Tại Bayern Munich, Pep Guardiola hoán đổi vị trí rất nhiều cầu thủ. Giống như với Javier Mascherano tại Barca, ông sử dụng Javi Martinez ở Bayern trong vai trò trung vệ. Ông biến tiền vệ Joshua Kimmich thành hậu vệ, và những hậu vệ biên như Juan Bernat, Rafinha, Philipp Lahm, Rafinha và David Alaba chơi thiên về trung tâm, đặc biệt là hai cái tên sau.
Trong quãng thời gian dẫn dắt Bayern Munich, Guardiola có cặp đôi hậu vệ biên hay bậc nhất thế giới: Lahm bên cánh phải và Alaba bên trái. Cả hai đều có khả năng thực hiện những nhiệm vụ của các hậu vệ cánh thông thường (phòng ngự ở biên và dâng cao, chồng cánh để cho phép Arjen Robben cũng như Franck Ribery bó vào trong). Song, năng lực của họ không chỉ giới hạn như vậy.
Nói thêm một chút thì trong những năm còn ở đội trẻ, họ đều là tiền vệ trung tâm. Có thể nói nếu ở bất cứ CLB nào khác ở Bundesliga, họ đều có thể là tiền vệ trung tâm. Nhưng với việc Bayern có nhiều tài năng ở vị trí đó, cả hai đều được biến thành hậu vệ cánh. Song, sự nhạy bén về chiến thuật của cả hai giúp Pep Guardiola có cơ sở để thực hiện những sáng tạo.
Cấu trúc đội hình của Guardiola phụ thuộc vào những quy tắc phức hợp của ông về lối chơi định hướng vị trí, trong đó bao gồm việc chia sân bóng thành các ô và tránh quá nhiều cầu thủ đứng cùng một hàng với nhau (kể cả chiều ngang hay dọc) trong giai đoạn kiểm soát bóng. Điều đó là để ngăn chặn những đường chuyền ngang dễ đoán, cho phép các cầu thủ có mặt ở gần như toàn sân để sẵn sàng lao vào áp sát nếu mất bóng.
Có một nguyên tắc vàng ở đây là hậu vệ biên và tiền đạo cánh không bao giờ được đứng cùng một hàng dọc. Điều đó có nghĩa là khi hậu vệ biên dâng lên, tiền đạo cánh sẽ bó vào. Nhưng Guardiola không theo ý tưởng này.
Giống như hầu hết những ý tưởng chiến thuật của ông ở Đức, việc này xuất phát từ việc Guardiola kiên quyết chặn đứng các đợt phản công của đối thủ. Trong bóng đá hiện đại, việc kéo cả hai hậu vệ biên dâng lên tuyến cuối cùng của hàng phòng ngự đối phương và kéo độ dài đội hình đã trở nên phổ biến. Nhưng điều này sẽ trở thành thảm hoạ nếu mất bóng. Do đó, thay vì đẩy hậu vệ biên dâng cao và chồng biên, Guardiola yêu cầu họ bó vào trong thành những tiền vệ trung tâm khi kiểm soát bóng, hoạt động ở hai bên của tiền vệ trụ. Do đó, nếu mất quyền kiểm soát bóng, 5 cầu thủ của Bayern Munich – 4 hậu vệ và 1 tiền vệ trụ - sẽ kết thành khối chặt chẽ, thu hẹp không gian của đối thủ.
Không CLB nào sở hữu cặp hậu vệ biên có thể đá như vậy ở thời điểm đó. Lahm và Alaba đều có thể thoải mái nhận bóng trong tư thế quay lưng lại khung thành đối thủ, một tình huống rất khác khi nhận bóng ở biên với góc nhìn khác trên sân. Đặc biệt, Bayern có truyền thống sản sinh ra những cầu thủ có thể vừa đá cả tiền vệ trung tâm lẫn hậu vệ trái.
Trong chiến thắng 1-0 của Bayern trước Inter vào tháng 2/2011, Louis van Gaal đã xếp Luiz Gustavo ở vị trí hậu vệ trái và Danijel Pranjic ở vị trí tiền vệ trung tâm, trước khi hoán đổi vị trí của họ vì những lý do chiến thuật không cụ thể chỉ sau 5 phút. Trước đó, trong giai đoạn từ 2002 đến 2009, Bayern có một Ze Roberto xuất sắc, một người nữa vừa có thể đá tiền vệ trụ lẫn hậu vệ trái. Sau khi chuyển đến Hamburg, Ze Roberto thỉnh thoảng đá hậu vệ trái trước khi được kéo vào trong đá tiền vệ trung tâm.
|
Lahm và Alaba là cặp hậu vệ cánh xuất sắc một thời của Bayern Munich. Ảnh: Getty Images |
Trở lại với Pep Guardiola, trước khi sử dụng Lahm và Alaba theo cách như vậy, ông đã xếp Lahm đá tiền vệ trong giai đoạn đầu mùa giải đầu tiên của ông ở Đức. Đây là điều rất lạ lẫm vào thời điểm ấy bởi trong suốt cả một thập kỷ đến giai đoạn đó, Lahm đã đá cả hai cánh của vị trí hậu vệ biên nhưng chưa bao giờ chơi ở trung tâm.
Nhưng trong giai đoạn trước mùa giải 2013/2014, có lúc ông xếp Lahm đá “số 8” – liên quan đến việc dâng lên lùi xuống trên sân - nhưng ở trận tranh Siêu cúp nước Đức gặp Dortmund, ông lại kéo đội trưởng Bayern xuống vị trí “số 6” – liên quan nhiều hơn đến kỷ luật vị trí và trách nhiệm trong việc chuyển đổi trạng thái. Từ cánh chuyển sang đá ở trung tâm là một thay đổi lớn, nhưng Guardiola không ngần ngại gọi đội trưởng Bayern là “cầu thủ thông minh nhất ông từng huấn luyện”.
Có thể nói trong sự nghiệp Lahm đã được thử nghiệm nhiều vai trò. Trong cuộc chạm trán đầu tiên của Guardiola với Dortmund của Jurgen Klopp, anh được xếp đá tiền vệ phòng ngự, tiền vệ con thoi và sau đó là hậu vệ phải chỉ trong một trận đấu đó. Anh là một cầu thủ đa năng, vừa có khả năng dâng cao chồng biên lẫn điều tiết lối chơi từ trung lộ.
Trong khi đó, vai trò của Alaba lại khác. Dù trong giai đoạn trước, suốt một thời gian dài anh thường đá như một tiền vệ đúng nghĩa cho ĐT Áo, nhưng ở Bayern trong mùa giải đầu của Guardiola, anh vẫn được xếp đá hậu vệ trái. Nhưng dần dần, anh không chồng biên nhiều như dưới thời Jupp Heynckes mà thay vào đó bó vào giữa khi Bayern kiểm soát bóng. Khi kéo tiền đạo/tiền vệ cánh phải của đối thủ theo mình, anh đã mở ra không gian cho Franck Ribery lùi xuống và cầm bóng khi cố gắng tránh khỏi hậu vệ phải đối thủ.
Guardiola càng ngày càng sử dụng phương án này nhiều hơn khi mùa giải đó trôi qua. Lahm đôi khi được xếp đá ở một vị trí tích hợp mà có thể tạm gọi là “half-back” – một vị trí kết hợp giữa hậu vệ phải và tiền vệ trung tâm lệch phải.
Bắt đầu từ chiến thắng Schalke với tỷ số 4-0 vào tháng 9/2013, cặp hậu vệ biên của Bayern được xem là một phần của hàng tiền vệ thay vì hậu vệ. Theo đó, Lahm là tiền vệ trụ còn Alaba và Rafinha ở hai bên, đội hình lúc này là 2-3-4-1. Alaba và Rafinha được cho phép bó vào giữa khi cần thiết và cũng có thể chồng biên nếu cần.
Nhưng phiên bản cực đoan nhất của hệ thống này là chiến thắng 3-1 trước Manchester United ở tứ kết Champions League. Guardiola không hài lòng với cấu trúc đội hình của ông ở vòng trước đó khi họ phơi bày nhiều khoảng trống để Arsenal phản công, do đó Alaba và Lahm ít được phép tự do hơn. Chính vì thế họ bó vào giữa để thành hai điểm cạnh của tứ giác, Toni Kroos đá thấp nhất và Mario Gotze ở đỉnh. Ribery và Robben sẽ bao quát hai cánh còn Thomas Muller và Mario Mandzukic chơi ở hàng tiền đạo.
|
Pep Guardiola từng nói Lahm là cầu thủ thông minh nhất ông huấn luyện. Ảnh: Getty Images |
Đó là một hệ thống kỳ lạ bởi Guardiola tuyên bố đội bóng của ông chơi với sơ đồ 2-3-3-2 khi đội hình xuất phát được tiết lộ. Và hệ thống đó đã vận hành hoàn hảo, Bayern luân chuyển bóng rất tốt ở trung lộ, dù thiếu cả Thiago Alcantara và Bastian Schweinsteiger, và hai tiền đạo cánh của họ có nhiều không gian ở cánh hơn.
Thực tế, màn trình diễn của Bayern vẫn có chút chuệch choạc và hiệu quả hơn khi Rafinha thay Gotze, Lahm chơi cố định hơn ở hàng tiền vệ. Với hệ thống này, Bayern gần như chiếm ưu thế áp đảo trong trận đấu và ngăn chặn được hầu hết các cuộc phản công của Man United. Theo cây bút Marti Penarnau – người đã viết cuốn sách về mùa giải đầu tiên của Pep Guardiola ở Bayern Munich – chiến lược gia người Tây Ban Nha đã ăn mừng thắng lợi bằng một chai sâm panh bởi ông đã giành chiến thắng từ một hệ thống khác thường. Ông vui vì hệ thống đó đã phát huy hiệu quả và tạo ra một vị trí mới cho một số cầu thủ trong đội mà không làm giảm giá trị của họ.
“Quan niệm của tôi về vị trí hậu vệ cánh đã thay đổi ở Đức. Tôi không còn nghĩ họ như những cầu thủ chạy cánh (wing-back) có nhiệm vụ chồng biên mà thay vào đó là những tiền vệ trung tâm. Và điều này sẽ giúp tôi phát triển những tiền vệ trung tâm – những mẫu cầu thủ khác so với những người tôi từng có trước đây”.
Đó chính là cách mà Pep Guardiola đáp trả lại những miếng phản công nhanh vốn là chủ đạo ở Bundesliga (ông từng nói đội bóng nào ở Đức cũng có thể phản công trước khi bạn kịp thở). Dù vậy, ý tưởng này của Guardiola vấp phải không ít ý kiến trái chiều, một trong số đó là từ Jupp Heynckes – người đã giúp Bayern Munich giành cú ăn ba mùa giải 2012/2013. Ông nói: “Người Đức sẽ khó mà hiểu được ý tưởng này vì nó khiến 2 trung vệ bị cô lập khi mà cặp hậu vệ biên lại đá ngang Kroos. Điều đó khiến bóng đá Đức hơi sốc một chút”.
Cuốn “Zonal Marking: From Ajax to Zidane, the Making of Modern Soccer” | Michael Cox.