Phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) các ông chủ doanh nghiệp khi rót tiền vào bóng đá, đều xuất phát từ tình yêu, đam mê và một số đáng kể luôn chỉ dùng từ “chơi bóng đá”. Vấn đề là, tình yêu mà liên quan, thậm chí là quá lạm dụng tiền bạc, liệu có bao giờ bền không?
Bầu bỏ cuộc chơi…
Kết thúc V-League 2011, bộ đôi ông bầu Trần Đình Long và Nguyễn Mạnh Tuấn của câu lạc bộ Hòa Phát Hà Nội quyết định rút lui khỏi đời sống bóng đá đỉnh cao, dù đội bóng của họ đã trụ lại giải đấu cao nhất Việt Nam. Chán, thất vọng và hết đam mê rồi thì chia tay nhau, thế thôi. Đấy là một cú sốc thực sự với nền bóng đá xứ sở và các giải đấu chuyên nghiệp, khi các ý tưởng về việc thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang được phôi thai, như một đòi hỏi tất yếu của lịch sử, với bầu Nguyễn Đức Kiên (một người bạn và một đối tác của bầu Tuấn, bầu Long), ông chủ của Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (trước đó là Hà Nội ACB) là người khởi xướng.
Đã hơn một lần bầu Đệ của Thanh Hóa lên tiếng đòi bỏ V-League
Trên thực tế, bầu Tuấn, bầu Long không phải những ông chủ doanh nghiệp đầu tiên từ bỏ. Trước đó, bầu Lê Phước Vũ (Tôn Hoa Sen) cũng đã nói lời chia tay Cần Thơ và thôi tài trợ Cúp quốc gia, để chuyển qua tài trợ cho… trọng tài.
Cuộc khủng hoảng niềm tin, cùng cơn bão tài chính quét qua địa hạt bóng đá, là căn nguyên của mọi vấn đề. Sau bầu Long, bầu Tuấn, đến lượt bầu Thọ (Navibank Sài Gòn), bầu Lê Tiến Anh (Khatoco Khánh Hòa) và cả bầu Kiên…, cũng đầu loạt nói lời chia tay sau V-League 2012. Đó là chưa kể đến những ông bầu lâm thời khác như bầu Lưu Quang Lãm (Sài Gòn FC)…, cũng chỉ trụ lại được đúng một tháng, khi tiếp quản Sài Gòn Xuân Thành từ tay bầu Nguyễn Đức Thụy. Trên danh nghĩa chính thức lúc này, bầu Thụy cũng không đứng chính danh là ông chủ đích thực của đại diện duy nhất của bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh tại V-League, Xuân Thành Sài Gòn (phiên hiệu khác của Sài Gòn FC), mà là em ruột của ông, Nguyễn Xuân Thủy.
Nếu lấy cột mốc là năm 2009, chỉ tính riêng ở giải đấu V-League, cho đến lúc này, đã có khoảng hai phần ba các ông bầu rơi rụng. Bầu Võ Quốc Thắng vẫn được biết đến như ông chủ tối thượng của Đồng Tâm Long An, nhưng giờ người em trai của ông, Võ Thành Nhiệm, mới là người sở hữu con dấu. Tương tự như thế là bầu Đỗ Quang Hiển, tại các đội bóng Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng, với thuộc cấp là những người đứng chính danh.
Làm phép cộng dồn, hiện các đội bóng Việt Nam còn được biết đến (kiểu danh chính ngôn thuận) như đội bóng của các ông bầu là: Kiên Long Kiên Giang (bầu Thắng, với chức danh chủ tịch hội đồng quản trị), Đồng Tâm Long An (bầu Nhiệm), Hoàng Anh Gia Lai (bầu Đức), Sông Lam Nghệ An (bà Thái Thị Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á), Xuân Thành Sài Gòn (bầu Thủy), Thanh Hóa (bầu Đệ)…, tức là chưa quá bán so với số lượng các đội bóng tham dự V-League 2013, 12 đội.
Bởi tại quá… cô đơn
Trước cuộc điều tra tài chính về việc một ông bầu sở hữu nhiều đội bóng đôi ba năm về trước, bầu Hiển đã quyết định rửa tay. Nhưng, chỉ là “rửa tay” thôi, chứ không phải đã “gác kiếm”. Mặc dù không đứng chính danh, nhưng tất cả đều biết, bầu Hiển mới chính là ông chủ tối thượng của SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T và thậm chí cả tân binh V-League 2014, QNK Quảng Nam.
Người ta dễ dàng cảm nhận được một cuộc chơi thiếu công bằng. Tuy nhiên, vấn đề là VPF và thậm chí cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chưa bao giờ có đủ bằng chứng để “buộc tội” bầu Hiển. Ngược lại, những gì mà ông Đỗ Quang Hiển đã và đang làm cho bóng đá Việt Nam là quá nhiều. Nhân sự (huấn luyện viên và cầu thủ) thuộc các đội bóng của ông Hiển, đã và vẫn không ngừng cung cấp cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam, ít nhất từ nửa thập niên qua, rồi những chung tay khác về việc phát triển giải đấu và giữ cho giải đấu không bị “bể”. Thế thì có thể bóc mẽ được không?!
Các ông bầu không có lỗi, mà lỗi thuộc về thuộc tính của nền bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, với sự điều hành bị cho là khá kém cỏi. Có quá nhiều các cuộc bể dâu, so với số lượng ít ỏi các ông bầu mới tham gia vào đầu tư bóng đá. Quanh đi quẩn lại, vẫn chỉ là những cái tên rất cũ. Đó là chưa kể, thi thoảng lại có một (hay vài) ông bầu đăng đàn, dọa bỏ cuộc chơi và đoạn tuyệt bóng đá. Người ta tính rằng, trong tương lai gần, nếu nền kinh tế vẫn ảm đạm như hiện tại, bóng đá Việt Nam còn có nguy cơ trở lại thời kỳ đồ đá.
Tất nhiên, trong những thời khắc ảm đạm nhất, nặng nề nhất, không phải không có những tấm gương. Bầu Đức là một trong số đó. Ông Đức đã xác định rõ ngay từ đầu rằng, ông đầu tư vào làm bóng đá, chứ ông không chơi bóng đá. Bóng đá giúp các hạng mục kinh doanh khác của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phát huy hiệu quả, để rồi từ đó, tiền được đầu tư ngược lại bóng đá. Và từ năm 2007, khi bầu Đức đạt được sự hợp tác với Arsenal, ông đã quyết định thành lập Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG, để bóng đá phải tự nuôi sống được nó, thay vì qua quá nhiều các khâu trung gian vốn rất khó để cân đo đong đếm.
Theo phép tính cộng phổ thông, với các sản phẩm đầu ra và xuất xưởng, hướng tới các thị trường ở Đông Bắc Á, thậm chí là Đông Âu, Học viện HA.GL - Arsenal - JMG sẽ có thể có lãi. Từ đó, tỷ lệ ăn chia cũng được ấn định rất rõ ràng, cụ thể. Năm sau, khi lứa cầu thủ đầu tiên của học viện này ra lò, chúng ta sẽ cảm nhận được rõ hơn mức độ hiệu quả của dự án tầm vĩ mô này.
Bóng đá Việt Nam và các giải đấu được cho là chuyên nghiệp vẫn tổ chức hàng năm, sẽ làm gì để những ông bầu như Đỗ Quang Hiển và Đoàn Nguyên Đức bớt cô đơn?! Đấy là câu hỏi tu từ!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)