Arsenal của hiện tại: Khi Europa League chính là lẽ sống!

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Năm 18/02/2021 14:50(GMT+7)

Bao giờ cũng thế, khi niềm kiêu hãnh đã trở thành truyền thống, thì dù không muốn bộc lộ ra nhưng chỉ cần nhìn vào màu áo ấy, logo ấy, tự thân nó đã toát lên tinh thần tự tôn rồi. Chỉ có điều với Arsenal của hiện tại, trong cuộc chuyển mình vẫn đứng chênh vênh bên bờ vực.

 Triều đại Mikel Arteta đang bấp bênh và rất có thể đế chế ấy sẽ bị lật đổ chỉ sau vài tháng, thậm chí là vài ngày nữa, giống như cái cách Frank Lampard lặng lẽ rời Chelsea vậy.
 
Arsenal vẫn loay hoay tìm lối thoát trong giai đoạn khó khăn. Đã từ mấy mùa giải nay, Arsenal luôn mang một diện mạo khiến người ta phải lo lắng như vậy. Những trận đấu gây thất vọng liên tiếp, người hâm mộ vẫn sẵn sàng ở bên nhưng dường như đáp lại tấm chân tình đó, chỉ là thêm những màn trình diễn vô hồn, thiếu cảm xúc.
 
Phong độ của các cầu thủ Arsenal hết sức phập phù trong mùa giải này.
 
Phong độ của Arsenal mùa này giống như bản đồ hình sin, lên rồi lại xuống, xuống rồi lại lên. Pháo thủ đánh bại Liverpool trong trận tranh Siêu cúp nước Anh, kéo theo đó là chuỗi thành tích khá ấn tượng với 9 chiến thắng trong tổng số 12 trận hồi đầu mùa, trước khi bước vào giai đoạn thảm họa ở tháng 12, chỉ thực sự hồi sinh sau thắng lợi 3-1 trước Chelsea tại Emirates.
 
Nhưng cũng kể từ cuối tháng 1/2021, thầy trò Mikel Arteta đã trải qua 3 trận liên tiếp không biết mùi chiến thắng tại Premier League với chỉ vỏn vẹn 1 điểm có được, xếp thứ 11 trên BXH sau vòng đấu thứ 23, kém nhóm dự Champions League tới 9 điểm. 
 
Nhiều người thường nói rằng: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Nhưng nếu không duy trì được phong độ tốt thì đẳng cấp cũng sẽ dần mất đi. Sự bấp bênh chưa bao giờ đảm bảo cho một quyền lực vững mạnh thực sự. 
 
Một trận thắng có vẻ tưng bừng với tỉ số 4-2 trước Leeds United mới đây chẳng thể che mờ được thực tại rằng Arsenal vẫn quá mong manh. Họ dẫn trước đối thủ tới 4 bàn sau chưa đầy 50 phút bóng lăn, nhưng lại tỏ ra lép vế trong phần lớn thời gian còn lại. Và sau khi Helder Costa ghi bàn thắng thứ 2 cho Leeds, người ta chỉ thấy được một đội đang cố gắng trên sân, còn một đội bóng thì chịu trận.
 
Trước khi mỗi mùa giải mới bắt đầu, báo chí và truyền thông nước Anh luôn phát đi một thông điệp rõ ràng và nhất quán, rằng nếu Arsenal muốn tìm lại ánh hào quang trong quá khứ, BLĐ đội bóng cần một cuộc cách mạng triệt để. Và tất nhiên cái giá của hai từ “cách mạng” ấy chắc chắn phải cần tiền, rất nhiều tiền từ ngân sách của nhà Stan Kroenke.
 
Nhiều người nói Stan Kroenke keo kiệt ? Không hẳn ! Ít nhất là nếu chứng kiến số tiền mà ông chủ người Mỹ vung ra chiêu mộ tân binh trong vài năm trở lại đây. Con số 443 triệu bảng – đó chính xác là khoản chi của Arsenal trên TTCN trong 5 mùa giải gần nhất, tức là trung bình gần 90 triệu bảng/ mùa. Riêng mùa hè 2020, chỉ riêng bộ đôi Thomas Partey và Gabriel Magalhaes cũng ngốn tới 72 triệu bảng ngân sách chuyển nhượng của Pháo thủ.
 
Một câu hỏi khác đặt ra rằng tại sao ông chủ Arsenal không chi thêm tiền? Nút thắt của vấn đề chính là Stan Kroenke không thể, hoàn toàn không thể chi thêm vì nhiều ràng buộc khắt khe từ luật công bằng tài chính FFP (Financial Fair Play). Manchester City từng suýt bị cấm tham dự Champions League 2 mùa giải liên tiếp vì các gian lận liên quan đến hợp đồng tài trợ khống, nhằm che dấu khoản thua lỗ tài chính từ việc chi tiêu quá đà trên TTCN. Trường hợp tương tự cũng từng xảy đến với Paris Saint-Germain và Zenit.
 
Về phần mình, Arsenal đã thua lỗ 27.1 triệu bảng trong năm tài chính 2019, con số đó trong năm 2020 thậm chí sẽ còn khủng khiếp hơn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc không được tham dự Champions League trong nhiều năm liên tiếp cũng là nguyên nhân chính để giải thích. Điều này là dễ hiểu ! Trong quá khứ, Arsenal từng trải qua gần hai thập kỷ làm ăn có lãi dưới triều đại Arsene Wenger chỉ từ việc góp mặt đều đặn tại đấu trường danh giá nhất Châu Âu. Nhưng lúc bấy giờ, người ta coi nhẹ giá trị “19 năm liên tiếp” dự Champions League mà Giáo sư đem lại. Kể từ khi ông ra đi, chưa ai có thể đưa Arsenal trở lại. 
 
Sau nhiều năm vắng bóng, Arsenal đang rất nhớ hương vị của Champions League.

Cái vòng luẩn quẩn được đặt ra cho Arsenal vào lúc này, rằng nếu họ muốn hồi sinh thì phải chi tiền, mà muốn có tiền thì phải tham dự Champions League. Với tình cảnh lúc này, dù là cố gắng chiến đấu để vào Top 4 quốc nội hay vô địch Europa League thì đều là những bài toán khó nhằn với Mikel Arteta.
 
Mùa giải cuối cùng của HLV Arsene Wenger tại vị ở Emirates, cũng là mùa giải đầu tiên Arsenal phải xuống chơi ở Europa League, Pháo thủ nhẹ nhàng vào đến bán kết và chỉ chịu thua Atletico Madrid, đội bóng sau đó đã giành chức vô địch. Một năm sau, dưới triều đại của Unai Emery, Arsenal đi đến trận đấu cuối cùng, chạm trán đối thủ cùng thành phố là Chelsea trong trận chung kết. Nhưng thất bại ở Baku trước “show diễn” xuất thần của Eden Hazard khiến Arsenal một lần nữa lỡ hẹn với cánh cửa Champions League. Năm ngoái, mọi thứ trở nên tệ hại hơn. Arsenal của Mikel Arteta bị loại ngay từ vòng knout-out đầu tiên. Sự sa sút là điều dễ dàng nhận thấy.
 
Giờ đây, trên lý thuyết người ta vẫn xếp Arsenal vào nhóm ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch, nhưng thực tế chẳng mấy ai dám tin các học trò của Mikel Arteta sẽ làm nên điều thần kỳ ở mùa giải này. Vấn đề không phải nằm ở việc Arsenal phải cạnh tranh với Manchester United, Tottenham, AC Milan, AS Roma hay một đội bóng nào khác, vấn đề ở đây là chính họ. Vòng knout-out vốn không có chỗ cho những sai lầm. Sự chắn chắn và ổn định luôn là hai yếu tố tiên quyết. Mà nói về cả hai điều này, Arsenal của hiện tại đều chưa có.
 
Chuyến làm khách tại Stadio Olimpico đêm nay, sẽ là thuốc thử cho tham vọng của Pháo thủ.
 
Chuyến làm khách trên sân Stadio Olimpico đêm nay chính là thuốc thử tốt nhất cho tham vọng của Arsenal mùa này. 
 
Rõ ràng, đây là lúc người ta trông chờ vào tài ứng biến của cánh tay phải đắc lực một thời của Pep Guardiola. Với Mikel Arteta, mỗi một trận tại Europa League bây giờ, đều chẳng khác gì một trận chung kết !
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.