Atletico Madrid của Simeone trong dòng chảy bóng đá hiện đại

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 18/02/2020 17:10(GMT+7)

Zalo

Công tác chuyển nhượng gần đây của Atlético Madrid – bán đi những ngôi sao đã lớn tuổi như Gabi, Diego Godín và Juanfran và thay thế họ bằng những cái tên hào nhoáng, phô trương hơn như João Felix và Thomas Lemar – đã cho thấy một nỗ lực để đưa câu lạc bộ lột xác khỏi cái hình ảnh khắc khổ, xù xì, gai góc xưa cũ mà Spinetto luôn đề cao, và hướng đến một thứ gì đó hấp dẫn, hào nhoáng hơn ngay lập tức.

Đường lối chuyển nhượng gần đây đã cho thấy đội bóng La Liga này có thể đang hướng đến một cách tiếp cận cởi mở hơn trong thế giới bóng đá. 

Atletico Madrid của Simeone trong dòng chảy bóng đá hiện đại hình ảnh
 
Thế giới bóng đá đỉnh cao đang thiên về tấn công hơn bất cứ giai đoạn nào kể từ khi tính hệ thống hóa bao trùm lên môn thể thao này vào giữa thập niên 60. Trong khoảng thời gian từ mùa giải 1994/1995 – khi Champions League lần đầu tiên có thêm vòng tứ kết sau vòng bảng – đến mùa giải 2007/2008, chỉ có vỏn vẹn 2 mùa giải mà trong đó có trung bình nhiều hơn 3 bàn mỗi trận ở giai đoạn knock-out. Nhưng kể từ đó trở đi, chỉ có duy nhất một mùa giải mà mức trung bình đó không cao hơn con số 3.0, và ba mùa gần đây đều trên 3,5.
 
Sau khi “thương hiệu” José Mourinho đi đến suy tàn, chỉ còn tồn tại duy nhất một trường hợp ngoại lệ thật sự trong cái xu hướng đó: Atlético Madrid, đội bóng sẽ đối đầu với Liverpool tại đấu trường Champions League vào đêm nay. Trong cả hai lần lọt vào trận chung kết của đấu trường danh giá nhất châu Âu trong thập kỷ qua, câu lạc bộ La Liga này đều thi triển một thứ bóng đá đã gắn liền với họ kể từ sau khi được dẫn dắt bởi Diego “Cholo” Simeone, được biết đến với cái tên “Cholismo”, một thuật ngữ được sáng tạo ra bởi nhà báo Mario Torrejón vào năm 2012, để đối trọng chủ nghĩa thực dụng cơ bắp của họ với “Tiki taka” của Pep Guardiola tại Barcelona. 
 
Cần phải nhấn mạnh rằng, Guardiola cực kì ghét hai chữ “Tiki Taka”, một cái tên được đặt ra vào những năm 1980 bởi Javier Clemente với dụng ý chế nhạo – sau khi vị huấn luyện viên trưởng của Athletic Bilbao được chứng kiến nó – những đường chuyền “tippy-tappy” vô nghĩa của gã đối thủ lừng lẫy đến từ Camp Nou. Phiên bản nguyên gốc của thứ bóng đá này đã dần chìm vào bóng tối khi mà đến cả Pep Guardiola cũng đã bắt đầu xem trọng yếu tố sức mạnh thể chất trong triết lý bóng đá của ông, cũng như việc người ta đã nhận thức được rằng phong cách bóng đá dựa trên kiểm soát bóng cũng có thể được thực dụng hóa đến một mức độ nào đó để tăng thêm sự hiệu quả, mà ví dụ tiêu biểu nhất chính là đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha dưới sự dẫn dắt của Vicente del Bosque. Nhưng 8 năm trước, sự khác biệt là rất rõ ràng: Một bên là tính nghệ thuật của tiki-taka, và phía bên kia là tính “công nhân” của cholismo. 

Noi buon cua cao gia Simeone
 
Simeone, vị chiến lược gia đã nắm quyền tại Atlético Madrid vào năm 2011, là một người luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của cái tư tưởng “cá nhân phải biết phục vụ cho lợi ích chung của tập thể” và, trong những năm tháng đầy hỗn loạn sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, đã tạo nên tiếng vang rất lớn. Như Rayco Gonzalez, một nhà ký hiệu học tại trường Đại Học Burgos, đã lưu ý trong một số ra của Blizzard rằng: “Các chính trị gia, các đài truyền hình, các diễn viên và các nhân vật mang tính biểu tượng khác đều đang dần khẳng định bản thân họ là những ‘cholistas’. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị toàn cầu, cholismo đã thể hiện một thứ tinh thần mới của thời đại này.”
 
Thuật ngữ Cholismo đã được sử dụng phổ biến rộng rãi hơn nữa sau khi được từ điển Fundación del Español Urgente đưa vào danh sách rút gọn những “cụm từ của năm” vào năm 2013. Tuy nhiên, dù chỉ mới xuất hiện ở Tây Ban Nha vào đầu thập kỷ 2010, nhưng cholismo vốn đã có nguồn gốc từ tận những năm 1940 tại Argentina. 
 
Simeone đã được đặt cho nickname “Cholo” bởi một trong những vị huấn luyện viên đội trẻ đầu tiên mà mình từng làm việc cùng tại Vélez Sarsfield, tên là Victorio Spinetto, khi ông được gợi nhớ lại hình ảnh về cựu hậu vệ của Boca Junior, Carmelo “Cholo” Simeone, từ chàng trai trẻ này. Spinetto đã bước vào giai đoạn cuối sự nghiệp ở thời điểm đó – những năm 1970, nhưng khi còn đảm nhận chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của Vélez từ năm 1942 đến 1956, ông chính là người đi tiên phong của thứ đường lối được miêu tả bằng cái tên anti-fútbol (phản bóng đá).
 
Vào thời điểm ấy, đó chỉ đơn giản là một phong cách bóng đá dựa trên nền tảng là sự chăm chỉ, cần mẫn và tính tổ chức, trái ngược hoàn toàn so với sự bóng bẩy, điệu đà của la nuestra, thứ phong cách đang thống trị ở thời đại ấy. Nhưng sau thất bại nhục nhã với tỷ số 6-1 trước Tiệp Khắc tại World Cup, một cuộc cách mạng đã được tiến hành bên trong nền bóng đá Argentina. Đến tận một thập kỷ sau, khi Estudiantes của Osvaldo Zubeldía giành được 3 chức vô địch Copa Libertadores liên tiếp, anti-fútbol mới được định nghĩa là “chiến thắng bằng mọi cách thức, thủ đoạn cần thiết.”
 
Tiền vệ chủ chốt của Estudiantes trong giai đoạn đó là Carlos Bilardo, người không chỉ đơn thuần là không bao giờ phủ nhận cái quan điểm cho rằng ông thường được đưa vào sân để “chém đinh chặt sắt” đối thủ, mà dường như còn khẳng định điều đó trong một chiến dịch quảng cáo vào năm 2011. Bilardo đã giành được một chức vô địch World Cup trên cương vị huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Argentina vào năm 1986, và sau đó là dẫn dắt, dạy bảo Simeone tại Sevilla, nơi mà ông đã tạo ra một sức ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài đến mức, Simeone đã gọi nhà cầm quân này là “người cha trên sân bóng” của mình.

Đối nghịch với hướng đi của Bilardo, người đứng ở phía còn lại trong sự chia rẽ hai trường phái bóng đá của Argentina cũng là một nhà cầm quân khác đã từng cùng Albiceleste đăng quang tại World Cup, César Luis Menotti, vị huấn luyện viên trưởng của tập thể Barcelona đã bị Clemente chế giễu bằng thuật ngữ “Tiki Taka”.
 
Phong cách của Simeone không mang tính cực đoan như Zubeldía, nhưng chúng đều có chung những yếu tố cốt lõi: Tập trung vào sự nỗ lực và kỷ luật, được thể hiện qua sự xáo trộn nội tâm đã khiến Simeone phải bật lời ca ngợi Federico Valverde của Real Madrid sau khi anh bị đuổi khỏi sân vì pha “phạm lỗi chuyên môn” trong cuộc đối đầu với Atleticao Madrid của ông ở trận chung kết Siêu Cúp Tây Ban Nha mùa giải này.
 
Thế nhưng, Simeone đang sống trong một thời đại khác. Estudiantes vào năm 1967 đã trở thành tên tuổi đầu tiên nằm ngoài nhóm “Ngũ đại gia” (River Plate, Boca Juniors, Racing, Independiente và San Lorenzo) giành được chức vô địch Argentina kể từ khi giải đấu này được “chuyên nghiệp hóa” vào năm 1931. Họ đã từng là những kẻ “ngoài cuộc” trong cuộc đua vô địch, giống như Vélez của Spinetto. Và chính vì vậy, thật dễ để hiểu được lý do vì sao Atlético, với cái nhận thức sâu sắc về bản thân như những kẻ nằm “chiếu dưới”, những “chiến binh cổ xanh” của thành Madrid, đã dễ dàng chấp nhận và thấm nhuần cholismo đến vậy.

Atletico dai dien cho tang lop binh dan o Madrid
 
Atlético, mặc dù vậy, là những kẻ “chiếu dưới” rất kì lạ, nhất là khi xét đến việc họ đứng ở thứ hạng 13 trong danh sách những câu lạc bộ giàu nhất thế giới dựa trên doanh thu. Nhà đầu tư người Mĩ Steven G Mandis, trong cuốn sách được phát hành vào năm 2016 mang tên “The Real Madrid Way” của ông, đã chỉ trích Atletico vì đã không áp dụng một mô hình cởi mở, mang định hướng galáctico hơn để giúp họ có thể được nâng tầm, phát triển hơn nữa. Một lời phán xét được đưa ra mà không thèm tìm hiểu về - hoặc đã quên đi – bản chất của câu lạc bộ này. Nhưng điều đó đã làm dấy lên một câu hỏi đang ngày càng phổ biến hơn trong thế giới bóng đá hiện đại: Một câu lạc bộ thuộc về ai – các fan hâm mộ hay các cổ đông? 
 
Công tác chuyển nhượng gần đây của Atlético Madrid – bán đi những ngôi sao đã lớn tuổi như Gabi, Diego Godín và Juanfran và thay thế họ bằng những cái tên hào nhoáng, phô trương hơn như João Felix và Thomas Lemar – đã cho thấy một nỗ lực, được giật dây ít nhất là một phần bởi “siêu cò” Jorge Mendes, để đưa câu lạc bộ lột xác khỏi cái hình ảnh khắc khổ, xù xì, gai góc xưa cũ mà Spinetto luôn đề cao, và hướng đến một thứ gì đó hấp dẫn, hào nhoáng hơn ngay lập tức. Ngay cả trước khi hàng công bị cơn bão chấn thương quét qua, thì công cuộc chuyển đội phong cách của Atletico cũng đã gặp phải vô vàn khó khăn.

Joao Felix: Noi am anh quoc gia va ap luc de khong bien thanh tham hoa
 
Và do đó, vào tối nay, Simeone sẽ phải đối đầu với một Liverpool đang hừng hực khí thế cùng thứ phong cách “high-tempo pressing” đã xuất hiện để định nghĩa kỷ nguyên hiện đại của thế giới bóng đá, khi mà lần đầu tiên các phương pháp của ông đang bị nghi ngờ một cách nghiêm trọng như lúc này. Có lẽ Mandis đã đúng và các câu lạc bộ ngày nay cần phải đi theo một đường lối nhất định để có thể thu hút thêm nhiều fan hâm mộ hơn – nói cách khác là mở rộng thêm “cơ sở khách hàng” của họ. Nhưng đáng buồn thay, điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ phải “hiến tế” cái thứ gọi là “bản sắc” cho mục đích thương mại, và rồi để cho nền kinh tế thúc đẩy các đội bóng hướng đến một cách tiếp cận đồng nhất được quyết định bởi thị trường. 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Diego Simeone’s Atlético Madrid tackle Liverpool in battle of opposites” của tác giả Jonathan Wilson, được đăng tải trên The Guardian.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow