Sơ đồ 4-4-2: Bản lề của những trang sử bóng đá

Tác giả Teddy - Thứ Hai 16/05/2016 10:52(GMT+7)

Zalo
Người ta vẫn hay nói đỉnh cao của mọi sự vật, sự việc là sự đơn giản. Đỉnh cao của Manchester United không gì khác ngoài 27 năm dưới triều đại của Sir Alex Ferguson. Đỉnh cao của AC Milan là chiến thắng trong trận chung kết Champions League 1994 trước Dream Team của Johan Cruyff, khi Fabio Capello tiếp nối thời của một Arrigo Sacchi đã từng rất thành công trong giai đoạn 5 năm trước đó. Leicester City đã làm nên một câu chuyện cổ tích ở Premier League với Claudio Ranieri, còn Atletico vừa quật ngã Bayern Munich để tiến vào chung kết Champions League. Điểm chung của những đội bóng người viết vừa nêu ra, không gì khác, chính là việc họ cùng sử dụng sơ đồ kinh điển 4-4-2 hoặc những biến thể “nhẹ” của nó. Và 4-4-2 là một sơ đồ vận hành theo cách cực kì đơn giản.

So do 4-4-2: Ban le cua nhung trang su bong da
Sơ đồ 4-4-2: Bản lề của những trang sử bóng đá
 
Dù về sau, để thích nghi với thời thế và cải biến tư duy của chính mình, Sir Alex Ferguson có xu hướng chuyển sang dùng 4-2-3-1; nhưng vào những năm 1990, khi Man Utd ra sân mà không có hai “máy chạy” năng nổ ở hai bên cánh, người ta coi đó là một Man Utd thiếu đi cái bản sắc không thể lẫn vào đâu, đầy cá tính dưới bàn tay của người thầy Scotland vĩ đại. Sau World Cup 2010, người ta đã nghi ngờ rằng phải chăng 4-4-2 không hề hoàn mỹ, cân bằng công thủ như đã được định nghĩa trước đó. 4-4-2 vẫn đã và đang là một sơ đồ mang lại thành công cho một số đội bóng nhất định; nhưng ta có những lí do để tin tưởng rằng chiến thuật tương đối “cổ” này sẽ không thể phổ biến được như nó đã từng cách đây ngót chục năm.
 
4-4-2 VÀ CHIẾC BẬP BÊNH KHÔNG NGHIÊNG
 
Nếu gọi 4-4-2 là đội hình bập bênh với hai đầu là tấn công và phòng ngự, thì chiếc bập bênh này sẽ không nghiêng về bên nào; bởi đơn giản đội hình này mang lại sự cân bằng tuyệt đối giữa hai yếu tố kể trên. Nếu như bóng đá thuở sơ khai thiên về tấn công với những sơ đồ có ít nhất 3 tiền đạo (3-2-2-3 hoặc 4-2-4), thì sự ra đời của 4-4-2 vào thập niên 50 như thể đánh dấu một bước chuyển mình của bóng đá từ cổ sang hiện đại với việc coi trọng việc bảo vệ khung thành tương đương với công phá khung thành đối phương. Không tấn công cực đoan, không phòng thủ tiêu cực, 4-4-2 là sơ đồ giúp cho các huấn luyện viên đa dạng hoá mảng miếng mà mình có: đánh biên chơi bóng bổng nếu sở hữu hai cánh tốc độ, chơi bóng ngắn nếu giữ được cự ly đội hình hẹp, hoặc kể cả phòng ngự tiêu cực rồi phất lên cho hai tiền đạo có khả năng độc lập tác chiến… muốn làm gì thì làm. 4-4-2 trở nên phổ biến vì nó áp dụng được cho mọi nền tảng nhân sự mà một đội bóng sở hữu.
 
Điểm mạnh nhất của 4-4-2 chính là việc lúc nào cũng có 2 tiền đạo thường trực nơi nửa sân của đối phương. Nếu ta phân tích trên khía cạnh số học đơn thuần và nhìn từ góc nhìn của bên tấn công, thì 1 tiền đạo chọi 2 hậu vệ của đối phương như 4-2-3-1 hay 4-5-1 không thể nào bằng được 2 chọi 2 sòng phẳng của 4-4-2 trong bối cảnh hậu vệ cánh của đối phương phải kèm cặp tiền vệ cánh của đội nhà. Thêm vào đó, giải pháp chơi 2 tiền đạo luôn tạo điều kiện cho bóng được luân chuyển về phía trước bởi các hậu vệ và tiền vệ luôn yên tâm rằng sẽ có đủ người đón bóng của họ; rồi sau đó 2 tiền đạo này có thể độc lập tác chiến nếu như có sự phối hợp ăn ý. Điểm này giúp cho hàng tiền vệ phân phối thể lực hợp lý trong suốt chiều dài trận đấu, giúp cho đội nhà tấn công mà vẫn đủ nhân lực chống phản công và về lâu dài, gián tiếp sản sinh ra những cặp tiền đạo xuất chúng của những năm 1980 trở về sau đó. Nổi bật nhất trong số này phải kể tới Ruud Gullit - Marco van Basten và Andy Cole - Dwight Yorke.

Andy Cole va Dwight Yorke - Cap tien dao xuat sac trong lich su Manchester United
Andy Cole và Dwight Yorke - Cặp tiền đạo xuất sắc trong lịch sử Manchester United
 
Nói về hàng tiền vệ trong sơ đồ này, thì điểm đặc trưng nhất phải đề cập là sự di chuyển ra sát biên của những tiền vệ cánh có khả năng chơi rộng và giỏi tạt cánh hoặc căng ngang. Không ở trong một sơ đồ nào mà tiền vệ cánh lại có thể đóng vai trò chim mồi quan trọng như với 4-4-2. Việc họ chơi bám biên khiến cho hậu vệ cánh của đối phương phải di chuyển theo, dẫn tới khoảng trống lớn giữa trung vệ và hậu vệ cánh, mở đường cho các pha chọc khe hoặc đột phá ở khu vực giữa biên và trung lộ. Cách vận hành này tạo nên tên tuổi cho những Ryan Giggs, Dennis Irwin, David Beckham hay Gary Neville ở Man Utd, phần vì khả năng tạt bóng xuất sắc, phần vì ảnh hưởng rất lớn của họ tới lối chơi chung mà đôi khi không cần chạm bóng.
 
Như vậy, 4-4-2 có thể áp dụng cho những đội không có cá nhân nổi bật (chơi phòng ngự phản công, tuỳ cơ ứng biến), những đội có tiền vệ cánh khoẻ và nhanh (dùng tạt cánh đánh đầu), những đội có hai tiền đạo xuất sắc ngang nhau nhưng khác nhau về phong cách (có thể là một người quấy rối được di chuyển tương đối tự do và một poacher chuyên dứt điểm), và thậm chí là những đội chỉ có độc một tiền vệ trung tâm có khả năng chọc khe tốt. Có tất cả những yếu tố kể trên, một đội bóng sẽ trở nên mạnh vô cùng với 4-4-2.
 
4-2-3-1 ĐÃ LẬT ĐỔ 4-4-2 NHƯ THẾ NÀO?
 
Một trong những lí do tiêu biểu cho việc 4-2-3-1 trở nên thịnh hành như ngày hôm nay là bởi nó là một trong những đội hình hiếm hoi có thể khắc chế được 4-4-2.
 
Hãy cùng để ý khái niệm Anchor Man – tiền vệ mỏ neo. Sự ra đời của những Anchor Man mà đi đầu là Claude Makelele đã lật lịch sử bóng đá đến một trang mới, giết chết sự hoa mỹ đến từ những đôi chân Trequartista lãng tử, đồng thời đẩy 4-4-2 vào dĩ vãng. Cách mà hàng tiền vệ với một Anchor Man hoạt động trong 4-2-3-1 là tương đối phức tạp. Đương nhiên nhiệm vụ chính của cầu thủ này vẫn là càn quét để thu hồi bóng, và anh chính là đỉnh cuối của một tam giác tiền vệ trung tâm chơi ngay trước hàng phòng ngự. Đội hình 3 tiền vệ giữa này (khi tiền vệ công cũng hoạt động trong hoặc trước vòng tròn trung tâm khi đội không có bóng) lập tức mang lại lợi thế về mặt quân số cho đội chơi 4-2-3-1 trước đối phương đá 4-4-2. Nếu sức ép của đối phương đủ lớn, Anchor Man sẽ phải làm việc vất vả nhưng 1 trong 2 tiền vệ chơi song song với anh sẽ được tự do và có thể làm bất kì điều gì mình muốn, từ đóng góp phòng ngự đến tấn công. Điều này lí giải vì sao bên cạnh một Anchor Man phải có một tiền vệ trung tâm có kỹ thuật xuất chúng hoặc khả năng chọc khe và phất bóng dài.

Claude Makelele la mot Anchor man dien hinh
Claude Makelele là một Anchor man điển hình
 
Nếu như Anchor Man rảnh chân bởi động lực không đủ lớn từ phía đối phương, anh sẽ có thời gian để quan sát toàn bộ trận đấu, và qua đó, trực tiếp là người ra các ý tưởng đột phá. Một đội chơi 4-4-2 muốn phá vòng vây 3 tiền vệ trung tâm của 4-2-3-1 cần phải dùng đến những tiền vệ cánh chơi bó vào trung lộ; tuy nhiên khi đó họ lại để lộ ra những khoảng trống ở hai biên, nơi các đội đá 4-2-3-1 có lợi thế 2 chọi 1. 4-4-2 không thể khắc chế 4-2-3-1 là bởi sự thua thiệt về quân số trên toàn mặt sân, và 4-2-3-1 cũng đã tái định nghĩa về sự cân bằng công thủ trong bóng đá hiện đại.
 
4-4-2 cứ như thể một chiếc bản lề, giúp hiện đại hoá bóng đá vào những năm 1950, rồi lùi về sau cánh gà khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình vào những năm 2010.
 
CHỜ NGÀY HỒI SINH?
 
Để nói về khả năng hồi sinh của 4-4-2, ta chỉ có thể dùng từ “khó”. Khi mà trung tuyến được coi là khu vực trọng yếu nắm giữ chìa khoá của mọi trận đấu, việc đá với chỉ 2 tiền vệ trung tâm là cực kì khó khăn (trừ khi đội bóng chủ tâm chơi phòng ngự phản công có phần tiêu cực). Muốn đá sòng phẳng với 4-2-3-1 hoặc 3-5-2, một đội bóng chơi 4-4-2 cần một con thoi chơi hoán đổi tấn công - phòng ngự (box-to-box) xuất sắc, tầm cỡ Frank Lampard, Steven Gerrard, Paul Scholes hay Bryan Robson. Hoặc chí ít cũng phải đạt được tầm của Paul Pogba, Claudio Marchisio hay Arturo Vidal. Đặc điểm chung của những người này là vừa phải biết tạo đột biến bằng sút xa hoặc chuyền dài, nhưng đồng thời những nhiệm vụ cơ bản như tắc bóng, càn quét, phân phối bóng và điều tiết nhịp độ trận đấu… họ cũng phải nắm rõ. Tìm được một cầu thủ đa năng xuất sắc trong tất cả mọi mặt nêu trên là quá khó.
 
Hệ quả của điều này là những Paul Pogba hay Renato Sanches có giá trị chuyển nhượng tăng phi mã chỉ trong vài tháng. Họ là những “của hiếm” trong thời buổi hiện tại, mà đã gọi là “của hiếm” thì lấy đâu ra nguồn cung cho 4-4-2 trong trường hợp đội hình này bất chợt phổ biến trở lại trên bình diện toàn thế giới? Và với xu thế chơi 4-2-3-1 như hiện tại, kể cả box-to-box của 4-4-2 hay đến mấy thì cũng chỉ chơi sòng phẳng được với hàng tiền vệ 3 người của đối phương chứ không thể kiểm soát thế trận và chèn ép đối thủ.
 
Lúc này, để hi vọng vào sự hồi sinh hay một tương lai rõ ràng dành cho 4-4-2 thì ta có thể nhìn sang Atletico Madrid hay Leicester City. Khi đá với các đội cửa trên, họ chủ động nhường bóng và ăn bàn từ những tình huống phản công chớp nhoáng trong những thời điểm mà mọi lý thuyết về quân số đều trở nên vô nghĩa. Đội hình của những đội bóng này sẽ di chuyển thành một khối tùy thuộc vào việc thời điểm đó họ đang tấn công hay phòng ngự, và điều này khiến cho thể lực toàn đội dễ bị hao mòn. Tại sao Atletico lại giơ tay xin hàng trước Real Madrid khi trận Chung kết Champions League 2013/14 đi vào hiệp phụ? Có lẽ câu trả lời đã rõ ràng.
 
Leicester đã làm nên một câu chuyện cổ tích ở mùa giải năm nay với sơ đồ 4-4-2, và có thể nói Claudio Ranieri đã rất biết cách liệu cơm gắp mắm cho đội hình của mình. Jamie Vardy lãnh trọng trách ghi bàn, Okazaki đóng vai trò quấy phá, Riyad Mahrez sở hữu khả năng đột phá và chọc khe rất tốt, còn N'Golo Kante là một Anchor Man điển hình. Chức vô địch Premier League là phần thưởng xứng đáng cho triết lý bóng đá đúng đắn của Bầy Cáo, nhưng khi họ phải căng sức đá Champions League ở mùa giải năm sau, cộng thêm việc mất đi yếu tố bất ngờ và chảy máu tài năng, ta sẽ thấy rõ điểm yếu của 4-4-2.
 
Những điểm yếu khiến cho sơ đồ này khó có thể hồi sinh, ít nhất là trong tương lai gần. Nhưng dù sao đi nữa, người ta cũng có thể thắp lên hy vọng khi nhìn vào những màn trình diễn ấn tượng của Leicester City hay Atletico Madrid mùa giải năm nay.
 
Một bài viết của Teddy (TTVN)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.

X
top-arrow