Số 9 ảo đã liên tục biến đổi, cải tiến, qua đó tạo ra rất nhiều dạng biến thể - một tiền đạo trung tâm thi đấu lùi sâu, một winger chơi bó vào trung lộ, một tiền vệ tấn công được đẩy lên phía trước, hay dạng hub làm bóng...
Đôi khi, người ta cảm thấy trong bóng đá hiện đại chẳng có thứ gì mới mẻ được sản sinh ra cả, những “sản phẩm” mà chúng ta được nhìn thấy ở hiện tại, chỉ đơn giản là sự “tái sinh” hoặc “cải tiến” từ những ý tưởng xưa cũ.
|
Số 9 ảo - thứ vũ khí thượng cổ chưa bao giờ lỗi thời |
Đã hơn 100 năm trôi qua kể từ khi GO Smith bắt đầu thi đấu cho Corinthians trong một vai trò mà sau này chúng ta sẽ gọi bằng cái tên “Số 9 ảo”, khi đó, ý tưởng cho vai trò này vẫn là về một đội bóng thi đấu mà không cần sử dụng một điểm đến cố định ở trung tâm của hàng công, nhưng vẫn có thể tạo ra sự rối loạn ở hàng phòng ngự đối phương.
Đã 63 năm trôi qua kể từ khi trung vệ người Anh, Harry Johnston, nói về sự bất lực của ông khi phải đối đầu với một Nándor Hidegkuti chơi lùi sâu, trong trận đấu mà đội tuyển Anh bị hủy diệt với tỷ số 6-3 ngay trên thánh địa Wembley bởi Hungary.
Chưa hết, như những gì Jesse Lingard đã chứng minh gần đây trong màu áo Manchester United, các “số 9 ảo” vẫn có thể hoạt động một cách hiệu quả và gây ra những bất ngờ cho đối phương trong bóng đá hiện đại.
Điều nổi bật nhất ở việc sử dụng một “số 9 ảo” trong suốt lịch sử bóng đá, chính là việc người ta chưa bao giờ có thể xác định được gốc rễ hình thành của vai trò này. Chưa từng có ai ở Anh đi sao chép Smith cả.
Có một giai đoạn vào những năm 1920 ở Argentina, tiền đạo trung tâm (centre forward) được xem như “nhạc trưởng” của lối chơi trong một hệ thống đội hình sử dụng 5 tiền đạo được đặt theo hình chữ V, nhưng thứ bóng đá đó đã hoàn toàn bị xóa sổ bởi sự xuất hiện của Bernabe Ferreyra, một tiền đạo trung tâm xuất sắc, có thể mang lại cho đội bóng một sự cân bằng hoàn hảo.
Nhiều thập kỷ sau, có lẽ Matthias Sindelar đã có thể trở thành một ngôi sao lớn của bóng đá Áo nếu chiến tranh thế giới thứ hai không xảy ra, thế nhưng ngay cả ở thời điểm đó, tài năng của ông cũng đã được xem là độc nhất vô nhị. Còn với người Hungary, vai trò tiền đạo trung tâm lùi sâu (deep-lying centre forward) mà họ sử dụng vào đầu thập niên 50, về cơ bản chính là phát minh của Marton Bukovi. Ông đã phát triển phong cách thi đấu này tại Zagreb ngay trong giai đoạn thế chiến đang diễn ra, trước khi quay trở về Budapest và may mắn tìm thấy được không chỉ một, mà đến hai cầu thủ phù hợp với ý tưởng mới mẻ của ông, là Hidegkuti và Peter Palotas, tại MTK.
Mặc dù vậy, ngay cả khi đội tuyển quốc gia Hungary đã áp dụng “số 9 ảo” vào lối chơi của họ và giúp nó trở nên phổ biến, thì nó vẫn chưa bao giờ là một vai trò được định nghĩa rõ ràng, và cho đến đầu những năm 60, khi mà nền văn hóa đã tạo ra chủ nghĩa cấp tiến chiến thuật trong bóng đá đang dần bị phá hủy bởi những cuộc nổi dậy và hệ quả mà chính nó gây ra, thì tiền đạo người Hungary, Florian Albert, đã trở thành hình mẫu lý tưởng nhất cho một “số 9 ảo”.
Các hậu bối đi sau cũng phát triển theo cùng một hướng đi tương đương với những người tiền nhiệm: Alfrédo di Stéfano, Johan Cruyff, Lionel Messi, Francesco Totti, Cristiano Ronaldo (thời còn thi đấu cho Manchester United, trước khi anh trở nên hoàn thiện và chuyển hóa thành một mẫu cầu thủ giống với “số 9 cổ điển”) … tất cả bọn họ đều đã từng đảm nhận vai trò “số 9 ảo” trong một giai đoạn của sự nghiệp, hoặc được xem là một ngôi sao độc nhất vô nhị, không thể thay thế trong đội bóng khi thi đấu ở vai trò đó.
Đã có bốn ví dụ tiêu biểu nhất về vai trò “số 9 ảo” tại Premier League ở mùa giải năm nay. Roberto Firmino đã cho thấy đây là một vai trò rất thích hợp với anh, đá lùi sâu, mở ra không gian cho tốc độ tuyệt vời của Mohamed Salah và Sadio Mane có thể được tỏa sáng. Nhưng ngay cả Liverpool, đội bóng đã thi đấu cực kì thành công ở giai đoạn sau của mùa giải năm ngoái, thì bộ ba trên hàng công của họ vẫn quá dễ đoán, và điều đó đã được thay đổi. Trong mùa giải năm nay, có nhiều trận đấu người ta được chứng kiến Salah chơi bó vào trong, còn Firmino thì lùi sâu về để thi đấu như một “số 10 truyền thống” trong hệ thống đội hình 4-2-3-1, điều đó đã giúp Liverpool có thể đưa thêm một cầu thủ sáng tạo vào sân và kéo Salah đá sát khu vực cầu môn hơn.
Tại Chelsea, Eden Hazard, đã có nhiều thời điểm phải bất đắc dĩ thi đấu như một “số 9 ảo”. Khi cầu thủ người Bỉ đảm nhận vai trò này trong cuộc đối đầu với Barcelona ở mùa giải trước, đó là một chiến thuật cụ thể, tỉ mỉ, được thiết kế để mang đến thế mạnh về tốc độ cho Chelsea trong những đợt phản công. Tuy vậy, vào mùa giải này, đó chỉ là một giải pháp mang tính tình thế của Maurizio Sarri trong lúc chờ đợi câu lạc bộ mang về cho ông một trung phong có thể thi đấu mà không phụ thuộc vào những pha tạt bóng vào vòng cấm.
Raheem Sterling cũng đã được Manchester City sử dụng trong vai trò “số 9 ảo” trong trận đấu ở giai đoạn lượt đi trước Chelsea, một phần là vì sự vắng mặt của Sergio Aguero do chấn thương, nhưng phần lớn là với mục đích sử dụng tốc độ của anh để đâm thẳng vào trung tâm hàng phòng ngự Chelsea (như cái cách mà đội tuyển Anh đã sử dụng cầu thủ này thi đấu ngay phía trước Harry Kane ở World Cup).
Tuy nhiên, theo cách bố trí và mục tiêu đó, Sterling giống với một cầu thủ đá cánh được bố trí ở chơi trung lộ để tận dụng tốc độ vượt trội, hơn là một “số 9 ảo”, giống như cái cách mà Louis Van Gaal đã sử dụng Arjen Robben tại đội tuyển Hà Lan, hay Mauricio Pochettino sử dụng Lucas Moura tại Tottenham.
Và cuối cùng, chúng ta có Lingard. Một lần nữa, có lẽ cầu thủ thuộc biên chế Manchester United không phải là một “số 9 ảo” chính thống – nếu chúng ta tin rằng vai trò này có tồn tại ở Old Trafford. Anh không lùi sâu, cũng không kéo các trung vệ của đối phương ra khỏi vị trí, mà thay vào đó, anh chơi ở đỉnh của một hàng tiền vệ hình kim cương, với hai tiền đạo hoạt động dạt sang hai bên cánh để tấn công vào khoảng trống phía sau các hậu vệ biên, qua đó tạo ra không gian để Lingard tăng tốc và chiếm lĩnh khu vực trung lộ.
Vì vậy, đây chính là nơi mà “số 9 ảo” tìm lại được chính bản thân mình sau 125 năm lịch sử. Đó là một vai trò đòi hỏi bộ skill-set quá đặc biệt để có thể được sử dụng rộng rãi và phổ biến – và dù sao thì có lẽ cũng chỉ có những đội bóng ở đẳng cấp hàng đầu, luôn đề cao mục tiêu tạo ra khoảng trống mới thực sự quan tâm đến vai trò này – và chính vì vậy, như chúng ta đã biết, “số 9 ảo” có xu hướng chỉ được sử dụng trong những trường hợp cụ thể.
“Số 9 ảo” đã liên tục biến đổi, cải tiến, qua đó tạo ra rất nhiều dạng biến thể - một tiền đạo trung tâm thi đấu lùi sâu, một winger chơi bó vào trung lộ, một tiền vệ tấn công được đẩy lên phía trước, hay dạng hub làm bóng như cái cách mà Cesc Fabregas từng thi đấu ở đội tuyển Tây Ban Nha – không thể thiếu một thiên tài có thể giúp tiền đạo trung tâm thi đấu cơ động, cùng với đó là một đội bóng sở hữu hệ thống built-up chất lượng, qua đó, “số 9 ảo” sẽ trở thành một chiến thuật gây shock với cả thế giới. Có thể nói, đây là một vai trò rất khó để sử dụng lâu dài, nhưng lại là một thứ vũ khí cực kì hiệu quả để gây rối cho đối phương.
Lược dịch từ bài viết “False nine: ancient tactical curveball still retains the power to shock” của Jonathan Wilson chờ tờ The Guardian.
NAM KHÁNH (TTVN)