Zona Mista: Sự thay thế hoàn hảo cho Catenaccio

Tác giả August - Thứ Hai 04/07/2016 16:23(GMT+7)

Bóng đá Italia gắn liền với tư duy phòng ngự. Thứ đặc sản mà người Italia mang tới cho bóng đá thế giới là catenaccio hay còn gọi được biết đến là “phòng ngự đổ bê tông”. Hệ thống phòng ngự catenaccio đã mang tới những thành công to lớn cho bóng đá Italia. 

Zona Mista chính là chìa khóa thành công cho Italia ở Euro 2016
Tuy nhiên, khi bóng đá tổng lực (totaalvoetbal) của người Hà Lan và lối chơi đầy kĩ thuật của các cầu thủ Nam Mỹ như Joga Bonito của Brazil lên ngôi vào những năm 1970 thì catenaccio đã bị khuất phục. Người Ý nói riêng và giới túc cầu giáo nói chung cần có một hệ thống phòng ngự khác thay thế để có thể làm đối trọng với trường phái bóng đá tấn công đẹp mắt. Và khái niệm phòng ngự khu vực ra đời như một tất yếu khách quan của dòng chảy bóng đá nhân loại. 

PHÒNG NGỰ KHU VỰC PHẢI CHĂNG LÀ ZONA MISTA?
Một vấn đề về liên quan tới sự ra đời của chiến thuật phòng ngự khu vực đó là ai là người đã phát minh ra nó vẫn còn chưa được thống nhất. Theo J. Wilson đã đưa ra trong cuốn sách “Inverting the pyramid” thì người đầu tiên giới thiệu cách chơi phòng ngự khu vực là Luis Vincio vào năm 1974 khi ông đang là HLV của Napoli. Tuy nhiên, nhà báo người Italia Francesco Camerani trong một bài báo đăng ngày 22 tháng 3 năm 2014 trên L’Unità lại cho rằng hệ thống này được giới thiệu bởi Luigi Radice (HLV của Torino từ 1975 đến 1980) và Giovanni Trapattoni (HLV của Juventus từ 1976 đến 1986). 

Nhưng có lẽ những ý kiến khác nhau đó cũng không quan trọng vì dù thế nào phòng ngự khu vực vẫn là phát minh của người Ý. Với hệ thống chiến thuật phòng ngự mới này, Enzo Bearzot đã cùng đội tuyển Italia giành chức vô địch thể giới tại Espana 1982 và kỉ nguyên thành công của Juventus dưới sự chèo lái của Trapattoni. Sau đó, huấn luyện viên huyền thoại của AC Milan, Arrigo Sacchi đã cải tiến và đưa phòng ngự khu vực lên đỉnh cao. Từ đây, Zona Mista trở thành nền tảng cơ bản trong cách tổ chức hệ thống phòng ngự của các đội bóng trên thế giới.

Trong cuốn “Inverting the pyramid”, Jonathan Wilson đã trích lời của Arrigo Sacchi khi nói về Zona Mista như sau:

Khu vực của Liedhom là một khu vực không có thực. Khu vực của tôi là khác. Việc kèm người được chuyền qua từ người này tới người khác giống như việc cầu thủ tấn công di chuyển qua các khu vực khác nhau ở trên sân. Trong hệ thống của Liedhom, bạn bắt đầu trong một khu vực, nhưng thực tế đó là một khu vực hỗn hợp, ở đó bạn vẫn phải thực hiện việc phòng ngự kèm người trong khu vực của bạn.
Arrigo Sacchi
Vậy “khu vực Liedhom” và “khu vực hỗn hợp” (tiếng Ý: Zona Mista) là gì?

Khu vực của Liedhom được Sacchi nhắc tới chính là ám chỉ tới cách thức phòng ngự khu vực đơn thuần. Mỗi cầu thủ ở hàng tiền vệ và hậu vệ được giao nhiệm vụ phòng ngự một khu vực cụ thể và dường như là cố định. Và khi một cầu thủ nào đó di chuyển ra khỏi khu vực mà anh ta đảm trách thì đồng đội của anh ta sẽ phải “mở rộng” khu vực của mình nhằm kiểm soát cả khu vực đã bị bỏ trống kia của đồng đội. 

Arrigo Sacchi người nâng tầm Zona Mista
Khác với Liedhom, khu vực hỗn hợp mà Sacchi đề cập tới ở đấy chính là khu vực mà mỗi cầu thủ trên sân được giao trách nhiệm “quản lý” với những hành động hỗn hợp. Tuy nhiên, phòng ngự khu vực bao hàm nhiều hành động hơn như vậy. Tại khu vực của mà mình quản lý, mỗi cầu thủ phải thực hiện một cách có hệ thống và đồng thời hỗn hợp các hành động như kèm người khu vực, liên tục tấn công và các khoảng trống đặc trưng của lối chơi tấn công tổng lực và còn phải tham gia tích cực vào việc phòng ngự kèm người 1-1 đặc trưng của bóng đá Ý. 

Như vậy, Zona Mista là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự tổ chức khoa học của phòng ngự khu vực với catenaccio. Thuật ngữ “Zona Mista” cần phải được hiểu một cách chính xác như vậy. Từ logic trên có thể thấy phòng ngự khu vực và Zona Mista là cùng một trường phái nhưng không tương đồng với nhau. Tuy nhiên ngày nay, khi nhắc tới Zona Mista là người ta hiểu ngay đó là phòng ngự khu vực và cả thế giới đều chấp nhận điều đó.

ZONA MISTA VỚI VAI TRÒ CỦA LIBERO

Zona Mista có hai trường phái được nối tiếp nhau trong lịch sử của hệ thống này một gắn với vai trò của libero, còn một gắn với tập thể đội bóng.

Đầu tiên, đó là hệ thống Zona Mista gắn với vai trò của libero trong với sơ đồ 4 hậu vệ. Hệ thống này bao gồm: ba trung vệ, trong đó có một trung vệ thòng (libero hay sweeper), và một hậu vệ biên chơi dâng cao. Tuyến giữa 4 người sẽ bao gồm: một tiền vệ phòng ngự án ngữ trước mặt ba trung vệ, một tiền vệ trung tâm, một tiền vệ chạy cánh và một tiền vệ kiến thiết (regista). Trong số hai tiền đạo sẽ có một người đá thấp hơn.

Đội hình Italia vô địch World Cup 1982
Trong hệ thống phòng ngự này, khi một cầu thủ rời khỏi vị trí của mình thì sẽ có một đồng đội khác của anh ta trám vào đúng vị trí đó, do đó cấu trúc của đội bóng không bị phá vỡ. Đây cũng là điểm khác biệt giữa Zona Mista và phòng ngự khu vực đơn thuần, lối chơi chỉ quan tâm tới khu vực của mình mà không hỗ trợ khu vực của đồng đội. Trong trường hợp cầu thủ phòng ngự phải đối mặt với những cầu thủ có kĩ thuật cá nhân tốt thì sẽ có một cầu thủ đóng vai trò là người hỗ trợ và “sửa chữa” bất cứ lỗi nào của đồng đội ở hàng hậu vệ. Và chúng ta đã thấy bóng dáng của catenaccio ở đây với vai trò của một libero (sweeper). Đây chính là sự kế thừa và giao thoa giữa Zona Mista và catenaccio. 

Trên thực tế, các đội chơi phòng ngự khu vực nửa cuối thập niên 70 và nửa đầu thập niên 80 của thế kỉ XX đều duy trì vai trò của libero. Điển hình là đội tuyển Italia của Enzo Bearzot tại WC 1982 Juventus của Giovanni Trapattoni với libero huyền thoại Gaetano Scirea. Tuy nhiên, điều đó làm cho hệ thống phòng ngự vẫn phụ thuộc nhiều vào vai trò cá nhân của libero.
 
SACCHI VỚI ZONA MISTA TẬP THỂ

Với sự thay đổi của luật việt vị và những điểm yếu của phòng ngự khu vực đơn thuần, Arrigo Sacchi đã thực hiện sự thay đổi mang tính cách mạng với hệ thống phòng ngự này và thay đổi mãi mãi tư duy phòng ngự của người Ý nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Sacchi đã khai tử vị trí libero khi áp dụng hệ thống phòng ngự khu vực dựa trên sơ đồ 4-4-2 với hàng phòng ngự giăng ngang.

Đội hình AC Milan trong trận chung kết cúp C1 năm 1989
Để vận hành hiệu quả hệ thống phòng ngự này, Sacchi đã cung cấp cho các cầu thủ của mình chỉ dẫn gồm 4 yếu tố. Ông nói: “Các cầu thủ của chúng tôi có bốn yếu tố cần quan tâm khi chơi bóng: quả bóng, không gian, đối phương và đồng đội. Mọi sự di chuyển xảy ra đều phải nằm trong mối liên hệ với những yếu tố đó. Mỗi một cầu thủ trên sân cần phải cân nhắc xem quan tâm tới các yếu tố trên để đưa ra quyết định cho việc di chuyển của anh ta”.

Với bốn yếu tố của Sacchi, phòng ngự khu vực đối với một tập thể có thể được chia thành bốn cách như sau:

•Cách 1: Phòng ngự khu vực định hướng vị trí: Yếu tố cần quan tâm tới ở đây là vị trí của đồng đội. Đặc điểm nổi bật của cách phòng ngự này là hệ thống sẽ pressing từ từ, cự ly đội hình được đảm bảo và siết chặt, các khoảng trống giữa các tuyến rất khó bị khai thác do không gian theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang đều bị ép tới mức tối đa có thể. Dưới áp lực đó, các đội bóng sẽ dễ dẫn tới việc chuyền hỏng và mắc các sai lầm khác. Những ví dụ điển hình cho cách chơi này là Dynamo Kyiv của Lobanovskyi và Borussia Monchengladbach của Lucien Favre.
 
Zona Mista theo định hướng vị trí
•Cách 2: Phòng ngự khu vực định hướng theo người: Yếu tố cần quan tâm tới ở đây là đối thủ. Với khu vực đã được giao, mỗi cầu thủ sẽ linh hoạt trong khu vực đó để quản lý cầu thủ đối phương thông qua việc giữ một khoảng cách gần nhất với đối thủ. Đây là sự kết hợp giữa phòng ngự khu vực định hướng vị trí với phòng ngự kèm người. Với cách này, khoảng trống trong phòng ngự kèm người để lộ ra ít hơn, và cầu thủ sẽ dễ dàng áp sát đối phương hơn phòng ngự khu vực định hướng vị trí. Đặc điểm nổi bật của cách phòng ngự này là hệ thống sẽ sự chủ động pressing đối phương, sự linh hoạt trong việc kèm người tùy theo tình huống.
 
Zona Mista theo định hướng đối thủ
•Cách 3: Phòng ngự khu vực định hướng không gian: Yếu tố cần quan tâm ở đây là khoảng không gian xung quanh chính cầu thủ đó. Đó là việc toàn đội sẽ dịch chuyển về khoảng không gian gần nhất với trái bóng và chiếm giữ nhiều khoảng trống nhất có thể. Vấn đề cốt lõi ở cách phòng ngự này là tạo áp lức cực lớn lên đối thủ bằng việc áp đảo không gian chơi bóng của đối phương dẫn tới việc chuyền ngắn trở nên bất khả thi. Nhưng một điểm yếu chết người của phương pháp này chính là để lộ ra những khoảng không gian mà đối phương sẽ từ đó quay trở lại tiêu diệt ta.
 
Zona Mista theo định hướng không gian
•Cách 4: Phòng ngự khu vực định hướng hướng chuyền: Yếu tố cần quan tâm là trái bóng. Sự di chuyển của đội bóng ra khỏi các vị trí là khác nhau, phụ thuôc vào vị trí của trái bóng trên sân và những cơ hội do đối phương tạo ra. Đặc trưng cơ bản của phương pháp này là việc các cầu thủ sẽ di chuyển sao cho có thể kiểm soát được các đường chuyền dài và ngắn của đối phương. Những đội áp dụng phương pháp này có thể kể tới Swansea của Michael Laudrup và một chừng mực nào đó là Barcelona.
 
Zona Mista theo định hướng đường chuyền
ITALIA CỦA CONTE VỚI CHIẾN THUẬT PHÒNG NGỰ KHU VỰC
Antonio Conte là một trong số những người xuất sắc trong việc phát huy đặc sản Zona Mista của bóng đá Italia. Tại Euro năm nay, đội tuyển Italia của Conte đã trình diễn một thứ bóng đá khoa học, chặt chẽ với nền tảng là hệ thống phòng ngự dựa trên sự linh hoạt của sơ đồ 3-5-2. 

Ngay trong trận đấu gặp Bỉ, Italia vận hành với sơ đồ 3 trung vệ, trong đó Bonucci thường xuyên đá thấp nhất với vai trò như một sweeper. Khi mất bóng, Italia thường chuyển sang sơ đồ 5-3-2 là chủ yếu. Tuy nhiên, khi Bỉ đưa bóng ra biên trên phần sân của Italia thì họ tổ chức sơ đồ 4-4-2 với ba hàng ngang phòng ngự và khối phòng ngự đó tịnh tiến ra biên. Các cầu thủ tấn công của Bỉ bị “theo dõi” trong các khoảng không giữa các hàng ngang. Lúc này, Italia tổ chức phòng ngự khu vực định hướng theo người.
 
Ý tổ chức phòng ngự trong trận gặp Bỉ
Như vậy, Conte đã áp dụng chiến thuật Zona Mista dựa trên tập thể của Sacchi.

Đặc biệt hơn cả, đó là Conte đã làm sống lại hình ảnh của Zona Mista với vai trò của libero vào những năm 80 của thế kỉ trước. Cách bố trí đội hình và vận hành của Conte trong các trận đấu của Italia tại Euro năm nay đã cho ta thấy điều đó. Trận đấu với Tây Ban Nha, Italia ra sân với sơ đồ 3-5-2, với Florenzi và De Sciglio là hai wing-back. Mặc dù vậy, cách vận hành nhìn chung là giống với Zona Mista với đội tuyển Italia của Bearzot (xem hình bên dưới).
  
Conte áp dụng sơ đồ của Italia 1982 để chống lại Tây Ban Nha
Cùng với đó, Conte đã sử dụng Bonucci như một trung vệ dập (libero hay sweeper), chơi thấp nhất trong bộ ba hậu vệ của Italia. Trong trận đấu đầu tiên ở vòng bảng gặp đội tuyển Bỉ, các phẩm chất của một libero được thể hiện ở Bonucci một cách xuất sắc. Theo Whoscored, Bonucci đã thực hiện 7 lần phá bóng và 4 lần ngăn chặn đường chuyền. Cùng với đó là những đường chuyền vượt tuyến đẳng cấp cho các cầu thủ tấn công ở phía trên, trong đó có đường chuyền cho Giaccherini ghi bàn mở tỉ số. 

VĨ THANH

Zona Mista được sinh ra để thay thế cho một kì quan của hệ thống chiến thuật bóng đá, đó là catenaccio. Với sức sống mãnh liệt của mình, Zona Mista đã tự trở thành một kì quan không chỉ của bóng đá Italia mà còn là của cả bóng đá thế giới. Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, Zona Mista giống như những ngời Italia luôn biết vươn lên, thay đổi và hoàn thiện mình trong những lúc tưởng chừng là tuyệt vọng.

Với sự xuất sắc trong việc kết hợp các trường phái Zona Mista cho đội tuyển Italia, Conte xứng đáng là người truyền tiếp sức sống mới của Zona Mista cho hệ thống chiến thuật huyền thoại này. 

*Bài viết có tham khảo tư liệu từ bài viết Zonal Marking/ Zona Coverage của spielverlagerung.de

AUGUSTUS (TTVN)


⇒ Theo dõi thêm thông tin về: Xem bóng đá online và lịch thi đấu bóng đá việt nam hôm nay.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.