Athletic Bilbao: Con khủng long cuối cùng của kỷ băng hà

Tác giả Uno - Thứ Sáu 20/05/2016 15:59(GMT+7)

Nếu bạn là người đam mê bóng đá, hiểu biết về chiến thuật và yêu thích quản lý đội bóng, chắc hẳn rằng bạn đã từng kinh qua game Football Manager hay FIFA Manager. Nếu bạn đã quá chán với việc quản lý một đội bóng lớn như United hay Real Madrid, muốn tìm đến một đội bóng nhỏ để thử sức. Chọn quốc gia, Tây Ban Nha đi. Tìm đội, ơ kìa lạ nhỉ, ở Tây Ban Nha có một đội tên tiếng Anh, Athletic cơ đấy, thử xem sao. Và tôi ngã ngửa ra khi mà tôi không hề được chuyển nhượng bất cứ cầu thủ nào ngoài gốc xứ Basque, dù tiền không thiếu. Với cái điều lạ lùng ấy, rất nhiều game thủ đồng ý rằng, đó là đội khó chơi nhất FM. Ấy vậy mà, trong game ảo là như thế, nhưng cái đội ấy lại “sống khỏe” trên thực tế, lại chưa từng xuống hạng ở Tây Ban Nha. Vâng, đó là ATHLETIC BILBAO.

Nếu trong game, người ta tránh chọn cái tên Bilbao bao nhiêu, thì trên thực tế, Athletic lại được người hâm mộ, những người theo dõi bóng đá, yêu bóng đá nhìn nhận, trân trọng và kiêng nể đến bấy nhiêu. Đó là khi Bilbao tham gia một trận đấu giao hữu trên đất Mỹ với một câu lạc bộ của Mexico, một trận đấu giao hữu trước mùa giải bình thường và che lấp vởi giải International Champions Cup diễn ra song song, nhưng khán giả vùng Idaho vẫn nườm nượp đi xem trận đấu. Họ không phải là người xứ Basque, nhưng họ vẫn cổ vũ Bilbao. Ở bất cứ đâu, Bilbao cũng có được những sự tôn trọng nhất định từ phía đối thủ. Chỉ bởi, người ta kính phục cái triết lý “cantera” của họ, đó là bức tường thành cuối cùng chống lại cơn cuồng phong toàn cầu hóa bóng đá, nơi mà bóng đá từ một môn thể thao đơn thuần thành những thú vui giải trí, từ cuộc chơi của số đông sang canh bạc của những ông chủ lắm tiền.
“Cantera”, đó là một triết lý, hay còn gọi là một điều bất di bất dịch của hoạt động của Bilbao, nói không với cầu thủ không có gốc xứ Basque, chỉ có tài năng bản địa mới được trao cơ hội, ở đó hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ nở rộ để chọn ra những đại diễn kế cận cho lớp đàn anh người địa phương. Họ không được phép, không thể và cũng chẳng muốn cải cách hay thay đổi cái triết lý ấy. Ở một nơi mà tính địa phương chủ nghĩa được đề cao, vùng đất mà người ta cố gắng duy trì bản sắc vùng miền, Bilbao còn hơn là một đội bóng, Bilbao là biểu tượng của một chủ nghĩa, là tôn giáo, là tiếng nói của cả một vùng đất phía Bắc Tây Ban Nha. Người Bilbao muốn, và khao khát sở hữu một đội bóng cộng đồng, một mô hình cộng hòa thu nhỏ, nơi mỗi người dân xứ Basque là một hạt giống gieo nên mặt cỏ sân San Mames, hằng ngày chứng kiến những cầu thủ chung quê hương của mình thi đấu. Có một sự thật thế này, năm 2006, khi đội bóng trên bờ vực xuống hạng khi kết thúc lượt đi, 80% cổ động viên tuyên bố thà chấp nhận xuống hạng, còn hơn cải cách. Liệu còn ở nơi đâu bạn tìm thấy một đội bóng như thế…
Đội bóng ấy hằng ngày ươm mầm ra những thế hệ cầu thủ bản địa tiềm năng, gắn kết và cùng nhau gầy dựng nên lối chơi đầy bản sắc của đội bóng xứ Basque, chuyền nhanh, chuyền trực tiếp, và phòng ngự chặt chẽ. Sau 100 năm, với những con người cùng ngôn ngữ, cùng tông giọng Biscay hay Gipuzkoa, lối chơi của họ vẫn không thay đổi. Tre già măng mọc, từ lớp thế hệ của Zarra, Parrizo đến Iribar, rồi sang Zubizarretta, Etxebarria, và bây giờ là Muniain, Mikel San Jose, de Marcos, Aduriz, họ tự sản sinh những cầu thủ tài năng của chính mình, chính họ mới là những người được gọi lên đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha nhiều nhất, chứ không phải là Real hay Barca. Họ vẫn sừng sững ở đó, suốt gần 100 năm với La Liga như một biểu tượng trường tồn song hành cùng giải đấu lâu đời này.
Kính nể là thế, nhưng người ta vẫn cảm thấy tội nghiệp Bilbao giống như một người đàn ông say mê lao động, tuy vậy, ôm đồm nhiều thứ, và như thế, chất chứa nhiều suy nghĩ, ưu tư nội tâm bên trong. Đó cũng là tính cách của những người xứ Basque, ít muốn giao thương với bên ngoài. Trong cái thế giới toàn cầu hóa này, khi mà luật Bosman có hiệu lực, các cầu thủ trong khu vực Euro tự do di chuyển đến các câu lạc bộ ngoại quốc cũng như xóa sổ hạn chế cầu thủ nước ngoài. Không còn Celtic với toàn bộ đội hình vô địch cúp Châu Âu 1967 sinh cách Glasgow chưa đầy 30km, mà xuất hiện những đội đa quốc gia, ví như Chelsea từ thời Vialli, đã ra sân với không còn cầu thủ Anh nào trong đội hình. Bóng đá là trò chơi kim tiền, nơi thành tích và các khoản lợi nhuận nhãn tiền là yếu tố quyết định thành bại, là canh bạc của những ông chủ dựa hơi người hâm mộ để kiếm tiền, thì mới thấy những đội bóng như Bilbao mới là những viên ngọc hiếm hoi và quý giá, là độc nhất trong bóng đá hiện đại.

Các CĐV của Bilbao luôn rất cuồng nhiệt
Thực ra mà nói, Bilbao đã nới lỏng hơn chính sách “cantera” ấy của mình so với trước, họ đã chấp nhận những người gốc Basque, miễn là họ đến từ Biscay, Gipuzkoa, Navarre ở Tây Ban Nha và Labourd, Soule, Hạ Navarre thuộc Pháp như Patxi Ferreira. Họ cũng đã phóng khoáng hơn với những trường hợp người Pháp gốc Basque, như Lizarazu, hậu vệ từng thi đấu cho Bayern. Và đến bay giờ, Jonas Ramalho, một wonderkid của xứ Basque là một thanh niên da màu đầu tiên thi đấu cho Bilbao, và anh còn thi đấu cho đội 1 từ lúc 14 tuổi. Tuy vậy, mục tiêu chuyển nhượng của Bilbao vẫn rất hạn chế, và nếu muốn, bạn chỉ có thể mời những mục tiêu khả dĩ như Ruffier của St. Etienne, hay mua những cầu thủ xứ Basque rải rác khác từ đối thủ Sociedad của họ, trừ Etxeberria, tất nhiên là họ không bán!
Với khoảng 2,6 triệu người xứ Basque, quả thật để tìm ra nguồn cầu thủ là vô cùng khó khăn. Với tỉ lệ sinh thấp nhất châu Âu, các tuyển trạch viên phải tìm đến các vùng dân xư hẻo lánh nhất của xứ Basque để tìm những cậu bé có hoài bão, có khát khao cháy bỏng và sở hữu tinh thần trách nhiệm. Như ông Iribar đã chia sẻ: “Các cậu bé của chúng tôi phải sẵn sàng càng sớm càng tốt ở những thời điểm như thế này”, Bilbao bây giờ phải giữ đôi chân mình trên mặt đất và có niềm tin của những lứa kế cận mà họ sở hữu, họ cũng là đội duy nhất hiện tại có đội II thi đấu ở Segunda. Đối với họ, danh hiệu là thứ gì đó khá xa, nhưng trên hết đó là bản sắc, là món ăn tinh thần, là sở hữu chung toàn dân, là tôn giáo của cả một cùng đất, một vùng lãnh thổ.

Hệ thống đào tạo trẻ của Bilbao luôn là nguồn cung cấp cầu thủ chất lượng
Cuối tuần vừa rồi, một trong những derby lâu đời nhất và có ý nghĩa văn hóa nhất đã diễn ra, đó là trận derby xứ Basque giữa Sociedad và Athletic, một đội vẫn trung thành với triết lý dân tộc, và một đội đã từ bỏ chính sách của mình từ năm 1989 để hòa nhập hơn với toàn cầu hóa bóng đá. Dù kết quả đã nghiêng về Sociedad ngay tại San Mames, nhưng câu biểu ngữ: “CON CANTERA Y AFICION, NO HACE FALTA IMPORTACION” (Với đội bóng quê hương và người hâm mộ, không cần phải nhập khẩu người ngoại quốc) vẫn ở đó, trang trọng và sừng sững cùng lời hò reo của người Biscay “Athletic, đỏ và trắng, mọi người yêu anh vì anh là một phần của mọi người”.
Và cũng xin chúc mừng Bilbao đã giành chiến thắng trước Olympique Marseille để lọt vào vòng 16 đội mạnh nhất của cúp châu Âu, biết đâu, điều diệu kì sẽ đến, Bilbao hiên ngang đoạt được danh hiệu Europa League, để chứng minh cho cả thế giới thấy rằng, họ vẫn tồn tại, họ vẫn thành công với triết lý của mình. Còn với tôi, tuy họ là công dân lỗi thời của kỷ nguyên toàn cầu hóa hay là con khủng long cuối cùng của kỷ băng hà, họ vẫn là độc nhất, là riêng biệt, và bóng đá đôi khi cũng nên có, và phải có một hiện tượng như thế.
Athletic Bilbao, họ cũng bị toàn cầu hóa, nhưng chỉ dừng lại ở cái tên mà thôi.
Uno (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.