Barcelona và cái giá phải trả cho sự thành công (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 20/02/2021 15:14(GMT+7)

CLB bóng đá giàu nhất thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính. Các giám đốc điều hành đã đổ lỗi cho đại dịch, nhưng nhiều vấn đề lớn nhất của nó – bao gồm món nợ khổng lồ với Lionel Messi – là lỗi do chính nó gây ra.

Kế hoạch cực kỳ tỉ mỉ và cẩn thận được vạch ra bởi Barcelona – CLB bóng đá giàu nhất thế giới – đã đổ bể gần như ngay khi các nhà đàm phán bước vào phòng.
Vào một buổi chiều cuối hè oi ả, các giám đốc của Barcelona đã đến một trong những khách sạn nổi tiếng nhất tại Monte Carlo để tìm kiếm một thỏa thuận với CLB Đức Borussia Dortmund về một trong những tài năng trẻ thú vị nhất châu Âu: Tiền đạo người Pháp Ousmane Dembélé.
Barcelona đã xác định rõ ràng về chiến lược của mình, và số tiền mà họ sẽ bỏ ra cho thương vụ này: Dembélé, trong mắt của Barcelona, trị giá 96 triệu đô la, và không hơn một xu. Dù Dortmund có gây sức ép, có đòi hỏi một mức phí cao hơn một cách mạnh mẽ đến thế nào đi chăng nữa, những người đàn ông đến từ Barcelona cũng sẽ giữ vững lập trường. Hai vị giám đốc đã chuẩn bị cho bản thân một tinh thần cứng rắn khi họ tiến vào căn phòng mà phía CLB Đức đã đặt. Họ ôm lấy nhau trước khi gõ cửa. Và sau đó, họ bước vào bên trong, chỉ để thấy rằng các giám đốc của Dortmund cũng đã quyết định một chiến lược. 
Những người Đức nói với các vị khách của mình rằng họ có một chuyến bay cần phải bắt. Họ không có thời gian cho một cuộc nói chuyện phiếm, và họ không ở đây để thương lượng. Nếu Barcelona muốn có Dembélé, họ sẽ phải trả gần gấp đôi mức định giá của mình: 193 triệu đô la. Mức giá này sẽ đưa tài năng trẻ 20 tuổi người Pháp trở thành cầu thủ bóng đá đắt giá thứ hai trong lịch sử CLB. 

Chủ tịch của Barcelona, Josep Maria Bartomeu, đã rất sửng sốt. Nhưng ông ta không “buông” thương vụ này như kế hoạch được vạch ra. Ông ta đã nhanh chóng đồng ý trả gần như toàn bộ số tiền mà CLB Đức yêu cầu – trả trước 127 triệu đô la, và thêm 50 triệu đô la nữa thuộc những điều khoản bonus dành cho các thành tích rất dễ dàng đạt được. Dù cho đã có ý định phải “chơi thật cứng” trong thương vụ này, nhưng Bartomeu cảm thấy mình không còn sự lựa chọn nào khác.
Chỉ vài tuần trước đó, Barcelona đã mất đi một trong những viên ngọc quý của họ, Neymar, vào tay Paris St.-Germain. Bartomeu không thể mạo hiểm với chuyện khiến cho một fan base vẫn còn đang choáng váng và hỗn loạn bởi cú shock đó phải tiếp tục nhận thêm một nỗi thất vọng khác với việc tay không trở về. Ông ta cần một bản hợp đồng “đao to búa lớn”, một bom tấn, một “món đồ trang sức”. Ông ta đã phải chấp nhận con số “cắt cổ” mà phía Borussia Dortmund đưa ra.   
CLB TỶ ĐÔ
F.C. Barcelona – trong phần lớn thập kỷ trước – đã mang hình ảnh của một gã khổng lồ cả về thể thao và thương mại. Ở thế kỷ này, những thành công đạt được trên sân cỏ và sự giàu có bên ngoài sân cỏ của CLB xứ Catalan đã khiến cho ngay cả những đối thủ có “thù oán” sâu nặng nhất với họ cũng phải ghen tỵ, thèm muốn khi nhìn vào.
Họ là CLB bóng đá đầu tiên (và duy nhất) vượt qua mức 1 tỷ đô la doanh thu năm. Họ có trong tay cầu thủ có đủ tư cách để tự tin khẳng định danh xưng “xuất sắc nhất lịch sử”, Lionel Messi. Vào những ngày xuất trận, sân vận động hoành tráng, mang tính biểu tượng mà họ gọi là “sân nhà” sẽ được lấp đầy với gần 100.000 người mang thẻ hội viên chính thức của CLB và có trả phí cho tư cách này. 
Nhưng Barcelona đã xuống dốc trầm trọng trong thời gian gần đây, một hậu quả của nhiều năm bốc đồng trong công tác quản lý, cực kỳ hấp tấp trong việc đưa ra các quyết định và hàng loạt những bản hợp đồng đầy khinh suất. Trong nhiều năm, sự tăng mạnh của doanh thu đã giúp che lấp đi những sai lầm tồi tệ nhất của họ, nhưng giờ đây, coronavirus đã thay đổi “phép toán”.
Một cựu thành viên của BLĐ tin rằng đại dịch cuối cùng sẽ khiến CLB “thiệt hại” hơn nửa tỷ đô la doanh thu. Hóa đơn tiền lương của họ là cao nhất ở châu Âu. Họ đã phá vỡ các giao ước nợ mà mình đã thỏa thuận với các chủ nợ, điều này gần như chắc chắn sẽ đồng nghĩa với các chi phí lãi suất cao hơn trong tương lai. 
Hậu quả là CLB kiếm được nhiều tiền nhất trong làng túc cầu thế giới hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng: Không chỉ về khía cạnh tài chính, mà còn có một cuộc bầu cử chủ tịch gây tranh cãi rầm rộ và thậm chí có khả năng mất đi “món tài sản” quý giá nhất của họ, Lionel Messi. Sự vội vã của Barcelona trong thương vụ Dembélé – bên cạnh nhiều thương vụ khác – chỉ là một phần trong những nguyên nhân đã đưa họ lâm vào tình cảnh hiện tại.
Ngay cả khi Bartomeu hoàn tất thương vụ kể trên, vào tháng 8 năm 2017, Barcelona biết rằng – theo một khía cạnh khác – họ vẫn là những kẻ thua cuộc. CLB xứ Catalan đã thu được 222 triệu đô la từ việc bán Neymar vài tuần trước đó và bây giờ họ cần một bản hợp đồng lớn để thay đổi tình hình tiêu cực đang diễn ra. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, tất cả các CLB khác ở châu Âu đều đã biết rằng Barcelona đang có trong tay rất nhiều tiền mặt nhưng không có nhiều thời gian. “Chúng tôi sẽ là bên yếu thế trong các cuộc đàm phán,” Jordi Moix, cựu phó chủ tịch phụ trách các vấn đề kinh tế của Bartomeu, chia sẻ. “Họ đã chờ sẵn để ‘vớ bẩm’ từ chúng tôi.”
Tuy nhiên, nếu có bất kỳ CLB nào đủ khả năng để cố gắng chi trả những mức phí cao “cắt cổ”, thì cái tên đầu tiên được nhắc đến chính là Barcelona. Ở thập kỷ trước, họ không chỉ trở thành đội bóng hùng mạnh nhất thế giới – giành được 3 chức vô địch Champions League trong 7 mùa giải – mà còn là cỗ máy kiếm tiền xuất sắc nhất.

Hồi ấy, doanh thu của họ đang nhích đến rất gần mục tiêu 1 tỷ Euro mà Bartomeu đã đặt ra vào năm 2015. Nó đã đạt mốc đó – ít nhất là tính theo đơn vị đô la – vào năm 2019, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Các kế hoạch cho một trung tâm giải trí và khu vui chơi hoành tráng bao quanh sân vận động, và sự ra mắt của Barcelona Innovation Hub, sẽ giúp duy trì phong độ kiếm tiền của họ.  
Tuy nhiên, cùng lúc đó, CLB cũng đang đối mặt với một nguy cơ tài chính ngày càng lớn hơn, trầm trọng hơn. Có một cột mốc tỷ đô khác mà họ đã vượt qua: Tổng số nợ của họ – bao gồm số tiền nợ các ngân hàng, các cơ quan thuế, các đội bóng khác và chính các cầu thủ của họ – đã tăng lên hơn 1,1 tỷ Euro. 
Hơn 60% trong số đó được coi là nợ ngắn hạn – nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào khác ở châu Âu – nhưng điều này chẳng hề khiến cho Barcelona ngừng việc chi tiêu phóng túng trên thị trường chuyển nhượng: Không chỉ số tiền khổng lồ phải trả cho thương vụ Dembélé mà – vài tháng sau đó – còn có khoản phí 145 triệu đô la được vung ra để có được sự phục vụ của Coutinho từ Liverpool – một cuộc đàm phán khác mà Barcelona đã ở bên yếu thế, và đồng ý với một cái giá họ không thể trả ngay. 
Gánh nặng trả lương cho những cầu thủ vốn đang có tên trong các sổ sách của CLB cũng tiếp tục tăng lên. Theo Carles Tusquets, chủ tịch tạm quyền kể từ khi Bartomeu bị phế truất vào năm ngoái, hóa đơn tiền lương 771 triệu đô la hàng năm của Barcelona hiện đang “ngốn”  hơn 74% thu nhập hàng năm của CLB, một tỷ lệ lớn hơn nhiều so với các đối thủ cùng thời – rất nhiều cái tên trong số đó đã đặt mục tiêu giữ cho tỷ lệ này không cao hơn 60%. “Đó là một con số khủng khiếp,” Tusquets than thở.
Đại dịch đã khiến doanh thu của Barcelona sụt giảm, nhưng điều đó không diễn ra với các chi phí của họ
Ở một vài khía cạnh, Barcelona là nạn nhân của chính sự thành công của họ. Các cầu thủ của họ càng tỏa sáng, những con số mà họ có thể phải đối mặt trong các cuộc đàm phán lương sẽ càng lớn. Cái thực tế rằng có rất nhiều gương mặt trong đội ngũ của họ – ngoài Messi, còn có những người như Gerard Piqué, Sergio Busquets và Jordi Alba – được coi là những linh hồn, đại diện cho tinh thần chung của CLB, những bằng chứng rõ ràng nhất cho con đường từ học viện La Masia của CLB lên đội một, đã tạo nên cho các cầu thủ – chứ không phải CLB – một ưu thế trong mọi cuộc đàm phán. 
“Rõ ràng, CLB đang thiếu đi khả năng lãnh đạo, họ đã được điều hành bởi một BLĐ ngại nói ‘không’, đây là một trong những vấn đề then chốt cần phải tránh trong tương lai,” Víctor Font, một trong các ứng cử viên của cuộc bầu cử tân chủ tịch sẽ diễn ra vào tháng Ba, nhận định. “Quỹ lương đã ‘phình lên’ quá to.”
Nhưng bởi vì CLB có thể dựa dẫm vào mức doanh thu lên đến 1 tỷ đô la mỗi năm, việc trả hơn 700 triệu đô la tiền lương là “một sự stress, nhưng đủ sức ‘gánh’ được,” Moix chia sẻ và nói thêm. “Con số khổng lồ đó khiến chúng tôi chẳng thể tiết kiệm được gì nhiều, nhưng họ là những người đóng vai trò xương sống của đội. Nếu chúng tôi không thể đạt được các thỏa thuận, họ sẽ ra đi.”
Moix thừa nhận rằng, Bartomeu và BLĐ của ông ta đã mắc nhiều sai lầm, nhưng ông tin rằng chính một yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của họ mới là thứ đã thực sự đẩy CLB lâm vào tình trạng khủng hoảng. “Khi thời gian trôi qua, mọi thứ sẽ trở nên sáng tỏ,” Ông chia sẻ. “Bao nhiêu là do công tác quản lý, bao nhiêu là do Covid ? Đây là một cuộc thảo luận mang tính chủ quan.”
Dù sao đi nữa, quy mô của “thiệt hại” là rất lớn. Trong các báo cáo tài chính gần đây nhất, Barcelona đã công bố một khoản lỗ trong năm là 117 triệu đô la. Họ ước tính rằng mình đã bị thiệt hại 246 triệu đô la do hậu quả của đại dịch. Moix dự đoán rằng, con số tổng cuối cùng sẽ lên đến  600 triệu đô la. 

Đồng thời, tổng tiền nợ của họ với các tổ chức tài chính và các CLB khác đã tăng lên đến 327 triệu đô la. Các giám đốc điều hành của Barcelona tin rằng con số đó – bất chấp những nỗ lực quyết liệt nhằm cắt giảm chi phí – sẽ còn tăng cao hơn nữa vào năm 2021. Cả sân vận động và bảo tàng của CLB, hai trong số những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha, có thể sẽ tiếp tục không thể đón khách ít nhất là trong phần còn lại của mùa giải này.  
Với việc doanh thu của CLB trong năm tới được dự báo sẽ giảm đi 250 triệu đô la, tiền lương của các cầu thủ sẽ sớm chiếm tỷ lệ đến 80 xu trên mỗi đô la mà Barcelona kiếm được. Chính đội ngũ đã mang về cho CLB xứ Catalan những vinh quang đáng tự hào trong quá khứ gần đây, hiện tại, dường như đang báo hiệu về một sự chật vật khủng khiếp trong tương lai gần.
Và không một ví dụ nào rõ ràng hơn về điều đó ngoài cầu thủ – đứng trên tất cả – đã trở thành biểu tượng của Barcelona, một trong những nhân vật “khủng” nhất lịch sử bóng đá và mức lương hiện tại của anh ta cũng chính là “gánh nặng” tài chính lớn nhất của họ: Lionel Messi. 
(còn nữa)
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Barcelona and the Crippling Cost of Success” được thực hiện bởi hai tác giả Tariq Panja và Rory Smith, đăng tải trên The New York Times. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.