Barcelona và cái giá phải trả cho sự thành công (P2)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 01/03/2021 18:53(GMT+7)

Zalo

Bản hợp đồng mà Messi đã ký kết với Barcelona – vào mùa thu năm 2017, sau sự ra đi của Neymar – dài tới 30 trang, theo như thông tin được chia sẻ bởi một tờ báo Tây Ban Nha khẳng định rằng họ đã nắm được trong tay một bản sao của nó. Nó bao gồm một loạt các con số cực kỳ hấp dẫn:

 Phần 1: Barcelona và cái giá phải trả cho sự thành công (P1)

Phần 2:
 
VỊ VUA CỦA CLB
 
Một khoản tiền lót tay cho việc chấp nhận gia hạn hợp đồng lên đến 139 triệu đô la. Khoản tiền thưởng cho “lòng trung thành” tận 93 triệu đô la. Tổng cộng, nếu Messi đáp ứng mọi điều khoản và mọi điều kiện, thì con số mà anh được hưởng sẽ gần 675 triệu USD. 
 
Vào tháng trước, tờ báo đã công bố những nội dung của bản hợp đồng, El Mundo, đã mô tả nó bằng từ “Pharaonic” (hiểu đại khái là “dành cho một vị vua”), họ cho rằng đây là một bản hợp đồng “đang hủy hoại Barcelona.” Thế nhưng việc Messi là cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới chẳng phải một chuyện gây bất ngờ: Vốn đã xuất hiện một thông tin vào thời điểm bản hợp đồng được ký kết khẳng định rằng, anh sẽ kiếm được mức lương hàng năm khoảng 132 triệu đô la. 
 
Đối với những người bên ngoài Barcelona, các con số khổng lồ và sự rạch ròi, rõ ràng của mọi thứ bằng giấy trắng mực đen là những điều nổi bật nhất. Tuy nhiên, đối với những người bên trong CLB, vấn đề không phải là các con số, mà là việc chúng đã được tiết lộ cho công chúng. Ronald Koeman, HLV trưởng của Barcelona, tuyên bố rằng bất kỳ kẻ nào bị phát hiện có trách nhiệm trong vụ việc này đều sẽ bị trừng phạt thích đáng. CLB đã đe dọa sẽ có những hành động pháp lý. Messi cũng vô cùng tức giận trước điều mà anh coi là một nỗ lực nhằm phá hoại vị thế của mình tại CLB. 
 
Mối quan hệ giữa Messi và Barcelona vốn đã không ít lần ở trong tình trạng căng thẳng. Nhưng vào mùa hè năm ngoái, sau mùa giải  đáng thất vọng thứ ba liên tiếp và thất bại lịch sử với tỷ số 8-2 trước Bayern Munich ở Champions League, sự chán nản của ngôi sao người Argentina đã thực sự bùng lên và anh đã đưa ra cho CLB lời thông báo chính thức rằng mình dự định sẽ kết thúc hợp đồng và ra đi. 
 
Bartomeu đương nhiên không chấp nhận chuyện này và tìm mọi cách để ngăn cản nó trở thành sự thật. Ông ta tuyên bố, nếu có bất kỳ CLB nào muốn ký hợp đồng với Messi, họ sẽ phải trả một khoản phí khổng lồ. Mặc dù Messi coi hành động đó không chỉ phá vỡ một lời hứa, mà còn phá vỡ một nghĩa vụ hợp đồng, nhưng cuối cùng, anh cũng đã lùi bước, bởi vì không muốn phải đưa CLB mà mình đã gắn bó từ năm 13 tuổi ra tòa để buộc họ chấp nhận để mình ra đi.
 
Sáu tháng sau, tương lai của Messi thậm chí còn vô định hơn nữa. Bản hợp đồng của anh với Barcelona sẽ hết hạn vào tháng Sáu. Kể từ ngày 1 tháng 1, anh đã được phép tự do đàm phán và đồng ý bất kỳ lời mời nào bên ngoài Tây Ban Nha, sau đó sẽ chính thức gia nhập CLB mà mình đã chọn vào mùa hè này. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng trước, anh đã chia sẻ rằng mình sẽ “đợi cho đến khi mùa giải kết thúc” trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. “Nếu tôi ra đi,” Messi khẳng định. “Tôi muốn ra đi theo cách tốt đẹp nhất có thể.”

Barcelona và cái giá phải trả cho sự thành công (P2) hình ảnh
 
Mặc dù việc nói ra chuyện này trước công chúng là một điều cấm kỵ – và mặc dù không có bất kỳ ai thực sự muốn nó trở thành sự thật – nhưng có những người ở Barcelona tin rằng sự ra đi của Messi có thể là một “liều thuốc đắng” cần thiết. Vào mùa hè năm ngoái, một số người đã rỉ tai nhau rằng việc bán Messi lấy tiền sẽ là một động thái rất hợp lý khi CLB vẫn có thể làm điều đó, và lý do không chỉ bởi vì mức phí chuyển nhượng khổng lồ mà họ sẽ thu về và khoản tiết kiệm từ mức lương chín con số của anh có thể giúp tăng thêm hơn 250 triệu đô la vào lợi nhuận ròng của đội. 
 
Với vị thế của Messi, và tầm ảnh hưởng của anh, chắc chắn không một ai nghĩ rằng Messi đang được trả lương quá cao so với giá trị thật, nhưng một số thành viên của BLĐ trước đây đã phải tự hỏi rằng phải chăng anh đã và đang tạo nên một “tác động lạm phát” lên toàn đội. Barcelona đang trả các mức lương hàng trăm nghìn Euro mỗi tuần cho cả những cầu thủ chủ yếu ngồi dự bị. Thu nhập của Messi đã tăng “trần lương” cao đến mức lương của các cầu thủ khác – đặc biệt là những cầu thủ chủ chốt, xuất thân từ chính CLB – cũng tăng lên nhanh chóng cùng với nó. 
 
Về phần mình, Moix không tán đồng với logic đó. “Chúng tôi không thể đàm phán, mặc cả với một món tài sản vô giá như thế này được,” Ông nói. Bên cạnh đó, thực ra thì Barcelona cũng không thể đàm phán gì với các CLB khác cả; chỉ có một số CLB trên thế giới có khả năng đáp ứng cả mức lương và tham vọng của Messi, và không ai muốn trả giá cao cho một cầu thủ mà họ có thể mang về miễn phí vào mùa hè này. 
 
Dù sao đi nữa, theo Moix, việc ấn định một mức giá cho Messi là rất vô nghĩa. “Đó chỉ là một câu hỏi lý thuyết suông khi hỏi rằng liệu chúng tôi có đồng ý bán cậu ấy với giá 100 triệu Euro hay không,” Ông cho biết. “Chẳng có lời đề nghị nào được đưa ra cả.”
Barcelona khủng hoảng tài chính: Di sản tàn ác của Josep Bartomeu!Barcelona khủng hoảng tài chính: Di sản tàn ác của Josep Bartomeu!
Đại dịch Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế thế giới nói chung là bóng đá nói riêng. Chỉ chưa đầy 5 tháng sau khi BLĐ Barcelona thông báo...
BÁN THÁO

Khi cuộc bầu cử chủ tịch của CLB đến gần hơn, mỗi ứng cử viên đều đang cố gắng khẳng định bản thân là người có giải pháp hợp lý nhất cho cuộc khủng hoảng tài chính của CLB. 
 
Nhưng sự quyến rũ của Barcelona, theo một cách nhìn nhận khác, cũng chính là lời nguyền của nó: Mọi động thái của CLB phải được thực hiện với không chỉ sự tán đồng của người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng Ba, mà còn phải có sự ủng hộ của 140.000 hội viên hùng hậu. 
 
 “Chuyện này khiến cho công tác quản lý trở nên khó khăn hơn một chút,” Moix chia sẻ. “Nhưng cái thực tế đó cũng chính là một trong những điểm đặc biệt mà chúng tôi sử dụng để cố gắng thu hút các nhà tài trợ và các doanh nghiệp. Các hội viên mới là những chủ sở hữu thực sự.”
 
Trong quá khứ, điều đó đã góp phần tạo nên sự “hào phóng” của CLB: Bartomeu có lẽ đã không tuyệt vọng đến mức phải chấp nhận con số “cắt cổ” mà Dortmund yêu cầu cho thương vụ Dembélé nếu ông ta không lo sợ về sự phẫn nộ của các cổ động viên nếu thất bại trong thương vụ này. Font, một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế chủ tịch trong tương lai, tin rằng sự thiếu kinh nghiệm chuyên môn của các thành viên trong BLĐ trước đây đã dẫn đến một số quyết định tệ hại được đưa ra. 
 
Joan Laporta, một vị cựu chủ tịch hiện đang tranh cử để một lần nữa được ngồi vào chiếc ghế này, vào năm ngoái đã gọi Barcelona là “một CLB ba tỷ: Một tỷ thu nhập, một tỷ chi phí và một tỷ nợ.” Ông, cũng giống như các đối thủ của mình, đã thề sẽ vực dậy tình hình tài chính của CLB. 

Barcelona và cái giá phải trả cho sự thành công (P2) hình ảnh
 
“Đó không phải là tiền của bạn, nhưng bạn không thể chỉ tùy ý làm những gì mà mình muốn.” Font khẳng định. “Nguyên nhân của các vấn đề chẳng liên quan gì đến cấu trúc quyền sở hữu của CLB cả, nó nằm ở khả năng quản lý yếu kém, bởi những con người không đủ khả năng để đưa ra các quyết định đúng đắn. Chẳng khác nào họ đang ‘làm cho vui’ vậy.

Barcelona giống như một món đồ chơi thú vị, tôi chơi với nó, và đưa ra những quyết định mà tôi tin là hợp lý. Đó là lý do vì sao bạn cần những người hiểu rằng chơi với một món đồ chơi sai cách có thể rất nguy hiểm.”
 
Tuy nhiên, giờ đây, sự kém cỏi của BLĐ cũ sẽ khiến cho bất kỳ ai giành được chiếc ghế chủ tịch trong số ba ứng cử viên còn lại phải đương đầu với một thử thách cực kỳ khó khăn: Phải cắt giảm chi phí trong khi vẫn tiếp tục đáp ứng những kỳ vọng của người hâm mộ. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng hóa đơn tiền lương của CLB cần phải được giảm xuống, nhưng điều đó nói thì dễ hơn làm.    
 
Tương tự như khi Borussia Dortmund nhận ra rằng Barcelona – vào năm 2017 – không có được một vị thế cho phép họ có thể thoải mái mặc cả, bóng đá châu Âu – hiện đang hứng chịu những thiệt hại nặng nề vì đại dịch – cũng nhận thức rõ ràng rằng CLB xứ Catalan giờ đây đang cần bán gấp. Barcelona sẽ không thể đòi hỏi những mức giá cao cho các cầu thủ của mình, chưa kể đến việc liệu có CLB nào sẵn sàng trả lương cao cho những cầu thủ đã luống tuổi đứng ra tiến hành chuyện mua bán với họ hay không.  
 
Điều đó đã buộc các nhà điều hành phải xem xét những biện pháp khác để cố gắng giảm nhẹ bớt tình trạng căng thẳng về tài chính của CLB. Có một số khoản phí – chẳng hạn như khoản thanh toán hàng năm trị giá 5 triệu Euro với Atlético Madrid, một đại kình địch, cho “Quyền từ chối đầu tiên” (Right Of First Refusal) đối với bất kỳ cầu thủ nào của họ – rất vô nghĩa. Những khoản khác, chẳng hạn như các khoản thanh toán bảy con số cho những bản hợp đồng trong quá khứ, cũng đã được tính đến.   
 
Hiện tại, CLB đang cố gắng đàm phán lại một số khoản nợ với các chủ nợ, nhưng có khả năng cao là những nỗ lực của họ trong việc này sẽ tạo ra thêm các điều khoản thậm chí còn tệ hơn. 
 
Họ đang tìm hiểu xem liệu mình có thể được tạm ứng doanh thu từ truyền hình trong tương lai – trị giá khoảng 190 triệu đô la mỗi mùa – hay đạt được một thỏa thuận đổi mới, được thiết kế bởi Goldman Sachs, để thu về 240 triệu đô bằng cách bán đi một phần cổ phần của những tài nguyên phi thể thao ở Barcelona – bao gồm hoạt động kinh doanh sáng tạo nội dung và hoạt động buôn bán. Sự phản hồi, theo những người tiếp cận được với thông tin, được cho là tích cực. 

Barcelona và cái giá phải trả cho sự thành công (P2) hình ảnh
 
Font chia sẻ rằng đã có những quan chức của CLB trình bày chi tiết về các kế hoạch huy động tiền với ông, nhưng ông vẫn không bị thuyết phục. “Ở Tây Ban Nha, chúng tôi có một câu nói dành cho những kế hoạch kiểu đó: Hôm nay gặm tạm bánh mì, ngày mai tiếp tục bụng đói.” Ông khẳng định.
 
Goldman Sachs cũng đã bật đèn xanh về một đề xuất với CLB để sắp xếp cấp vốn cho kế hoạch nâng cấp và phát triển sân Camp Nou – một sân vận động không có bất cứ một khán phòng trên cao nào và phần lớn không có mái che – trị giá 988 triệu đô la. Dự án này – yêu cầu sự chấp thuận của các hội viên – cũng bao gồm việc xây mới những công trình khác, bao gồm một sân vận động thứ hai, nhỏ hơn. 
 
Dĩ nhiên, có một phương án khác không thể không nhắc đến. Việc để Messi ra đi có thể giải quyết nhiều vấn đề trên bảng cân đối kế toán một cách rất nhanh chóng, và mang lại cho CLB được một chút không gian để thở. Nhưng dù cho tất cả các ứng cử viên đều nói về sự cần thiết của việc phục hồi khả năng và tình hình tài chính, thì đó vẫn là một con đường không ai dám đi. 
 
“Cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử của một môn thể thao như thế này có thể tạo ra rất nhiều giá trị thương mại,” Font nhận định. Ông đã tỏ ra cực kỳ quyết tâm trong việc giữ chân Messi, khẳng định rằng mình sẽ đề nghị với ngôi sao người Argentina một bản hợp đồng trọn đời, gắn kết cầu thủ này với Barcelona ngay cả khi anh đã giải nghệ. Rốt cuộc, đó cũng sẽ là một phần thưởng xứng đáng cho một cầu thủ –  hơn bất kỳ ai khác – đã nâng tầm Barcelona lên vị thế như ngày hôm nay. 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Barcelona and the Crippling Cost of Success” được thực hiện bởi hai tác giả Tariq Panja và Rory Smith, đăng tải trên The New York Times. 
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow