Bayern Munich có cần tới công cuộc tái thiết?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 31/10/2020 10:34(GMT+7)

Nhiều người cảm thấy rằng, những nhân tố cốt lõi của đội – một nhóm bao gồm Javi Martínez và Robert Lewandowski, cả hai cầu thủ đều đã bước sang độ tuổi 30 – đã quá già, và phong cách thi đấu của họ sẽ rất khó để cạnh tranh được với sự năng động của Liverpool dưới thời Jürgen Klopp và mãnh lực của Manchester City dưới thời Pep Guardiola.

Cú ăn ba thứ hai của Bayern Munich đã đến sau 7 năm kể từ lần đầu tiên. Nhưng những người từ lâu đã hối thúc đội ngũ gồm nhiều cựu binh của họ cần được trẻ hóa có thể sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng công việc đó vốn đã được hoàn thành.
Hansi Flick không nhìn thấy điều tương tự. Hồi mùa xuân năm nay, giống như hàng triệu người khác, ông cũng đã bị cuốn hút bởi “The Last Dance”, câu chuyện về cái cách mà – sau bảy năm kể từ vinh quang trước đó – thế hệ kiệt xuất của Chicago Bulls – Jordan, Pippen và một dàn diễn viên phụ – tìm thấy một định hướng, sự khát khao và niềm cảm hứng để chinh phục thế giới một lần cuối cùng. 

Bài học mà Flick rút ra từ series này là có một số thứ không thể tách rời khỏi con người của những vận động viên xuất chúng – không chỉ tạo nên sự khác biệt giữa họ và những kẻ phàm nhân, mà còn là với sự xuất sắc đơn thuần. Đặc trưng của những nhà vô địch đích thực, những nhà vô địch “hàng hiệu”, theo như Flick, huấn luyện viên trưởng của Bayern Munich nhận định, là họ không bao giờ nghỉ ngơi. “Họ luôn tiến về phía trước, từ năm này sang năm khác,” Ông nói.
Mùa hè này, mặc dù mang một tầm nhìn hoàn toàn khác, nhưng Flick đã trải qua một cuộc hành trình với cùng một đạo lý tương tự như trên. Bảy năm sau khi Bayern hoàn thành cú ăn ba đầu tiên của câu lạc bộ – chức vô địch Bundesliga, Cúp Quốc Gia Đức và đăng quang tại Champions League – họ đã lặp lại thành tích đó một lần nữa.  
Nhìn từ góc độ người ngoài, những chiến thắng đó sẽ mang đến một kết luận hết sức ngắn gọn: Đây là “điệu nhảy cuối cùng” của một thế hệ kiệt xuất. Tương tự như năm 2013, Manuel Neuer, Jérôme Boateng và Thomas Müller đều là những nhân tố đóng vai trò trung tâm. Nhưng giờ đây, Neuer đã 34 tuổi. Boateng đã 32. Còn Müller sẽ bước sang tuổi 31 vào tháng Chín. 
Họ là những sợi dây liên kết đội ngũ của Flick với tập thể đã đạt được vinh quang hiển hách kia dưới thời Jupp Heynckes. Họ đã giành được 8 chức vô địch quốc gia liên tiếp. Họ đã làm việc cùng Heynckes (hai lần), Pep Guardiola, Carlo Ancelotti và Niko Kovac. Như Flick nhìn nhận, họ đã giúp xác định lại những yếu tố then chốt trong việc tạo nên sự thành công tại Bayern, một câu lạc bộ mà “giành một cú đúp danh hiệu giờ đây đã gần như là một nghĩa vụ.” Nhưng sự nghiệp của họ cũng đang bước đến chương kết. 
Tuy nhiên, Flick không hề nghĩ vậy. Ông vốn đã quen biết Neuer, Boateng và Müller trong hơn một thập kỷ, kể từ những tháng năm đảm nhận vai trò trợ lý huấn luyện viên tại đội tuyển quốc gia Đức. Flick không có một chút nghi ngờ nào về việc họ “vẫn còn có thể cống hiến thêm rất nhiều điều cho tập thể.”

“Đây không phải là ‘điệu nhảy cuối cùng’ của họ,” Ông khẳng định. 
Niềm tin của nhà cầm quân người Đức không chỉ bắt nguồn từ sự tin tưởng rằng chính bản thân các cầu thủ “cựu binh” đang muốn biến những thứ họ đạt được ở mùa giải trước thành một sự khởi đầu, không phải một kết thúc, mà còn bởi cái sự thật rằng Bayern còn lĩnh hội được một bài học khác tương tự như trong “The Last Dance” – một bài học không phải về những chiến thắng, mà là những thất bại. 
Trong thể thao, sự thành công có thể trở thành một liều thuốc ngủ. Vinh quang của ngày hôm nay thường biến “ngày mai” trở thành một thứ trông có vẻ quá xa vời, quá mơ hồ để suy nghĩ về. Một khi đánh mất mình trong làn sương mù của sự u mê đó, các “nạn nhân” sẽ cảm thấy dường như “ngày hôm nay” sẽ kéo dài mãi mãi. 
The Bulls đã mang đến một “tấm gương” hoàn hảo. Jordan và Pippen là những cầu thủ luôn kiểm soát vận mệnh của bản thân theo ý chí đầy tỉnh táo của chính mình. Họ luôn nắm trong tay quyền tự quyết, và chính vì vậy, the Bulls cũng luôn có quyền tự quyết. Họ là những nhân vật chính trong câu chuyện – câu chuyện về việc họ sẽ thắng hay sẽ thua. 
Dường như chưa từng có một ai tại the Bulls nghĩ về những gì có thể xảy ra khi họ ra đi, và quyền tự quyết đó biến mất. Trong những mùa giải tiếp theo, đội bóng này đã trở thành một trong các tập thể tệ nhất N.B.A. Thậm chí, họ đã phải trải qua một khoảng thời gian lên đến 6 năm vắng mặt ở vòng playoffs. 
Đã có những thời điểm, mọi thứ diễn ra như thể một số phận tương tự đang chờ đợi Bayern, có thể không phải tại Đức, nơi mà đội bóng này vượt trội so với phần còn lại đến mức vẫn giành được chức vô địch dù cho đã phải trải qua phần lớn mùa giải trong tình trạng khủng hoảng, nhưng chắc chắn điều đó sẽ được thể hiện tại đấu trường châu Âu. 
Lần gần đây nhất là vào mùa hè năm 2019, khi một cựu cầu thủ của họ, Dietmar Hamann, là một trong những người đã hối thúc một cuộc tái thiết. Câu lạc bộ cần thêm “5 hoặc 6” cầu thủ xuất chúng, ông viết, để cạnh tranh với các đối thủ hùng mạnh nhất châu lục. Nhiều người cảm thấy rằng, những nhân tố cốt lõi của đội – một nhóm bao gồm Javi Martínez và Robert Lewandowski, cả hai cầu thủ đều đã bước sang độ tuổi 30 – đã quá già, và phong cách thi đấu của họ sẽ rất khó để cạnh tranh được với sự năng động của Liverpool dưới thời Jürgen Klopp và mãnh lực của Manchester City dưới thời Pep Guardiola.  
Giờ đây nhìn lại, thật dễ để đưa ra tuyên bố rằng những sự lo lắng đó đã đặt nhầm chỗ, và các cuộc bàn luận về sự sụp đổ của Bayern đã được phóng đại quá mức. Tuy nhiên, cái quan điểm đó là hoàn toàn sai. Không phải là Bayern không cần một cuộc tái thiết; quá trình đó vốn đã được bắt đầu từ rất sớm. 
Vào năm 2017, Bayern đã mở học viện mới của họ với tham vọng cực kỳ lớn về việc tìm ra một thế hệ cầu thủ sẽ giúp câu lạc bộ này, và đội tuyển Đức, trở thành những nhà vô địch vào năm 2030. Hùm Xám xứ Bavaria đã nhận thức được sự cần thiết của việc sản xuất ra nhiều tài năng “cây nhà lá vườn” hơn; vào thời điểm đó, “nguồn cung cấp” này đã trở nên khá khan hiếm kể từ sau sự nổi lên của Müller.
Vài năm sau, đường lối làm việc của họ trên thị trường chuyển nhượng cũng đã thay đổi, phát triển thành điều mà Hasan Salihamidzic, giám đốc thể thao của Bayern, từng đề cập đến như một cách tiếp cận “hai tiêu điểm”: Ngoài việc tìm kiếm những ngôi sao đã thành danh, có thể tỏa sáng ngay lập tức – như Leroy Sané, tân binh mà họ đã mang về vào mùa hè năm nay từ Manchester City – Bayern cũng sẽ lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm những tài năng trẻ có triển vọng lớn. 
Hùm Xám đã phải nếm qua một vài trái đắng – chỉ một chút thôi – tiêu biểu là quyết định ký hợp đồng với Borussia Dortmund của Jadon Sancho, vì anh tin rằng con đường lên đội một sẽ ngắn hơn, nhanh hơn và chắc chắn hơn. Nhưng Bayern cũng đã chứng minh rằng họ hoàn toàn có thể hoạt động cực kỳ “ngon lành” trong khía cạnh này. 
Và như vậy, trong vài năm qua, Hùm Xám đã lôi kéo về những Alphonso Davies từ Vancouver, Chris Richards từ Dallas, Jamal Musiala từ Chelsea, Alexander Nubel từ Schalke, và Tanguy Nianzou từ Paris St.-Germain.

Sự hiệu quả của công cuộc “săn lùng tài năng trẻ” mà họ thực hiện đã được thể hiện rất rõ ràng. Bayern vừa có được một nhóm “nòng cốt” bao gồm những cái tên quen thuộc và rất đáng tin cậy, vừa có sự góp mặt của những gương mặt mang triển vọng cực kỳ lớn trong đội hình như Richards (20 tuổi), Davies (19 tuổi), Musiala (17 tuổi). Các “rường cột” mới nổi như Leon Goretzka, Serge Gnabry, Joshua Kimmich và Benjamin Pavard đều từ 25 tuổi trở xuống. Đây là một câu lạc bộ vốn từ lâu đã nghĩ về việc bắt đầu một triều đại mới, không phải những kẻ chỉ biết thỏa mãn với hiện tại.
Dĩ nhiên, khi triển khai đường lối này, Bayern sẽ phải đương đầu với một thách thức rất lớn: Vừa phải đảm bảo rằng những cầu thủ trẻ sẽ được trao cho cơ hội để xây dựng chỗ đứng trong đội, vừa phải duy trì cho câu lạc bộ không ngừng đạt được những chiến thắng. Và chính tại đây, vai trò của Flick – ban đầu được mang về như một giải pháp ngắn hạn khi sa thải Kovac vào mùa thu năm ngoái, nhưng sau đó đã dẫn dắt Hùm Xám trở thành nhà vô địch của Đức và châu Âu – là cực kỳ quan trọng.
Việc Flick từng không hề nghĩ rằng mình sẽ là người đảm đương những trọng trách của hiện tại là chuyện rất rõ ràng. Tuy nhiên, bộ kỹ năng của ông dường như phù hợp một cách hoàn hảo với nhiệm vụ đang đảm nhận. Điểm mạnh của Flick luôn luôn là “đắc nhân tâm”: Những người đã làm việc cùng ông đều nhận định rằng nhà cầm quân này có khả năng nói những điều đúng đắn trong mọi hoàn cảnh. Chính bản thân vị chiến lược gia người Đức từng tự nhận rằng, ông là một người biết lắng nghe. “Tôi luôn cảm thấy mình vẫn còn rất nhiều thứ cần học hỏi,” Flick chia sẻ. “Và để làm được điều đó, tôi phải lắng nghe.”
Quan điểm trên không chỉ được áp dụng với các ngôi sao của ông. Flick đã tự nhủ rằng những cầu thủ không góp mặt trong đội một cũng cần được mình chú ý, chăm sóc thật chu đáo, không kém các đàn anh. Ông chia sẻ rằng mình đang cố gắng tạo ra một môi trường mà trong đó các cầu thủ được tự do phát biểu trong những buổi họp, và các cậu bé thuộc học viện cảm thấy đủ tự tin để đến văn phòng của mình. 
“Chúng tôi phải tích hợp các cầu thủ trẻ của mình với những cầu thủ kỳ cựu,” Flick nói. “Công việc của bạn trong tư cách một huấn luyện viên là phát triển các cầu thủ. Nếu họ có một câu hỏi, bạn cần phải có một câu trả lời.”
Cách tiếp cận này nghe sơ qua thì có vẻ là bẩm sinh, nhưng có thể nó đã được hình thành trong khoảng thời gian nhà cầm quân người Đức làm việc cho đội tuyển quốc gia, khi một phần nhiệm vụ của ông là đến “thăm” các câu lạc bộ và những vị huấn luyện viên trên khắp châu Âu, để quan sát họ làm việc, để kết hợp những điều đã giúp họ thành danh trong ngành.
Flick đã kể lại việc Arsène Wenger thường cho tạm dừng việc tập luyện để đảm bảo rằng các cầu thủ đã tiếp thu toàn bộ những ý tưởng mà mình đưa ra. Ông cũng rất ấn tượng với sự gắn kết mà José Mourinho có thể tạo ra với đội bóng của mình. “Chiến thắng là của chung,” Flick khẳng định. 
Các cầu thủ của Flick rất xem trọng những gì ông đang làm. Boateng, người từng được cho là sẽ rời Bayern trong tương lai gần, thay vào đó, đang có ý định gia hạn hợp đồng. Anh nói rằng, mình đã cảm thấy vui vẻ trở lại. Davies đã ca ngợi sự tận tâm của Flick trong việc giúp đỡ các cầu thủ trẻ. 

Oliver Kahn, người dự kiến sẽ bắt đầu ngồi vào chiếc ghế giám đốc điều hành của Bayern vào tháng Một, đã thể hiện rõ sự ấn tượng bởi việc đội bóng này vẫn đang tiếp tục tiến bộ một cách mạnh mẽ sau khi giành chức vô địch Champions League. Hùm Xám không hề nghỉ ngơi trên đỉnh vinh quang; họ vẫn tận hưởng cảm giác hạnh phúc của “ngày hôm nay” nhưng không quên suy nghĩ về “ngày mai”. Thành tựu ở Lisbon không mang đến cảm giác như một sự kết thúc; nó cực kỳ, cực kỳ giống một sự khởi đầu.  
Flick, người đàn ông đã giúp tạo nên những vinh quang đó, rất thích các câu cách ngôn: Rất nhiều lần, ông đã cố gắng chọn ra một câu nói tiếng Đức đặc biệt hữu ích để tóm gọn những niềm tin của mình. Một câu cách ngôn thật nổi bật, một câu cách ngôn mà ông có thể tiếp tục sử dụng hết lần này đến lần khác, một câu cách ngôn tóm gọn những điều đã đưa Bayern trở lại đỉnh cao của bóng đá châu Âu, và cũng có thể giúp họ duy trì vị thế đó trong một thời gian dài. 
“Chúng tôi có một câu nói nổi tiếng ở Đức: Sự thành công chẳng bao giờ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của bất kỳ ai,” Ông chia sẻ. “Nó là thứ được cho thuê. Và hạn trả phí là hàng ngày.” 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Did Bayern Complete Its Rebuild While No One Noticed?” của tác giả Rory Smith, đăng tải trên The New York Times.  

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.