Barcelona: 5 năm chuyển nhượng sai lầm và sự xuống cấp của 1 Đế chế

Tác giả Elflaco - Thứ Bảy 08/08/2020 14:56(GMT+7)

5 năm, Barca từ vị thế SỐ MỘT trên hầu như tất cả các phương diện trở thành một tập thể không-đủ-chất-lượng để chinh phục đỉnh cao trên sân cỏ cùng vô số vấn đề trong nội tại CLB. Cần bao nhiêu thời gian để BLĐ mới có thể đưa Barca trở lại?

Thành tích sân cỏ, bao gồm những thất bại liên tiếp ở vòng knock-out Champions League và việc hụt hơi trong cuộc đua vô địch La Liga với Real Madrid mùa này là bằng chứng cho thấy sự suy giảm rất lớn ở chất lượng đội hình Barcelona trong vài năm trở lại đây.

Bất chấp một thực tế, dù đã chi rất nhiều để đưa về Nou Camp những thương vụ bom tấn nhưng thành bại của Barcelona rốt cuộc vẫn chỉ phụ thuộc vào những cái tên muôn năm cũ: Lionel Messi, Sergio Busquets, Gerard Pique, Luis Suarez, Jordi Alba.
Hè 2014 là kỳ chuyển nhượng gần đây nhất mà Barca tăng cường lực lượng với kế hoạch thực sự nghiêm túc. Luis Suarez, Marc-Andre Ter Stegen và Ivan Rakitic đã cập bến Nou Camp từ “phiên chợ’ này. Họ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, đặt những dấu ấn quan trọng và cùng nhóm sao số của Barca giành cú ăn ba Champions League – La Liga – Copa de Rel chỉ sau 1 năm.
Kể từ đó, Barca đã chi hơn 800 TRIỆU euro cho các thương vụ mua cầu thủ mới. Rất nhiều trong số này là những cầu thủ đứng Top về giá chuyển nhượng, như Ousmane Dembele, Philippe Coutinho hay Antoine Griezmann. Nhưng khoảng trống mà nhóm ngôi sao cựu trào đã rời Nou Camp, Andres Iniesta, Xavi, Dani Alves hay Javier Mascherano để lại thì hoàn toàn không được lấp đầy.
Trừ Neymar (đầu quân PSG 3 năm trước) những nhân vật chính của cú ăn ba 2014/15 giờ vẫn là cột xương sống của Barcelona mùa này: Messi, Busquets, Pique, Suarez, Rakitic. Tất cả đều đã bước qua tuổi “băm”. Dấu ấn về tuổi tác, về sự suy giảm trí lực ở nhóm công thần này đã được đặc tả một cách rõ ràng trong giai đoạn La Liga 2019/20 thi đấu với tần suất 3 ngày/trận. Hậu quả nhãn tiền: Barca bị Real Madrid ngược dòng và lấy chức vô địch.
Một cú trượt chân nữa, trên sân nhà, trước Napoli ở lượt về vòng 1/8 Champions League sẽ là tiếng chuông báo động cho thực trạng và viễn cảnh đầy u ám ở Barcelona. Nhưng chẳng phải vài năm qua, Nou Camp đã không ít lần gióng lên những thanh âm S.O.S tương tự hay sao?
********
Chưa đầy 2 tháng sau cú ăn ba, Barcelona hứng chịu đòn đánh đầu tiên. Án cấm chuyển nhượng Hè 2015 từ FIFA, do những vi phạm liên quan đến hoạt động mua cầu thủ trẻ. Thực tế này khiến 2 tân binh mà Barca đã ký hợp đồng từ trước đó, tiền vệ Arda Turan và hậu vệ phải Aleix Vidal, không được phép thi đấu cho CLB chủ sân Nou Camp cho tới cuối tháng 1 năm sau.
Khi cặp đôi này đủ điều kiện để ra sân, họ cũng không xứng đáng với tổng số tiền 51 triệu euro mà Barca đã chi ra. Vidal tái hồi Sevilla năm 2018 còn Turan thì chấn thương và những rắc rối ngoài sân cỏ (trong thời gian cho mượn tại Istanbul Basaksehir) còn nhiều hơn giá trị đóng góp của anh tại Nou Camp.
Hè 2016, 125 triệu euro được chi ra cho 6 tân binh: Andre Gomes, Paco Alcacer, Samuel Umtiti, Lucas Digne, Jasper Cillessen và Denis Suarez. Hậu vệ Umtiti là cái tên duy nhất có thể ra sân trong trận lượt về gặp Napoli ở Champions League, tất nhiên là nếu anh kịp bình phục chấn thương. Tất cả 5 cái tên còn lại đều đã rời Nou Camp!
Đúng 12 tháng sau, Neymar dứt áo rời Barca để gia nhập PSG với mức phí 222 triệu euro (phá vỡ Hợp đồng). Để rồi sau đó CLB chủ sân Nou Camp sa lầy vào serie những vụ “panic-buy” trong. 375 triệu euro. Cho 7 cầu thủ mới: Ousmane Dembele, Philippe Coutinho, Paulinho, Nelson Semedo, Yerry Mina, Gerard Deulofeu và Marlon. 5 trong số đó đã rời đi, Dembele chấn thương dài hạn và Semedo là cầu thủ duy nhất có đóng góp nhất định mùa này.
Mùa giải 2018/19, Barca có thêm 5 chữ ký mới với tổng chi 129 triệu euro: Malcom, Clement Lenglet, Arthur, Arturo Vidal và Jeison Murillo (mượn kèm điều khoản tùy chọn mua đứt). Kỳ chuyển nhượng này có lẽ là thành công hơn cả bởi Lenglet dần đang là trụ cột ở Nou Camp, Vidal vẫn chứng tỏ được đẳng cấp trong vai trò dự bị chiến thuật và Arthur dẫu không thể trở thành một Xavi mới, ít ra cũng đem lại cho Barca 80 triệu euro sau thương vụ bán cho Juventus.
Mùa này, tính cả 2 kỳ chuyển nhượng Hè 2019 và Xuân 2020, Barcelona đã tiêu tốn 273 triệu euro cho tổng cộng 7 cái tên: Antoine Griezmann, Frenkie de Jong, Martin Braithwaite, Neto, Junior Firpo, Emerson và Marc Cucurella. Trong số này, de Jong hứa hẹn có tương lai xán lạn dù anh chưa được chơi ở vị trí có thể phát huy hết tiềm năng và cũng dính chấn thương trong hơn 1 tháng cuối mùa. Griezmann, trong khi đó, là trung tâm của những luồng quan điểm trái chiều.
Tóm lại, rất – rất nhiều tiền đã được Barcelona đổ vào các “phiên chợ” chuyển nhượng. Nhưng tuyệt nhiên, chưa một ai trong số hơn 30 cầu thủ cập bến Nou Camp trong 5 năm qua xứng đáng được coi là 100% thành công. Nhiều người đã rời Barca và sau đó tỏa sáng trong màu áo khác. Coutinho và Dembele có thừa tài năng nhưng người thì không phù hợp với hệ thống thi đấu tại Barca, kẻ chấn thương liên miên. Griezmann và de Jong là những cái tên đáng kỳ vọng nhất hiện tại nhưng thực tế vẫn chưa hòa nhập đủ dầy ở Nou Camp, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Thực tế đó nói lên điều gì? Sự quản lý yếu kém của BLĐ hiện tại, những bất đồng mâu thuẫn trong cấu trúc thượng tầng CLB dẫn tới đường hướng chuyển nhượng sai lầm nối tiếp sai lầm!
********
Tất nhiên, trong hoạt động chuyển nhượng, chẳng CLB nào dám vỗ ngực tự hào rằng họ “chẳng bao giờ sai”. Song hành cùng những thương vụ mua cầu thủ thành công là nhiều hơn những chữ ký thất bại. Không CLB bóng đá nào là không mắc sai lầm trong chuyển nhượng. Nhưng có những CLB sai lầm nhiều hơn, với tần suất dày đặc hơn, từ năm này qua năm khác. Barca của 5 năm qua chính là điển hình tiêu biểu!
Cần trở lại với xuất phát điểm của Barca sau cú ăn ba 2015. Họ là đội bóng xuất sắc nhất Thế giới, đứng Top đầu ở doanh thu, cũng là CLB bóng đá có quỹ lương khủng nhất. Chưa kể việc được chơi bên cạnh siêu sao đương đại Messi luôn tạo ra sức hút đặc biệt với bất kỳ cầu thủ nào. Hấp lực của Barca là vô cùng lớn.
Đúng là bóng đá Thế giới đã thay đổi với việc xuất hiện những siêu CLB được chống lưng bởi các tỷ phú, như Man City hay PSG, nhưng chính Barca – chứ không phải tác động từ ngoại cảnh hay đối thủ - đã tự “thổi bay” vị thế thống trị của họ. Bởi những sai lầm liên tiếp trong hoạt động chuyển nhượng!
Đội hình một của Barca liên tục thay đổi mùa này qua mùa khác nhưng chất lượng không tăng trong khi tính kế thừa thì rất thấp. Nguyên nhân chính là bởi sự bất ổn ở vị trí Giám đốc bóng đá/thể thao cùng những mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ “đầu não” CLB.
Đặc biệt là kể từ sau khi Andoni Zubizarreta rời vị trí Giám đốc bóng đá, chuyện mua-bán cầu thủ của Barca là một mớ bòng bong với rất nhiều cái tên góp phần: chủ tịch Josep Maria Bartomeu, các thành viên hội đồng quản trị Javier Bordas - Jordi Mestre, cố vấn cấp cao Raul Sanllehi (giờ đã ở Arsenal), các các giám đốc-thư ký kỹ thuật Robert Fernandez, Ramon Planes, Eric Abidal, giám đốc điều hành Oscar Grau, thêm tổng giám đốc Pep Segura.
Không ai có thể biết chính xác trong nhóm gần chục quan chức nêu trên của Barca, vị nào là người đưa ra quyết định cuối cùng cho hoạt động chuyển nhượng của CLB xứ Catalan. Và hãy nhớ rằng, đó là một nhóm không hề cùng nhìn về một hướng, bằng mặt không bằng lòng!
Nếu như Zubizarreta từng có sự gắn kết chặt chẽ với Pep Guardiola rồi Luis Enrique – cũng là đồng đội và bạn thân lâu năm trong việc xác định những vị trí, cầu thủ cần bổ sung để nâng cấp chất lượng đội một thì điều tương tự đã không tồn tại sau khi ông bị sa thải vào tháng 1/2016.
Những cái tên kế nhiệm Enrique, từ Ernesto Valverde đến Quique Setien hiện tại đều không hoặc có rất ít tiếng nói trong các vấn đề chuyển nhượng. Họ, những HLV là người hiểu rõ nhất tập thể này thiếu gì và cần gì. Nhưng giữa họ và cấp có thẩm quyền quyết định hoạt động mua/bán cầu thủ là một bức tường vô hình. Mối liên lạc quan trọng nhất bị đứt gãy và hậu quả là đường hướng chuyển nhượng hỗn loạn trong nhiều năm dài.
Quique Setien
********
Barca - đội bóng phụ thuộc vào các “bô lão” ấy -  vẫn giành 3 chức vô địch Tây Ban Nha trong 5 mùa giải kể từ sau cú ăn ba 2015. Nhưng thành công ở đấu trường quốc nội mà Barca đạt được trước năm nay, ngoài việc đến từ nỗ lực không thể đong đếm ở cả trong và ngoài sân cỏ của nhóm công thần Messi-Pique-Busquets-Suarez còn xuất phát bởi sự sa sút của Real Madrid thời hậu Ronaldo và việc Atletico Madrid đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp sau khi lần lượt chia tay những ngôi sao của thế hệ vô địch La Liga 2013/14.
Nhưng nếu như Real đã có sự chuẩn bị tốt với một lứa cầu thủ trẻ trung đầy tiềm năng sẵn sàng chinh phục các đỉnh cao kết hợp cùng nhóm cựu binh vẫn chơi thứ bóng đá ở đẳng cấp hàng đầu – minh chứng là danh hiệu vô địch La Liga mùa này thì Barca… đang đi thụt lùi so với chính họ.
Sự sa sút của Barca, ở chất lượng, bản lĩnh và vị thế, thể hiện rõ ràng hơn nhiều tại đấu trường Champions League, qua những thất bại liên tiếp gần như theo cùng một cách (bị ngược dòng ở lượt về sân khách) ở 4 mùa giải gần đây.
Khi mùa giải này chính thức khép lại, Setien hoàn toàn có thể trở thành HLV tiếp theo của Barca mất việc. Còn BLĐ Barca, như thường lệ, lại tiếp tục đưa ra những quyết định chuyển nhượng “đi vào lòng đất”. Arthur sang Juventus, đổi lại Barca có thêm một cầu thủ tuổi băm nữa: Miralem Pjanic.
Hi vọng lớn nhất của các cule lúc này chính là, dù sao họ cũng sẽ chỉ phải “chịu đựng” chủ tịch Josep Bartomeu cùng bộ sậu của ông thêm gần 1 năm nữa thôi. Những đổi thay lớn lao sẽ đến sau cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch và BLĐ mới Barca vào mùa Hè 2021.
5 năm, Barca từ vị thế SỐ MỘT trên hầu như tất cả các phương diện trở thành một tập thể không-đủ-chất-lượng để chinh phục đỉnh cao trên sân cỏ cùng vô số vấn đề trong nội tại CLB. Cần bao nhiêu thời gian để BLĐ mới có thể đưa Barca trở lại?
Lược dịch: What’s going wrong at Barcelona? (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.