Barcelona sẽ không thể sống mãi dưới cái bóng Messi

Tác giả CG - Thứ Sáu 28/08/2020 18:00(GMT+7)

Barcelona sẽ không thể sống mãi dưới cái bóng Lionel Messi. Càng sớm quen với viễn cảnh không Messi, họ sẽ càng sớm tìm lại khí chất và sự vĩ đại đích thực của mình.

Barcelona những năm vừa qua sống bằng hơi thở của Lionel Messi. Nhưng không có gì là mãi mãi. Họ là một đội bóng có lịch sử lâu đời cùng bề dày truyền thống vĩ đại, và không một cá nhân nào trong đội bóng được lớn hơn cái tên FC Barcelona.
 
 
Năm 2005, Ronaldinho đánh bại Frank Lampard và Steven Gerrard để giành danh hiệu Quả bóng vàng thế giới. Thời điểm đó, siêu sao người Brazil gần như là cầu thủ không thể bị ngăn cản. Ma thuật của anh thắp sáng sân bóng, mang lại niềm vui cho tất cả khán giả có mặt trên cầu trường cũng như ngồi trước màn ảnh nhỏ. 
 
Tuy nhiên, Ronaldinho vẫn khẳng định: “Giải thưởng này nói tôi là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Nhưng thậm chí tôi còn chẳng phải là cầu thủ giỏi nhất ở Barcelona”. Cầu thủ số 10 của Barcelona thời điểm đó đang muốn giới thiệu cho cả thế giới biết một người đàn em của mình. “Một ngày nào đó, tôi sẽ nói rằng tôi đã chứng kiến sự khai sinh của một trong những vĩ nhân bóng đá: Leo Messi”.
 
Từ đó Messi đã đi trên hành trình của riêng mình ở Barcelona. Anh kế thừa chiếc áo số 10 của Ronaldinho, vượt khỏi cái bóng của đàn anh, tạo nên một đế chế ở sân Camp Nou và phủ bóng lên phần còn lại của Blaugrana. Messi là ông vua ở CLB Barcelona. 
 
Từ cú bật cao đánh đầu ghi bàn trong trận chung kết Champions League 2009 trên sân Olimpico đến khi đã xác lập vị thế huyền thoại không phải bàn cãi, xô đổ hàng loạt kỷ lục của CLB; từ một cậu thanh niên với gương mặt trẻ măng đến khi là người đàn ông trưởng thành với bộ râu cứng tuổi, Messi luôn là nơi để các Cule bấu víu trong niềm hy vọng đem về các danh hiệu. 

Thời gian trôi qua, khi El Pulga ngày càng xuất sắc thì Barcelona cũng dựa vào anh nhiều hơn cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Sau mỗi năm, tầm ảnh hưởng của anh lại càng lớn hơn để trở thành thứ quyền lực khổng lồ trong thế giới bóng đá. Và đó chính là vấn đề.
 
 
Những năm vừa qua, ban lãnh đạo Barcelona đã biến hình ảnh của Messi thậm chí còn lớn hơn cả CLB, vô tình khiến Barca trở thành đội bóng một người dù thực tế họ thừa trình độ, nguồn lực và năng lực để không biến thành như thế. Tuy nhiên, “drama” vừa qua cho thấy đội bóng xứ Catalunya đã phải nếm trải mặt trái của việc này.
 
Và có lẽ đau một lần rồi thôi, Barcelona sẽ phải học cách thoát khỏi cái bóng của Messi dù có thể họ sẽ mất một thời gian không ngắn để tìm lại sự cân bằng khi không còn siêu sao người Argentina trên sân lẫn trong phòng thay đồ.
 
Mùa bóng 2019/2020 vừa khép lại, Messi dẫn đầu LaLiga ở hàng loạt hạng mục thống kê: bàn thắng (25), kiến tạo (21), danh hiệu xuất sắc nhất trận (22), dứt điểm (159), dứt điểm trúng mục tiêu (71), bàn thắng từ đá phạt trực tiếp (5), đường chuyền quyết định (9), cơ hội lớn tạo ra (36), rê bóng thành công (182), chọc khe chính xác (21), số đường chuyền trong phần sân đối thủ (1797). 
 
Nhìn qua những thống kê thô này thôi, ta cũng thấy Messi là một người quá toàn diện trong bộ kỹ năng tấn công: một chân sút, chân kiến tạo, chân rê dắt xuyên phá, chân điều phối. Chiến thuật đưa bóng cho Messi làm tất ăn cả dần trở thành một phương châm dù cho thế trận bế tắc hay không. Ban lãnh đạo đưa về Arturo Vidal để làm một máy quét cho phép Messi được tự do “đi bộ” trên sân.
 
Trong phòng thay đồ, tầm ảnh hưởng của Messi cũng không kém phần to lớn. Ký giả kỳ cựu Simon Kuper cho biết sau hàng loạt cuộc trò chuyện với các quan chức CLB cũng như đọc các tài liệu, ông đã rút ra kết luận rằng trái với hình ảnh trầm lặng, ít nói thì ở trong phòng thay đồ, Messi là một thủ lĩnh khắt khe, khó tính và là người quyết định lối chơi của Barcelona. Cầu thủ 34 tuổi có quyền phủ quyết với các quyết định chuyển nhượng, bổ nhiệm HLV hoặc quyết định chiến thuật quan trọng.
 
 
Ở Barcelona, các HLV trưởng không có nhiều quyền lực bằng nhóm các nhân viên và cầu thủ lâu năm. Loạt phim tài liệu “Matchday” được sản xuất bởi nhà tài trợ Rakuten phần nào đã khắc họa điều này. Trong một tập phim, Gerard Pique hồi tưởng với Hiroshi Mikitani - giám đốc điều hành Rakuten - về việc anh đã thuyết phục HLV Ernesto Valverde cho các cầu thủ đến một buổi tiệc sau một trận đấu tại New York.
 
Trung vệ người Tây Ban Nha nói: “Nghe này, ngài Valverde, chúng tôi sẽ tới một buổi tiệc”. HLV trưởng Barca thời điểm đó đáp: “Tại sao? Tại sao? Tôi chẳng thấy có lý do gì để các cậu đi tiệc tùng cả”. Pique phản pháo: “Dù có chuyện gì đi chăng nữa, chúng tôi cũng sẽ đi”. Chi tiết này đã tiết lộ quyền lực của một nhóm cầu thủ trong phòng thay đồ và đứng đầu trong đó tất nhiên là Messi.
 
Lúc này, mối quan hệ căng thẳng giữa Messi và ban lãnh đạo Barca đang lên tới đỉnh điểm sau những sự thất vọng chồng chất những năm qua. Kênh TV3 của Tây Ban Nha cùng nhiều nguồn đưa tin chủ tịch Josep Bartomeu thậm chí sẵn sàng từ chức nếu Messi tuyên bố công khai ở lại CLB. Nếu đây là sự thật, đó lại là một minh chứng nữa cho việc ban lãnh đạo CLB đã quá nhân nhượng đội trưởng CLB. 
 
Và chắc chắn lúc này sẽ có nhiều người đặt vấn đề đội bóng đã không đủ cứng rắn và quyền uy khi trong cuộc đàm phán gia hạn hợp đồng năm 2017 đã cho phía Messi cài điều khoản anh được phép tự do rời khỏi CLB miễn là thông báo trước ngày 10 tháng 6 mỗi năm.

Những đối thủ trong cuộc đua vị trí chủ tịch CLB như Joan Laporta hay Victor Font đều kêu gọi Bartomeu hãy từ chức. Và họ đều khẳng định sẽ làm mọi cách để giữ Messi ở lại. Nhưng như cựu chủ tịch Joan Gaspart đã nói, Barcelona không được phép nhân nhượng tiền đạo người Argentina dù chỉ là 1 euro. Barcelona những năm vừa qua sống bằng hơi thở của Messi. Nhưng không có gì là mãi mãi. Họ là một đội bóng có lịch sử lâu đời cùng bề dày truyền thống vĩ đại, và không một cá nhân nào trong đội bóng được lớn hơn cái tên FC Barcelona.
 
 
Nếu đội ngũ lãnh đạo hiện tại đã làm hết mọi cách và không thể giữ lòng Barcelona ở lại Camp Nou thì việc bán Messi sẽ đều có mặt lợi và hại. Mặt tích cực là nó mang lại những lợi ích về tài chính trong ngắn hạn. Giảm tải được số tiền lương khổng lồ của siêu sao người Argentina sẽ giúp đội bóng xứ Catalunya rất nhiều trong giai đoạn COVID-19 đã để lại ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Mặt khác, tất nhiên không còn Messi sẽ ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác của CLB như bán áo thi đấu, bán vé thi đấu, đàm phán các hợp đồng thương mại. Điều đáng nói, hợp đồng hiện tại của Barca với 2 nhà tài trợ Rakuten và Beko cũng sẽ hết sau mùa giải 2020/2021 - thời điểm Messi cũng trở thành cầu thủ tự do. Trong khi đó trên sân cỏ, chắc chắn các Cule sẽ nhớ những phép thuật mà chủ nhân 6 Quả bóng vàng đã thi triển suốt hơn 15 năm qua.
 
Thế nhưng Barcelona sẽ cần phải sớm làm quen với việc không có Messi. Dù sao El Pulga cũng đã 34 tuổi và như chính anh thừa nhận những năm tháng rực rỡ cũng không còn nhiều. Barca sẽ chuệch choạc và chênh vênh khi không còn siêu sao người Argentina trong đội hình, như Manchester United hậu kỷ nguyên Sir Alex Ferguson hay Real Madrid khi Cristiano Ronaldo chuyển tới Juventus.
 
Barcelona sẽ không thể sống mãi dưới cái bóng Messi. Càng sớm quen với viễn cảnh không Messi, họ sẽ càng sớm tìm lại khí chất và sự vĩ đại đích thực của mình.
 
CG

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Liverpool đứng đầu Premier League: Niềm tin cho Arne Slot

Lội ngược dòng trước Brighton với chỉ 3 phút bằng 2 bàn thắng chớp nhoáng của Cody Gakpo và Mohamed Salah, Liverpool của Arne Slot đã giành lại ngôi đầu giải ngoại hạng Anh sau khi vòng đấu thứ 10 khép lại. Khoảng cách giờ là 2 điểm với những nhà đương kim vô địch Manchester City và là 7 điểm đối với kẻ được xem là ứng cử viên số 2 mùa này Arsenal.

Chuyện gì đang xảy ra với Arsenal?

Hành quân đến Newcastle với tâm thế không thật sự thoải mái sau những lần hụt chân liên tiếp gần đây khiến cho kết quả mà Arsenal phải nhận trước những người chủ nhà thực ra không quá bất ngờ với những ai am tường về Arsenal lẫn ngoại hạng Anh. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang dần lan rộng ở Emirates?

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Đứng đầu Bundesliga và bất bại, Bayern Munich dường như đã tiến bộ hơn so với thời Thomas Tuchel. Tuy nhiên, tại Champions League lại là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược và đáng xấu hổ sau khi đoàn quân của Vincent Kompany phải nhận một thất bại tồi tệ trước Aston Villa (0-1) và một trận thua thảm hại trước Barcelona của Hansi Flick (1-4).

Per Mertesacker bóc tách chính sách đào tạo trẻ của Arsenal: "U8 là lứa tuyển trạch quan trọng nhất!"

Bukayo Saka, Ethan Nwaneri, và Myles Lewis-Skelly chia sẻ nhiều nét tương đồng. Dễ nhận ra nhất, cả ba đều là sản phẩm của học viện Arsenal và hiện đang là thành viên đội hình chính dưới sự dẫn dắt của Mikel Arteta. Họ cũng đều thuận chân trái, đa năng, quyết tâm và đầy tài năng.

Ánh hào quang của quá khứ liệu đã trở lại với Barca?

Trong những năm gần đây, quả thật chẳng có mấy điều được coi là niềm vui dành cho người hâm mộ Barcelona. Nhưng với những gì các cầu thủ của Hansi Flick đã thể hiện ở đầu mùa này, liệu ánh hào quang ngày nào của cái tên Barcelona có thể trở lại trên bản đồ bóng đá thế giới?