp kế cận giai đoạn hậu Robben - Ribery).
 
Đây chính là cách mà đội hình xuất phát của Bayern Munich ở Champions League năm 2020 được xây dựng.
 

Thủ môn: Manuel Neuer (30 triệu euro từ Schalke 04 năm 2011)

 
Sau khi Oliver Kahn giải nghệ vào năm 2008, Bayern đã có những thủ môn tốt trong đội hình nhưng thực sự không quá hấp dẫn. Họ lên thị trường tìm kiếm một thủ môn mới, to lớn, tóc vàng và Manuel Neuer là một phương án. 
 
Ban đầu CLB tiếp cận anh trước World Cup 2010. Chưa đầy 1 năm sau, thủ môn người Đức bảo với Schalke rằng anh sẽ không gian hạn hợp đồng thời điểm đó (hết hạn vào năm 2012). Đội bóng vùng Ruhr không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán và kiếm được 30 triệu euro từ Bayern bao gồm cả phụ phí.
 

Hậu vệ phải: Joshua Kimmich (8 triệu euro từ RB Leipzig năm 2015)

 
Tiền vệ người Đức từ lâu đã được đánh giá là một trong những cầu thủ triển vọng nhất của VfB Stuttgart. Anh chuyển tới RB Leipzig, khi đó đang ở hạng hai, nhưng Stuttgart cài một điều khoản mua lại mà họ đã dùng để sau đó bán cho Bayern vào tháng 1 năm 2015.
 
Pep Guardiola và Matthias Sammer đã nói chuyện cá nhân với Kimmich và thuyết phục tuyển thủ U19 rằng nếu chuyển tới Bayern, anh sẽ thăng tiến trong sự nghiệp. Và họ đã đúng.
 

Trung vệ: Jerome Boateng (13,5 triệu euro từ Manchester City vào năm 2011)

 
Cựu hậu vệ Hertha Berlin không có quãng thời gian thành công ở Man City. Những chấn thương khiến giá trị của anh trên thị trường chuyển nhượng bị giảm vào lúc Bayern Munich liên hệ. 9 năm sau, Boateng vẫn đang chứng minh cho những người nghi ngờ anh rằng họ đã sai.


Trung vệ: David Alaba (150.000 euro từ Austria Vienna vào năm 2008)

Tuyển thủ Áo gia nhập Bayern khi mới 16 tuổi. Anh không được ra sân quá nhiều dưới thời Van Gaal trong giai đoạn 2009 - 2010. 2 năm sau, anh trải qua 1 năm thi đấu dưới dạng cho mượn ở Hoffenheim và ra sân trong trận chung kết Champions League thứ 4 của Bayern.

Người hâm mộ Bayern Munich lập tức yêu mến hậu vệ người Áo và anh trở thành trụ cột của gã khổng lồ xứ Bavaria từ đó tới nay. Tuy nhiên cầu thủ 28 tuổi vẫn chưa ký hợp đồng mới (sẽ hết hạn vào năm 2021).
 

Hậu vệ trái: Alphonso Davies (19 triệu euro từ Vancouver Whitecaps vào năm 2019)

 
Alphonso Davies
 
Không phải toàn bộ ban lãnh đạo đều cảm thấy chi ra 11 triệu euro, cộng thêm 8 triệu euro phụ phí, cho một cầu thủ thiếu niên Canada là một ý tưởng hay. Tuy nhiên mùa hè năm 2018, Salihamidzic vẫn kiên định với lựa chọn của mình và chiến thắng trong cuộc tranh luận. Davies đang trên đường trở thành siêu sao.
 

Tiền vệ trung tâm: Leon Goretzka (miễn phí từ Schalke vào năm 2018)

 
Goretzka - tiền vệ con thoi mạnh mẽ trong không chiến và là một trong những cầu thủ có ý thức trách nhiệm xã hội nhất thời điểm hiện tại - đã gia nhập đội bóng chủ sân Allianz Arena ở tuổi 23 sau khi hết hợp đồng với Schalke 04. Anh đã nhận được những lời đề nghị từ nước ngoài nhưng hợp đồng mà Bayern đưa ra thực sự không thể chối từ. Họ có thể đưa ra một mức lương cao, phí chuyển nhượng lớn và khoản hoa hồng hậu hĩnh cho người đại diện mà có thể hoàn toàn trái ngược với khái niệm chuyển nhượng tự do.
 
Họ cũng đảm bảo được các danh hiệu, khả năng cạnh tranh ở đấu trường châu Âu và những cơ hội thuận lợi hơn để lên đội tuyển quốc gia - nơi mà các cầu thủ Bayern có thể hưởng lợi từ mạng lưới và ảnh hưởng truyền thông của đội bóng. 
 
Lãnh đạo các CLB khác thường chỉ trích loại thỏa thuận hợp đồng này tạo ra vấn đề lớn cho Bundesliga: Bayern hấp dẫn các cầu thủ đến mức họ có thể khiến cầu thủ thi đấu đến khi hết hợp đồng với đội bóng cũ để không phải trả khoản phí chuyển nhượng lớn. Đáng nói là khoản phí này ít nhất có thể giúp các đội bóng mất cầu thủ có thể được hỗ trợ một phần về tài chính.
 

Tiền vệ trung tâm: Thiago (22 triệu euro từ Barcelona vào năm 2013)

 
Cựu cầu thủ Barca đã mất một khoảng thời gian để trở thành nhân vật chủ chốt trong lối chơi của Bayern mà Pep Guardiola kỳ vọng. Mùa giải này, anh hoàn toàn là chìa khóa trong lối chơi ở hàng tiền vệ. Bayern có được sự phục vụ của anh với số tiền tương đối ít do điều khoản giải phóng hợp đồng. Pere - em trai của Pep Guardiola - là người đại diện của Thiago vào thời điểm đó.


Tiền đạo: Serge Gnabry (8 triệu euro từ Werder Bremen vào năm 2017)

 
Bayern Munich và chiến lược chuyển nhượng khôn ngoan hình ảnh
 
Cựu đồng đội của Kimmich ở đội trẻ Stuttgart được Werder Bremen mua từ Arsenal sau Olympics 2016. Willi Lemke - thành viên ban cố vấn Bremen - sau này thừa nhận Bayern đã có một thỏa thuận với Werder rằng Gnabry có thể tới đội bóng chủ sân Allianz Arena vào mùa giải tiếp theo. Họ đã trả 8 triệu euro, gửi anh tới Hoffenheim dưới dạng cho mượn trong 1 năm. Và thời điểm hiện tại, Bayern đã có một cầu thủ có thể xem là người kế thừa cho bộ đôi “Robbery”.
 

Tiền đạo: Thomas Muller (từ học viện)

 
Tất cả những gì bạn nghe là “Radio” Muller ở Lisbon, cầu thủ 30 tuổi làm chủ trận đấu với những lời chỉ dẫn không ngừng và những lời động viên cho các đồng đội. Lớn lên ở ngôi làng Pahl thuộc Bavaria, “người diễn giải không gian” đã gia nhập Bayern khi mới 10 tuổi.
 
Jurgen Klinsmann suýt chút nữa đã bán Muller cho Hoffenheim vào năm 2008, tuy nhiên Hermann Gerland - HLV đội trẻ - đã can thiệp để ngăn cản vụ chuyển nhượng này diễn ra. Vài năm sau, những pha di chuyển khôn ngoan của Muller đã khiến Van Gaal bị thuyết phục và sau đó anh thường xuyên được đá chính. Muller trở thành ngôi sao ở World Cup 2010. 
 
Anh được kỳ vọng trở thành một thành viên trong cấu trúc lãnh đạo của CLB sau khi kết thúc sự nghiệp.


Tiền đạo: Ivan Perisic (khoản phí mượn 5 triệu euro từ Inter Milan vào năm 2019)

 
Cầu thủ người Croatia được đưa về vào mùa hè năm ngoái như một phương án tạm thời cho hành lang cánh trái - nơi ban đầu được dành cho Leroy Sane nhưng chưa thể tới còn Kingsley Coman thường xuyên bị chấn thương. 
 
Ban đầu Bayern miễn cưỡng đồng ý điều khoản lựa chọn mua với giá 20 triệu euro cho cầu thủ 31 tuổi. Tuy nhiên có lẽ họ sẽ cố gắng đàm phán với Inter để có mức giá tốt hơn.


Tiền đạo: Robert Lewandowski (chuyển nhượng tự do từ Borussia Dortmund vào năm 2014)

 
Bayern Munich và chiến lược chuyển nhượng khôn ngoan hình ảnh
 
Có lẽ đây là vụ chuyển nhượng “miễn phí” đắt nhất thế giới. Lewandowski đồng ý gia nhập Bayern vào năm 2013 với mức lương cao và các khoản phí gia nhập lớn hơn nhưng buộc phải chờ thêm 1 năm cho tới khi hợp đồng với Dortmund hết hiệu lực.
 
Dortmund đã phủ nhận những thông tin cho rằng Bayern đã đưa ra lời đề nghị mua vào mùa hè 2013. Tiền đạo người Ba Lan đã từng có ý định chuyển tới Tây Ban Nha nhưng đã 2 lần gia hạn hợp đồng. Mức lương hiện tại của anh ước tính khoảng 350.000 bảng/tuần.
 

Tổng kết

 
- Số cầu thủ được mua từ các đội Bundesliga: 2
- Số cầu thủ được mua từ các đội 2. Bundesliga: 1
- Số cầu thủ được chiêu mộ miễn phí: 2
- Số cầu thủ được mua từ nước ngoài: 4
- Số cầu thủ mượn: 1
- Số cầu thủ từ đào tạo trẻ: 1
 
- Tổng phí chuyển nhượng và mượn đã chi: 105,6 triệu euro.
- Tổng lương hàng năm: 336 triệu euro (bao gồm cả đội và nhân viên không tham gia trận đấu vào năm 2019).
 
Lược dịch từ bài viết “How buying better made Bayern better” của tác giả Raphael Honigstein trên The Athletic.

CG
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow