AC Milan: Trỗi dậy từ đống tro tàn

Tác giả CG - Thứ Ba 24/05/2022 17:00(GMT+7)

Zalo

Với một đội bóng đã 11 năm mới lại đoạt Scudetto, một ông lớn nhưng đã “ngủ đông” quá lâu như AC Milan thì vinh quang mà họ đạt được thực sự có ý nghĩa vô cùng to lớn. Sau những thăng trầm, họ đã hồi sinh và dần trỗi dậy từ đống tro tàn.

AC Milan
 
Ngày 22/12/2019, AC Milan nhận thất bại 0-5 trước Atalanta. Đó là quãng thời gian đỉnh điểm của sự thất vọng ở đội bóng chủ sân San Siro, một quãng thời gian tắm tối khi trước mặt là đêm đen. “Hãy cứu lấy Milan”, đó là dòng tiêu đề trên trang bìa của tờ Gazzetta dello Sport số ra sau ngày hôm đó. Trận thua ấy là thất bại đậm nhất của Milan kể từ năm 1998. Thất bại đó đẩy Milan xuống vị trí 11 trên bảng xếp hạng.
 
Nhưng trận đấu đó giống như tận cùng của khổ đau, tận cùng của nỗi thất vọng, để rồi sau cơn bĩ cực là tới hồi thái lai. Kể từ điểm đáy đó, Milan đã đi lên và không dừng lại trên hành trình trỗi dậy của mình. Như HLV Stefano Pioli từng khẳng định: “Tập thể Milan này được sinh ra từ trận thua 0-5 ấy. Từ đó chúng tôi biết mình cần phải làm gì”.
 
Chức vô địch Serie A mùa giải 2010/11 giống như mốc son cuối cùng trong triều đại mà cựu thủ tướng Silvio Berlusconi là ông chủ của AC Milan. Sau đó, họ buộc lòng phải bán hai trụ cột Zlatan Ibrahimovic và Thiago Silva cho đại gia mới nổi Paris Saint-Germain. Hai thương vụ đó giống như biểu tượng cho sự thoái trào của AC Milan suốt một thập kỷ. Chẳng ai trong số các cổ động viên quên những năm tháng mà người ta gọi đội bóng của họ một cách mỉa mai là “AC FreeLan” với những cầu thủ do phó chủ tịch kiêm CEO Adriano Galliani mượn về có thể xếp đủ thành một đội hình ra sân chính thức. 
 
Các Milanista cũng không thể quên quãng thời gian khi đội bóng được bán cho ông chủ người Trung Quốc, người hâm mộ tự tin tuyên bố với những tấm băng rôn in dòng chữ “We are so rich” (Chúng ta rất giàu) nhưng rốt cuộc chỉ là cú lừa. Thời điểm quỹ đầu tư Elliott – vốn là chủ nợ của ông chủ Trung Quốc - tiếp quản AC Milan, tình hình tài chính đội bóng rất bi đát, thậm chí đội bóng bị UEFA cấm tham dự cúp châu Âu do vi phạm các quy định về công bằng tài chính.
 
Nhà báo Stefano Cantalupi của Gazzetta dello Sport chia sẻ: “Trong thời kỳ đó (giai đoạn Li Yonghong làm ông chủ AC Milan), một đồng nghiệp của tôi ở Gazzetta đã tới Trung Quốc để tìm hiểu xem Li Yonghong thực sự là ai. Trước hết, anh ấy đến thăm văn phòng công ty của Li và thấy nó trống trơn, mấy chiếc hộp pizza còn vương vãi trên sàn. Anh trò chuyện với một vài doanh nhân ở bản địa và phát hiện ra Li hoàn toàn vô danh trong giới thể thao và tài chính Trung Quốc”.

AC Milan
Năm 2019, Milan nhận thất bại muối mặt với tỷ số 0-5 trước Atalanta. Nhưng cũng từ đó, họ đã trỗi dậy. Ảnh: Getty Images
 
Trong khi đó rất nhiều HLV đến rồi đi, nhưng Milan chưa thể có một sức bật hoàn hảo để trở lại. Thay vào đó, sự thất thường vẫn luôn là thứ đi kèm đội bóng này. Như đã nói, trận thua Atalanta năm 2019 giống như là cú đấm hạ gục hoàn toàn lòng tin của người hâm mộ. Bên cạnh đó còn là những mâu thuẫn không thể hàn gắn ở thượng tầng.
 
Sau khi AC Milan thuộc về quyền sở hữu của Elliott và ông Ivan Gazidis trở thành Giám đốc Điều hành, AC Milan đã xác định đường hướng tập trung vào tương lai hay nói cách khác là đầu tư trên thị trường chuyển nhượng vào các cầu thủ trẻ. Nhưng sau đó, những kết quả không tốt trên sân chỉ ra một phần lý do nằm ở việc Milan thiếu kinh nghiệm của những lão tướng.
 
Ai cũng hiểu đầu tư vào các cầu thủ trẻ là đi đường dài, song trên sân cần những người đàn anh đủ kinh nghiệm, trình độ và uy tín để làm chỗ dựa cho toàn đội cả về chuyên môn lẫn tinh thần.
 
Đó chính là nguồn cơn cho những mâu thuẫn ở ban lãnh đạo thời điểm ấy. Giữa CEO Gazidis với Giám đốc Kỹ thuật Paolo Maldini và Giám đốc Bóng đá Zvonimir Boban thời điểm đó xảy ra xung khắc lớn. Gazidis chỉ muốn chiêu mộ cầu thủ trẻ trong khi Maldini và Boban kiên quyết đội bóng phải đưa về những gương mặt có kinh nghiệm thi đấu.
 
Giọt nước tràn ly là khi Boban “tố” Gazidis ngay trên báo rằng CEO người Nam Phi đã bí mật đàm phán với Ralf Rangnick – một chiến lược gia tập trung vào việc sử dụng, đào tạo cầu thủ trẻ - để thay thế Pioli. Kết quả là Boban bị sa thải. 

AC Milan
Stefano Pioli ban đầu bị chính ban lãnh đạo AC Milan nghi ngờ, nhưng sau đó, ông đã chứng minh mình là sự lựa chọn đúng đắn. Ảnh: Getty Images
 
Khi ấy, Milan đã đưa về Zlatan Ibrahimovic và Simon Kjaer rồi nhưng cả hai lão tướng này chỉ có những hợp đồng ngắn hạn. Song, phong độ xuất sắc của cả hai đã thực sự giúp thức tỉnh Milan và khiến một tập thể trẻ trung có những người đàn anh để làm chỗ dựa. Từ đó Rossoneri có một diện mạo khác biệt. Gazidis cũng không còn nghĩ đến Rangnick nữa mà để Maldini cùng các cộng sự tập trung vào quản lý chuyên môn. Stefano Pioli sau đó được gian hạn hợp đồng, và chiến lược gia người Italy đã đưa Milan đi một hành trình thực sự đáng nhớ.
 
Đầu mùa giải này quả thực rất ít người nghĩ đến việc AC Milan sẽ đoạt Scudetto. Đúng là họ đã hồi sinh và tìm lại được con đường đi của mình, nhưng để đoạt chức vô địch quốc gia vẫn là điều ít người đặt niềm tin lẫn sự kỳ vọng. Dù Juventus trải qua mùa giải 2020/21 thất vọng thì họ vẫn là một thế lực, nhất là khi Max Allegri trở lại băng ghế HLV. Với Inter, dù họ phải chia tay Achraf Hakimi, Romelu Lukaku và đặc biệt là HLV trưởng Antonio Conte thì sau một vài trận đấu đầu tiên, tất cả đã thấy dưới sự dẫn dắt của Simone Inzaghi đây vẫn là một tập thể mạnh.
 
Bản thân tập thể AC Milan này vẫn không phải một đội bóng hoàn hảo. Những Theo Hernandez, Rafael Leao, Sandro Tonali, Pierre Kalulu đã có sự tiến bộ lớn, nhưng họ vẫn còn những khiếm khuyết và có những sai lầm. Bên cạnh đó suốt cả mùa giải các trụ cột của họ không ít lần gặp những chấn thương như thủ thành Mike Maignan phải nghỉ thi đấu 1 tháng, Simon Kjaer đứt dây chằng chéo trước từ tháng 1 và phải nghỉ hết mùa giải, trong khi Ibrahimovic cũng phải chịu những áp lực thể chất ở tuổi 40. 
 
Nhưng tập thể với những gương mặt trẻ trung cùng một vài lão tướng U40 và ngấp nghé U40, dưới sự dẫn dắt của một vị HLV bị đặt nhiều nghi ngờ ngay từ thời điểm đầu tiên nắm đội đã đi một hành trình kỳ lạ mà đầy phi thường. Kỳ lạ vì cách họ đá không hoàn hảo, nhưng mỗi người lại mang đến một giá trị để hoà vào thành công chung. Nếu xét về số lượng bàn thắng, hai chân sút ghi nhiều bàn nhất của Milan tại Serie A mùa giải 2021/22 là Olivier Giroud và Rafael Leao (11 bàn) chỉ đứng thứ 9 giải đấu. Tuy nhiên, Milan lại có hàng phòng ngự vững chắc nhất Serie A với chỉ 31 lần nhận bàn thua.
 
Đi qua ngày mưa mới yêu thêm ngày nắng, phải nếm trải những đắng cay mới thấu hết sự ngọt ngào của vinh quang. Bởi vậy, chiếc Scudetto này có ý nghĩa quá to lớn với Milan và các cổ động viên của họ, bởi đội bóng đã đi một hành trình tuyệt vời không chỉ ở mùa giải này mà còn từ 2 mùa bóng trước. 
 
Như Ibrahimovic đã từng nói với các đồng đội của mình: Ở Milan, người ta chỉ nhớ đến những người đoạt Scudetto và Champions League”. Bởi vậy, tập thể này của Rossoneri xứng đáng được nhớ tới, dù cho họ không phải tập thể vĩ đại như những năm tháng vinh quang nhất, nhưng họ đã làm nên lịch sử.

AC Milan
Chức vô địch Serie A là thành quả ngọt ngào của AC Milan. Ảnh: Getty Images
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow