Phân tích: Bàn thắng, lối chơi,... những con số và khuynh hướng thú vị của Euro 2020

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 18/07/2021 11:30(GMT+7)

Bất chấp lịch thi đấu khủng khiếp mà các cầu thủ phải trải qua ở mùa giải trước, giá trị giải trí của Euro 2020 đã được đánh giá là một trong những giải đấu tuyệt vời nhất.

Thống kê chỉ ra trung bình 2,8 bàn thắng được ghi mỗi trận – đây là con số cao nhất của giải đấu này kể từ thống kê điên rồ 4 đội, 19 bàn được ghi nhận vào năm 1976.
 
Vậy, các khuynh hướng chính của Euro 2020 từ góc độ dữ liệu và chiến thuật là gì? Mỗi ĐTQG đã sử dụng nhân sự như thế nào? Đây có phải là một giải đấu của các hàng thủ 3 trung vệ hay không? Những bàn thắng của các ĐTQG đến từ đâu? 
 
Giờ thì bắt đầu mổ xẻ nào…
 

CHIẾC GIÀY VÀNG ĐÁNG LẼ CÓ THỂ TRAO CHO AI?

 
Cristiano Ronaldo đã nhận được vinh dự này ở Euro 2020 với 5 pha lập công sau 391 phút thi đấu. Tiền đạo người CH Czech Patrik Schick cũng có 5 lần đưa bóng vào lưới đối phương, nhưng ngôi sao người Bồ Đào Nha đã giành chiến thắng nhờ có thêm 1 pha kiến tạo.
 
Điều đáng chú ý là 3 trong số các bàn thắng của Ronaldo đã đến từ chấm 11m. Tất nhiên, chúng ta không thể loại bỏ chúng ra khỏi thành tích của anh, nhưng theo các chuyên gia về thống kê và dữ liệu trong bóng đá, những quả 11m là một “nguồn bàn thắng” không bền vững, vậy nên chúng thường bị loại bỏ khi họ đánh giá các chỉ số tấn công “ẩn” của một cầu thủ. 
 
Chính vì vậy, trong phần này của bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu cầu thủ nào đáng lẽ ra đã có thể giành được Chiếc Giày Vàng ở Euro 2020 dựa trên những cơ hội mà anh ta nhận được – thông qua dữ liệu “bàn thắng kỳ vọng” (xG)
 
Ảnh: The Athletic
 
Nếu chúng ta loại bỏ các quả penalty ra khỏi tổng số, thì cầu thủ được ghi nhận thống kê “bàn thắng kỳ vọng” cao nhất bởi “chất lượng” của những cơ hội mà anh ta có được chính là Raheem Sterling của đội tuyển Anh, với 3,8 xG – cao hơn khoảng 1 bàn so với thành tích thực tế. 
 
Cuối cùng, hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về Gerard Moreno của ĐTQG Tây Ban Nha, người đã thực hiện 15 cú dứt điểm và được ghi nhận tổng xG là 3,3 mà không có cho mình một bàn thắng nào. Chỉ có đồng đội của anh, Dani Olmo, là thực hiện nhiều cú dứt điểm hơn (21) mà không ghi được bàn thắng nào, chuyện này có lẽ là tiêu biểu cho một số vận rủi mà người Tây Ban Nha đã gặp phải trước khung thành đối phương, mặc dù họ chính là một trong hai đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất giải đấu (đồng hạng nhất với Italy – cùng 13 bàn, nhưng Azzurri chơi nhiều hơn Tây Ban Nha 1 trận).
 

NHỮNG ĐỘI NÀO CÓ THỜI GIAN DẪN TRƯỚC LÂU NHẤT?

 
Thật thú vị khi xem xét các đội bóng đã dành bao nhiêu thời gian trong 3 trạng thái dẫn trước, hòa và bị dẫn trước – tính theo tỷ lệ của tổng số phút thi đấu mà họ đã trải qua.
 
Hà Lan chính là ĐTQG đứng đầu danh sách với việc được ghi nhận đã dành 50% trong tổng thời gian thi đấu của mình ở thế dẫn trước. Họ đã vượt qua bảng C với số điểm tối đa trước khi phải nhận một thất bại gây sốc trước CH Czech ở vòng 16 đội. 
 
Anh là đội tuyển đứng thứ hai, họ đã dành 44% thời gian thi đấu của mình ở thế dẫn trước và chỉ 1% trong toàn bộ cuộc hành trình ở thế thua – chỉ vỏn vẹn 9 phút sau khi Mikkel Damsgaard giúp Đan Mạch ghi bàn mở tỷ số, Tam Sư đã có được bàn gỡ hòa. 
 
Ảnh: The Athletic
 
Nhà đương kim vô địch Italy phải đến tận trận chung kết mới bị dẫn trước lần đầu tiên ở Euro 2020, và họ chỉ có duy nhất một lần phải rơi vào thế bám đuổi đối phương với chỉ 10 phút trong 24 trận đấu trước đó. 
Trong khi đó, Bắc Macedonia, Ba Lan, Scotland và Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể dẫn trước tỷ số một lần nào trong toàn bộ vòng chung kết Euro 2020.
 
Rốt cuộc, chuyện bạn ghi được bàn thắng quyết định của một trận đấu ở phút đầu tiên hay phút cuối cùng không quan trọng – miễn là bạn có thể giành chiến thắng. Tuy nhiên, “trạng thái tỷ số” có thể ảnh hưởng đến cách mà mỗi đội bóng được thiết lập và thay đổi cách tiếp cận của họ khi họ đang ở thế thua, hòa hoặc thắng. 
 
Trận chung kết chính là ví dụ tiêu biểu nhất. 
 

CLB VÀ GIẢI VĐQG NÀO CUNG CẤP NHIỀU CẦU THỦ NHẤT?

 
Italy không chỉ giành chức vô địch, bên cạnh đó, Serie A cũng đã có một tầm ảnh hưởng rất lớn đến kỳ Euro diễn ra ở 11 quốc gia này. Trong xuyên suốt giải đấu, các cầu thủ đang chơi bóng tại Serie A đã đóng góp nhiều bàn thắng hơn bất kỳ giải VĐQG nào khác ở Euro 2020, với tổng số 37 bàn thắng. 
 
Đứng thứ hai là những cầu thủ đến từ Bundesliga của Đức với 28 bàn, và các cầu thủ đến từ Premier League xếp hạng ba với 27  bàn. 
 
Ảnh: The Athletic
 
Tiếp tục xem xét những con số này dựa trên các CLB, chúng ta sẽ thấy Juventus đã có một tác động rất rõ rệt đến Euro 2020. 
 
Các cầu thủ của họ đã đóng góp tổng cộng 12 bàn thắng cho giải đấu, với Ronaldo, Alvaro Morata và Federico Chiesa – đây cũng là top 3 cây săn bàn hàng đầu của đội bóng thành Turin ở mùa giải trước – có tổng cộng 10 bàn. 
 
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Serie A cũng đã thống trị bảng xếp hạng này, với việc Inter Milan và Atalanta cũng lọt vào top 5, bên cạnh Manchester City và RB Leipzig của Đức.
 
Ảnh: The Athletic
 
Bây giờ không phải là lúc để tranh luận về sức mạnh của 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu so với nhau, ít nhất là vì chúng ta chỉ đang xem xét về các cầu thủ người châu Âu ở đây.
Tuy nhiên, những thông tin trên đã cho chúng ta thấy Italy không chỉ là một nhà vô địch hoàn toàn xứng đáng trong tư cách một quốc gia, mà họ còn có thể tự hào rằng giải VĐQG của mình đã thúc đẩy một cách tuyệt vời “tính giải trí” ở kỳ Euro 2020 này – hơn bất kỳ giải VĐQG nào khác.
 

HÀNG THỦ 3 TRUNG VỆ LẠI THÀNH XU THẾ

 
Tổng kết sau 51 trận đấu của Euro 2020, các đội hình được sử dụng phổ biến nhất chính là 4-3-3 và 4-2-3-1, đứng ngay sau là một số biến thể của 3-4-3, với hai tiền đạo cánh và một trung phong, hoặc với một “số 10” và 2 tiền đạo trung tâm. 
 
Ảnh: The Athletic
 
Tuy nhiên, một trong những “điểm mù” hiện tại của dữ liệu bóng đá là khả năng nắm bắt hoàn toàn chính xác các đội hình và sự thay đổi đội hình. Các đội bóng không bao giờ giữ nguyên một đội hình cố định trong một trận đấu, và 4-3-3 trên lý thuyết có thể trở thành 3-2-5 khi kiểm soát bóng và 4-5-1 khi đối thủ kiểm soát bóng.
 
Tuy nhiên, có đến 45% đội hình xuất phát ở Euro 2020 là một hệ thống 3 trung vệ hoặc 5 hậu vệ, so với 55% của các đội hình 4 hậu vệ. Thực hiện một phép so sánh khác, ở Premier League mùa giải trước, có đến 70% đội hình xuất phát là hàng thủ 4 người, còn các đội hình 3 trung vệ hoặc 5 hậu vệ chỉ là 30%. 
 
Vậy, liệu “di sản” của Euro 2020 có phải sẽ là một sự trở lại hàng loạt của những hàng thủ 3 trung vệ ở các giải quốc nội? Có lẽ là không.
 
Với những ảnh hưởng từ các tư tưởng chiến thuật của Jurgen Klopp và Pep Guardiola ở bóng đá cấp CLB, và việc có rất nhiều nhà cầm quân hiện đang gắn bó với những ý tưởng của riêng họ về cách tốt nhất để giành chiến thắng trong một trận đấu, có rất ít khả năng chúng ta sẽ được nhìn thấy những sự thay đổi sâu rộng. 
 
Có thể nói, chính bóng đá cấp ĐTQG đã học hỏi bóng đá cấp CLB. Anh, Italy và Hà Lan – chỉ cần nêu ra ba cái tên này là đủ – đều là những đội bóng ở Euro 2020 có những vai trò khác nhau dành cho các hậu vệ cánh và hậu vệ công biên (wing-back) của họ.
 
Với Leonardo Spinazzola, Italy có một hậu vệ cánh sẽ tấn công ở cả cánh của mình lẫn khu vực hành lang trong, còn Giovanni Di Lorenzo ở cánh bên kia sẽ ở lại để cung cấp sự yểm trợ trong tư cách một phần của một hàng thủ 3 trung vệ mới hình thành.
 
Kieran Trippier đã được yêu cầu đảm nhận vai trò hậu vệ trái trong trận đấu ra quân của Anh – trước đó, anh hầu như không chơi trong vai trò này ở bóng đá cấp CLB, và Denzel Dumfries là một sự phát hiện đầy thú vị ở vị trí hậu vệ công biên phải tại ĐTQG Hà Lan, anh thường chơi trong một hàng thủ 4 người cho PSV Eindhoven ở Eredivisie. 
 

CÁC ĐỘI BÓNG SỬ DỤNG NHÂN SỰ RA SAO?

 
Trong 7 trận đấu mà Italy chơi, Mancini đã để cho 25 trong tổng số 26 cầu thủ của ông được xuất hiện trên sân đấu, đây là con số nhiều nhất so với bất kỳ ĐTQG nào ở Euro 2020. Mancini đã quyết tâm trao cơ hội ra sân cho nhiều cầu thủ nhất có thể, để họ không phải nếm trải tình cảnh tương tự như ông tại World Cup 1990 – hoàn toàn không được chơi một phút nào. 
 
Ngoài ra, các quyết định “xoay vòng đội hình” của Mancini cũng có một phần nguyên nhân là bởi hoàn cảnh thực tế; Italy đã chắc suất lọt vào vòng 16 đội khi họ chạm trán với ĐTQG Xứ Wales trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng. Điều này đã cho phép Mancini thực hiện 8 sự thay đổi với đội hình xuất phát, và thậm chí cho phép thủ môn dự bị Salvatore Sirigu được ra sân ở phút 89 trong trận đấu với xứ Wales. Cầu thủ duy nhất mà ông không sử dụng là thủ môn số 3, Alex Meret.
 
Ảnh: The Athletic
 
Xứ Wales là một trong ba đội xoay vòng nhân sự ít nhất, cùng với Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, khi chỉ sử dụng 18 trong số 26 cầu thủ của họ, cho dù là để duy trì sự ổn định trong đội hình xuất phát hay do họ cho rằng đội ngũ của mình thiếu chiều sâu. 
 
Nhìn vào các trận đấu, chúng ta cũng có thể đánh giá phương pháp thay người của từng nhà cầm quân. 
 
Bên cạnh việc quyết định mở rộng số lượng cầu thủ từ 23 thành 26, UEFA còn nâng số lượt thay người được cho phép từ 3 lên 5 ở kỳ Euro này, cộng thêm một quyền thay người thứ sáu ở giai đoạn đấu loại trực tiếp trong những trận đấu phải bước vào hiệp phụ.
 
Để cung cấp một sự so sánh công bằng đối với tất cả các ĐTQG, chúng ta sẽ chỉ xem xét các quyết định thay người được thực hiện trong 90 phút thi đấu chính thức. 
 
Tất nhiên, có những nhà cầm quân đã quyết định không sử dụng một số quyền thay người khi nhận thấy một trận đấu trông có vẻ sắp phải đi đến hiệp phụ, nhưng điều này cũng sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc về các phương pháp thay người được thực hiện trong thời gian thi đấu chính thức. Chỉ có 3 ĐTQG sử dụng toàn bộ 5 quyền thay người trong tất cả các trận đấu của họ, bao gồm Slovakia, CH Czech và Đan Mạch. 
 
Ảnh: The Athletic
Trong khi đó, ở cuối bảng xếp hạng, Ukraine có khuynh hướng bám sát với những gì họ có, chỉ thực hiện một nửa số quyền thay người được cho phép trong 90 phút trên cuộc hành trình tiến vào vòng tứ kết. 
 
Thật thú vị, Anh và Pháp cũng là hai đội có khuynh hướng không sử dụng tối đa các quyền thay người của họ trong thời gian thi đấu chính thức, với con số trung bình lần lượt là 2,9 và 3.
 
Tất nhiên, cả ba đều có điểm chung là đã trải qua những trận đấu phải bước vào hiệp phụ trong giai đoạn đấu loại trực tiếp, khoảng thời gian mà họ sẽ có thêm 1 quyền thay người. Nhưng đây vẫn là một dấu hiệu cho thấy những cách tiếp cận hết sức thực dụng của các nhà cầm quân Didier Deschamps và Gareth Southgate đã áp dụng trong xuyên suốt giải đấu, không muốn xáo trộn đội bóng quá sớm khi các trận đấu đang diễn ra một cách căng thẳng.
 
Chuyện thay người không hề có một công thức chuẩn xác nào. Đôi khi sẽ hữu ích hơn nếu giữ nguyên mọi thứ và không làm gián đoạn, xáo trộn “dòng chảy” của cuộc chơi, đôi khi, việc làm mới mọi thứ và thay đổi động lực của đội sẽ là một quyết định hữu ích. 
 
Với việc các ĐTQG có nhiều quyền thay người hơn và một đội ngũ nhân sự đông đảo hơn ở mùa hè này, người hâm mộ của môn thể thao vua đã có cơ hội được xem nhiều cầu thủ thể hiện khả năng hơn bao giờ hết trong một giải đấu cấp ĐTQG.
 

NHÌN CHUNG, CÁC ĐỘI CHƠI THEO PHONG CÁCH NÀO?

 
Thật thú vị khi đánh giá cách tiếp cận của các ĐTQG trong giai đoạn kiểm soát bóng dựa trên khía cạnh phong cách.
 
Một trong các phương pháp để làm điều này là xem xét “tốc độ trực diện” (direct speed) của mỗi ĐTQG – đây là một dữ liệu cho biết một đội bóng thường phát triển quả bóng hướng đến khung thành đối phương với tốc độ như thế nào (tính bằng mét trên giây). Một con số thật cao sẽ cho thấy một đội sẵn sàng đưa quả bóng lên phía trên càng nhanh càng tốt hoặc thường xuyên thực hiện những đường chuyền dài, một con số thật thấp sẽ phản ánh một đội bóng mà các cầu thủ của họ có khuynh hướng thực hiện những đường chuyền ngắn cho các đồng đội ở gần mình. 
 
Tốc độ tấn công cũng có thể được đánh giá cùng với thước đo về những đội chơi thiên về kiểm soát bóng. Cách để chúng ta xem xét điều này là nhìn vào số đường chuyền mà một đội thực hiện trong mỗi “chuỗi hành động” (sequence). Một con số thật lớn sẽ cho thấy một đội bóng có khuynh hướng thích kiểm soát bóng thật chắc, triển khai tấn công một cách rất kiên nhẫn. 
 
(Theo định nghĩa của Opta, “chuỗi hành động” (sequence) là chuỗi các pha bóng của một đội bóng, được kết thúc bằng một cú dứt điểm, một hành động phòng ngự của đối phương, hoặc một pha thổi phạt).
 
Nhìn chung, Anh là đội tuyển có tốc độ tấn công chậm nhất ở Euro 2020, phát triển bóng trung bình 0,91 mét/giây.
 
Phần lớn nguyên nhân là bởi sự miễn cưỡng của Southgate trong việc sử dụng tất cả các tài năng tấn công mà ông có. Nhưng cách tiếp cận hết sức thực dụng của nhà cầm quân người Anh mang mục đích ưu tiên đảm bảo cho Tam Sư một nền tảng vững chắc, và nó đã được “minh oan” khi đoàn quân của ông chỉ phải nhận thất bại trong loạt sút luân lưu của trận chung kết.
 
Ảnh: The Athletic
 
Trong khi đó, Hungary chính là đội có tốc độ tấn công nhanh nhất ở Euro 2020, được ghi nhận thống kê phát triển bóng hướng lên khung thành đối phương với tốc độ 1,7 mét/giây. Mặc dù khuynh hướng sử dụng những đường chuyền dài của họ –  17% trong tổng số đường chuyền của họ, đây là tỷ lệ cao nhất trong tất cả các ĐTQG – cuối cùng đã không phát huy tác dụng, nhưng lối chơi phòng ngự phản công mà họ sử dụng trước đội tuyển Đức nói riêng chắc chắn đã khiến rất nhiều người cảm thấy sốc nặng. 
 
Chính Đức đã chọn lối chơi thiên về hướng giữ bóng thật chắc, với Toni Kroos, Leon Goretzka và Ilkay Gundogan tìm cách kiểm soát mọi thứ ở trung tuyến. Các cầu thủ của  Joachim Low đã thực hiện trung bình 5,2 đường chuyền trong mỗi chuỗi hành động – cao nhất giải đấu, thậm chí còn vượt qua cả Tây Ban Nha (5,1). 
 

CÁC BÀN THẮNG ĐƯỢC GHI THẾ NÀO?

 
Chúng ta sẽ xem xét toàn bộ 24 ĐTQG để biết chính xác các kiểu ghi bàn đã diễn ra ở Euro 2020. 
 
Italy và Tây Ban Nha là hai đội ghi được nhiều bàn thắng nhất, cả hai đều có 13 bàn. Đan Mạch cũng đáng được ca ngợi, 12 bàn thắng mà ĐTQG này ghi được đã suýt nữa có thể đưa họ lọt vào trận chung kết. Ở chiều ngược lại, Scotland phải đến tận trận đấu vòng bảng cuối cùng của họ mới có thể ghi bàn. Nhìn chung toàn bộ 24 ĐTQG đều đã ghi được ít nhất 1 bàn thắng để các cổ động viên của họ được ăn mừng.
 
Như bạn có thể đoán trước, những bàn thắng đến từ các tình huống bóng sống chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số pha lập công, nhưng có một số thông tin rất thú vị sẽ xuất hiện. 
 
Ví dụ, CH Czech đã ghi 6 bàn thắng của họ theo một cách đa dạng nhất so với bất kỳ ĐTQG nào khác ở Euro 2020 – từ bóng sống, từ một pha phạt góc, từ một tình huống đá phạt gián tiếp, từ một pha phản công và từ một quả penalty.
 
Trong khi đó, Xứ Wales là ĐTQG duy nhất ghi được nhiều bàn thắng từ bóng chết hơn là bóng sống.

Ảnh: The Athletic
 
Bàn mở tỷ số của Damsgaard trước đội tuyển Anh đồng nghĩa với việc Đan Mạch là đội bóng duy nhất ghi bàn từ một pha đá phạt trực tiếp. Chỉ có duy nhất 1 bàn được ghi sau 41 pha đá phạt trực tiếp có nghĩa là chúng ta đã kết thúc Euro 2020 với tỷ lệ chuyển hóa sút phạt thành bàn thắng chỉ 2,4%. Thực hiện một phép so sánh, tỷ lệ chuyển hóa những pha sút phạt trực tiếp thành bàn thắng ở Premier League vào mùa giải trước là 3,6%, vậy nên không quá bất ngờ khi chúng ta không nhìn thấy nhiều bàn thắng được ghi theo cách đó trong mùa hè này. 
 
Cuối cùng, Bồ Đào Nha chính là đội bóng ghi được nhiều bàn thắng từ các quả penalty nhất (không tính các loạt sút luân lưu), khi Cristiano Ronaldo đã thực hiện thành công cả 3 cơ hội mà họ nhận được trên chấm phạt đền.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.