Barcelona: Cú ngã, giọt nước mắt và tương lai phía trước

Tác giả Phương GP - Thứ Năm 20/04/2017 17:48(GMT+7)

Barcelona bị Juventus loại khỏi đấu trường Champions League. Đó không phải là chuyện lạ. Bóng đá có thắng có thua. Có người vinh quang, có kẻ bại trận.
Barcelona: Cú ngã, giọt nước mắt và tương lai phía trước
Âu đó hoàn toàn là chuyện bình thường. Mà đôi khi chính sự đối lập cảm xúc ấy mới khiến người ta yêu mến bộ môn này, và tình yêu ấy ngày càng lớn hơn theo thời gian.
 
Thế nhưng, trong hình ảnh của những người thất bại đêm qua ở Camp Nou. Chúng ta chợt nhận ra hai cảnh tượng thật lạ kỳ: thứ nhất là cú ngã có phần “rợn người” của Messi, và thứ hai là hàng nước mắt nghẹn ngào của Neymar. Ngã khi tranh chấp, khóc khi thua cuộc. Điều ấy vẫn thường thấy trên sân cỏ đấy thôi. Vậy tại sao người viết lại nói nó lạ?
Cú ngã của Messi rạng sáng nay
Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh một Messi thiên tài ở bộ môn bóng đá. Anh chơi bóng như thể được lập trình trong DNA của cơ thể. Messi muốn bóng di chuyển ra sao thì bóng sẽ di chuyển như thế ấy. Thậm chí người hâm mộ còn tin rằng, Messi có khả năng đọc trước tình huống bóng. Dẫn dắt đối thủ theo bước di chuyển của mình. Bởi thế mà anh không cần những pha bóng màu mè để vượt qua đối phương. Cách đi bóng lắt léo, tinh quái rất điển hình của người Argentina. Và Messi hay ở chỗ, anh biến cách đi bóng ấy thành nghệ thuật. Khiến người xem ngả mũ trước cái đẹp của nó, thay vì những hình ảnh tinh quái mang thương hiệu của những tài năng sinh ra bên cạnh dãy Aldes.
 
Thế nên, người hâm mộ ít thấy Messi gục ngã trên sân bóng. Có thể bị phạm lỗi, có thể chấn thương, có thể cáng ra sân khi không còn có thể đứng dậy. Nhưng đó là vì anh bị phạm lỗi khi bóng đang trong chân. Khi các đối thủ không biết làm gì hơn để lấy lại bóng từ đôi chân thiên tài. Mặt Messi cũng đã từng rớm máu. Nhưng đó là khi anh nhận phải một pha cùi chỏ trúng mặt khi vượt qua đối phương. Vậy mà sáng nay, Messi vì tranh chấp bóng, đã ngã đập mặt xuống sân đến mức sưng tím và choáng váng. Ấy không phải chuyện lạ hay sao?
 
Còn về phần Neymar, chúng ta không lạ gì với hình ảnh một cầu thủ tinh nghịch và hài hước. Trên khuôn mặt hiện rõ sự hồn nhiên chơi bóng, khiến ai cũng có cảm giác hoan hỷ mỗi lần thấy anh trên truyền hình. Neymar là hiện thân cho chất Samba thế hệ mới. Những vũ điệu trẻ trung của Costa, Coutinho hay Firmino đang gieo rắc ở mọi nơi. Người hâm mộ đã từng thấy Neymar khóc. Nhưng đó là hàng nước mắt hạnh phúc ở Maracana khi giúp Brazil lần đầu đạt được huy chương vàng Olympic.
Không còn là những giọt  nước mắt hạnh phúc ở đêm giành huy chương Olympic nữa
Việc một cầu thủ còn trẻ và tài năng như Neymar, thất bại ở trận vòng tứ kết Champions League mà cay đắng đến không cầm nỗi nước mắt thì quả là hiếm hoi. Thậm chí anh còn đang thi đấu tại Barcelona, cơ hội giành cúp bạc hãy còn rất nhiều. Vì thế cái lạ ở đây là có vẻ như Neymar không khóc vì anh thua cuộc, mà nguyên nhân thật sự hẳn phải cần bóc nhiều lớp vỏ mới thấy được.
 
Trận thua của Barcelona đêm qua càng củng cố hơn luận điểm của giới chuyên gia: thời khắc cáo chung của thứ bóng đá thống trị mười năm qua đã điểm. Thứ bóng đá của Pep đang đến hồi kết. Nó được cụ thể bằng sự thoái trào có thể nhận ra được ở Barcelona. Thứ bóng đá dựa nhiều vào những thiên tài bóng đá, đầu óc tư duy tốt và kỹ năng bậc thấy trong việc giữ bóng. Từ đó giúp họ có thể chơi như thể “bề trên”, áp đặt chiến thuật lên mọi đối thủ. Giờ đây, điều đó chỉ càng thêm hại.
 
Ba trên bốn đội bóng tại vòng bán kết đều thi đấu ở sơ đồ 4-4-2. Tức là lối chơi trực diện, cơ động. Chuyển đổi giữa phòng ngự và tấn công chớp nhoáng. Không khí trận đấu bị bóp nghẹt, không gian không còn thoải mái như trước. Vì vậy, các cầu thủ cần nhanh hơn trong khâu quyết định. Thế giới bóng đá thời nay đang dần bão hòa. Lứa cầu thủ trẻ của Barcelona không thể nào vượt trội phần còn lại như thế hệ trước để có thể chơi thứ bóng đá có phần lỗi thời. Việc thi đấu như trước đây chỉ khiến Barcelona tự đẩy mình đến như viễn cảnh của Argentina hiện tại. Phụ thuộc quá nhiều vào Messi một cách vô lý.
 
Messi là thiên tài, là báu vật. Thì dĩ nhiên anh vẫn chơi như thiên tài và báu vật của đội bóng. Nhưng thiên tài thường đồng nghĩa với việc hòa hợp với đồng đội. Ai cũng có thể thấy việc liên lạc cùng đồng đội đối với Messi là khó đến thế nào. Hình ảnh anh cặm cụi làm bóng, đi bóng và lấy bóng vẫn rất hay. Nhưng chính tấm băng đội trưởng trên tay lại khiến mọi người cảm thấy có gì đó khô cứng. Đội trưởng không phải chỉ đá hay là đủ!
Messi vẫn bất lực trước mảnh lưới Buffon
Bỗng nhiên tôi nhớ đến trận chung kết Champions League năm 2009. Khoảnh khắc mà Messi khiến thế giới kinh ngạc với pha đội đầu tung mành lưới của Van De Sar. Người chuyền cho anh là Xavi, và người đứng phía sau anh, chính là đội trưởng Puyol. Người đội trưởng lúc ấy đưa hai tay lên ôm đầu. Khuôn mặt bất ngờ và thán phục của người đàn anh ấy thật ấm áp. Messi bị rơi giày, nhưng vì không kìm nén được cảm xúc, anh cầm chiếc giày ấy và chạy đi ăn mừng trong vòng tay của những người đồng đội. À không phải! Những người anh mới đúng, những người anh sẵn sàng bảo vệ đứa “con cưng” của đội trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thiên tài là vậy, phải yên tâm trong vòng tay bảo bọc mới dễ dàng vươn tới đỉnh cao.
 
Và nhìn lại Barcelona giờ đây, khi mà MSN bị gãy cánh, không hề còn động thái nào để có thể vực dậy tinh thần được nữa. Người đội trưởng máu mặt như Puyol xưa giờ chỉ là ký ức xa xăm. Những người đàn anh như Xavi, Alves, hay Valdes chỉ còn là quá khứ. Messi với chiếc băng trên tay thật quá nặng nề.
 
Thế nhưng cú ngã sáng nay của Messi đã cho thấy điều tích cực. Nó là dấu chấm phá cho hành trình thay đổi bản thân của anh trong hai năm trở lại đây. Để gột rửa đi hình ảnh cũ. Anh xăm mình, nhuộm tóc và để râu. Anh đứng khoanh tay bảo vệ đồng đội trước báo giới. Và giờ đây trên sân, anh xả thân cho đội bóng và đồng đội của mình. Khuôn mặt tím tái, sưng lên vì va đập nhưng Messi mặc kệ. Vẫn cố gắng thi đấu cho đến giây phút cuối cùng. Anh không còn chiến đấu vì bản thân, vì bộ môn mà anh theo đuổi bằng lý trí. Mà con tim anh nóng hổi đập cho tương lai đội bóng của mình.
Nỗ lực của Neymar ở trận lượt về là không đủ
Và tuy thất bại nhưng vẫn còn đâu đó niềm an ủi cho Messi. Đó là khi Neymar òa khóc. Giọt nước mắt của sự hối hận, ngậm ngùi trong bất lực trước bức tường Turin còn vững hơn thành Troy huyền thoại. Neymar khóc vì anh không thể cống hiến được sức lực của mình. Không thể cùng người đàn anh lẽ ra phải tìm mọi cách lấy lợi thế từ trước ở trên sân khách. Giọt nước mắt của niềm khát khao cháy bỏng được thể hiện của tuổi trẻ. Lứa tuổi không thể kìm nén được cảm xúc như Messi xưa vác chiếc giày chạy như bay trên mặt sân Olimpico. Đó là điều cần thiết đối với Barcelona lúc này, họ cần phải đổi mới và nhất là khát khao về sự đổi mới.
 
Cuối mùa giải, Lucho chắc chắn sẽ rời Camp Nou. Một con người mới sẽ về. Barcelona sẽ có những thay đổi? Thay đổi về chiến thuật, thay đổi về con người, thay đổi về tư duy? Hay cũng có thể mọi thứ sẽ lại như cũ. Nhưng dẫu sao giờ đây, với thất bại này thì các cule cũng tự tìm thấy cho mình niềm hy vọng mới. Khi sự thay đổi cần thiết nhất đã đến. TINH THẦN VÀ NIỀM KHÁT KHAO. 

PHƯƠNG GP (TTVN)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.