AC Milan 1988: Chuyện bên trong đế chế chinh phạt của Arrigo Sacchi (Phần 2)

Tác giả CG - Thứ Năm 06/07/2017 15:33(GMT+7)

Zalo
Phần 2:

RIJKAARD VÀ NHỮNG LẦN NGỦ GẬT TRONG CÁC BUỔI HỌP CHIẾN THUẬT

 
Mùa hè năm đó, hai cầu thủ người Hà Lan làm bùng nổ thế giới bóng đá với màn trình diễn cho đội tuyển Hà Lan suốt vòng chung kết Euro được tổ chức ở Tây Đức cũ. Trong đó Van Basten với cú vô lê ở trận chung kết vào lưới Liên Xô đến nay vẫn giữ được màu sắc huyền thoại của mình. Sau giải đấu, Cruyff đã rất muốn mang cậu học trò của mình đến Barcelona trong một bản hợp đồng trao đổi Gary Lineker.
 
Khi Van Basten trở lại câu lạc bộ sau mùa hè ấy, anh đã mang trong mình một sự tự tin. Anh cũng có một người đồng đội mới, một người bạn cũ từ Ajax: Frank Rijkaard. Sacchi đã rất muốn mang cầu thủ này về, tuy nhiên vẫn có một chút rủi ro. Rijkaard vừa kết thúc quãng thời gian ở Real Zaragoza, nơi anh được đem cho mượn từ Sporting của Bồ Đào Nha sau khi bị loại ra khỏi đội hình của Cruyff ở Amsterdam.
 
Sự xuất hiện của anh ở Milan hoàn toàn bị lu mờ bởi bản hợp đồng mang tên Lothar Matthaus diễn ra cùng ngày của Inter. Nhưng Rijkaard không quá bận tâm. Anh không phải một người nói nhiều nhưng có khiếu hài hước ngầm và các đồng đội mới đã nhanh chóng khơi dậy phong cách này của anh bên ngoài sân cỏ. Trên tất cả, họ hoàn toàn bị ấn tượng bởi khả năng của một tiền vệ kiến tạo lùi sâu. Chàng trai với lọn tóc xoăn bay phấp phới trên trán khi anh chạy từ vị trí tiền vệ phòng ngự để “bơm” bóng cho các cầu thủ phía trên.
AC Milan 1988 Chuyen ben trong de che chinh phat cua Arrigo Sacchi (Phan 2) hinh anh
AC Milan 1988: Chuyện bên trong đế chế chinh phạt của Arrigo Sacchi (Phần 2)1
Chúng ta không thấy quá nhiều điều để nói khi anh khởi đầu ở đội bóng mới. Ban đầu Rijkaard được sử dụng trong vai trò một hậu vệ, vị trí mà anh cũng vui vẻ đá nhưng lại gặp khó để khẳng định bản thân mình trong đội khi cố để thích nghi với ý tưởng hàng phòng ngự dâng cao và pressing. Anh hoàn toàn bị bối rối trước Sacchi; thậm chí có những câu chuyện kể rằng cầu thủ người Hà Lan đôi khi còn ngủ gật trong các buổi họp chiến thuật và đùa cợt trước những ý kiến cho rằng anh nên tập trung vào trận đấu khi vẫn còn nhiều tuần phía trước.
 
Đó có lẽ cũng là thái độ của Van Basten, người mà khi mùa giải mới 1988/1989 bắt đầu thì anh ngày càng tỏ ra không hài lòng với cách mà Sacchi từ chối cư xử với anh như một cá nhân, một cầu thủ có những nhu cầu đặc biệt. Anh vẫn nghe thấy tiếng thì thầm của Cruyff văng vẳng bên tai mình.
 
Các nhà vô địch bắt đầu mùa giải mới khá tốt, sự chuệch choạc chỉ đến vào tháng 11 khi những trận thua trước Verona, Atalanta và Napoli (thua 1-4 dễ dàng tại Naples) đã trở thành hồi chuông báo động. Bộ ba người Đức của Inter đang “cướp” đi sức mạnh của những người đồng nghiệp Hà Lan. Những lời phàn nàn của Van Basten đang dần công khai hơn (và anh biết mình sẽ luôn được Berlusconi chống lưng) trong khi tinh thần thi đấu tự do của Gullit bắt đầu gây một chút vấn đề (“Tôi thi đấu giống như tôi sống cuộc đời của tôi, và ngược lại. Khi mọi người nói tôi là một kẻ vô tổ chức, tôi không hiểu. Đó là lỗi ư? Tôi thấy nó như một lời khen.”)
 
Tháng 12/1988, Van Basten về thứ nhất trong cuộc đua Quả bóng vàng hay Cầu thủ châu Âu xuất sắc nhất năm, trong khi Gullit về nhì và Rijkaard xếp thứ ba. Đó là lần đầu tiên ba người đồng đội trong một câu lạc bộ nằm trong top ba của giải thưởng này, một điều sẽ được lặp lại ở mùa sau khi Baresi thế chỗ Gullit. “Marco, Quả bóng vàng? Nó vừa xuất sắc mà cũng là điều bình thường vì cậu ấy là người giỏi nhất ở vị trí của mình vào lúc này,” Johan Cruyff phát biểu. “Xét về mặt tâm lý, cậu ấy rất mạnh mẽ. Đó là một bức tường! Khi mọi người so sánh hai chúng tôi, tôi luôn nói cậu ấy là đứa con tinh thần của tôi.”
 
Điều này lặp lại vào 22 năm sau, khi Messi, Iniesta và Xavi nắm ba vị trí dẫn đầu trong màu áo Barça.  
 
“XEM ĐỘI MILAN NÀY THI ĐẤU, BÓNG ĐÁ CÓ LẼ KHÔNG BAO GIỜ LẶP LẠI ĐƯỢC ĐIỀU TƯƠNG TỰ”
Vào thời điểm này, sự tập trung duy nhất của Sacchi gần như là dành cho cúp châu Âu (European Cup). Đó là một đội bóng có thể đánh bại phần còn lại của Serie A và giành chức vô địch, điều không quá lạ lẫm trong thập niên 80: Verona, Roma và tất nhiên là Napoli, đã làm tất cả để đập tan sự thống trị của Juve trong thập kỷ đó. Việc khẳng định bản thân ở châu Âu, nơi mà thể thức loại trực tiếp có tác động mạnh mẽ là một vấn đề hoàn toàn khác.
 
Mọi chuyện không hoàn toàn diễn ra theo kế hoạch. Kết quả hòa 1-1 trên sân nhà ở vòng hai trước Sao Đỏ gần như đã chấm dứt cơ hội của câu lạc bộ khi sau đó đội bóng Nam Tư đã vươn lên dẫn trước trong suốt trận lượt về tại Belgrade. Milan đang như người đi trên dây, cho đến khi trận đấu buộc phải hủy vì sương mù. Trận đá lại cũng kết thúc với một tỉ số 1-1 nữa trước khi Milan vượt qua loạt luân lưu. Chiến thắng trước Werder Bremen sau đó đã đưa đội bóng lọt vào vòng bán kết gặp Real Madrid. Trận lượt đi, Van Basten đã ghi bàn gỡ hòa sau khi Hugo Sánchez mở tỉ số, một kết quả 1-1 nữa khiến trận lượt về trên sân San Siro hết sức đáng chú ý.
 
Trong khi báo chí và các cổ động viên vẫn đang phàn nàn vì trận hòa 1-1 trên sân nhà trước một đội bóng cửa dưới ở Serie A là Lecce thì Milan của Sacchi đang chuẩn bị để đâm một nhát dao hạ gục Madrid. “Những gì chúng ta không được làm,” Baresi cảnh báo trước trận đấu, “là đá vì một trận hòa không bàn thắng.”
 
Và diễn biến trên sân đã chứng minh Milan không gặp quá nhiều nguy hiểm. Ancelotti tung một cú sút xa từ khoảng cách 27m mở tỉ số trận đấu trước khi Rijkaard đánh đầu ghi bàn thắng thứ hai. Gullit nâng tỉ số từ quả tạt của Donadoni rồi sau đó Van Basten ghi bàn từ đường đánh đầu trả bóng của Gullit. Và cuối cùng cú sút chéo góc của Donadoni đã định đoạt số phận trận đấu. Real Madrid thua lấm lưng trắng bụng 0-5. Cả thế giới bắt đầu phải chú ý.
 
Khi trận đấu khép lại, Berlusconi đã tỏ ra một chút bối rối, ông ôm lấy người đồng cấp bên phía Madrid là Ramon Mendoza và thì thầm “Tôi xin lỗi.” Leo Beenhakker - huấn luyện viên của Real, người sẽ rời đội bóng không lâu sau đó - với khuôn mặt thất thần, đã trả lời các nhà báo rằng Milan đã chơi “một thứ bóng đá phi thường.” Tờ báo Tây Ban Nha El Mundo Deportivo thì viết rằng “Đó là một màn độc tấu của Milan, với giọng ca chính thuộc về người Hà Lan: Rijkaard, Gullit và Van Basten đều đã ghi bàn. Madrid giống như một con rối trong tay người Ý, những người đá theo ý muốn, ghi bàn bất cứ khi nào họ cảm thấy thích.”
 
Jorge Valdano, cựu tiền đạo và huấn luyện viên Real Madrid, sau này khẳng định rằng “Milan của Sacchi là sự thay đổi của loài người. Sự gắn kết này là việc lấy tấn công thay đổi những tham số cũ của catenaccio đã làm bóng đá Ý nổi tiếng khắp thế giới.” 
Trận chung kết tổ chức tại sân Camp Nou trước Steaua Bucharest có lẽ là màn trình diễn vĩ đại nhất cho cuộc cách mạng của Sacchi. Inter của Trapattoni đã giành được chức vô địch Italia, tuy nhiên lúc này người hâm mộ Milan thực sự không quan tâm. Ra sân trong trang phục màu trắng sáng chói, các học trò của Sacchi một lần nữa lại lao lên phía trước ngay khi tiếng còi khai cuộc bắt đầu. Trong những trận đấu phải đặt tính thận trọng lên trên như những trận chung kết cúp châu Âu thì phương pháp tổng tấn công của Milan quả thật là một điều ngoạn mục. Milan thắng 4-0, nhưng đáng lẽ ra tỉ số có thể nhiều hơn thế; Gullit và Van Basten chia sẻ nhiệm vụ ghi bàn dù cả hai đều có thể có hat-trick cho riêng mình.
 
“Khi chúng tôi bước ra khởi động, chúng tôi thấy rất nhiều cổ động viên ngồi ở trên các sân thượng xung quanh,” Baresi nhớ lại. “Và chúng tôi hiểu rằng mình không thể nào trở về nhà mà không đem theo chiếc cúp.” Silviu Lung, thủ môn kém may mắn của Steaua hôm đó, thừa nhận, “Khi hết trận tôi bị kiệt sức. Trong cả cuộc đời mình, tôi chưa từng phải đối mặt với nhiều cú dứt điểm như vậy.”
 
Nhà báo Gianni Mura khẳng định trên tờ La Repubblica là chiến thắng ấy giống như việc nhà thơ Ý Gabriele d’Annunzio đánh bại Karl Marx. Maldini thì suy nghĩ đơn giản hơn: “Với tất cả chúng tôi, đó là chiến thắng đầu tiên. Chúng tôi bước ra sân với sự hăng hái và lòng tin, chúng tôi thấy tràn trề sức mạnh.” Ngày hôm sau, tờ nhật báo thể thao của Pháp L’Equipe tuyên bố, “Xem đội Milan này thi đấu, bóng đá có lẽ không bao giờ lặp lại điều tương tự.”
 
THÀNH TÍCH VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU CỦA SACCHI
 
Cả thế giới đang hướng mắt về Milan, dù vậy họ vẫn là một đội hình có kỷ luật tốt, hòa hợp, những tranh cãi không bao giờ bị đẩy đi quá xa. Nhưng Van Basten, dù đã ghi được 19 bàn ở Serie A vẫn không thể gắn kết với Sacchi. Khi ông bắt đầu cho Van Basten nghỉ ở một số trận nhất định, Berlusconi đã tỏ thái độ không hài lòng. Tiền đạo người Hà Lan luôn là cầu thủ yêu thích của Silvio, và Rijkaard đứng thứ hai. Gullit đã thổi bay cơ hội của mình đi sau phát biểu trên một tờ báo Hà Lan rằng Berlusconi “tự phụ với tư cách một người đàn ông lẫn một vị chủ tịch.”
 
Bây giờ câu lạc bộ đã có những sự kì vọng mới, và il Presidente không mấy hài lòng khi huấn luyện viên của ông giành lấy hết những lời ngợi khen. Sacchi đang bị gây áp lực, ông phải tiếp tục giữ được sự hạnh phúc của các cầu thủ và đồng thời vẫn phải bảo vệ chính mình trước những “cú đánh bất ngờ”. Ông trở nên kiên định hơn, quyết tâm chứng kiến “công trình kỹ thuật” vĩ đại của mình phát triển. 
 
Có thể nói sức mạnh của giải Italia khiến một cỗ máy đỏ-đen không tưởng như vậy cũng phải tiếp tục trải qua khó khăn trong suốt mùa giải sau chức vô địch châu Âu. Đánh bại Juventus và Inter trong hai tuần liên tiếp là một điều tốt, thế nhưng để thua Cremonese và Ascoli thì chắc chắn không bao giờ nằm trong kế hoạch. Maradona đang làm sống lại Napoli của mình, giúp đội bóng giành scudetto thứ hai, dù cả Milan và Inter đều bám đuổi rất gắt gao ở giai đoạn hai của mùa giải.
AC Milan 1988 Chuyen ben trong de che chinh phat cua Arrigo Sacchi (Phan 2) hinh anh 2
Berlusconi
Lại một lần nữa, chiến dịch đầy hứa hẹn ở cúp châu Âu đã lấy lại khí thế cho đội bóng. Họ đánh bại Real Madrid ở vòng hai với tổng tỉ số 2-1 trước khi vượt qua đội bóng của Bỉ KV Mechelen ở hiệp phụ bằng các pha lập công của Van Basten và cầu thủ vào thay người Marco Simone. Sau khi họ vượt qua trận bán kết tương đối khó khăn trước Bayern Munich, báo chí Italia đã bắt đầu tập trung vào cơ hội bảo vệ chức vô địch của Milan.
 
Họ không bao giờ còn có thể phô diễn sức mạnh như năm trước, thế nhưng bằng cách này hay cách khác, Milan đã trở lại trận chung kết, lần này là cuộc đối đầu với Benfica của Sven-Göran Eriksson trên sân Praterstadion ở Vienna. Rijkaard ghi bàn duy nhất đem về chiến thắng và cũng thi đấu tốt, thế nhưng có lẽ trận đấu ấy sẽ được nhớ tới như là một trong những màn trình diễn đỉnh cao nhất của Baresi trong màu áo Milan. Sacchi đã làm được điều mà chưa huấn luyện viên nào làm được kể từ đó đến nay là bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu. [Bổ sung: Mùa giải 2016/2017, Real Madrid của Zinedine Zidane đã bảo vệ được chức vô địch châu Âu UEFA Champions League - ND]
 
“HỌ TẠO NÊN MỘT CUỘC CÁCH MẠNG VÀ HOÀN HẢO VỀ MẶT CHIẾN THUẬT”
 
Ông ở lại Milan thêm một mùa giải nữa, nhưng vào đầu năm 1991 có một bầu không khí lạnh nhạt đang dần tăng lên trong câu lạc bộ. Sacchi khẳng định rằng cơn khát danh hiệu không còn nữa: “Nếu ai đó đói và họ phải ăn, hãy nhìn xem điều gì sẽ xảy ra. Và hãy xem điều gì xảy ra nếu đó là lần đầu tiên họ được ăn cái gì đó sau nhiều năm…”
 
Van Basten đang dần dần bị gạt ra ngoài và Gullit thì vật lộn với những chấn thương đồng thời nhiều tờ báo khẳng định rằng khoảng thời gian của anh với Milan đã kết thúc (Mặc dù vậy Rijkaard dường như vẫn hạnh phúc khi anh được đóng một vai trò lớn hơn). Đáng chú ý nhất là việc Berlusconi ngày càng lấn tới, ông gửi một tối hậu thư cho huấn luyện viên của mình để yêu cầu vô địch quốc gia và cúp châu Âu hoặc là nói lời tạm biệt. Milan đã bị Marseille loại ở vòng tứ kết trong năm đầu và sau đó phải chấp nhận về nhì ở đấu trường châu Âu trong năm thứ hai.
 
Capello được chỉ định thay thế Sacchi mặc cho những sự phản đối công khai từ Donadoni và Baresi (thế nhưng lại không có bất kì cầu thủ Hà Lan nào phản đối). Huấn luyện viên trưởng tương lai của đội tuyển Anh mở ra một chu kỳ thành công mới cho Milan, Van Basten có một trong những mùa giải quốc nội hay nhất của mình, còn Gullit và Rijkaard tiếp tục tỏa sáng trong màu áo đỏ-đen. Có thể nói, Capello là huấn luyện viên đầu tiên áp dụng phương pháp chiến thuật của Sacchi, tinh chỉnh lại trước khi những chấn thương quái ác của Van Basten ngày càng nhiều thêm và những người đồng hương của anh trong đội bóng ra đi tìm thử thách ở nơi khác.
AC Milan 1988 Chuyen ben trong de che chinh phat cua Arrigo Sacchi (Phan 2) hinh anh 3
 
Sir Alex Ferguson gần đây đã tôn vinh di sản của Sacchi: “Ông ấy đã thay đổi bóng đá Italia. Ông ấy vứt bỏ catenaccio bằng cách đề ra một lối chơi pressing tầm cao, Maldini sẽ băng lên ở cánh. Tâm lý người Ý là tấn công một cách thận trọng. Thế rồi đột nhiên tất cả không còn chút catenaccio nào nữa mà là hàng phòng ngự bốn người, với một đội hình tấn công thay vì chờ đợi phản công. Đó là một sự thay đổi vĩ đại.”
 
Rafa Benitez nổi tiếng là một người ủng hộ đội bóng Milan ấy (“họ có chất lượng, kỷ luật và cường độ cao”), khi Jamie Carragher viết trong cuốn tự truyện của mình kể về việc chiến lược gia người Tây Ban Nha yêu cầu anh học hỏi Rossoneri của đầu thập niên 90 như thế nào: “Ông ấy đưa tôi những chiếc DVD của đội Milan huyền thoại của Arrigo Sacchi và đặc biệt muốn tôi phân tích cách di chuyển và tổ chức hàng phòng ngự của Franco Baresi.”
 
Với Barsei, ông không thể tin được mọi thứ đã thay đổi thế nào chỉ trong vài năm. “Chúng tôi nhìn xung quanh và đôi khi thấy thật kì diệu,” Ông trả lời FourFourTwo năm 2009. “Với sự xuất hiện của Berlusconi, mọi thứ ở câu lạc bộ thực sự thay đổi. Khi ông ấy trả lời chúng tôi rằng chúng tôi sẽ là câu lạc bộ số một thế giới, tất cả đã tỏ ra hoài nghi. Nhưng chỉ trong vòng vài năm, chúng tôi đã giành được mọi thứ với một phong cách đáng kinh ngạc.”  
 
Gianluca Vialli, cầu thủ thuộc đội hình Sampdoria đã đánh bại Milan trong cuộc đua Serie A năm 1991, đồng tình: “Họ là những nhà cách mạng vì họ chơi quá tốt với tư cách một đội bóng - họ hoàn hảo về mặt chiến thuật. Cái cách họ pressing tầm cao trên sân thay vì lùi sâu, chúng mang tính cách mạng và kể từ đó đã được sao chép.”
 
Pressing tầm cao trên sân: Bây giờ dường như đó là một điều hiển nhiên. Nhìn lại quá khứ, Sacchi đã trả lời khi được hỏi về bộ ba Hà Lan và liệu chúng ta có quá tập trung vào họ mà quên đi phần còn lại của đội bóng cũng rực rỡ không kém hay không. “Đó không chỉ là các cầu thủ Hà Lan, hay đội hình ấy mặc dù họ rất tuyệt vời,” ông nói. “Đó còn là hệ thống thi đấu. Hệ thống là thứ cuối cùng dẫn dắt trên sân; nó không bao giờ chấn thương hay mệt mỏi. Nó không phải các cầu thủ chiến thắng tất cả các trận cầu lớn. Nó là cách mà chúng ta thi đấu.”
 
Nhưng một hệ thống không thể đại diện cho một đội bóng theo cách mà các cầu thủ có thể chơi. Với đội bóng Milan ấy, vinh dự đó thuộc về bộ ba “hoa tulip”: Gullit, Van Basten và Rijkaard.
 
Lược dịch và hiệu đính từ bài viết Milan '88: The inside story of Sacchi's all-conquering kings, as told by them của tác giả Matt Barker trên FourFourTwo.

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Hãy mạnh dạn đặt niềm tin vào "Bộ 6 siêu đẳng" của ông đi nào, Gareth Southgate!

Trong một bài phân tích do đích thân mình viết gần đây cho The Athletic, cựu tiền đạo huyền thoại Alan Shearer đã đề xuất một ý tưởng xây dựng đội hình cho HLV trưởng của Tam Sư là Gareth Southgate, ông tin rằng nó sẽ hình thành một “bộ 6 siêu đẳng” trên tiền tuyến của tuyển Anh và giúp họ thăng hoa.

Giải mã thành công của Inter dưới thời Inzaghi theo góc độ chiến thuật

Inter Milan là á quân Champions League 2023 và đang chơi thứ bóng đá tuyệt vời để thống trị Serie A Italia. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các khía cạnh chính về mặt chiến thuật của HLV Simone Inzaghi, hi vọng có thể giúp các bạn hiểu được tại sao tập thể này tạo ra hiệu suất vượt trội đến thế.

X
top-arrow