Athletic Bilbao và câu chuyện đằng sau cánh cổng khóa chặt xứ Basque (Phần 1)

Tác giả Ole - Thứ Bảy 17/06/2017 07:51(GMT+7)

Zalo
“Bóng đá còn hơn cả một trò chơi. Đôi lúc, đó cũng chính là cách duy nhất để bạn nói cho cả thế giới biết rằng mình là ai.”
Athletic Bilbao5
Athletic Bilbao
BỨC TRANH SƠN DẦU THAY ĐỔI LỊCH SỬ
 
Vào năm 1937, khi thiên tài Pablo Picasso hoàn thành bức tranh sơn dầu mang tên Guernica, tác phẩm này đã khiến cho cả thế giới chấn động. Đó là một thời điểm thực sự nhạy cảm đối với những người dân Tây Ban Nha nói chung cũng như xứ Basque nói riêng. Dưới mệnh lệnh của nhà độc tài Franco, lãnh đạo phe Quốc gia Tây Ban Nha đã ra lệnh cho phép không quân Đức Quốc xã thực hiện cuộc không kích dã man vào Guernica, một thị trấn bé nhỏ thuộc tỉnh Biscay. Được biết, nguyên nhân là bởi Guernica được xem như trung tâm văn hóa truyền thống đối với người Basque. Bên cạnh đó, thị trấn lâu đời nhất xứ Basque cũng là nơi tập trung của những đối tượng tham gia phe Cộng hòa, chính là “cái gai” trong mắt Franco với kế hoạch tấn công thành phố Bilbao sau đó.
 
Buổi chiều 26/04/1937, khi mà các phiên chợ yên bình ở Guernica vẫn đang diễn ra như một thói quen hàng thế kỷ thì những chiếc máy bay Luftwaffe của Đức Quốc xã đã xuất hiện trên bầu trời, nhanh chóng rải hàng loạt cơn mưa bom xuống những con đường thị trấn. Đây chính là bước ngoặt đã mãi mãi thay đổi dòng chảy lịch sử của đất nước Tây Ban Nha. Bức tranh sơn dầu Guernica, một kiện tác miêu tả sự nghiệt ngã của số phận con người trong chiến tranh, được ra đời trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp và éo le, đã trở thành đề tài được cả thế giới bàn luận và cũng trở thành một niềm tự hào bất khuất của những người dân xứ Basque, những kẻ không bao giờ chấp nhận nói lời thỏa hiệp với chính quyền Trung ương Tây Ban Nha, kể cả đến bây giờ.
 
Ở một mảnh đất mà sự đấu tranh chính trị cũng như chủ nghĩa dân tộc địa phương luôn trực chờ để bùng nổ mạnh mẽ, bóng đá tất nhiên cũng thể thoát ra khỏi những ảnh hưởng mang tính xã hội. Đối với người Basque, còn hơn cả một môn thể thao bình thường, bóng đá chính là hình thức để họ giữ gìn những giá trị truyền thống, văn hóa, cảm xúc và cả dòng màu nóng tồn tại trong con người mình. Từ Deportivo Alaves, CA Osasuna, SD Eibar, Real Union cho đến Real Sociedad, tất cả đều mang sứ mệnh cao nhất là khẳng định lòng tự tôn của xứ Basque. Mặc dù vậy, không có đội bóng nào đạt tới tầm vóc của Athletic Bilbao. Không chỉ là CLB giành nhiều thành tích nhất, Bilbao còn được xem như công cụ đắc lực nhằm truyền tải quan điểm chính trị chống đối chính quyền Trung ương Tây ban Nha đồng thời hướng đến mục tiêu thành lập một nhà nước Basque độc lập.
Athletic Bilbao3
 
Tại xứ Basque, cây sồi mang tên Gernikako Arbola chính là biểu tượng cho tinh thần tự do đã ngấm vào tận huyết quản. Trên huy hiệu của Bilbao, cũng xuất hiện hình ảnh tương tự. Cả hai đều là những niềm tự hào to lớn của vùng đất phía Bắc Tây Ban Nha này.
 
***
Trong cái ngày mà không quân Đức Quốc xã dội bom xuống thị trấn nhỏ bé Guernica, có một nhóm cầu thủ người Basque vẫn đang chơi bóng tại Paris, dưới tên gọi Euzkadiko Selekzioa, đội tuyển của xứ Basque. Đó là tập hợp của những cầu thủ ủng hộ phe Cộng hòa cũng như chính quyền Basque. Ở thời điểm ấy, họ đã chấp nhận chơi những trận bóng không chính thức chỉ để gây quỹ cho phe Cộng Hòa trong cuộc nội chiến và mở rộng các chiến dịch tuyên truyền chống đối lại Franco cùng nhiều đồng minh thân cận của nhà độc tài bên phía phe Quốc gia, bao gồm cả Adolf Hitler và Benito Mussolini.
 
Euzkadiko Selekzioa khi ấy được dẫn dắt bởi hai cầu thủ anh em đang đầu quân cho Real Madrid, là Pedro và Luis Reguiero. Xuất thân từ Barakaldo, một thành phố thuộc xứ Basque, anh em nhà Reguiero đều là những người Cộng hòa. Trong khi đó, tướng Franco, một CĐV Real Madrid, điều hoàn toàn dễ hiểu, đã xem việc này chẳng khác nào hành động nổi loạn. Thậm chí, hai anh em Reguiero còn nhiều lần thi đấu để gây quỹ từ thiện cho các trẻ em mồ côi, nạn nhân chiến tranh và nhiều bệnh viện nằm trong khu vực ảnh hưởng của phe Cộng hòa. Chính bởi vậy, cả hai xem như đã tự đặt dấu chấm hết cho con đường thăng tiến sự nghiệp tại Real, kèm theo đó là một bản án tử hình theo đúng nghĩa đối với cuộc đời họ.
 
Sát cánh bên cạnh anh em nhà Reguiero, là Emilio Alonso Larrazabal, hay còn gọi là Emilin, một chân sút mới chỉ 21 tuổi nhưng đã được đánh giá là tiền đạo xuất chúng của nền bóng đá Tây Ban Nha cũng như Real Madrid. Sinh ra là người xứ Basque, đương nhiên Emilin phải lựa chọn đứng về phe Cộng hòa và chính quyền Euskadi (Basque). Vào năm 1937, cả hai anh em Reguiero lẫn Emilin đều được lựa chọn tham gia chuyến du đấu châu Âu và Liên Xô nhằm mục đích gây quỹ cho các bệnh viện xứ Basque đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của thế giới dành cho phe Cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Còn tướng Franco sẵn sàng làm mọi cách để ngăn cản kế hoạch của những người con xứ Basque.
Athletic Bilbao2
 
Cánh báo chí Madrid sớm tung tin đồn thất thiệt rằng Luis Reguiero bị dính “đạn lạc” mà chết trong chiến tranh. Nhưng rồi, đúng vào cái ngày định mệnh 26/04, khi trận không kích lịch sử diễn ra tại Guernica, thì đội bóng mang tên Euzkadiko Selekzioa đã kịp đặt chân tới Paris hoa lệ, chơi một trận “giao hữu” tưng bừng, đè bẹp chủ nhà Racing Paris tới 3 bàn không gỡ. Sáng hôm sau, họ nhận tin buồn về cuộc đánh bom vừa xé nát quê hương mình. Chứng kiến các đồng đội quá đau buồn và dần trở nên ám ảnh, Luis Reguiero đã động viên tất cả tiếp tục cố gắng hoàn thành cuộc hành trình. 
 
Thêm một vài trận đấu nữa tại Pháp và châu Âu trước khi Ezukadiko Selekzioa di chuyển tới Liên Xô. Thời điểm mới đến Moscow, đội bóng đã phải đón nhận thông tin về việc Bilbao thất thủ. Đây chính là bước đường cùng dồn họ vào cuộc sống lưu vong ở hải ngoại trong những năm tháng tiếp theo. Rất nhiều cầu thủ trong số này thậm chí chẳng bao giờ còn được nhìn thấy xứ Basque nữa. Đối với họ, tất cả những ký ức tươi đẹp về quê hương đều đã bị xóa nhòa bởi cuộc nội chiến đau thương và nước mắt.
 
Để rồi, cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa độc tài đã khởi đầu cho tinh thần bất diện của những người dân xứ Basque, một ngọn lửa truyền thống hàng thế kỷ mà các cầu thủ Athletic Bilbao vẫn đang duy trì mãi đến tận bây giờ.
 
THÁNH ĐƯỜNG SAN MAMES VÀ NHỮNG NGƯỜI MOHICAN CUỐI CÙNG
 
“Arriba!! Arriba!!.. que en Euskadi se prepara… la revolucion”.
 
Từng bậc thang trên khắp các góc khán đài sân San Mames lần lượt rung chuyển bởi những tiếng hò hét vang dội đến từ các CĐV Bilbao. Họ đang cùng nhau hát: “Bay lên đi! Bay lên đi nào! Xứ Basque đang chuẩn bị cho một cuộc cách mạng”. Âm thanh ấy xuyên qua từng hành lang, từng đường hầm khổng lồ và tất cả mọi ngóc ngách của SVĐ. Để rồi, San Mames chẳng khác nào một thánh đường thực sự, một nhà thờ chỉ dành riêng cho thứ tôn giáo “Basquelism” được xây nên từ lòng trung thành vô giá. Dọc theo đại lộ Sabino Arana bên ngoài sân, những người hâm mộ xứ Basque cứ thế hét lên “Athle-tic, Athle-tic” mà chẳng thèm quan tâm đến thế giới xung quanh ra sao.
 
“Điều làm nên lịch sử cho sân bóng này không phải là kiến trúc, mà là những gì diễn ra tại đây”, vị chiến lược gia lừng danh Marcelo Bielsa đã nói vậy trong một cuộc họp báo năm 2013. “San Mames chính là nơi kết nối giữa mọi người và các cầu thủ”.
 
Đối với người Bilbao, sân San Mames cũng mang giá trị quan trọng hệt như “chảo lửa” Nou Camp đối với các culé, nếu không muốn nói là còn mạnh mẽ hơn thế rất nhiều. Dẫu vậy, có một điểm chung không thể phủ nhận giữa hai vùng đất này, xứ Basque và xứ Catalonia đều là những vùng tự trị bị đàn áp nặng nề dưới thời độc tài tướng Franco, đều khao khát tách khỏi sự thống trị của chính quyền Trung ương Tây Ban Nha. Do đó mà Barcelona cũng như Athletic Bilbao đều được xem là những biểu tượng mang tính chất sinh tồn cho sự độc lập của xứ sở đại diện.
Athletic Bilbao1
 
Hầu hết người dân xứ Basque thời nay đều trưởng thành từ những ngôi nhà có treo bản sao của bức tranh Guernica và các địa điểm công cộng cũng vậy. Chính bởi thế mà ngay từ trong tiềm thức, họ đã ghét chính quyền Madrid và chẳng bao giờ thèm quan tâm đến khái niệm “Tây Ban Nha”. Niềm tự hào của Bilbao, hay còn được gọi là Los Leones, xét cho cùng chính là kết quả cay đắng và đau thương của cuộc nội chiến, kể từ cái ngày bom đạn rơi trên mảnh đất Guernica vốn từng rất êm đềm.  Vì lẽ đó mà bóng đá vô tình đã trở thành một thứ vũ khí của đám đông và cũng là nơi để người Basque bộc lộ những niềm cảm xúc bất tận, những “cơn điên” dường như không bao giờ có hồi kết của mình.
 
Năm 2015, khi Barca chạm trán Bilbao trong trận chung kết Cúp Nhà vua, Lionel Messi đã khiến nhiều người phải ám ảnh với tình huống solo ghi bàn ngoạn mục (vượt qua 5 cầu thủ đối phương). Tuy nhiên, mọi thứ không đơn thuần chỉ là màn so tài giữa chất nghệ sĩ của người Catalonia và tinh thần bất khuất của người Basque, nó còn là một điều gì đó lớn hơn nhiều. Một trận chung kết, chính là nơi để các CĐV Bilbao và Barca phô diễn chủ nghĩa dân tộc.
 
Thứ tinh thần chống đối chính quyền Trung ương Madrid là điều hoàn toàn dễ dàng kiếm tìm ở xứ Basque. Nếu như có dịp đi du lịch trong các thành phố thuộc cộng đồng Euskadi, bạn sẽ nhanh chóng nhìn thấy những bức tường chằng chịt nét vẽ graffiti mang theo thông điệp rõ ràng: “Guernica không phải Tây Ban Nha”. Trên thực tế, chủ nghĩa cực đoan chỉ là phần thiểu số, nhưng người Basque thì luôn sẵn sàng tạo nên thứ văn hóa bóng đá của riêng mình với một niềm cảm xúc tự hào mãnh liệt. Dẫu vậy, dưới cái nhìn từ phía giới cầm quyền Trung ương, Athletic Bilbao thậm chí bị cho là một công cụ, có gián tiếp liên quan đến những hoạt động khủng bố của Tổ chức ly khai xứ Basque ETA (Euskadi Ta Askatasuna), bất chấp việc cựu Tổng thống xứ Basque, ông Jose Maria Arrate từng nhiều lần mạnh mẽ bác bỏ lập luận thiếu căn cứ này.
 
“Chúng tôi luôn coi bản thân mình là một thứ gì đó duy nhất trong bóng đá và điều này đã được xác định bằng danh tính của chúng tôi. Chúng tôi cũng không hề nói rằng mình tốt hơn hay tệ hơn những người khác. Mọi thứ đơn giản chỉ là sự khác nhau”, ông Arrate chia sẻ.
 
Dường như đây cũng chính là cách mà xứ Basque muốn thể hiện thứ bóng đá của mình trước toàn thế giới, những người Mohican cuối cùng trong nền bóng đá hiện đại. Cái tên Bilbao từng nổi tiếng với thứ nghệ thuật mê đắm từ những đôi chân của Rafael Moreno Aranzadi (hay Pichichi) và Telmo Zarra, tuy nhiên CLB chưa bao giờ chấp nhận mở lòng cho những kẻ không phải nguồn gốc Basque. Được biết, cựu danh thủ Telmo Zarra cũng được xem là hình mẫu chuẩn mực cho nền văn hóa “Basquelism” chẳng hề giống ai.
 
Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình cách đây nhiều năm, nhà nhân loại học nổi tiếng Joseba Zulaika và nhà báo chính trị, Imanol Murua Uria từng đưa ra một hình ảnh tượng trưng khá thú vị khi định nghĩa văn hóa truyền thống xứ Basque, đó chính là tình huống ghi bàn đẹp nhất của Telmo Zarra nhưng cuối cùng lại là một bàn thắng… không bao giờ được ghi. Cụ thể, trong trận gặp Valencia, một mình Zarra đã loại bỏ toàn bộ hàng phòng ngự đối phương. Thế nhưng, khi đối mặt với thủ môn đang bị chấn thương và năm sân, Zarra đã quyết định sút bóng ra bên ngoài. Đó là một hành động quả cảm thực sự, đã nhận được vô vàn những tràng vỗ tay không ngớt trên khắp các góc khán đài. Cũng đồng thời là đặc trưng cho văn hóa Basque, luôn có thừa sự hy sinh cao cả, lòng quả cảm, sự độ lượng và sẵn sàng bỏ qua cả chuyện thắng thua thường tình.
Athletic Bilbao4
 
Là một trong những thành viên tham gia sáng lập La Liga vào năm 1928, Athletic Bilbao cùng với Real Madrid và Barcelona chính là ba đội bóng vẫn chưa bao giờ bị xuống hạng. Giai đoạn những năm 30, 40, 50 của thế kỷ trước từng được chứng kiến những màn trình diễn tràn đầy cảm hứng của Bilbao. Tính đến thời điểm này, đội bóng xứ Basque đã vô địch Tây Ban Nha tổng cộng 8 lần và giành 24 chức vô địch Cúp Nhà vua (chỉ kém Barca). Mặc dù vậy, vinh quang cuối cùng mà Bilbao có được đã diễn ra từ năm 1984 và từ đó đến nay, Los Leones (biệt danh của Bilbao) vẫn chưa một lần tìm thấy niềm vui chiến thắng nào khác.
 
Tất nhiên, điều này cũng chẳng hề ảnh hưởng đến chính sách Cantera vô cùng độc đáo của họ trong việc lựa chọn chỉ ký hợp đồng với những cầu thủ nào có nguồn gốc hoặc phải được đào tạo từ bé ở xứ Basque, bao gồm các vùng Biscay, Gipuzkoa, Alava và Navarre (thuộc Tây Ban Nha); Labourd, Soule và Hạ Navarre (thuộc Pháp). Giữa thời đại mà bóng đá ngày càng trở nên toàn cầu hóa mạnh mẽ thì Bilbao chỉ có được “nguồn nguyên liệu” hạn chế từ hơn hai triệu con người. Cần phải nhấn mạnh rằng, đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng khi mà vào năm 1989, Real Sociedad, cũng là một đội bóng nổi tiếng khác của xứ Basque, đã phải chấp nhận từ bỏ chính sách Cantera để có thể tiếp tục tồn tại.
 
Dẫu vậy, còn hơn cả những chiến thắng, Athletic Bilbao luôn sẵn sàng bảo vệ giá trị truyền thống của mình đến cùng. Khi tờ El Mundo tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 1990, khoảng hơn 3/4 người hâm mộ Bilbao đã khẳng định rằng họ thà nhìn thấy Bilbao bị xuống hạng còn hơn là phải chứng kiến việc CLB từ bỏ “La Cantera”... (Còn nữa)

Lược dịch từ: http://www.goaldentimes.org/athletic-bilbao-basque-football/

OLE (TTVN)
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

X
top-arrow