7 lý do khiến kỳ chuyển nhượng mùa đông ở Premier League 23/24 trở thành nỗi thất vọng

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Bảy 10/02/2024 14:04(GMT+7)

Tuần trước, những ai trông đợi vào các thương vụ gây sốc trong ngày Deadline Day hẳn đã cảm thấy thất vọng, đặc biệt nếu họ là người hâm mộ Premier League. Nếu nhìn vào các bản hợp đồng trong top 10, bạn sẽ chỉ thấy vỏn vẹn 2 cái tên có thể đá chính ngay lập tức (Radu Dragusin và Eljif Elmas). Ngoài ra, chúng ta có thể thêm Sacha Boey (Bayern Munich) và Timo Werner (Tottenham) vào danh sách này dù họ nhiều khả năng cũng chỉ là những phương án dự phòng.

 

Theo Deloitte, Premier League đã chứng kiến mức chi tiêu khổng lồ từ 815 triệu bảng cách đây một năm xuống còn 100 triệu bảng vào thời điểm này. Đó là sự sụt giảm quá lớn đối với giải đấu giàu nhất thế giới. Trên thực tế, đây là mức chi tiêu thấp nhất (không tính những mùa bị ảnh hưởng bởi COVID) trong hơn một thập kỷ qua. 

Có một số lý giải tại sao điều này lại xảy ra.

1. TTCN mùa đông thường diễn ra chậm chạp

Nhìn chung, các đội bóng không muốn loại bỏ những cầu thủ có đóng góp vào tháng Một. Ngoài ra, giá thành của họ cũng đắt hơn bởi đơn giản là họ đang có đóng góp cho đội chủ quản. Nửa mùa giải còn lại đang ở phía trước. Nếu bạn để ai đó ra đi, bạn cần tìm người thay thế có năng lực tương đương nếu không muốn kết quả đi xuống. Tất nhiên, một người thay thế có năng lực có thể đang làm tốt ở nơi khác; CLB sở hữu anh ta sẽ rất miễn cưỡng trong việc bán đi.

Vì vậy, để nhắm những mục tiêu trong tháng Một, bạn thường phải trả giá cao hơn so với mùa hè; điều này cũng chỉ xảy ra nếu đối tác của bạn có thể tìm được người thay thế. Những cầu thủ bạn muốn thải loại thường sẽ ra đi dưới dạng cho mượn (nghĩa là chỉ có phí cho mượn chứ không có phí chuyển nhượng). Thậm chí, điều đó có thể trở nên phức tạp hơn, bởi nếu họ đang ở một đội bóng lớn, mức lương của họ có thể trở nên quá tầm với các CLB nhỏ hơn. 

2. Tháng 1/2023 là một ngoại lệ của Chelsea 

Khoản chi khổng lồ vào tháng Một của Chelsea (265 triệu bảng) đã làm số tiền chi ra của các CLB thay đổi đáng kể (lên tới 815 triệu bảng). Tuy nhiên, 100 triệu bảng không phải là con số điển hình cho TTCN mùa đông. Theo Transfermarkt, nếu bỏ qua những năm có COVID, con số sẽ rơi vào khoảng 220 triệu bảng (năm 2020) và 205 triệu bảng (năm 2019). Nghĩa là mức chi tiêu đã giảm, nhưng không đến nỗi khủng khiếp như năm nay.

 

3. Hiệu ứng domino 

Hãy trở lại luận điểm thứ nhất: Nếu một CLB chi tiền cho một cầu thủ, CLB cũ của anh ta sẽ cần tìm người thay thế và CLB trước đó của người thay thế sẽ phải tìm kiếm điều tương tự, cứ như vậy. Một thương vụ lớn có thể tạo ra phản ứng dây chuyền và dòng tiền sẽ xoay vòng. Nhưng nếu không có gì để bắt đầu, điều đó sẽ không xảy ra.

Ví dụ: Nếu Arsenal cần một tiền đạo cắm và quyết định chi 100 triệu bảng cho Alexander Isak (Newcastle United), Newcastle có thể chi 60 triệu bảng cho Dominic Solanke (Bournemouth) để thay thế. Bournemouth sẽ cần khỏa lấp khoảng trống của Solanke bằng cách mua Jean-Philippe Mateta (Crystal Palace) với giá 30 triệu bảng. Palace sau đó sẽ lấy Elijah Adebayo từ Luton Town với giá 20 triệu bảng. Còn Luton Town hẳn sẽ bằng lòng với lựa chọn mang tên Oli McBurnie từ Sheffield United với giá 5 triệu bảng.

Nhìn xem, 215 triệu bảng đã được chi ra. Tất cả đều được thúc đẩy chỉ bởi một thương vụ.

4. Việc thực thi các quy tắc về lợi nhuận và tính bền vững đã có tác động

Luật Công bằng tài chính của UEFA đã được đưa ra cách đây vài năm (và sau đó được điều chỉnh vào năm ngoái), nhằm mục đích hạn chế số tiền thua lỗ mà một CLB có thể phải gánh chịu trong 3 năm. Không rõ điều luật này sẽ được triển khai quyết liệt đến mức nào, nhưng các CLB đã có câu trả lời trong mùa giải này, điển hình như Everton bị trừ 10 điểm vì những sai phạm trong quá khứ. 

Như thể vẫn chưa đủ, Premier League đã đưa ra biện pháp giám sát “theo thời gian thực” để những vi phạm trong năm nay sẽ bị trừng phạt vào cuối mùa giải. Hiện tại, Nottingham Forest và (lại là) Everton đang bị cáo buộc theo những quy định đó. Tác động của những biện pháp này có thể đang bị phóng đại một chút, nhưng chắc chắn chúng đã ảnh hưởng đến các thương vụ chuyển nhượng trong tháng Giêng của Everton và Forest, cũng như cả những đội có thể gặp rủi ro như Chelsea và Newcastle. 

 

Không đáng để các CLB có nguy cơ dính líu tới PSR (Quy tắc lợi nhuận và bền vững) mạo hiểm trong mùa đông này, nhất là khi họ có vẻ sẽ không đạt được mục tiêu doanh thu mùa này. Ví dụ: Chelsea dự kiến sẽ tiến xa hơn trên bảng xếp hạng, còn Newcastle vẫn có thể dự cúp châu Âu, nhưng vị trí hiện tại của họ cho thấy điều đó sẽ không xảy ra.

5. Nhiều CLB lớn quyết định đứng ngoài

Ngoài Chelsea và Newcastle, những CLB đang phải đối mặt với quá trình chuyển giao cũng khó có thể hành động. Mùa hè này, Manchester United sẽ có một cổ đông thiểu số mới (Sir Jim Ratcliffe), GĐĐH mới (Omar Berrada), một GĐTT mới (Sir Dave Brailsford) và có thể là cả một HLV mới. Liverpool cũng sẽ có HLV mới và GĐTT mới. Theo thông lệ kinh doanh thông thường, thời điểm để tiêu tiền không phải là khi ban điều hành mới chưa tiếp quản.

Arsenal (đã chi 200 triệu bảng cho Kai Havertz, Declan Rice và Jurriën Timber) và Manchester City (chi nhiều hơn thế cho Jérémy Doku, Josko Gvardiol, Matheus Nunes và Mateo Kovacic) đã mua sắm mạnh mẽ trong mùa hè. Ngoài ra, cả hai đội đều đang chơi tốt (chỉ kém đội đầu bảng 2 điểm), do đó họ không cần phải đầu tư thêm trong mùa đông.

6. Các đội ở nửa cuối BXH cũng không vội

Panic buy - hay mua sắm hoảng loạn là điều thường xảy ra khi các đội đang cố gắng thoát khỏi khu vực xuống hạng. Đó là khi họ sẵn sàng chi tiền để tăng cường lực lượng giữa mùa giải, với niềm tin rằng việc đó sẽ khiến họ tốn ít tiền hơn so với suất xuống hạng.

Dù đúng hay sai, có cảm giác 2 trong số 3 suất xuống hạng đã được định đoạt bởi Sheffield United và Burnley. Rất có thể Luton Town sẽ tiếp bước họ, dù đội bóng này vừa giành 11 điểm sau 6 trận đã qua. Với việc đã có 3 CLB đang chìm sâu trên BXH, chưa kể Everton và Nottingham Forest - 2 CLB đang gặp khó khăn về tài chính như đã đề cập ở trên - nhiều đội bóng từ vị trí thứ 10 đến 15 đang cảm thấy tương đối thoải mái.

7. Đây chỉ là một TTCN mùa đông kỳ quặc, chứ không trở thành xu hướng 

TTCN tháng Giêng nhìn chung không tuân theo logic của TTCN truyền thống. Thời gian diễn ra ngắn hơn khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bất thường. Ngoài ra, kỳ chuyển nhượng mùa đông năm nay sẽ không trở thành xu hướng trong tương lai. 

Bằng chứng ư? Giải đấu chi tiêu nhiều nhất là Ligue 1 của Pháp, giải đấu thường hay bị xếp sau. Và không chỉ mình PSG chi tiền: Trên thực tế, họ đã bị Lyon vượt mặt trong bối cảnh có tới 4 CLB Ligue 1 chi hơn 20 triệu euro, so với chỉ 1 CLB ở Premier League. 

Giải đấu chi tiêu nhiều thứ hai không phải ở châu Âu, cũng không phải là Saudi Pro League: Đó là Serie A của Brazil, nhờ những thương vụ như đưa Luiz Henrique từ Real Betis đến Botafogo, khiến anh trở thành bản hợp đồng đắt giá thứ hai lịch sử giải đấu. Premier League đứng thứ ba, ngay trước Serie A (Ý) và La Liga, trong khi MLS đứng ở vị trí thứ bảy.

Kỳ chuyển nhượng mùa đông 2023/24 là một kỳ chuyển nhượng khá kỳ quặc

Hẳn bạn đang tự hỏi Saudi Pro League, với những CLB tiêu hoang trong mùa hè, những người sẽ định nghĩa lại bóng đá và xây dựng một thế lực mạnh mẽ ở vùng Vịnh đứng thứ mấy? Họ đứng thứ 15, sau giải Ngoại hạng Nga (bất chấp các lệnh trừng phạt), giải Ngoại hạng Ukraine (bất chấp chiến tranh) và giải đấu hàng đầu của Bỉ (bất chấp thực tế là không có dầu ở Bỉ).

Điểm mấu chốt ở đây? Đừng lo lắng về việc các hoạt động chuyển nhượng tháng 1/2024 của Premier League trở nên nhỏ giọt. Có lý do cho việc đó và nó không có gì đáng lo ngại. Hy vọng các đội bóng sẽ phục hồi trở lại với tiền trong tay vào tháng Một tới.

Lược dịch bài viết: “Seven reasons Premier League's transfer window was kind of meh” của Gabriele Marcotti (ESPN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.