Tiqui-taca, không gì khác hơn là tiếng tik-tak của đồng hồ, tiếng thời gian trôi đều đặn và liên hồi. Tiqui-taca, cũng không gì khác hơn ngoài tên một lối chơi trong bóng đá, mà ở đó các đường chuyền liên tục và như theo nhịp được đưa ra không ngừng nghỉ, với mục tiêu tối thượng là giành quyền kiểm soát thế trận.
|
Đêm nay sẽ là ngày Pep đưa tiqui-taca vào quá khứ? |
Pep Guardiola đã từng rất nổi tiếng với tiqui-taca cùng Barcelona trong giai đoạn 2008-2012. Thú vị thay, chiến lược gia 45 tuổi lại rất ghét cái tên mà người ta gán cho lối chơi của ông. Pep chưa bao giờ gọi lối chơi định hướng vị trí, ghép đội hình 11 người thành vô số các tam giác đổi đỉnh và tấn công ở phía ít quân số làm bất ngờ đối phương của mình theo cách như thế. Hôm nay, ông về lại mái nhà Camp Nou, nơi đã chắp cánh cho sự nghiệp cầu thủ cũng như sự nghiệp cầm quân của mình cùng với Manchester City, một đội bóng mà lối chơi của họ chưa bao giờ được coi là tiqui-taca. Dù Pep thắng hay thua, thì cái tên ấy cũng đã đủ tuổi để được cất vào quá khứ rồi…
MỘT TIQUI-TACA MẤT ẢNH TẠI CAMP NOU
Barcelona của Jose Enrique là một Barcelona rất “thẳng”; thẳng trong lối chơi, và thẳng trong cả phòng thay đồ. Không giống với những người tiền nhiệm, cựu tiền vệ sinh năm 1970 không phải một người thích giao lưu cá nhân với các cầu thủ trong các sự kiện lớn. Thời gian ông giao tiếp với các học trò nhiều nhất là trong phòng họp. Enrique tập trung cả đội, đi vào truyền đạt trong 10 phút rồi lại đi ra, với những thông điệp không thể nào rõ ràng hơn.
"Cậu sẽ ra sân, còn cậu sẽ nghỉ.”
"Chúng ta sẽ phủ đầu đối phương.”
"Chúng ta sẽ chơi phòng ngự phản công.”
“Hai cánh đừng đứng cao quá."
Đó là cách mà Enrique giao tiếp với các cầu thủ, cách giao tiếp của một con người đắm chìm vào công việc, nghiêm túc và khảng khái. Ai đá hay, ai đá dở, ông đều nói ngay, không vuốt ve, không rào trước đón sau, và thái độ trong những câu nói thẳng của Enrique là rất bùng nổ và đầy cảm xúc. 10 phút chỉ đạo của ông trong phòng thay đồ là 10 phút của ánh mắt đầy hào hứng khi cả đội tập tốt, của hàng loạt các động tác ngôn ngữ hình thể khi nghĩ ra một cách vận hành mới cho đội bóng, và của những câu nói phát ra với âm lượng lớn. Tất cả những sự nhiệt tâm đến bốc đồng ấy đều xuất phát từ sự tham vọng luôn chảy mạnh trong máu El Toro.
|
Luis Enrique xây dựng thành công ở Barca với một triết lý rất thẳng |
Sự tham vọng ấy được thể hiện khi ông quyết biến Barcelona từ một đội bóng tương đối vất vả tìm sự ổn định sau thời của chính Guardiola thành một tập thể được định hình rất rõ ràng. Enrique có 3 quy tắc từ khi lên nắm quyền tại Camp Nou và tuân thủ chặt chẽ: một là xoay vòng, hai là khổ luyện (mỗi buổi tập thể lực của Barca bây giờ kéo dài tới 90 phút), và ba là đa dạng lối chơi. Cá tính của Barca đã trở nên khác biệt so với quá khứ đến mức họ lên ngôi La Liga mùa trước với 34 đội hình khác nhau sau 38 vòng, đá cả phòng ngự phản công khi hoàn cảnh đòi hỏi, và đặc biệt là tấn công nhanh và trực diện hơn rất nhiều.
Mảng miếng của Los Blaugrana không còn chỉ là luân chuyển bóng nhanh và đánh lạc hướng ở 1/3 sân đối phương, mà còn là các tình huống cố định, đâm cánh, đánh đầu. Những đường đi bóng đẹp mắt, các pha đập nhả như tranh vẽ vẫn xuất hiện, nhưng không còn thường xuyên. Bởi vì với Enrique, thành công là đưa bóng vào lưới nhanh nhất có thể, là những chiến thắng trên bảng tỉ số.
Và cứ thế, tiqui-taca chỉ còn được người ta nhắc đến ở Camp Nou như một quá khứ gắn liền với Pep Guardiola.
TIQUI-TACA KHÔNG TỒN TẠI Ở XỨ SƯƠNG MÙ
Để đặt tên cho lối chơi của Man City bây giờ thì chưa thể, bởi thực sự nó mới chỉ là một bản nháp nhiều lỗi. Nhưng tiqui-taca thì chắc chắn là không phải cái tên phù hợp.
Pep vẫn đề cao một hàng thủ biết chơi chân để triển khai bóng từ sân nhà, với mục đích tối thượng là kiểm soát bóng. Thế nhưng một Guardiola phiên bản mới sau khi được tôi luyện ở mảnh đất có quá nhiều cầu thủ đá cánh tốt như Allianz Arena đã không còn chỉ xếp đội hình bằng những hình tam giác và tấn công bằng khoảng trống. Trong đội hình của Pep lúc này, một tiền đạo biết làm tường như Iheanacho luôn có chỗ đứng nhất định trong những pha bóng bổng hay chuyền dài, một đôi chân có thể làm những điều không tưởng như De Bruyne hay đầy tốc độ như Sterling được ưu tiên quyền đột phá cá nhân mà không nhất thiết phải cầm hoặc luân chuyển bóng. Pep đã linh động hơn, có trong tay nhiều bài hơn, và dù ông không thành công ở Bayern như ở Barca nhưng tư duy chiến thuật đã toàn diện hơn gấp bội.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Man City đã hoàn chỉnh. Họ vẫn chơi rất rất hay trước Everton, nhưng các ông chủ dầu mỏ Ả rập không bỏ một núi tiền ra để mua về các anh chàng kiểm soát trận đấu mà không sút vào nổi sau 2 quả penalty trong cùng 1 trận. Điểm yếu tâm lý của Man xanh, như HLV Ronald Koeman đã phân tích, không phải thứ có thể mua được. Thay đổi triết lý gần như 180 độ từ thời Pellegrini sang Guardiola, dễ hiểu khi tập thể Man xanh vốn đá bằng bật tường và bóng ngắn chứ không phải kiểm soát chưa thể bùng nổ và ổn định được như cách đây 2 năm. Cũng giống như một người chơi đàn, trước khi có thể chơi hay thì phải chơi đúng trước đã. Đó cũng chính là lý do vì sao John Stones đang đá rất tốt, bởi anh là một tân binh và có lối đá như đo ni đóng giày với triết lý của Pep. Thật nghịch lý, nhưng đó là sự thật.
|
Pep vẫn đang trên đường xây dựng một đế chế ở Etihad |
Trước trận gặp Barca, binh tướng Pep Guardiola đã dùng rất nhiều những chiêu bài để tự lên dây cót tinh thần.
“Chúng tôi không sợ Barcelona.”
“Trong đội hình của chúng tôi có rất nhiều cầu thủ hiểu Barcelona và bóng đá Tây Ban Nha.”
“Man City đủ mạnh để có điểm trên sân Camp Nou.”
Tất cả những phát biểu ấy có thể giúp họ tự tin hơn khi lâm trận, nhưng có phải chăng Pep cùng các học trò đang cần một điểm tựa cho trận chiến mà có vẻ như họ chưa sẵn sàng để lao vào, trong bối cảnh những màn trình diễn gần đây đã bộc lộ rõ các điểm yếu của họ? Điểm yếu ở một lối chơi hay nhưng chưa ở đỉnh cao nhất của nó, một hệ thống nhân sự tốt nhưng vẫn còn những điểm vênh nhất định giữa sở trường của các cầu thủ và lối đá mà ông thầy 45 tuổi theo đuổi?
Nhưng dù kết quả cuối cùng có là thế nào đi nữa, thì có lẽ cũng đã đến lúc Pep đưa thứ bóng đá tiqui-taca vào quá khứ. Để ông quên đi thất bại muối mặt của Bayern Munich trước chính các học trò cũ, để người ta thôi nói rằng ông vẫn đang sống trong hào quang ở Camp Nou, và để vượt qua cái định kiến “kẻ ăn may vĩ đại” mà những kẻ ganh ghét vẫn đặt cho ông.
VĨ THANH
Man City sẽ khó thắng Barcelona, đơn giản vì mọi yếu tố đang chống lại họ. Điểm tốt duy nhất của họ là có những người cũ của Barca cũng như La Liga và kinh nghiệm đối đầu với Barca trong quá khứ.
|
Đã đến lúc để Pep tạm biệt thứ đưa mình lên đỉnh cao? |
Pep sẽ không từ bỏ đặc trưng lối đá của mình, dù đối thủ có là ai đi nữa, chỉ có chăng Man City sẽ tập trung vào phòng thủ hơn một chút. Dẫu biết thắng Barca vào thời điểm này là rất khó, nhưng một trận thắng sẽ cho Man City cái đà để trở lại mạnh mẽ hơn gấp bội, không còn lao đao, không còn bệnh tâm lý.
Liệu động lực lớn nhường ấy sẽ bù đắp được những điểm vênh trong lối chơi? Và màn trình diễn tối nay của Man City sẽ chính thức chôn tiqui-taca vào quá khứ? Nếu có một điểm mốc để Pep chính thức đưa cái tên mà mình rất ghét về miền cực lạc, thì đó chính là đêm nay.
TEDDY(TTVN)