Hơn hai năm trôi qua kể từ sau thắng lợi nghẹt thở của Tottenham Hotspurs trước Ajax Amsterdam tại bán kết UEFA Champions League mùa giải 18/19. Số phận hai đội sau trận đấu này trở nên trái ngược. Tottenham đã thay tướng ba lần, đứng thứ 9 ở giải Ngoại hạng mùa này và đang phải thi đấu ở Europa Conference League, giải đấu còn thấp hơn cả Europa League.
Trong khi đó, Ajax dù đã phải bán tất cả những cầu thủ tốt nhất sau đó, đang thăng hoa ở mùa giải này khi thắng 12, hòa 3 và chỉ thua 1 trận duy nhất tính trên mọi đấu trường. Thầy trò Erik Ten Hag chỉ mới thủng lưới 2 bàn ở Eredivisie và toàn thắng ở vòng bảng Champions League, thành tích giúp họ trở thành một trong bốn đội lọt vào vòng 16 đội.
Cần thêm thông số nữa? Có ngay. Tỉ lệ bàn thắng kì vọng của Ajax ở Champions League là 11,1 – chỉ đứng sau Manchester City (12,3) và Bayern Munich (11,2). Tính đến trước lượt đấu thứ 4 vòng bảng Champions League, tỉ lệ kiểm soát bóng ở phần sân đối phương của đội chủ sân Johan Cruyff Arena đạt 74% (chỉ kém Chelsea với 83%). Chỉ số PPDA (số đường chuyền cho phép đối thủ thực hiện trước khi đưa ra biện pháp ngăn chặn) của Ajax đứng hạng hai với 8 đường chuyền, ngang với Liverpool và chỉ kém Chelsea. Số lần giành lại bóng ở phần sân đối phương là 23 (đồng dẫn đầu với Chelsea), ngoài ra họ có 66 đường chuyền chính xác vào khu vực 16m50 của đối thủ; lần này thì cao nhất giải.
Về cơ bản, kể từ sau mùa giải 18/19 được cả thế giới công nhận, Ajax không thay đổi gì nhiều: HLV của họ không đổi, chiến thuật cũng không thay đổi quá nhiều, phong cách chơi bóng lại càng không.
Erik Ten Hag vẫn ở lại và tiếp tục tạo ra một trong những bất ngờ lớn nhất, cũng như là một trong những đội chơi hay nhất Champions League tính đến thời điểm hiện tại. Không dễ để chỉ ra cấu trúc lên bóng của Ajax, chủ yếu là bởi họ có quá nhiều biến thể. Quan trọng ở đây là cách họ duy trì nhịp độ lên bóng cao, với những đường chuyền ngắn để tạo ra những đường chuyền chéo sân chết chóc.
4-2-3-1 của hai năm trước vẫn được duy trì. Tiền vệ Edson Alvarez sẽ lùi sâu để cung cấp phương án chuyền bóng cho hai trung vệ Jurrien Timber và Lisandro Martinez. Hai hậu vệ cánh Noussair Mazraoui và Daley Blind di chuyển cao hơn và giãn biên, cho phép hai tiền đạo cánh được bó vào halfspace.
Từ đó, một trong hai điều có thể xảy ra: Hậu vệ trái Blind sẽ lùi về để trở thành một trung vệ lệch trái với nhiệm vụ làm bóng; hoặc Ryan Gravenberch, tương tự như vai trò mà Frenkie de Jong đã đảm nhiệm ở mùa 18/19, sẽ lùi xuống để kéo quả bóng lên. Điều này giúp họ tạo ra cấu trúc 3-1, cung cấp cho Ajax nhiều phương án để lên bóng. Phong cách chơi bóng của họ, như đã đề cập ở trên vẫn không đổi. Vẫn là xu hướng phối hợp ở một bên sân để thu hút hàng phòng ngự đối phương về một bên, trước khi triển khai bóng thật nhanh sang bên còn lại.
Các cầu thủ tập trung về một bên cũng như liên tục đảo vị trí, tạo ra các tam giác cũng như hình thoi để phối hợp dễ dàng hơn. Vị trí của họ rất gần nhau, vì thế họ có thể giành lại bóng ngay khi vừa để mất.
Có chăng là họ bớt ngây thơ hơn như cách đây hai năm. Tập trung vào những đường chuyền dọc sân cũng như tốc độ lên bóng, thay vì cầm bóng cho có. Nhà báo người Hà Lan Pieter Zwart nhận xét: “Ajax của Ten Hag chơi bóng ngày càng hiện đại hơn. Nhiều biến thể hơn, ít giáo điều hơn và tập trung vào sản phẩm cuối cùng."
Ten Hag không có lí do gì để phản đối. “Ajax từng đá quá tĩnh và ngây thơ. Chúng tôi từng kiểm soát bóng chỉ để cầm bóng trong chân. Có lúc chúng tôi kiểm soát bóng tới 55% nhưng thua 2-0, chuyện quái gì đang xảy ra vậy? Tôi muốn đội kiểm soát bóng, dĩ nhiên, nhưng là ở phần sân đối phương. Tôi muốn cầm bóng để khiến đối thủ bị tổn thương."
Giá trị bản quyền truyền hình Eredivisie quá thấp (dưới 100 triệu euro/năm cho toàn bộ giải đấu; để so sánh, Premier League dự kiến thu về 15 tỉ bảng tiền bản quyền truyền hình cho giai đoạn từ 2022-2025) khiến một đội bóng mạnh nhất giải như Ajax Amsterdam cũng phải thay mới đội hình, khi chia tay một loạt hảo thủ như Frenkie de Jong (Barcelona), Matthijs de Ligt (Juventus), Hakim Ziyech (Chelsea), Donny van de Beek (Manchester United), Kasper Dolberg (Nice) và Quincy Promes (Spartak Moscow) để thu về 361 triệu euro. Số tiền họ bỏ ra chưa được một nửa con số trên (141 triệu euro), nhưng chất lượng tổng thể đội hình vẫn ở mức tương đương, thậm chí còn tốt hơn ở một số khía cạnh.
Những cầu thủ “cây nhà lá vườn“ được thay thế bằng những cầu thủ trẻ tài năng không kém như Ryan Gravenberch, Jurrien Timber và Devyne Rensch, cũng như kết hợp với những cá tính trẻ ở Nam Mỹ (cầu thủ chạy cánh người Brazil Antony).
Một điều khác biệt nữa nằm ở việc ban lãnh đạo Ajax, cụ thể là giám đốc thể thao Marc Overmars nhận ra cách đây vài năm rằng Ajax không thể chỉ dựa vào các cầu thủ trẻ nếu họ muốn tiến xa ở đấu trường châu Âu. CLB bắt đầu để ý đến những cái tên giàu kinh nghiệm như Remko Pasveer, lão tướng 38 tuổi để bắt thay cho Andre Onana và Maarten Stekelenburg hay Steven Berghuis, cầu thủ 29 tuổi người Hà Lan được đưa về từ đối thủ truyền kiếp Feyenoord. Cùng với đó là Dusan Tadic của Southampton (người đến ngay trước khi Ajax có mùa bóng 18/19 thần kì và đang là đội trưởng của Ajax) hay cựu tiền đạo của West Ham Sebastien Haller - những cầu thủ mà tiềm năng của họ bị đánh giá thấp hoặc chưa được tận dụng triệt để ở những đội bóng cũ.
Sebastien Haller cũng là người đem lại sự khác biệt lớn nhất về mặt lối chơi cho đội bóng thủ đô Hà Lan. Chiều cao 1m90 của tiền đạo người Bờ Biển Ngà cho phép họ chơi bóng dài, một phong cách rất khác so với mùa 18/19, thời điểm Tadic được đưa lên đá số 9 ảo.
Sebastien Haller – Hãy cứ enjoy cái moment nàyRạng sáng nay, người hâm mộ tiếp tục được chứng kiến những trận đấu hấp dẫn tại lượt 3 Champions League, và Ajax là một trong những CLB được hưởng niềm vui...
Sau hai năm liên tiếp không thể vượt qua vòng bảng Champions League, năm 2022 có thể chứng kiến một Ajax Amsterdam tiếp tục tạo nên những bất ngờ như họ đã từng làm cách đây 3 năm.
Mặc dù vậy, việc chỉ sở hữu một đội hình ở mức khá có thể khiến kịch bản cũ sẽ lặp lại: Họ sẽ lại đánh bại một hoặc hai đội bóng lớn, trước khi bị chính những đội bóng đó xâu xé đội hình, như khi Juventus chiêu mộ De Ligt sau khi bị Ajax đánh bại ở vòng tứ kết. Càng chơi hay, Ajax càng có nguy cơ tan đàn xẻ nghé.
Tất nhiên, chừng nào bộ sậu Edwin Van Der Sar (giám đốc điều hành), Overmars (giám đốc thể thao) và Ten Hag (HLV) còn ở lại, Ajax sẽ không quá lo lắng nếu phải tái thiết một lần nữa. Điều đáng sợ là những đội bóng lớn ở châu Âu rồi sẽ nhận ra rằng việc kí hợp đồng với những bộ não của Ajax, thay vì đôi chân sẽ mang đến nhiều lợi nhuận hơn.
Sẽ phải mất một thời gian để việc Ajax Amsterdam tiến sâu ở đấu trường Champions League không phải là phép màu, như điều họ đã từng làm ở mùa 94/95. Thế nên trước mắt, người hâm mộ Ajax hãy cứ tận hưởng giai đoạn hứa hẹn này đã.