Arsenal không phá sản nhưng câu lạc bộ dường như đang có những vết đứt gãy. Những ngày tháng chi tiêu tiết kiệm của Wenger dường như không giúp ích gì cho tầm nhìn dài hạn của họ.
Khi HLV Arsene Wenger rời Arsenal vào tháng 5/2018, một thế giới mới dường như đã mở ra với các cổ động viên “Pháo thủ”. Những lời phàn nàn chấm dứt và những ngày tháng vinh quang được trông chờ sẽ quay trở lại. Dẫu sao đó cũng là ước mơ. Còn một thực tế khác cũng dần dà xuất hiện.Những chia sẻ của ông ngay lập tức gây ra một “vụ nổ” trên Twitter. Và cơn thịnh nộ của người hâm mộ lại được dịp bung ra. Vào thời điểm mà đội bóng đang đối mặt những thách thức để lọt vào top 4 thì họ lại không thể đầu tư để bổ sung chiều sâu đội hình. Vỡ nợ?
Arsenal luôn được coi là một trong những CLB giàu nhất thế giới và đột nhiên họ tuyên bố không có tiền. Và trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào những vấn đề đang kìm hãm kỷ nguyên mới của họ.
Arsenal đã chi tiêu như thế nào?
Tình hình hiện tại của Arsenal có lẽ đã được những nhân vật ở thượng tầng đội bóng biết vào cuối mùa giải trước. Họ rất ít khả năng có thể đầu tư vào kỳ chuyển nhượng mùa đông vì những thương vụ lớn trong thời gian qua.
Đội hình Arsenal bắt đầu được xây dựng lại dưới thời Wenger và những hợp đồng đáng chú ý như Alexandre Lacazette (47 triệu bảng), Henrikh Mkhitaryan (30 triệu bảng) và Pierre-Emerick Aubameyang (57,3 triệu bảng) khiến quỹ lương của câu lạc bộ phải tăng thêm.
Cộng thêm những tân binh trong mùa hè như Bernd Leno (22,5 triệu bảng), Matteo Guendouzi (7 triệu bảng), Lucas Torreira (27 triệu bảng), Sokratis Papastathopoulos (17,7 triệu bảng), Stefan Lichtsteiner (miễn phí) khiến đột nhiên Arsenal buộc phải cân nhắc thận trọng những bản hợp đồng trong tương lai.
Mức lương 350.000 bảng/tuần của Mesut Oezil gây thêm những khó khăn cho hoạt động tài chính của họ nhưng câu lạc bộ vẫn cảm thấy những sự đầu tư sẽ được đền đáp. Tuy nhiên cần nhớ rằng Arsenal đã có những thay đổi quan trọng khi HLV Wenger cùng một loạt những nhân vật trong ban lãnh đạo rời câu lạc bộ. Chỉ riêng chiến lược gia người Pháp đã được trả 11 triệu bảng rồi.
Và trên hết, đội bóng thành London đã không thể thu về khoản tiền lớn từ những cầu thủ ra đi. Một báo cáo từ blog Daily Cannon đã giải thích cách mà Arsenal đã mang về tổng cộng 77 triệu bảng từ việc bán Johan Djourou, Denilson, Andrei Arshavin, Andre Santos, Marouane Chamakh, Sebastian Squillaci, Gervinho, Nicklas Bendtner, Lukas Fabianski, Bacary Sagna, Lukas Podolski, Serge Gnabry, Tomas Rosicky, Abou Diaby, Kieran Gibbs, Gabriel Paulista, Wojciech Szczesny, Francis Coquelin, Oliver Giroud, Santi Cazorla, Jack Wilshere, Lucas Perez, Joel Campbell, Mathieu Debuchy và Jeff Reine-Adelaide.
Matthew Wade, tác giả bài viết, chia sẻ với Bleacher Report: “Họ đã sai lầm trong chuyển nhượng suốt 5 năm qua. Họ phải trả nhiều tiền hơn khi mua và thu về ít hơn những gì đáng được nhận khi cầu thủ ra đi. Ở trên sân cỏ, phong độ suy giảm khiến đội bóng không có nguồn thu từ tiền thưởng hay tài trợ. Về mặt thương mại, thật khó để lớn mạnh khi không đạt được thành công.”
Vấn đề Mesut Oezil
Vấn đề của Mesut Oezil có lẽ là đau đầu nhất. Khi hợp đồng của anh chuẩn bị hết hạn và nhiều thông tin cho rằng anh sẽ rời CLB vào cuối mùa trước, Wenger và Ivan Gazidis, giám đốc điều hành khi đó, đã đồng ý với những điều khoản giúp tiền vệ người Đức trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất trong lịch sử đội bóng.
Tại Premier League mùa này, anh mới có 3 bàn thắng và 3 kiến tạo. Cựu tuyển thủ Đức không thể thuyết phục được Unai Emery rằng anh xứng đáng là một phần trong kế hoạch dài hạn của câu lạc bộ. Nhiều nguồn tin tại Arsenal cho rằng Emery sẽ không buồn khi Oezil rời sân Emirates tuy nhiên câu lạc bộ sẽ gặp khó trong việc tìm bến đỗ mới cho anh, nhất là khi họ không muốn phải trợ cấp tiền lương nếu anh ra đi.
Những vấn đề sâu xa
Trong quá khứ, Arsenal vẫn luôn mang về những tài năng mới để bù đắp những lỗ hổng đội hình. Nhưng giờ đây họ phải cẩn trọng với luật công bằng tài chính mới được cập nhật của Premier League.
Stan Kroenke |
Manchester City đã tránh được các án phạt vì họ “vung tiền” trước khi quy định được đưa ra còn các hoạt động của Arsenal đến vào thời điểm phức tạp hơn. Kieran Maguire, giảng viên bộ môn tài chính bóng đá của đại học Liverpool chia sẻ với Bleacher Report: “[Ông chủ câu lạc bộ] Stan Kroenke muốn câu lạc bộ tự chủ tài chính nên không sẵn sàng đầu tư vào cầu thủ. Arsenal trả tiền lương cao và để chứng minh được, họ cần lọt qua vòng loại Champions League để nằm trong giới hạn của STCC.
Việc mùa giải này họ không được tham dự Champions League và cơ hội ở mùa tới ngày càng ít đi cũng có nghĩa khó để quỹ lương tăng thêm 7 triệu bảng, chưa tính nguồn thêm từ những hợp đồng tài trợ mới. Thực tế, đó là chính sách “một trong, một ngoài” (one in, one out) để cân bằng quỹ lương”.
Bán những cầu thủ hàng đầu
Arsenal đang ở trong tình thế mà họ bắt buộc phải xóa bỏ số lương chi ra cho một vài cầu thủ đội một để mang về những tài năng mới. Cả Aaron Ramsey, Petr Cech lẫn Danny Welbeck đều hết hạn hợp đồng vào tháng 6, và 14,5 bảng mỗi năm sẽ được giữ lại khi họ rời đội bóng. Mohamed Elneny cũng có khả năng ra đi trong tháng 1 này và khi đó chúng ta sẽ bắt đầu có cái nhìn rõ ràng hơn về việc làm mới đội hình của “Pháo thủ”.
Emery muốn xây dựng lại Arsenal tuy nhiên ông cần phải kiên nhẫn. Một đội phụ trách chuyển nhượng đã được đưa về sân Emirates tuy nhiên “Pháo thủ thành London” lại không thể mang về bất cứ bản hợp đồng lớn nào trong mùa đông này.
Một vấn đề phức tạp hơn phát sinh khi trưởng bộ phận chuyển nhượng, Sven Mislintat, đang chuẩn bị ra đi theo nhiều nguồn tin tiết lộ. Mislintat tới làm việc tại Arsenal vào tháng 12/2017 sau khi chia tay Dortmund tuy nhiên lúc này ông không hài lòng với cách mà câu lạc bộ đang vận hành.
Tiết kiệm tiền cho kỳ chuyển nhượng mùa hè?
Arsenal đang xếp thứ 6 ở Deloitte Football Money League (Bảng xếp hạng các câu lạc bộ dựa theo doanh thu từ các hoạt động bóng đá) và các nguồn tin từ bên trong khẳng định “Pháo thủ” sẽ có tiền để chi tiêu vào cuối mùa giải. Vấn đề là không ai biết chính xác số tiền đó là bao nhiêu.
Nhiều người tin rằng Arsenal đã vạch sẵn ra hai kịch bản chuyển nhượng – được tham dự và không được tham dự Champions League – và lúc này người hâm mộ đang cảm nhận được họ sẽ làm theo kịch bản nào rồi.
Dù vậy Matthew Wade của Daily Cannon vẫn cố gắng tìm kiếm sự lạc quan. Anh nói: “Trên thị trường chuyển nhượng, chúng tôi không thể cạnh tranh với các câu lạc bộ khác trong top 6 khi nói đến chi phí bỏ ra. Và đó là trước khi xem xét đến những hạn chế về tiền lương của chúng tôi.
Tuy nhiên, điều đó có nghĩa chúng tôi càn phải đôn những cầu thủ trẻ lên và trong vòng 1 đến 2 năm, họ có thể đóng góp tương đương những gì các cầu thủ được trả lương cao của chúng tôi đang làm. Ngoài ra, tôi không nghĩ sẽ có một thay đổi lớn lao nào cả”.
Arsenal không phá sản nhưng câu lạc bộ dường như đang có những vết đứt gãy. Những ngày tháng chi tiêu tiết kiệm của Wenger dường như không giúp ích gì cho tầm nhìn dài hạn của họ. Các vị trí khác của câu lạc bộ không vận hành trơn tru trong kỷ nguyên mới như kỳ vọng và khoảng cách – cả trong lẫn ngoài sân – giữa “Pháo thủ” và các đối thủ của họ đang ngày một tăng lên.
CG (TTVN)