Ba hồi đáng nhớ của vở bi hài kịch "Everton dưới thời Farhad Moshiri"

Tác giả KDNX - Thứ Hai 24/01/2022 19:39(GMT+7)

Từng được chờ đợi sẽ đưa The Toffees ra khỏi danh xưng "đội bóng tầm trung", thế nhưng, những gì mà ông chủ người Iran đem lại chỉ là cơn ác mộng không hồi kết cùng những sai lầm khó có thể sửa chữa của ông.

 
 
Hồi 1: Sa thải Roberto Martinez

Ngày 12 tháng 3 năm 2016 đáng lẽ ra sẽ là ngày tuyệt nhất trong lịch sử hiện đại của Everton. The Toffees đánh bại Chelsea với tỷ số 2-0 bằng sự xuất sắc của Romelu Lukaku, qua đó đưa đội bóng vào đến trận bán kết FA Cup mùa giải đó. Đặc biệt hơn, trận đấu này được một CĐV đặc biệt của Everton theo dõi, một CĐV cực kỳ giàu có.
 
Farhad Moshiri dự khán trận đấu đầu tiên dưới danh nghĩa ông chủ của đội bóng sau khi chính thức mua lại 49,9% cổ phần của đội bóng. Thế nhưng, thay vì có được giấc mộng đẹp, CĐV Everton lại nhận được một cơn ác mộng khủng khiếp.
 
Mọi chuyện bắt đầu khoảng vài tháng sau đó. Moshiri quyết định tạo ra dấu ấn đầu tiên bằng việc sa thải Roberto Martinez, một quyết định không gây ra nhiều tranh cãi, bởi lẽ, HLV người Tây Ban Nha đang gặp phải rất nhiều thất bại ở khoảng thời gian đó.
 
Một trận thua đậm 4-0 trước kình địch cùng thành phố Liverpool, tiếp theo đó là trận thua ở bán kết FA Cup trước Man United, cuối cùng là hai trận thua 3-1 và 3-0 trước Leicester City và Sunderland thực sự đã đặt dấu chấm hết cho HLV của Wigan Athletic.
 
Dù vậy, Roberto Martinez vẫn là một HLV được lòng người hâm mộ sau khi có được mùa giải đầu tiên tuyệt vời với Everton. Tuy nhiên, mùa giải thứ hai thiếu hiệu quả và vị trí thứ 11 ở mùa sau đó đã chính thức tiễn ông rời khỏi sân Goodison Park trong cay đắng.

(ảnh: Sky Sports)
Đáng lẽ ra, mọi thứ sẽ trở nên tuyệt vời với Roberto Martinez, thế nhưng, những trận thua thảm họa cùng những quyết định sai lầm của ông đã khiến mái tóc của ông cứ thế thưa dần, nhất là sau khi chứng kiến những thất bại của đội nhà trong quãng thời gian đó. Vì vậy, Farhad Moshiri không thể làm gì khác ngoài việc cắt đứt mối quan hệ đầy hứa hẹn này.
 
Ronald Koeman sau đó được đem về để thay thế Roberto Martinez sau khi gây ấn tượng mạnh với ban lãnh đạo của Everton bằng việc kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6 và sau đó là thứ 7 trong 2 mùa giải dẫn dắt Southampton.
 
Một tháng sau đó, Steve Walsh, người đứng sau "phép màu" mang tên Leicester City mùa giải 2015-2016, chính thức gia nhập đội bóng với chức vụ giám đốc bóng đá. Trông thì có vẻ như đây là một cặp đôi trời định, nhưng thực tế cho thấy, đây là một sự kết hợp đầy "trái ngang."
 
Walsh ngay lập tức bắt tay vào việc bằng bản hợp đồng Idrissa Gana Gueye từ Aston Villa, một thương vụ tuyệt vời, đáng tiếc thay, nó lại là thương vụ tuyệt vời hiếm hoi trong số rất nhiều thương vụ của The Toffees.
Sau khi đem về Idrissa Gueye, Everton tiếp tục đem về Ashley Williams và Yannick Bolasie, hai bản hợp đồng có trị giá lần lượt là 12 và 26 triệu. Thế nhưng, họ lại không đạt được sự kỳ vọng của giới chủ Everton thời điểm đó.
 
Williams bước vào tuổi 32 chỉ vài ngày sau khi ký kết hợp đồng, vì vậy, anh chỉ thi đấu 70 trận cho Everton, sau đó là mùa giải 2017-2018 đầy thảm họa, mùa giải đánh dấu sự đi xuống về mặt phong độ cũng như khả năng thi đấu của cầu thủ người xứ Wales.

Hồi 2: Sự trở về của đứa con đất Cảng và thảm họa hàng phòng ngự
 
Mùa giải 2016-2017 cứ thế trôi qua cho tới kỳ nghỉ Giáng Sinh. Ban đầu, Ronald Koeman có được màn ra mắt tuyệt vời, nhưng khi Romelu Lukaku dần không hợp tác với ông, cùng với đó là việc dựa quá nhiều vào các bàn thắng phút bù giờ và thủng lưới liên tục đã khiến Everton không thể bứt tốc khi năm 2017 bắt đầu.
 
Bản hợp đồng 24 triệu Bảng mang tên Morgan Schneiderlin, cùng với đó là Tom Davies đã giúp Everton cải thiện rất nhiều hàng tiền vệ, vì vậy, kết quả bắt đầu trở nên khả quan hơn. Họ chỉ để thua 2 trận trong chuỗi 17 trận sau ngày Giáng Sinh để bảo toàn vị trí thứ 7, vị trí đủ để dự Cup Châu Âu. Tuy nhiên, chừng đấy là chưa đủ để giữ chân Romelu Lukaku, ngôi sao chính trong đội hình của họ.
 
Sau khi có được 25 bàn thắng, cầu thủ người Bỉ bắt đầu muốn tìm kiếm một thứ gì mới mẻ, vì vậy, anh quyết định chuyển đến Man United với mức giá 90 triệu Bảng. Ngay sau đó, Bill Kenwright, chủ tịch của CLB, đã thể hiện tham vọng đem trở lại Wayne Rooney, đứa con vĩ đại một thời của sân Goodison Park.

 
Dù ảnh hưởng của Wayne Rooney không nhiều, anh vẫn không phải là thương vụ tệ nhất của Everton ở kỳ chuyển nhượng năm đó. Đầu tiên phải kể đến Sandro Ramirez, người gia nhập Everton với mức giá 5,25 triệu Bảng nhưng lại có mức lương 120.000 Bảng một tuần. Tiếp theo là Michael Keane, bản hợp đồng trị giá 25 triệu Bảng, kế đến là Davy Klaasen với giá 24 triệu Bảng. Cuối cùng là Cuco Martina, người đến dưới dạng tự do. Tuy nhiên, bản hợp đồng này vẫn được xem là một thất bại của Everton.
 
Trong khoảng thời gian này, Gylfi Sigurdsson là bản hợp đồng kỷ lục duy nhất của CLB với mức giá 45 triệu Bảng, một mức giá khá cao với một cầu thủ chuẩn bị bước vào tuổi 28 như anh.
 
Dù đội hình Everton thời gian đó là một tập hợp của những ngôi sao đắt tiền, The Toffees vẫn không thể thoát khỏi cái mác "đội bóng tầm trung", một phần vì đội hình của họ thiếu sự cân bằng giữa các tuyến khi có đến 3 tiền vệ công gia nhập sân Goodison Park ở mùa giải này dù trước đó HLV Ronald Koeman đã chuyển qua sử dụng sơ đồ 5-2-3 ở nửa cuối mùa giải 2016-2017.
 
Tuyến giữa chật chội là thế, nhưng ở khu vực cánh, đặc biệt là cánh trái, Everton chỉ có thể dựa vào Leighton Baines, cầu thủ vừa bước vào tuổi 33, trong khi đó, Cuco Martina lại cho thấy anh không thể trám vào vị trí của Seamus Coleman bên hành lang cánh phải mỗi khi cầu thủ người Ai-len gặp chấn thương.
 
Càng về sau, Everton càng dựa nhiều vào một hệ thống phòng ngự 4 người với Martina ở cánh trái, một Ashley Williams già nua bên cạnh một Mason Holgate thiếu kinh nghiệm, trong khi đó, Jonjoe Kenny được xếp ở vị trí cánh phải.
 
Thực sự, khi bạn bỏ ra số tiền 150 triệu Bảng cho một mùa hè, chắc chắn hàng phòng ngự của bạn phải tốt hơn rất nhiều, thế nhưng, ở Everton, chúng ta lại thấy điều ngược lại.
 
 Hồi 3: Hết Carlo Ancelotti rồi lại đến Rafael Benitez
 
Sau khi chia tay Marcos Silva, chủ tịch Farhad Moshiri quyết tâm đem về một cái tên lớn trên băng ghế huấn luyện để dẫn dắt cái tập thể trẻ trung do ông xây dựng. Rất nhiều cái tên đã được gợi ý cho ông chủ người Iran. Rút cục, ông chọn ra một cái tên mà theo ông phù hợp nhất với The Toffees lúc này, đó là Carlo Ancelotti.
 
Không cần phải nói quá nhiều về Carlo Ancelotti, bởi lẽ, ông đã quá nổi tiếng với NHM bóng đá rồi. Thế nhưng, HLV người Italia lại tiếp tục trở thành một kế hoạch thất bại nữa của Farhad Moshiri trong khoảng thời gian làm ông chủ của Everton. Bởi lẽ, ông chỉ có thể đem về Carlo Ancelotti, nhưng lại không thể trao cho HLV người italia những nhân sự phù hợp. Vì vậy, thay vì có được một viễn cảnh đẹp với Ancelotti, Farhad Moshiri lại một lần nữa rơi vào cơn ác mộng.

 
Tiền lại đổ vào thị trường chuyển nhượng, đầu tiên là James Rodriguez, bản hợp đồng gây sốc giới làm bóng đá thời điểm đó, tiếp theo là Allan và Abdoulaye Doucoure, cuối cùng là Ben Godfrey tới từ Norwich.
 
Dù Everton thời kỳ này không thu được nhiều thành công, nhưng dẫu sao đi nữa, đây vẫn được xem là thời kỳ ổn định về mặt thành tích nhất so với các thời kỳ trước đó. Tuyệt vời hơn, Everton còn đánh bại được Liverpool lần đầu tiên kể từ năm 1999, tiếp sau đó là những  chiến thắng trước Arsenal và Tottenham Hotspurs trên sân khách. Thế nhưng, những điều trên vẫn không thể giữ chân HLV người Italia ở lại với sân Goodison Park sau khi Real Madrid quyết định đưa ông về thay thế Zinedine Zidane, người tuyên bố rời khỏi Real Madrid ở cuối mùa giải 2020-2021.
 
 Một lần nữa, thói tiêu xài hoang phí của Farhad Moshiri lại được kích hoạt. Lần này, ông chủ người Iran quyết định đem về Rafael Benitez, cái tên từng là kình địch số 1 của đội bóng áo xanh Đất Cảng. Dù thương vụ này đã bị phản đối rất gay gắt bởi các CĐV Everton, nhưng khi ông chủ của họ đã ra quyết định, họ khó có thể nào từ chối.
 
Và cũng như mọi bản hợp đồng thất bại trên băng ghế huấn luyện trước đó của Everton, Rafael Benitez lại phải khăn gói rời khỏi sân Goodison Park sau 22 trận đấu ở mùa giải này, một mùa giải chứng kiến việc Everton rớt xuống vị trí thứ 16 trên bảng xếp hạng Premier League, một vị trí khó có thể chấp nhận được với các CĐV Everton cũng như giới chủ của họ.
Rafael Benitez đã bị sa thải, nhưng vấn đề của Everton không chỉ nằm ở HLV
Nếu việc chơi xổ số cũng dễ như việc đoán xem bao giờ mình mất việc, có lẽ giờ Rafa Benitez đang thư giãn ở điểm đến quen thuộc Crete, Hy Lạp cùng với một ly...
 
Hạ màn
 
Mùa giải phía trước vẫn còn dài, Everton vẫn còn tới 16 trận đấu nữa để cố gắng. Tuy nhiên, cũng giống như Man United, đội bóng vẫn đang chật vật với những khoản đầu tư sai lầm của mình, The Toffees vẫn chưa thể tìm ra hướng đi phù hợp để thoát khỏi sự vô định do chính họ tạo ra bởi những quyết định sai lầm dưới thời Farhad Moshiri, một điều thực sự đáng buồn với một đội bóng đang được đầu tư rất nhiều tiền của như nửa xanh thành Liverpool.
 
Có lẽ, bài học lớn nhất mà các đội bóng được các ông chủ giàu có nên học từ Everton đó là: đầu tư nhiều tiền thôi là chưa đủ, mà phải xem xét kỹ lưỡng xem các khoản đầu tư của mình có phù hợp với đội hình hay chiến lược mà các HLV đề ra hay không. Bởi lẽ, có được những ngôi sao hàng đầu nhưng lại không thể định hình được lối chơi hay phong cách thì đội bóng sẽ nhanh chóng sụp đổ khi những kết quả bất lợi bắt đầu đến với đội bóng đó.
 
Lược dịch từ Breaking The Lines
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.