Phần 1: BỨC TRANH SƠN DẦU THAY ĐỔI LỊCH SỬ
Phần 2: NỖI ÁM ẢNH CỦA… KẺ PHẢN BỘI
Phần 3: XỨ BASQUE KHÔNG PHẢI LÀ TÂY BAN NHA
41 năm trôi qua kể từ khi Franco qua đời, nhưng tư tưởng chống phá nhà nước vẫn là điều hằn sâu trong nền văn hóa xứ Basque. Dưới thời độc tài Franco (1939-1975), tất cả mọi thứ ngôn ngữ địa phương đều bị cấm đoán nặng nề. Từ khắp những thành phố đến các thị trấn, người ta sơn lên tường và treo một số lượng lớn áp phích với thông điệp: “Nếu bạn là người Tây Ban Nha, hãy nói tiếng Tây Ban Nha. Nếu bạn là người Tây Ban Nha, hãy nói thứ ngôn ngữ của Đế quốc này”. Vì niềm tin chính trị cũng như lòng tự hào của chủ nghĩa địa phương, rất nhiều người đã thiệt mạng, bị tra tấn dã man hoặc phải ngồi tù. Lá cờ của xứ Basque, mang tên Ikurrina cũng bị cấm ở những nơi công cộng.
Trong một động thái “Tây Ban Nha hóa” nền bóng đá quốc gia, chính phủ đã ép buộc đội bóng xứ Basque phải đổi tên thành Atletico de Bilbao. Giai đoạn này cũng chứng kiến hàng ngàn người Basque phải chấp nhận lưu vong sang Pháp và Mỹ La-tinh. Vào những ngày diễn ra các trận đấu bóng đá, sân San Mames trở thành nơi duy nhất mà người ta có thể nói chuyện bằng tiếng Euskadi mẹ đẻ. Dần dần, theo thời gian, bóng đá cũng trở thành “chất xúc tác” quan trọng thúc đẩy sự phát triển của phong trào chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Sau cái chết của tướng Franco, bóng đá tiếp tục trở thành công cụ đắc lực để những người Basque phô trương lá cờ truyền thống Ikurrina. Sự chuyển đổi từ chế độ độc tài sang nền dân chủ đã diễn ra hết sức chậm chạp. Thậm chí, hơn một năm kể từ ngày Franco qua đời, lệnh cấm Ikurrina vẫn không hề được bãi bỏ. Phải đến tận ngày 5/12/1976, khi hai đội bóng Real Sociedad và Athletic Bilbao gặp nhau trên sân Atocha (nay đã ngừng hoạt động), lịch sử mới bước sang trang mới. Đó chính là trận derby xứ Basque nổi tiếng nhất, với một cuộc nổi dậy không thể ngăn cản.
Bước ra khỏi đường hầm, cả hai đội trưởng, Jose Angel Iribar bên phía Bilbao và Inaxio Kortabarria bên phía Sociedad đều chung tay cầm theo một là cờ ba màu: đỏ, xanh lá cây và trắng, quốc kỳ của xứ Basque. Sau khi lá cờ được mang tới giữa sân, cầu thủ hai đội đã tập trung xung quanh nó. Đây không phải một hành động phản kháng thông thường nữa. Còn hơn cả thế, đó chính là tuyên bố của những người Basque về tinh thần đấu tranh dân tộc sẵn sàng chống lại chế độ phát xít Tây Ban Nha. Lần đầu tiên kể từ thời độc tài, lá cờ Ikurrina đã xuất hiện một cách đàng hoàng. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lệnh cấm Ikurrina đã hoàn toàn bị bãi bỏ, kể từ tháng 1/1977.
“Trong trí nhớ của tôi, đó chính là trận derby đẹp nhất, mặc dù chúng tôi thua 0-5”, Iribar phát biểu trên tờ El Pais sau 35 năm. Được biết như một nhân vật nổi tiếng đại diện cho nền bóng đá xứ Basque, người ta thường hay gọi Iribar là “El Chopo” (nghĩa là con người của công chúng). Ông cũng được đánh giá là một trong những thủ môn xuất sắc nhất mà bóng đá Tây Ban Nha từng sản sinh ra. Khoảng thời gian sau này, Iribar cũng tiếp tục tham gia vào nhiều hoạt động liên quan đến nền chính trị địa phương xứ Basque và thành lập một liên minh độc lập mang tên “Herri Batasuna”.
Người Basque không hề ngần ngại thể hiện những yếu tố chính trị và chủ nghĩa dân tộc cực đoan thông qua bóng đá. Các bức tường trên đường phố và các cửa hàng ở tỉnh Biscay vẫn thường xuyên được trang trí bởi hai tông màu đỏ và trắng truyền thống của Bilbao, qua đó thể hiện niềm tự hào đối với nền bóng đá địa phương. Được biết, ba loại cờ phổ biến nhất tại xứ Basque bao gồm: lá cờ truyền thống Ikurrina, lá cờ của Athletic Bilbao hoặc lá cờ phản kháng tù nhân ETA, yêu cầu thả tự do cho những người tù và người tị nạn xứ Basque.
|
Athletic Bilbao và lá cờ xứ Basque |
Trong suốt 40 năm qua, ETA là một tổ chức cực đoan đã chi phối đáng kể nền chính trị xứ Basque và có những mối quan hệ đặc biệt với bóng đá. Bình thường, người ta vẫn hay gọi ETA là “kẻ thù của Euskadi”, tuy nhiên một số phe phái chính trị lại tỏ ra thông cảm đối với tổ chức ly khai này. Tại sân San Mames, gần như không bao giờ xuất hiện bất kỳ một bài hát hay biểu ngữ nào ủng hộ ETA. Thậm chí, những người hâm mộ bóng đá còn nhiều lần lên tiếng bày tỏ thái độ không hài lòng về việc giới truyền thông kết nối họ với nhóm khủng bố vẫn đang hoạt động mạnh nhất ở xứ Basque.
TRONG GIẤC MƠ CỦA ĐỨC MẸ BEGONA
Lần cuối cùng mà người ta chứng kiến Athletic Bilbao vươn đến đỉnh cao chính là mùa giải 1983/84, khi đội bóng đoạt được cú đúp quốc nội và Cúp Nhà vua. Đây cũng là mùa bóng chứng kiến mối thâm thù giữa Bilbao và Barca lên một đỉnh cao mới.
Tháng Chín, sân Camp Nou như chết lặng sau khi ngôi sao Diego Maradona của các culé bị một trung vệ Bilbao vào bóng từ phía sau dẫn đến chấn thương nặng. Thủ phạm là Andoni Goikoetxea Olaskoaga, người trở nên nổi tiếng với biệt danh “Gã đồ tề” nhờ cú tắc bóng kinh hoàng ấy. Đây cũng là một giai đoạn mà cái tên Bilbao trở nên khét tiếng bởi lối chơi “chặt chém” đầy bạo lực, dưới thời HLV Javier Clemente, một nhà cầm quân trẻ người xứ Basque.
|
Cái tên Bilbao trở nên khét tiếng bởi lối chơi “chặt chém” đầy bạo lực (CK Cúp Nhà Vua 1984) |
Được biết, hai năm trước thời điểm xảy sự kiện Maradona, trung vệ “thép” Goikoetxea bên phía Bilbao còn thực hiện một pha vào bóng nguy hiểm khác, suýt chút nữa đã khiến cho tiền vệ Bernd Schuster (cũng của Barca) phải chia tay sân cỏ. Đó là một tình huống va chạm mạnh đến nỗi làm cho Schuster bị rách dây chằng chữ thập đầu gối phải, một chấn thương mà cầu thủ người Đức không bao giờ có thể bình phục hoàn toàn trở lại.
Ngay buổi sáng sau ngày vừa xảy ra vụ “Maradona chấn thương”, tờ El Mundo đã giật tít cực kỳ ngắn gọn: “El Crimen”, nghĩa là Tội phạm. Rất nhanh chóng, các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế bắt đầu lên án mạnh mẽ hành động này đồng thời cho rằng đây là một bằng chứng cụ thể về chủ nghĩa khủng bố xứ Basque trong bóng đá. Đó cũng là năm mà tổ chức khủng bố ETA hoạt động… điên cuồng nhất, với 43 nạn nhan trên khắp cả nước. Chính bởi vậy, chẳng có lý do gì để giới truyền thông Tây Ban Nha không tiếp tục cố gắng gieo rắc vào đầu những người dân sống bên ngoài xứ Basque một hình ảnh man rợ về chủ nghĩa ly khai, cũng như hành động kinh hoàng trên sân bóng khiến siêu sao Maradona dính chấn thương nặng.
|
Bernd Schuster (cũng của Barca) suýt chút nữa phải chia tay sân cỏ |
Trận đấu giữa Bilbao và Barca đã kết thúc với tỷ số chung cuộc 4-0 nghiêng về phía CLB xứ Catalonia, nhưng HLV Clemente vẫn tỏ ra hài lòng: “Tôi cảm thấy tự hào về các cầu thủ của mình”. Có lẽ, người đàn ông này đã nói thay tiếng lòng của rất nhiều CĐV xứ Basque. Trong trận đấu tiếp theo trên “thánh đường” San Mames, đám đông đã cổ vũ nhiệt tình khi Goikoetxea vừa bước ra sân và liên tục chửi rủa án phạt cấm thi đấu 10 trận mà liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha dành cho anh.
Khi các phóng viên thực hiện cuộc phỏng vấn với Maradona một tháng sau đó, thời điểm mà cầu thủ người Argentina vẫn đang phải khập khiễng chống nạng bên ngoài phòng khám, anh chia sẻ: “Tôi không thể hiểu nổi vì sao mà những còn người này lại vỗ tay ủng hộ cho một hành vi bạo lực”. Tất nhiên rồi, một người ngoài như Diego thì làm sao có thể thấu hiểu nổi thứ tình cảm dân tộc thiêng liêng đến mức điên rồ của những người Basque.
Trung vệ Goikoetxea sau này cũng nhớ lại: “Khi chúng tôi gặp Lech Poznan ở Cúp C1, tình yêu mà các CĐV Bilbao dành cho tôi là quá tuyệt vời. Tôi không bao giờ có thể quên được cảm giác ấy”. Đích thân “Gã đồ tề” đã ghi bàn trong trận đấu này và được cả sân đứng dậy vỗ tay hoan nghênh như một người anh hùng.
Cuối mùa giải, Athletic Bilbao hoàn tất cú đúp với danh hiệu Cúp Nhà vua sau khi giành được chiến thắng tại Madrid. Chỉ vài tuần trước, họ đã giành chức VĐQG. Ngay sau thời điểm này, HLV Clemente cũng trở thành người hùng của xứ Basque trong sự phấn khích cuồng nhiệt đến từ các CĐV nhà. Đó là một khoảng khắc không thể nào ngọt ngào hơn được nữa, khi 11 chàng trai xứ Basque quật ngã “gã khổng lồ” Barca ngay ở trung tâm Madrid, trước mặt Nhà Vua Juan Carlos, hệt như một lời thách thức đối với thế giới đang chống lại họ.
Trên một phương diện nào đó, tất nhiên những người Basque cũng thừa biết rằng họ không hề sở hữu đội bóng mạnh nhất. Dẫu vậy, họ luôn là những kẻ giàu cảm xúc và đam mê nhất. Ở một vùng đất mà chủ nghĩa dân tộc mới là thứ triết lý được tôn thờ, ngay cả những cầu thủ xuất chúng như Bixente Lizarazu, Fernando Llorente hay Javi Martinez cũng đều có thể bị sỉ nhục và ruồng bỏ như những kẻ phản bội.
San Mames chính là sân bóng duy nhất ở đất nước Tây Ban Nha từng chứng kiến Andres Iniesta, một biểu tượng về tinh thần đoàn kết dân tộc, bị nguyền rủa. Nhiều CĐV Bilbao cho rằng tiền vệ bên phía Barca đã đóng kịch một cách thái quá sau pha vào bóng của Fernando Amorebieta, dẫn tới chiếc thẻ đỏ dành cho cầu thủ này.
Tất cả những điều ấy, có thể phần nào xấu xí và lạ lùng, nhưng lại trở thành bản sắc của người Basque, khiến cho các đội bóng của họ, tiêu biểu như Bilbao chẳng hạn, một CLB luôn trung thành theo đuổi chính sách “La Cantera” trở nên thực sự khác biệt với thế giới. Thêm một ví dụ khác nữa, chính là trường hợp của Joseba Etxeberria, tiền đạo kỳ cựu từng chấp nhận chơi mùa giải cuối cùng (2009/10) cho đội bóng mà không nhận bất cứ một đồng tiền lương nào.
“Athletic Bilbao còn hơn một CLB bóng đá thông thường. Đây là một tập thể luôn hoạt động theo cảm xúc, vượt ra ngoài những toan tính lý trí”, Jose Maria Arrate, cựu Chủ tịch đội bóng chủ sân San Mames cho biết.
Tại xứ Basque, người ta vẫn duy trì một truyền thống đặc biệt, đó là mọi chiếc Cúp đều phải được dành tặng cho Đức Mẹ Begona. Được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI ở nơi Đức Mẹ hiển linh, nhà thờ Begona chính là điểm đến thường xuyên nhất của những người Euskadi mộ đạo đồng thời trở thành một kỳ quan du lịch địa phương.
Kể từ năm 1984, Bilbao đã dần sa sút và không còn đoạt được danh hiệu nào nữa cho đến tận năm 2015, khi đội bóng vùng Biscay đánh bại Barca trong trận tranh Siêu Cúp Tây Ban Nha. Những người hâm mộ Bilbao hiểu rằng ở thời điểm hiện tại, họ đã bước qua giai đoạn hoàng kim và đang phải chiến đấu vất vả, thậm chí để trụ hạng. Chưa kể, chính sách “La Cantera” cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và thách thức cho CLB.
|
Athletic Bilbao ăn mừng chiến thắng trước Barca Siêu cúp 2015 |
Dẫu vậy thì trong cái ngày mà người dân xứ Basque mang Siêu Cúp Tây Ban Nha về tặng Đức Mẹ Begona cách đây gần hai năm, tiếng chuông trong Basilica (nhà thờ cổ) vẫn vang lên thật trong trẻo, khi những bài thánh ca về đội bóng Athletic Bilbao được người ta gửi gắm theo từng ngọn gió. Thêm một lần nữa, niềm tự hào xứ Basque lại trỗi dậy thật mạnh mẽ. Tướng Franco đã chết rồi nhưng cái tên của nhà độc tài thời phát xít vẫn còn ám ảnh mãi mãi trong những mảnh ký ức đen trắng của người Euskadi. Và chừng nào cuộc chiến của chủ nghĩa dân tộc địa phương xứ Basque vẫn còn tiếp tục như bây giờ, thì bóng đá vẫn sẽ là nguồn cảm hứng vô tận để họ theo đuổi giấc mơ độc lập của mình.
Hết.
Lược dịch từ: http://www.goaldentimes.org/athletic-bilbao-basque-football/
OLE (TTVN)