Real Madrid vs Barcelona: Thắng lợi của Madrid trong trận El Clasico hỗn loạn

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 03/03/2020 16:00(GMT+7)

Barcelona, lại một lần nữa, đã rất chật vật về vấn đề tạo ra mối đe dọa từ cả chiều ngang (width) và chiều dọc (depth) đội hình khi sở hữu bóng, trong khi Real Madrid đã tỏ ra rất linh hoạt về mặt cấu trúc đội hình những lúc nắm được quyền cầm bóng. Cả hai đội đều tương đối vô tổ chức trong khâu pressing.

Barcelona, lại một lần nữa, đã rất chật vật về vấn đề tạo ra mối đe dọa từ cả chiều ngang (width) và chiều dọc (depth) đội hình khi sở hữu bóng, trong khi Real Madrid đã tỏ ra rất linh hoạt về mặt cấu trúc đội hình những lúc nắm được quyền cầm bóng. Cả hai đội đều tương đối vô tổ chức trong khâu pressing.


Những yếu tố đó đã biến trận El Clasico này trở nên tương đối hỗn loạn và có chất lượng chiến thuật khá thấp, đặc biệt là trong hiệp hai, hiệp đấu mà Real Madrid đã thành công trong việc chiếm lại ngôi đầu bảng bằng những bàn thắng được ghi bởi Vinícius Júnior và cầu thủ vào sân thay người Mariano. 
 
Trận El Clásico lần này đã diễn ra vào một thời điểm cực kì gay cấn của mùa giải 2019/2020 khi mà hai câu lạc bộ đã bước vào trận chiến với một khoảng cách chỉ vỏn vẹn 2 điểm giữa họ trên đỉnh bảng xếp hạng La Liga. Barcelona vừa giành được 4 chiến thắng liên tiếp tại đấu trường quốc nội trước khi bước vào trận đấu này, bao gồm hai trận thắng trên sân nhà trước Betis và trên sân khách trước một Getafe đầy hiếu chiến.
 
Trong khi đó, Real Madrid đã không thắng trong hai trận đấu gần nhất ở La Liga của họ, khi bị cầm hòa bởi Celta Vigo và bị Levante đánh bại. Đội bóng của Zinedine Zidane cũng đã phải trải qua một thất bại ngay trên sân nhà Bernabeu trước Manchester City của Pep Guardiola ở đấu trường Champions League vào giữa tuần, với một cuộc lội ngược dòng đầy ấn tượng của đội bóng nước Anh sau khi bị dẫn trước 1-0. 
 
Barcelona cũng đã có một trận đấu tại Champions League vào giữa tuần, và chỉ có được một trận hòa với tỷ số 1-1 trên sân khách trong trận lượt đi với Napoli. Huấn luyện viên trưởng Quique Setién đã thực hiện hai sự thay đổi về nhân sự so với trận đấu trên đất Ý, với việc đưa Jordi Alba và Arthur vào đội hình xuất phát thay cho Junior Firpo và Rakitić. Barcelona đã tiếp tục đặt niềm tin vào hệ thống 4-3-3 khi mà Setién có vẻ như đã đưa ra quyết định cuối cùng sau những thử nghiệm ban đầu với 3-5-2.
 
Trong khi đó, Zidane cũng đã thực hiện hai sự thay đổi về nhân sự so với trận thua Man City. Marcelo thế chỗ Ferland Mendy ở vị trí hậu vệ trái, và Toni Kroos cũng trở lại với đội hình xuất phát để thay thế Luka Modríc. Isco và Vinícius Júnior lại một lần nữa được sử dụng để hỗ trợ cho Karim Benzema trong hệ thống 4-3-1-2 về mặt danh nghĩa của Madrid khi Zidane tiếp tục tìm kiếm những giải pháp hữu ích trong tập thể của ông để thay thế cho Eden Hazard đang bị chấn thương.
 
Tài năng trẻ Vinicius mang về bàn thắng cho Real Madrid

SỰ LINH HOẠT VỀ MẶT CẤU TRÚC ĐỘI HÌNH CỦA REAL MADRID MỖI KHI KIỂM SOÁT BÓNG

 
Như có thể dự đoán từ trước ở một Real Madrid được dẫn dắt bởi Zidane, đội chủ nhà có thể triển khai nhiều đội hình khác nhau trong những lần được sở hữu bóng, với việc các cầu thủ dường như đã được trao cho rất nhiều sự tự do về mặt vị trí. Trên giấy tờ, sơ đồ mà Madrid sử dụng có thể sẽ hiện hữu dưới dạng 4-3-1-2, tuy nhiên, số lượng biến thể trong cấu trúc đội hình của họ mỗi khi kiểm soát bóng đã khiến cho những con số mô tả như vậy trở nên rất dư thừa.
 
Casemiro và Kroos thường sẽ là những tiền vệ đá thấp nhất khi Real Madrid kiểm soát bóng. Casemiro khởi đầu ở vị trí số 6, nhưng thỉnh thoảng cũng có thể hơi dâng cao về phía trước. Trong khi đó, Kroos đã thể hiện tầm ảnh hưởng trên khắp mặt sân, nhưng chủ yếu vẫn là hoạt động ở vị trí ưa thích của anh tại khu vực half-space trái, nơi mà anh đóng vai trò “nhạc trưởng” của Real Madrid.
 
Với việc đội chủ nhà không triển khai một cầu thủ chạy cánh phải thực thụ nào trên sân, Federico Valverde đã đảm nhận một vai trò có phạm vi hoạt động khá rộng ở phía bên phải đội hình, chịu trách nhiệm cung cấp chiều ngang đội hình khi tấn công cùng với những tình huống chồng biên từ Dani Carvajal như thường thấy.
 
Nhiệm vụ cung cấp chiều ngang đội hình ở phía bên trái đã được đảm nhận bởi Vinícius, người thường dạt ra hoạt động khá gần với đường biên. Isco và Benzema thường được trao cho khá nhiều tự do ở trung lộ để tìm kiếm các khoảng trống và tạo ra thế overload (Định nghĩa về “overload”: Khi một đội vượt trội hơn đội kia về mặt quân số tại một khu vực nhất định) ở nơi mà họ thấy phù hợp. 
 
Real Madrid khi kiểm soát bóng

Barcelona thường phòng ngự với đội hình 4-4-2, với Arturo Vidal chuyển sang đá tiền vệ phải, trong khi Arthur và Busquets đảm nhận trung lộ, còn Frenkie de Jong đá ở cánh trái. Đôi khi, Arthur đã cố gắng thi đấu quyết liệt nhất có thể trong việc pressing bằng cách lao lên để “chăm sóc” Casemiro hoặc một tiền vệ lùi sâu khác của Madrid.  
 
Mặc dù vậy, nói chung thì công tác pressing của Barca đã không được thành công cho lắm. Madrid thường có thể tìm ra lối thoát thông qua hai cánh, hoặc những đường chuyền trực tiếp đến cho Benzema, người đã giúp ích rất nhiều trong việc đối phó với áp lực của đối phương bằng kỹ năng cầm bóng đáng kinh ngạc của anh khi xoay lưng lại với khung thành đội khách. Sự tự do di chuyển của Isco cũng có thể hỗ trợ cho việc tìm ra những khoảng trống trong các đợt pressing tương đối không chặt chẽ của Barca. 
 
Một khi Madrid có thể phá vỡ được áp lực của Barcelona, Vinícius thường là outlet mà họ tìm đến để sử dụng ở cánh trái. Điều này đã tạo ra cho cầu thủ người Brazil một vài tình huống mà anh có thể một-đối-một với Semedo hoặc được hỗ trợ bởi những pha chồng biên của Marcelo. Mặc dù bằng tốc độ và sự khó lường của mình, Vinícius đã chơi khá thành công và là một mối đe dọa thật sự ở đây, nhưng “end-product” (pha xử lý cuối cùng) của anh lại không có gì ấn tượng. 
 
Ảnh: Passmap của Real Madrid trong cuộc đối đầu với Barcelona. Chú thích: Most passes (Cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất). Most xGChain (cầu thủ có xGChain cao nhất – xGChain: Đóng góp vào bàn thắng kì vọng, được tính bằng cách tìm ra tất cả các chuỗi chuyền bóng dẫn đến dứt điểm mà một cầu thủ tham gia, sau đó cộng tổng xG của tất cả các tình huống dứt điểm nói trên lại). Most progessive passing (Cầu thủ có nhiều đường chuyền phát triển bóng nhất). Most progessive passing received (Cầu thủ nhận những đường chuyền phát triển bóng nhiều nhất). Most progessive (Cầu thủ dẫn bóng nhiều nhất).

SỰ CHẬT VẬT Ở TRUNG LỘ CỦA BARCELONA
 
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi kể từ khi ngồi vào chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của Barcelona, Setién đã cố gắng xây dựng một lối chơi tấn công tập trung phần lớn vào khả năng giữ bóng và phối hợp ở trung lộ. Tuy nhiên, như những gì chúng ta đã được chứng kiến khá nhiều lần, Barcelona đang thật sự gặp vấn đề về khả năng tạo ra những bước đột phá với chiều ngang đội hình, và đặc biệt là các pha thoát xuống phía sau hàng thủ đối phương.
 
Khả năng chiếm lĩnh trung lộ và tuyến đệm (spaces between the lines) của Barcelona thực sự tương đối tốt. Lionel Messi, Antoine Griezmann và Vidal đều có mặt tại đây, cũng như de Jong và Arthur, những người được quyền tự do hoán đổi vị trí với bộ ba nói trên để lấp đầy các khu vực này khi thích hợp.
 
Một vấn đề nan giải mà Barcelona phải đối mặt là sự quyết liệt của các trung vệ Madrid trong việc bảo vệ tuyến đệm. Chẳng hạn, Messi rất khó có được khoảng trống ở halfspace phải khi mà Ramos luôn sẵn sàng lao ra khỏi hàng phòng ngự để gây áp lực lên tiền đạo người Argentina mỗi khi anh nhận bóng ở đây.
 
Tương tự Barcelona, đội hình pressing của Madrid cũng đôi khi tương đối không chặt chẽ. Họ tổ chức phòng ngự bằng một sơ đồ có thể xem là 4-1-4-1, với Isco và Kroos là hai cầu thủ hoạt động phía trên Casemiro ở trung lộ. Isco và Kroos thường dâng lên và gây áp lực rất quyết liệt với các tiền vệ lùi sâu của Barcelona khi đối phương triển khai bóng, điều này có thể dẫn đến những khoảng trống ở phia sau họ.
 
Trong khi đó, Valverde và Vinícius sẽ hỗ trợ cho công tác phòng ngự trong vai trò của hai tiền vệ phải và trái. Vai trò của Valverde khá thú vị khi anh dường như đã được giao nhiệm vụ “chăm sóc” các đợt dâng cao từ vị trí hậu vệ trái của Jordi Alba bên phía Barca. Điều này đã dẫn đến những tình huống mà một hàng phòng ngự 5 người bất cân xứng được hình thành bên phía Madrid mỗi khi Valverde bị Alba đẩy lùi sâu xuống bên phần sân nhà. 
 
Như đã đề cập ở trên, mặc dù trong cấu trúc đội hình phòng ngự của Madrid đã xuất hiện những lỗ hổng, nhưng Barcelona vẫn rất chật vật trong việc tận dụng triệt để những tình huống nguy hiểm mà họ có thể tạo ra trong các đợt kiểm soát bóng, bởi vì thiếu đi khả năng tạo ra những mối đe dọa từ các pha thoát xuống phía sau hàng thủ Madrid. 
 
Khi các trung vệ của Madrid dâng cao để đối phó với những mối nguy hiểm ở giữa sân, dĩ nhiên cơ hội để thực hiện các tình huống tăng tốc thoát xuống phía sau hàng thủ đội chủ nhà sẽ hiện ra. Tuy nhiên, ngoại trừ những trường hợp rất hiếm hoi, các pha di chuyển kiểu vậy đã không xuất hiện trong phần lớn trận đấu.
 
Trong một vài tình huống hiếm hoi mà Barca có thể thực hiện các pha thoát xuống phía sau hàng thủ đối phương, họ đã tạo ra được những cơ hội chất lượng nhất trong hiệp một. Đầu tiên là trong một tình huống chuyển đổi trạng thái, khi Arthur thực hiện một pha bức tốc, nhưng không thể đánh bại Thibaut Courtois. Lần thứ hai là khi Messi thoát xuống phía sau hàng thủ Madrid một cách hoàn hảo và đón lấy pha lốp bóng của Busquets. Tuy nhiên, cú dứt điểm nửa volley của anh đã đưa bóng bay thẳng vào vị trí của Courtois. 
 
 
CHẤT LƯỢNG TRẬN ĐẤU TRỞ NÊN KÉM HƠN NỮA, MADRID THẮNG THẾ
 
Những vấn đề mà cả hai đội bóng phải đối mặt đã dẫn đến cái bối cảnh trận đấu càng lúc càng mất kiểm soát khi hiệp hai diễn ra. Khi đã bắt đầu mệt mỏi, các vấn đề về sự chặt chẽ trong đội hình và cường độ thi đấu ở cả hai bên đã trở nên tồi tệ hơn – cả khi có bóng lẫn không bóng.
 
Phải mất đến 20 phút của hiệp hai, một trong hai vị thuyền trưởng mới bắt đầu thực hiện sự thay đổi. Setién là người đầu tiên hành động, với việc đưa Martin Braithwaite vào sân thay thế Vidal. Cái ý đồ sử dụng Braithwaite để tạo ra những mối đe dọa ở phía sau hàng thủ Madrid – thứ mà Barca đang thiếu trong trận đấu này – đã ngay lập tức phát huy hiệu quả, khi anh qua mặt được Ramos nhưng không thể đánh bại Courtois. 
 
Chỉ hai phút sau, Madrid đã tạo ra bước ngoặt của trận đấu. Nó được “đạo diễn” bởi Kroos, người đã thực hiện một đường chuyền cực kì tinh tế cho Vinícius ở cánh phải. Từ một góc rất hẹp, cú dứt điểm của Vinícius đã đập vào người Piqué và bay chệch hướng, vừa đủ để quả bóng vượt qua Marc-André ter Stegen đang hiện diện ở cột gần.
 
Trận đấu tiếp tục diễn ra một cách vô tổ chức và hỗn loạn ngay cả khi đã có bản mở tỷ số, với việc đội hình Barcelona càng lúc càng bị kéo giãn hơn khi tìm kiếm bàn gỡ hòa. Sự lựa chọn của Setién để cố gắng thay đổi cục diện khi thời gian chỉ còn lại 10 phút là đưa Ivan Rakitić và Ansu Fati vào sân để thay thế Arthur và Griezmann. Trong khi đó, những thay đổi của Zidane là thay Isco bằng Modríc và Valverde bằng Lucas Vázquez. 
 
Quyết định thay đổi nhân sự cuối cùng của Zidane đã đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực của Barcelona. Mariano vào sân thế chỗ Benzema trong những phút bù giờ và đã ngay lập tức có được một tình huống khai thác khoảng trống phía sau hàng thủ bị kéo dãn của đối phương, để rồi giúp Real Madrid giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 2-0.
 
Ảnh: Diễn biến xG của hai đội trong trận đấu.
 
KẾT LUẬN
 
Có lẽ điểm nổi bật nhất của trận đấu này là El Clasico đã không còn là một cuộc đối đầu có chất lượng chiến thuật cao và được tổ chức chặt chẽ như trước đây nữa. Điều này đã được nhận thấy trong vài năm gần đây, nhưng có lẽ trận đấu diễn ra vào hôm thứ Hai chính là minh chứng rõ ràng nhất. Cặp đấu này vẫn mang ý nghĩa rất đặc biệt, nhưng là theo một cách khác. Vẫn có rất nhiều tài năng hiện diện trong cuộc đối đầu này, ví dụ, trong trận đấu vừa qua, chính là màn trình diễn tuyệt vời của Kroos. Tuy nhiên, những khác giả trông đợi được chiêm ngưỡng các cấu trúc chiến thuật ở cấp độ cao nhất đã phải chứng kiến rất nhiều điều khiến họ thất vọng trong trận đấu này.
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Real Madrid – Barcelona: Madrid Prevail In Disorganized Clásico (2-0)” của Josh Manley, đăng tải trên Between the posts. 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.

Các đội bóng tại Ngoại hạng Anh đang sử dụng hậu vệ biên như thế nào?

Các hậu vệ biên đã chuyển từ một vị trí ít được chú ý trở thành vị trí có thể đảm nhiệm gần như mọi nhiệm vụ ở trên sân. Hiện tại, mỗi đội bóng đều sử dụng những hậu vệ biên theo nhiều cách khác nhau: từ vai trò phòng ngự, làm người kiến thiết lối chơi cho đến việc chơi bó vào trong như một tiền vệ trung tâm. Vậy hiện giờ mỗi đội bóng tại Premier League triển khai hậu vệ biên của họ như thế nào?

Tottenham Hotspur đã xé tan Manchester United như thế nào?

Nếu Manchester United muốn biết thế nào là một hệ thống chiến thuật được tổ chức tuyệt vời, họ nên xem lại trận thắng của Tottenham Hotspur trước chính họ ngay tại Old Trafford vừa qua. Trước một hệ thống pressing vô hồn và sự kém cỏi trong khâu chống phản công của đội chủ nhà, Spurs đã xé nát Man United thành từng mảnh.