Barcelona khủng hoảng tài chính: "Di sản" tàn ác của Josep Bartomeu!

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Bảy 06/02/2021 10:09(GMT+7)

Đại dịch Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế thế giới nói chung là bóng đá nói riêng. Chỉ chưa đầy 5 tháng sau khi BLĐ Barcelona thông báo khoản thua lỗ 97 triệu euro ở mùa giải 2019/2020, thì mới đây đội bóng xứ Catalan tiếp tục gây sốc khi công bố khoản nợ kỷ lục 1,2 tỷ euro trong năm tài chính 2020. Vâng ! Chúng ta không nghe nhầm đâu, là 1,2 tỷ euro !

Barcelona đang bước vào giai đoạn khó khăn, từ thành tích tệ hại trên sân cỏ cho đến những vấn đề nội tại ở giới thượng tầng. Sau 20 vòng đấu tại La Liga, Lionel Messi và các đồng đội chỉ giành được 40 điểm, kém đội đầu bảng Atletico Madrid tới 10 điểm, dù đối thủ còn trong tay một trận chưa đấu. Gần nhất, Barcelona còn thất bại 2-3 trong trận tranh Siêu cúp Tây Ban Nha trước Athletic Bilbao.
 
Rõ ràng CĐV Barcelona chẳng thể hài lòng với tình hình hiện tại của đội bóng.
 
Khi mà các Cules còn chưa hết buồn bã về thành tích kém cỏi của đội nhà thì mới đây họ lại một phen thất kinh khi chứng kiến tình hình tài chính của CLB bị phơi bày trên mặt báo. Barcelona hiện đang nợ tổng cộng khoảng 1,2 tỷ euro, trong đó có đến 730 triệu euro là nợ ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc giới thượng tầng ở Camp Nou sẽ phải nhanh chóng tìm cách thanh toán khoản nợ khổng lồ kia nếu không muốn trở thành “con mồi” cho luật công bằng tài chính FFP, thậm chí tệ hơn là đứng trước nguy cơ phá sản trong tương lai.
 
Có nhiều lý do để giải thích cho sự khủng hoảng trầm trọng này ngoài Covid-19, nhưng nếu cần một người chịu trách nhiệm lớn nhất thì chắc chắn đó phải là cựu chủ tịch CLB, Josep Bartomeu – người đã từ chức vào ngày 28/10/2020, sau hàng loạt các bê bối và phải hứng chịu làn sóng phẫn nộ từ các CĐV đội nhà.
 
Hầu hết các đời chủ tịch của Barcelona trong quá khứ như Josep Lluis Nunez, Joan Laporta hay Sandro Rosell đều gặp rắc rối liên quan đến các vấn đề tài chính. Cũng vì điều này đã khiến họ vướng phải lắm rắc rối. Cố chủ tịch Nunez sau khi từ chức vào năm 2000 phải vào tù, Sandro Rosell cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Còn Laporta – người gắn liền với thời kỳ hoàng kim của Barcelona (giai đoạn 2003-2010) với vô số danh hiệu, đặc biệt là 2 chức vô địch Champions League danh giá vào các năm 2006 và 2009, đồng thời nâng tầm biểu tượng của lò đào tạo La Masia, cũng phải ra đi vì nhiều cáo buộc. Thế nhưng chẳng ai lắm scandal bằng Josep Bartomeu!
 
Đầu tháng 2/2020, truyền thông Tây Ban Nha phanh phui vụ việc động trời ở Camp Nou khi tố chủ tịch Josep Bartomeu thuê các công ty truyền thông nước ngoài sử dụng mạng xã hội tấn công Messi cùng các đồng đội, bôi nhọ các huyền thoại của đội bóng như Pep Guardiola, mỉa mai các ứng viên tranh chức chủ tịch. Ông thậm chí còn yêu cầu hai phó chủ tịch và bốn thành viên khác của ban lãnh đạo phải từ chức vì cho rằng những người này phản bội mình.
 
Chưa bao giờ tinh thần của những người yêu mến Barcelona xuống thấp đến thế, khi các cầu thủ không còn tin đội bóng của họ sẽ giành chiến thắng, và càng không tin mọi thứ sẽ được cải thiện với bộ sậu Bartomeu. Năm mùa liên tiếp từ 2016-2020, Barcelona bị loại khỏi Champions League sau những kết quả tức tưởi. Đỉnh điểm là thất bại muối mặt 2-8 trước Bayern Munich ở Lisbon mà người ta vẫn gọi đó là nỗi ô nhục thế kỷ của Blaugrana.
 
Người ta gọi trận đấu này là nỗi ô nhục thế kỷ của Barcelona !
 
Khi vết thương chưa kịp lành, Camp Nou lại rung chuyển với tuyên bố đòi ra đi của đội trưởng Messi. Bartomeu dù ép thành công siêu sao người Argentina ở lại, song điều đó không cứu vãn được tình hình. Với 19.532 hội viên Barcelona đồng ý cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cuối cùng đã xảy ra. Bartomeu buộc phải tuyên bố từ chức giữa làn sóng phẫn nộ ngày một gia tăng. 
 
Nhưng điều tồi tệ nhất mà Bartomeu làm với Barcelona là biến đội bóng trở thành con nợ khổng lồ vì sự hạn chế trong năng lực quản lý tài chính. Đồng thời trực tiếp hủy hoại danh tiếng của lò đào tạo La Masia bằng việc vung tiền quá đà vào TTCN để chiêu mộ tân binh. Người ta ước tính, chỉ trong vòng 6 năm tại vị (2015-2020), Bartomeu đã đưa về Camp Nou tổng cộng 34 cầu thủ, với tổng giá trị lên đến gần 1,1 tỷ euro, trong đó đắt giá nhất là bộ ba Philippe Coutinho (145 triệu euro), Ousmane Dembele (130 triệu euro),  và Antoine Griezmann (120 triệu euro). Không hẹn mà gặp, cả ba đều đã và đang gây thất vọng vì những màn trình diễn thiếu thuyết phục kể từ ngày khoác lên mình chiếc áo sọc đỏ xanh.
 
Sự phung phí của Bartomeu trên TTCN đã biến Barcelona trở thành con nợ khổng lồ.
 
Có một giai thoại đằng sau thương vụ Liverpool để Coutinho ra đi. Vào thời điểm tiền vệ người Brazil phân tâm vì sự chèo kéo của đội bóng xứ Catalan, làm mọi cách để có thể rời Anfield trong mùa giải 2017/2018, BLĐ The Kop đã rất lo sợ họ sẽ bị Barcelona ép giá. Thế nhưng Bartomeu rộng lượng đến mức móc hầu bao 145 triệu euro (bao gồm cả các điều khoản thành tích), trong đó 80 triệu euro được thanh toán trước. Và như chúng ta đã biết, cũng chính từ nguồn ngân sách từ việc bán Coutinho, Liverpool đã chuyển mình trở thành siêu cường của bóng đá Châu Âu bằng việc gia cố hàng thủ với 3 chốt chặn quan trọng là Alisson Becker,Virgil van Dijk và Fabinho.
 
Còn với Dembele, Dortmund lãi tới 110 triệu euro từ thương vụ này, chỉ 1 năm sau khi chiêu mộ tiền vệ cánh người Pháp từ Rennes. Và đến cho tận ngày hôm nay, nhiều người vẫn không hiểu tại sao Barcelona lại chi đậm cho một tài năng trẻ đến vậy, người khi ấy trải qua 2 mùa giải thi đấu chuyên nghiệp, 1 năm ở Pháp, 1 năm ở Đức. Hiện tại, sau 4 mùa giải khoác áo Barcelona, số thời gian mà Dembele làm bạn với giường bệnh còn nhiều hơn số thời gian mà người ta thấy cầu thủ này tung hoành trên sân cỏ. 
 
Nói về các thương vụ hớ của Barcelona dưới thời Bartomeu thì có thể kể cả ngày. Ngoại trừ ba “bom xịt” ở trên thì hãy còn đó Arda Turan, Aleix Vidal, Andre Gomes, Malcom, Paco Alcacer. Họ được kỳ vọng rất nhiều nhưng cũng ra đi chóng vánh, một phần cũng vì sự thiếu kiên nhẫn của Bartomeu. Tất nhiên không quên để lại những khoản nợ tài chính khổng lồ mà Barcelona phải thanh toán dần cho các đối tác. Cụ thể, Barcelona còn nợ tiền 19 CLB do chưa trả đủ phí chuyển nhượng trong quá khứ. Theo tờ El Mundo, khoản tiền này lên tới 126 triệu euro.
 
Bộ ba này tiêu tốn của Barcelona cả đống tiền.
 
Thậm chí có một số bản hợp đồng đi đêm vì lợi ích cá nhân như vụ Paulinho hồi 2017. Cần biết, ngoài việc giữ chức chủ tịch Barcelona, Bartomeu còn là giám đốc điều hành tập đoàn ADELTE Group – công ty chuyên về thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng các sân bay, bến cảng và các hoạt động vận tải đường bộ. ADELTE Group khi ấy đang có tham vọng mở rộng thị trường sang Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Cụ thể là đấu thầu siêu dự án Ocean Flower Island mà chủ thầu xây dựng là tập đoàn Evergrande Group. Evergrande Group là chủ sở hữu Guangzhou Evergrande - đội bóng đã bán Paulinho cho Barca. Và với việc chấp nhận mua Paulinho với giá cao, xem như ADELTE Group đã thuận lợi có được dự án bạc tỷ này. Cũng may Paulinho thi đấu không đến nỗi nào trong giai đoạn chơi bóng tại Tây Ban Nha, nếu không vụ việc này sẽ còn được lôi ra bàn tán trong một thời gian dài.
 
Các cầu thủ Barcelona gọi vị chủ tịch của họ là Nobita -  một nhân vật thoạt nhìn thì hậu đậu, làm gì cũng hỏng, nhưng đôi lúc cũng rất quỷ quái, ranh ma. Không phủ nhận việc Bartomeu rất hào phóng trong việc trả lương các cầu thủ. Một ví dụ điển hình nhất là Frankie De Jong. Khi còn khoác áo Ajax, tiền vệ người Hà Lan chỉ nhận mức đãi ngộ khoảng 1 triệu euro/mùa. Con số này trở thành 17 triệu euro khi anh đặt bút ký vào bản hợp đồng với Barcelona, đủ sức nặng để biến De Jong trở thành một trong số những cầu thủ hưởng đãi ngộ cao nhất tại Camp Nou, ngang hàng với các công thần như Pique hay Busquets. 
 
Nhưng tất cả sẽ phải sững sờ khi chứng kiến thu nhập của Messi. Mới đây, vẫn là tờ El Mundo bằng một cách nào chưa rõ, tiếp tục gây sốc khi công bố chi tiết bản hợp đồng của “El Pulga” ký cách đây 4 năm với Barcelona. Theo họ, ngoại trừ các khoản lương khủng được hưởng, Messi bỏ túi ngay 115 triệu euro phí lót tay khi đặt bút ký gia hạn hợp đồng, cộng thêm 75 triệu euro thưởng thêm cho “lòng trung thành” sẽ thanh toán theo từng đợt. Như vậy tổng số tiền mà Messi sẽ nhận đủ khi kết thúc giao kèo giữa hai bên được ước tính lên đến 555 triệu euro! 
 
Cũng chính sự hào phóng quá đà của Bartomeu đã khiến cho quỹ lương CLB ngày càng phình to. Một thống kê cho thấy, trong 730 triệu euro nợ ngắn hạn mà Barcelona đang gánh, có đến 74% là nợ quỹ lương. 
 
Trong quá khứ, người ta thường nói Real Madrid là một bóng dùng tiền để mua danh hiệu, đặc biệt là với các kế hoạch Galacticos dưới triều đại của Florentino Perez. Còn ở chiều ngược lại, người xứ Catalan từng tự hào rằng họ có lò đào tạo La Masia, nơi đã để lại di sản “Més que un club”chẳng thể nào quên với Carles Puyol, Gerard Pique, Xavi, Andres Iniesta, Pedro Rodriguez và Messi. Thế nhưng giờ đây gió đã đổi chiều.
 
Real Madrid dù vẫn là đại gia trên TTCN nhưng họ cũng cho thấy sự thay đổi trong cách sử dụng nhân sự. Những tài năng phát triển ở lò đào tạo Castilla, bằng cách này hay cách khác dần được trọng dụng, đóng góp một phần sức mạnh cho đế chế Los Blancos. Từ Dani Carvajal, Nacho, Lucas Vazquez, cho đến lứa Marco Asensio, Federico Valverde, Martin Odegaard, Borja Mayoral. Đó còn chưa kể đến những sao mai như Achraf Hakimi, Sergio Reguilon hay Oscar Rodríguez, Javi Sanchez, Alberto Soro. Dù họ không còn gắn bó với Bernabeu nữa, nhưng cũng giúp cho Real Madrid thu về khoảng 100 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2020.
 
Trong vài năm trở lại đây, lò đào tạo Castilla hoàn toàn vượt trội so với La Masia.
 
Nếu tính chênh lệch thu chi riêng về chuyển nhượng, trong 5 mùa giải gần nhất, Real Madrid chỉ thua lỗ 48,6 triệu euro, ít hơn cả các Atletico Madrid (73,5 triệu euro), Sevilla (71,9 triệu euro), Getafe (53.6 triệu euro). Còn Barcelona thì khỏi phải nói, CLB đã thua lỗ 358 triệu euro từ việc mua bán cầu thủ. Vậy câu hỏi được đặt ra rằng vào thời điểm hiện tại, đâu mới là đội bóng dùng tiền mua danh hiệu ?
 
Tựu chung lại, bằng quyền lực tối cao của mình, Bartomeu đã từng bước hủy hoại Barcelona trong suốt quãng thời gian tại vị tại Camp Nou. Để giờ đây, “di sản” tàn ác của người đàn ông 57 tuổi này để lại là quá nghiệt ngã với đội bóng từng bất khả chiến bại tại Châu Âu. Muốn giải quyết triệt để vấn đề, Barcelona cần một người chủ tịch mới vừa có tâm, lại có tầm. Nhưng chắc chắn mọi thứ phải cần thời gian !
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.