Chúng ta có thể tìm ra những điểm tương đồng gì giữa những thành phố một bị chiến tranh tàn phá như Donetsk, một nhộn nhịp như Porto và một cổ kính như Lyon? Vấn đề chính nằm ở bộ ba quyền lực Rinat Akhmetov, Jorge Nuno Pinto da Costa và Jean-Michel Aulas. Nếu đã biết đến họ coi như bạn đã có được câu trả lời cho mình.
Một nhà tài phiệt như Rinat Akhmetov, một người khởi nghiệp từ ngành ngân hàng như Jorge Nuno Pinto da Costa hay một vị kế toán cần mẫn như Jean-Michel Aulas hóa ra lại có nhiều điểm chung, nó đến từ suy nghĩ chứ không phải tiểu sử hay xuất thân. Họ dấn thân vào thế giới bóng đá hiện đại, đứng đầu những Shakhtar Donetsk, FC Porto và Olympique Lyon với phong thái tự tin, làm chủ những bí mật của thị trường chuyển nhượng để đạt được điều mà bất cứ ai cũng mong muốn: mua rẻ bán đắt. Đặc biệt là các đội bóng Anh, họ lại càng khát khao để biết được những bí mật làm ăn đó.
Nhiều người phải ghen tị với tài mua bán của Da Costa |
Porto là đội bóng từ lâu đã “được” người ta nhìn bằng ánh mắt ghen tị. Họ tự hào khi là bệ phóng vững chắc cho những ngôi sao như James Rodriguez, Hulk, Radamel Falcao hay Joao Moutinho. Nhưng dù thường xuyên để những trụ cột tối quan trọng ra đi hàng năm song đội bóng thành phố Cảng Bồ Đào Nha vẫn biết cách tìm ra nhân tố thay thế cân xứng. Năm 2004, họ lên đỉnh châu Âu dưới thời Jose Mourino, bán đi hầu hết đội hình chính song gần như không hề rơi vào trạng thái tụt dốc như nhiều trường hợp khác. Bằng chứng là 10 năm từ đó trở lại đây, Porto giành 7 chức vô địch VĐQG, 4 cúp Quốc gia và 1 Europa League. Rõ ràng họ không bao giờ phải nhìn lại quá khứ, các CĐV cũng không có cơ hội để nhớ lại các công thần cũ khi luôn có những thần tượng mới trong lòng.
Theo thống kê của Yahoo Sport, từ năm 2001 tới 2011, Porto đã tích lũy được số tiền thặng dư lên tới 342 triệu bảng (tổng cộng số tiền bán ra được 850 triệu) khi bán cầu thủ cho nhiều CLB khác nhau, thành phố khác nhau từ Madrid đến Moscow. Trong một kỷ nguyên mà những đội bóng có truyền thống đào tạo trẻ, xuất khẩu cầu thủ giỏi như Ajax đang dần chìm vào quên lãng tại châu Âu, Porto đã lướt lên phía trước trở thành một thương hiệu về chuyển nhượng.
Không chỉ một mình Porto đi theo con đường đó, thậm chí họ cũng không phải là người tiên phong. Lyon của chủ tịch Aulas đi đầu trong phong trào mua rẻ bán đắt với những thương vụ như Karim Benzema, Michael Essien, Mahamadou Diarra, Florent Malouda, Eric Abidal… Phần lớn trong số họ là những nhân tố chủ chốt giúp “Sư tử sông Rhone” VĐQG Pháp trong 7 năm liên tiếp (từ 2002 tới 2008). Tiếp đó phải kể tới những nhà lãnh đạo hạnh phúc của Shakhtar Donetsk, những người đã bán Fernandinho, Willian, Douglas Costa, Henrikh Mkhitaryan, Dmytro Chygrynskiy để thu về hơn 100 triệu bảng trong 5 năm trở lại đây.
Những cầu thủ bán được giá nhất của Shakhtar |
Điều gì đã giúp họ làm nên thành công như vậy? Với Tổng giám đốc Porto Antonio Henrique, bí quyết của ông là tuân thủ 3 nguyên tắc: chuyển nhượng, phát triển và sinh lời. Nghe qua những điều này quá chung chung và lãnh đạo đội bóng nào cũng biết. Nhưng sự thực thì Henrique đã đúng. Shakhtar, Porto và Lyon không có bí mật gì quá lớn lao, họ thành công đơn giản là dựa theo những điều cơ bản.
Một chủ tịch có tầm nhìn xa là rất quan trọng đối với bất cứ vụ tuyển dụng nào, trong bất cứ công việc nào mà thật may là ba CLB Shakhtar, Porto và Lyon lại sở hữu những con người như vậy. Với Da Costa, từ khi chuyển sang làm chủ tịch Porto từ năm 1982, thành tựu của ông là nhiều vô cùng. Trước đây “Những chú rồng” đã là một đội bóng mạnh tại Bồ Đào Nha nhưng chỉ tới khi người đàn ông sinh năm 1937 tiếp quản họ mới thực sự trở thành “Gã khổng lồ” tại quốc gia này. Đã có nhiều trường hợp một số thế lực tại châu Âu như Marseille, Celtic và Red Star Belgrade bị suy thoái trước bóng đá hiện đại. Nhưng Porto của Da Costa không những không đi vào vết xe đổ đó mà còn tiến xa trên con đường mình chọn.
Nhìn sang Shakhtar, tỷ phú trẻ Akhmetov tới đây năm 1996 khi mới 30 tuổi đời và sau 19 năm gắn bó, mức độ giàu có của ông tỷ lệ thuận với sự thành công của đội bóng miền Đông Ukraine. Theo điều tra của tạp chí tài chính uy tín Forbes, tới hết năm 2013 tài sản của người đứng đầu sân Donbass Arena đạt con số 18,3 tỷ USD, xếp thứ 47 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Tỷ phú Akhmetov đã góp phần nâng tầm Shakhtar |
Trước đây khi nói tới bóng đá của quốc gia thuộc Liên Xô cũ này, người ta nghĩ ngay tới Dynamo Kiev như một quyền lực tuyệt đối. Nhưng sau 5 năm làm bóng đá, Akhmetov đã làm thay đổi thực tế đó với chức VĐQG mùa 2001/02 trước khi có một quyết định vô cùng sáng suốt là mời Mircea Lucescu về làm HLV trưởng năm 2004. Với mảnh ghép hoàn hảo này, từ đó tới nay Shakhtar đã thực sự vươn mình sánh ngang hàng với Dynamo Kiev thể hiện 8 lần vô địch Ukraine nữa bên cạnh 1 UEFA Cup mùa 2008/09.
Còn với Lyon, trước khi Aulas tới vào năm 1987, họ vẫn chỉ là một đội bóng làng nhàng, thậm chí còn phải chơi ở giải hạng 2. Nhưng với chiến lược kinh doanh bài bản, sáng suốt, chủ tịch sinh tại chính vùng Rhone-Alpes (nơi có thủ phủ là thành phố Lyon) đã giúp Les Gones làm nên thành tích không ai có thể tưởng tượng trước đó: 7 chức vô địch Ligue 1 liên tiếp.
(Còn tiếp)
Mạnh Hùng