Premier League 2019/20 review: Rút ra điều gì từ tư duy chiến thuật của Jurgen Klopp và Pep Guardiola?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Năm 30/07/2020 09:15(GMT+7)

Klopp và Guardiola đều là những vị chiến lược gia ưa thích việc đội bóng của mình trong mỗi hoàn cảnh đều có các miếng đánh đã được luyện đến mức cực kỳ nhuần nhuyễn, thuần thục, để nhờ vậy mà họ có thể đối phó với mọi kiểu thế trận.

Lợi thế then chốt mà Liverpool có được trước Manchester City chính là sự vượt trội về khả năng tổ chức tấn công và xử lý giai đoạn chuyển tiếp từ tấn công sang phòng ngự.

 
Vào mùa giải này, ở cấp độ bóng đá đỉnh cao, có một sự thật đã trở nên rất rõ ràng rằng, chúng ta có thể tách biệt các nhà cầm quân kiệt xuất nhất ra khỏi phần còn lại của giới huấn luyện viên thông qua hai tố chất: Khả năng của họ trong việc huấn luyện các học trò xử lý quá trình chuyển tiếp từ tấn công sang phòng ngự, và tổ chức một đợt tấn công, đặc biệt là khi chạm trán với những đối thủ chơi lùi sâu. Jürgen Klopp đã thể hiện sự xuất sắc trong cả hai khía cạnh đó và trường phái pressing của Swanbian – thứ bóng đá mà ông chính là học viên xuất sắc nhất – đã ngày càng được áp dụng phổ biến hơn. 
 
Tính đến vòng 31 của mùa giải này – tuần lễ mà Liverpool chính thức lên ngôi vô địch Premier League 2019/2020 – thì Manchester City đã ghi được nhiều hơn The Reds 7 bàn; còn thầy trò Klopp đã để thủng lưới ít hơn đội chủ sân Etihad 12 bàn. Về cơ bản, điều đã định đoạt kết quả của cuộc đua vô địch năm nay chính là sự vượt trội của Liverpool trong khả năng phòng ngự.  
 
Dĩ nhiên, yếu tố nhân sự cũng đóng một vai trò không thể phủ nhận. Man City đã không tìm được người thay thế Vincent Kompany, còn phong độ của cặp đôi John Stones và Nicolás Otamendi thì càng lúc càng khiến người ta phải ngán ngẩm khi mùa giải tiến xa. Chấn thương của Aymeric Laporte đã tạo nên những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là khi Guardiola bất đắc dĩ phải kéo Fernandinho xuống chơi ở hàng thủ 4 người của Man City, để rồi khiến đội chủ sân Etihad không còn được tận dụng tư duy chiến thuật đầy ấn tượng của cầu thủ người Brazil ở vị trí thấp nhất hàng tiền vệ nữa.

Nhưng cũng có một cách nhìn nhận cho rằng, những vấn đề đó chỉ đẩy mạnh thêm sự nghi ngờ về triết lý của Guardiola nói chung. Chuyện ông đã đạt được những thành công vang dội với thứ bóng đá của mình là điều mà ai cũng thừa nhận, nhưng có một sự thật rất rõ ràng là nếu bạn có thể vượt qua được lớp pressing tầm cao mà các học trò của nhà cầm quân người Catalan triển khai, thì khung thành của họ sẽ chẳng khác gì “cá nằm trên thớt”.

 
Sự bàng hoàng hiện hữu lúc ban đầu của thế giới bóng đá khi được chứng kiến “phong cách Guardiolista” đã tan biến trong một thập kỷ qua, vậy nên yếu điểm trên đã dần dần bị phơi bày một cách hoàn toàn. Giờ thì tất cả mọi người đều đã biết rằng, hầu như mọi pha đưa bóng ra phía sau hàng phòng ngự của Guardiola đều sẽ trở thành một cơ hội tiềm tàng cực kỳ nguy hiểm. Trên lý thuyết, đó là một sự thật có thể áp dụng trước bất kỳ đội bóng chơi pressing tầm cao nào, nhưng điều đáng chú ý là rất hiếm khi chúng ta nhìn thấy Liverpool lâm nguy theo kịch bản như vậy – và đó là một chuyện không thể được giải thích một cách đơn giản kiểu “Virgil Van Dijk đã quá xuất sắc”. Chìa khóa ở đây chính là tính tổ chức và nguồn năng lượng được thể hiện trong pressing, cũng như khả năng nhận thức được khi nào thì nên lùi xuống.
 
Gegenpressing thường được xem là một món vũ khí tấn công – chính Klopp đã từng gọi nó là “playmaker đỉnh nhất thế giới” – nhưng nó cũng mang một chức năng cực kỳ quan trọng, thậm chí còn có thể nhận định là chính yếu, trong việc đối phó với những đội bóng chơi phản công. Cách tiếp cận đó – vốn thường được học hỏi ở Đức hoặc Áo – là một khía cạnh đang trên đà phát triển của bóng đá Anh, và đã được áp dụng từ Klopp ở Liverpool, Ralph Hasenhüttl tại Southampton, cho đến Gerhard Struber của Barnsley. Nó đã cho chúng ta thấy được tính cơ động của một “thành phần” chủ đạo trong bóng đá hiện đại – hệ thống phòng ngự tầm cao. 
 
“Thành phần” còn lại chính là những đội bóng triển khai một đội hình lùi sâu và có mục đích hàng đầu chỉ đơn thuần là khiến đối phương phải nản lòng. Có thể nói, nguyên nhân chiếm phần lớn trong sự hình thành của lối đá đó là độ chênh lệch cực kỳ sâu sắc về khả năng kinh tế tại Premier League. Mặc dù những sáng kiến của Chris Wilder tại Sheffield United là một sự bổ sung đáng hoan nghênh và rất thành công, nhưng điều đó không thể xóa bỏ đi thực tế là khi các nhà cầm quân nhìn vào khoảng cách thực lực quá lớn giữa họ và đối phương, hầu hết bọn họ sẽ quyết định rằng đấu pháp tối ưu nhất chính là dựng lên một chiếc xe buýt trước khung thành và hy vọng về một kết quả có lợi.

 
Từ mùa giải 2003/2004 đến 2005/2006, khi Opta bắt đầu thu thập các dữ liệu, họ đã ghi nhận rằng chỉ có vỏn vẹn 3 trận đấu tại Premier League xuất hiện một đối thủ kiểm soát bóng 70% trở lên. Vào mùa giải 2016/2017, con số đó là 36. Ở mùa giải 2017/2018, thống kê được ghi lại là 63. Vào mùa giải trước là 67. Ở mùa giải này, con số được thu thập là 51, một sự sụt giảm – nhưng vẫn là một con số rất lớn. 
 
Khi các đội bóng phòng ngự như vậy, thì trách nhiệm của phe còn lại đương nhiên là phải tìm cách xuyên phá bức tường dày đặc, vững chắc kia. Klopp và Guardiola đều là những vị chiến lược gia ưa thích việc đội bóng của mình trong mỗi hoàn cảnh đều có các miếng đánh đã được luyện đến mức cực kỳ nhuần nhuyễn, thuần thục, để nhờ vậy mà họ có thể đối phó với mọi kiểu thế trận.

Trong khi đó, José Mourinho lại có tư duy rằng, bóng đá nên là sự ngẫu nhiên, tùy cơ ứng biến, còn những miếng đánh được sắp xếp từ trước chỉ là vô nghĩa; ông thích thú hơn với việc giúp các học trò sở hữu được một tư duy cho phép họ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn ở mọi tình huống xuất hiện trong trận đấu. Rất khó để phán xét rằng cách tiếp cận nào là đúng và sai, nhưng một sự thật rất rõ ràng là khả năng tổ chức các miếng tấn công đã trở nên ngày càng quan trọng hơn trong việc phân biệt những nhà cầm quân kiệt xuất nhất với phần còn lại. 
 
Hai tố chất đã đề cập – khả năng kiểm soát giai đoạn chuyển tiếp từ tấn công sang phòng ngự, và tổ chức một đợt tấn công – có thể được sử dụng như một bài test đơn giản dành cho các vị chiến lược gia. Klopp xuất sắc ở cả hai khía cạnh đó. Guardiola có lẽ thậm chí còn giỏi hơn nhà cầm quân người Đức về khả năng tổ chức các miếng đánh tấn công, nhưng đã tỏ ra rất chật vật ở mùa giải này trong khâu xử lý giai đoạn chuyển tiếp từ tấn công sang phòng ngự.

Frank Lampard đã thể hiện sự xuất sắc về khả năng tổ chức các đòn đánh, nhưng về mặt phòng ngự, thì Chelsea lại chính là đội bóng để thủng lưới nhiều nhất ở Premier League 2019/2020. Hầu hết những kết quả tốt nhất mà Manchester United của Ole Gunnar Solskjaer giành được ở mùa giải này đều là nhờ vào các đợt phản công; sự yếu kém trong khả năng tổ chức các miếng tấn công hiệu quả trước những hệ thống phòng ngự dày đặc là một vấn đề mà ai cũng nhận thấy ở họ. 

 
Mourinho, Brendan Rodgers của Leicester và Nuno Espírito Santo của Wolves đều rất giỏi trong việc vô hiệu hóa những pha phản công của đối phương, nhưng lại hơi kém ở khía cạnh tổ chức các miếng tấn công “tĩnh” – điều mà trong trường hợp của Nuno Espírito Santo và Rodgers có lẽ một phần là do yếu tố nhân sự. Mourinho chỉ đơn giản là không tin vào điều đó, một tư tưởng đã khiến ông bị chỉ trích ngay cả trong những tháng năm làm việc ở Real Madrid. 
 
Tuy nhiên, tất cả họ đều đang làm việc ở một môi trường mà trong đó những đội bóng xuất sắc nhất nói chung đều muốn kiểm soát bóng và giành phần lớn thời gian trận đấu để chơi bên phần sân đối phương. Trong một thế giới như vậy, thì việc tổ chức các miếng tấn công hiệu quả trước những hệ thống phòng ngự dày đặt và vô hiệu hóa các tình huống phản công của đối phương đã trở thành hai khía cạnh quan trọng nhất đối với một nhà cầm quân. 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Premier League 2019-20 review: what we learned tactically from the season” của ký giả Jonathan Wilson, đăng tải trên The Guardian.
 
Xem thêm:
Liverpool và cuộc cách mạng của Jurgen Klopp
Ngay trong ngày đầu tiên đảm nhận chiếc ghế huấn luyện viên trưởng tại Liverpool, Jurgen Klopp đã hứa rằng các cầu thủ của ông sẽ “chạy nhiều hơn và chiến đấu...
VIDEO: Đội hình khủng của Chelsea sau phiên chợ hè 2020
Tính đến thời điểm hiện tại, Chelsea đang là đội bóng chi nhiều tiền mua sắm cầu thủ nhất ở Ngoại hạng Anh Hè 2020. Đội bóng thành London đã chi ra 102 triệu...

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.

Các đội bóng tại Ngoại hạng Anh đang sử dụng hậu vệ biên như thế nào?

Các hậu vệ biên đã chuyển từ một vị trí ít được chú ý trở thành vị trí có thể đảm nhiệm gần như mọi nhiệm vụ ở trên sân. Hiện tại, mỗi đội bóng đều sử dụng những hậu vệ biên theo nhiều cách khác nhau: từ vai trò phòng ngự, làm người kiến thiết lối chơi cho đến việc chơi bó vào trong như một tiền vệ trung tâm. Vậy hiện giờ mỗi đội bóng tại Premier League triển khai hậu vệ biên của họ như thế nào?

Tottenham Hotspur đã xé tan Manchester United như thế nào?

Nếu Manchester United muốn biết thế nào là một hệ thống chiến thuật được tổ chức tuyệt vời, họ nên xem lại trận thắng của Tottenham Hotspur trước chính họ ngay tại Old Trafford vừa qua. Trước một hệ thống pressing vô hồn và sự kém cỏi trong khâu chống phản công của đội chủ nhà, Spurs đã xé nát Man United thành từng mảnh.